COVID-19 tới 6h sáng 22/4: Thế giới vượt 144 triệu ca bệnh; Ấn Độ có ca mắc và tử vong mới cao kỷ lục
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 852.000 ca bệnh COVID-19 và trên 13.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 144 triệu ca, trong đó trên 3,07 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (315.728 ca), Brazil (71.910 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (61.967 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (2.945 ca), Ấn Độ (2.102 ca) và Mỹ (784 ca).
Châu Á
Số ca nhiễm và tử vong mới tại Ấn Độ cao nhất từ trước đến nay
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 10/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 315.728 ca mắc COVID-19 và 2.102 trường hợp tử vong. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên đến trên 15,9 triệu người.
Trong 24 giờ qua, vùng thủ đô Delhi tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục (28.395 ca) và 277 ca tử vong. Do số ca bệnh tăng đột biến, cơ sở hạ tầng y tế của Delhi đang trên bờ vực sụp đổ. Thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh, thuốc men và bình oxy trầm trọng. Đặc biệt, việc thiếu oxy ở Delhi đang rất nghiêm nghiêm trọng khi một số bệnh viện hàng đầu sẽ hết oxy chỉ trong vài giờ nếu không được bổ sung kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 20/4, bang Telangana đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm cho đến ngày 1/5 trong khi bang Karnataka công bố lệnh giới nghiêm cuối tuần và phong tỏa vào ban đêm. Thủ hiến bang Maharashtra – nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, ông Uddhav Thackeray dự kiến sẽ ban bố lệnh phong tỏa toàn diện kéo dài 2 tuần tại bang này từ tối 21/4.
Trong khi đó, phát biểu trong một cuộc họp tối 20/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề nghị chính quyền các bang coi lệnh phong tỏa là giải pháp cuối cùng và tập trung vào việc thiết lập các khu vực phong tỏa quy mô nhỏ.
Giữa lúc một biến thể đột biến kép của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang lây lan khắp Ấn Độ, các chuyên gia di truyền học đã thông báo về một biến thể virus SARS-CoV-2 khác với 3 đột biến, được đặt tên là B.1.618, có khả năng cao “lẩn tránh” hệ miễn dịch. Biến thể này được cho là đang khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn ở bang Tây Bengal và lây lan rất nhanh.
Làn sóng các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng tại Ấn Độ được cho là do phiên bản đột biến kép B.1.617 gây ra.
Nhật Bản có thể tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở 3 tỉnh, thành
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và hai tỉnh phía Tây gồm Osaka và Hyogo.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ tham vấn với các bộ trưởng trong nội các và có thể đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ vào ngày 22/4. Tình trạng khẩn cấp lần này có thể sẽ kéo dài trong 3 tuần.
Video đang HOT
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã hai lần ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở ba tỉnh, thành này trong tháng 4/2020 và tháng 1/2021.
Trong thời gian gần đây, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại ở Nhật Bản. Ngày 21/4, nước này ghi nhận thêm 4.342 ca nhiễm mới, trong đó riêng Osaka có 1.153 ca và Tokyo 711 ca. Đáng chú ý, số ca nguy kịch ở Osaka đã tăng cao kỷ lục lên 317 ca, khiến hệ thống y tế tỉnh này trở nên căng thẳng và buộc tỉnh phải huy động 60 giường dành cho các bệnh nhân nhẹ và vừa để chữa trị cho các bệnh nhân nguy kịch.
Trong bối cảnh đó, chính quyền tỉnh Osaka đã đề nghị chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp ở đây. Chính quyền thủ đô Tokyo và tỉnh Hyogo có thể sẽ đưa ra các đề nghị tương tự trong ngày 21/4. Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp được ban bố, chính quyền Osaka dự kiến sẽ yêu cầu các trung tâm mua sắm và các công viên chủ đề tạm thời đóng cửa để hạn chế sự di chuyển của người dân.
Hàn Quốc kêu gọi dân tin tưởng biện pháp chống dịch
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Quyền Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki đề nghị người dân nước này đặt niềm tin vào chiến lược đối phó với dịch COVID-19 của chính phủ trong bối cảnh số ca nhiễm mới hằng ngày có xu hướng gia tăng và xuất hiện những quan ngại về khả năng đảm bảo nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 của chính phủ.
Quyền Thủ tướng Hong Nam-ki dẫn chứng rằng nguồn lực đảm bảo cho chiến dịch tổng thể đối phó với dịch COVID-19 chẳng hạn như số lượng giường bệnh chăm sóc đặc biệt, tương đối tốt hơn so với thời điểm cuối tháng 12 năm ngoái và số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 vẫn ở mức một con số nhờ sử dụng các sản phẩm điều trị COVID-19 được sản xuất trong nước. Ông cũng cho biết chính phủ cam kết hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 3 triệu người vào cuối tháng này và 12 triệu người trong nửa đầu năm nay. Theo đó, nhà chức trách sẽ tăng số lượng trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc từ 175 lên 204 từ ngày 22/4 và sẽ tăng lên 264 trung tâm vào cuối tháng 4.
Phát biểu của ông Hong Nam-ki được đưa ra trong bối cảnh chính phủ đang chịu nhiều áp lực chỉ trích về tiến độ triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia diễn ra chậm và nguồn cung vaccine bị trì hoãn trên quy mô toàn cầu.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hàn Quốc ngày 21/4 ghi nhận 731 ca nhiễm mới, trong đó có 692 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 115.926 ca.
Châu Âu: Nhiều nước dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch
Nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp, Phần Lan, Hy Lạp nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch COVID-19.
Hành khách xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Roissy Charles-de-Gaulle ở Paris, Pháp, ngày 1/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nguồn tin từ Phủ Tổng thống Pháp ngày 21/4 cho biết chính phủ nước này có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế đi lại và nới lỏng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ ngày 2/5, dựa trên hy vọng số ca nhiễm mới theo ngày sẽ sớm bắt đầu giảm. Theo nguồn tin trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng dự định vào giữa tháng 5 sẽ cho phép các hàng ăn mở cửa đón khách ở khu vực ngoài trời cũng như cho phép mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, nhà hát và bảo tàng với điều kiện giảm năng lực đón khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không kinh doanh thực phẩm cũng sẽ được phép mở cửa trở lại từ thời điểm này.
Nguồn tin trên cũng cho biết từ ngày 2/5 tới, người dân sẽ được nới lỏng quy định hiện nay chỉ được phép ra khỏi nhà trong phạm vi 10 km và thực hiện lệnh giới nghiêm từ 19h00. Học sinh mẫu giáo và tiểu học dự kiến sẽ đi học trở lại vào ngày 26/4, trong khi học sinh lớn hơn sẽ đi học từ ngày 3/5.
Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận thêm 34.968 ca mắc COVID-19 và 313 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 5.374.288 và 101.881.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên y tế tại Helsinki, Phần Lan ngày 27/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, nhà chức trách Phần Lan cho biết nước này có thể bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp và hoạt động của giới trẻ từ tuần tới, tuy nhiên vẫn đóng cửa biên giới ít nhất là trong vài tháng.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp có thể được đưa ra trong tuần tới “nếu tình hình tiếp tục được cải thiện”. Bà cũng cảnh báo đại dịch vẫn diễn biến xấu ở nhiều nước châu Âu và điều tương tự có thể xảy ra ở Phần Lan nếu nước này lơ là cảnh giác.
Văn phòng Thủ tướng Phần Lan đã công bố lộ trình mở cửa lại đất nước từ nay đến tháng 8. Theo đó, các hạn chế về hoạt động thể thao và giải trí của thanh niên sẽ dần được dỡ bỏ từ tháng 4. Các thư viện và bảo tàng sẽ mở cửa trở lại trong tháng 5 tới. Lệnh cấm tụ tập từ 10 người trở lên trong các sự kiện ngoài trời sẽ được dỡ bỏ trong tháng 7 và các sự kiện tổ chức trong nhà có thể bắt đầu từ tháng 8.
Trong khi đó, tại Hy Lạp, Ngoại trưởng George Gerapetritis cho biết nước này sẽ cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại từ đầu tháng sau. Ngay trong tháng này, Chính phủ Hy Lạp đã bắt đầu phân phát một số lượng lớn bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà và đặt mục tiêu mở lại các trường phổ thông trung học và một số dịch vụ trước khi bắt đầu mùa du lịch vào ngày 14/5.
Trong 24 giờ qua, Hy Lạp ghi nhận 3.010 ca mắc mới COVID-19 và 86 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 323.639 và 9.713.
Châu Mỹ
Cuba ghi nhận trên 1.000 ca mắc/ngày
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại La Habana, Cuba, ngày 6/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ qua, Cuba có thêm 1.006 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARs-CoV-2 tại nước này lên tới 96.760 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc đảo này cũng đã tăng lên 547 ca, sau khi ghi nhận 9 ca tử vong mới.
Theo nhận định của Giám đốc Viện vệ sinh dịch tễ Cuba, Francisco Duran, những con số trên phản ánh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng phức tạp tại Cuba. Ông đặc biệt bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh tại một số khu vực nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao, trong đó có thủ đô La Habana, nơi ghi nhận 544 ca nhiễm/ngày và tỷ lệ lây nhiễm hiện lên tới 365,5/100.000 người.
Cuba đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới kể từ tháng 1/2021. Trước tình hình này, Cuba đã quy định đóng cửa toàn bộ khu vực công cộng, hạn chế đi lại và yêu cầu người nhập cảnh tiến hành xét nghiệm và cách ly.
Argentina trở thành nước Mỹ Latinh đầu tiên sản xuất vaccine Sputnik V của Nga
Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) thông báo đã ký thỏa thuận với tập đoàn dược Richmond của Argentina về việc chuyển giao công nghệ để sản xuất đại trà vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga tại quốc gia Nam Mỹ này.
Giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev cho biết, với thỏa thuận này, Argentina trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh sản xuất vaccine Sputnik V. Hiện nay, vaccine Sputnik V đã được cấp phép sử dụng ở 10 nước Mỹ Latinh và Caribe và việc sản xuất loại vaccine này ở Argentina sẽ tạo thuận lợi cho khâu bàn giao sản phẩm cho các đối tác của Nga ở khu vực.
Theo thông báo, tập đoàn dược phẩm Richmond đã sản xuất thử nghiệm lô hàng đầu tiên gồm 21.000 liều và đã được chuyển tới kiểm tra chất lượng tại Trung tâm nghiên cứu vi sinh vật và dịch tễ học Gamaleya của Nga, nơi nghiên cứu bào chế loại vaccine này. Chủ tịch tập đoàn Richmond, ông Marcelo Figueiras cho biết đơn vị này sẽ bắt đầu sản xuất đại trà vaccine Sputnik V từ tháng 6 tới với công suất dự kiến khoảng 1 triệu liều/tháng trong năm đầu tiên cho tới khi khánh thành một nhà máy mới, nơi có thể đạt công suất lên tới 5 triệu liều/tháng.
Biên giới Canada-Mỹ tiếp tục đóng cửa với hoạt động đi lại không thiết yếu
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại Toronto, Canada, ngày 16/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thỏa thuận giữa Canada và Mỹ về việc hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu giữa biên giới chung hai nước đã được gia hạn thêm một tháng đến ngày 21/5/2021, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch COVID-19 có xu hướng trầm trọng ở Canada.
Bộ trưởng An ninh Công cộng Canada Bill Blair ngày 20/4 thông báo trên Twitter: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra quyết định dựa trên những chỉ dẫn về y tế công cộng để đảm bảo người dân Canada được an toàn trước COVID-19″.
Thỏa thuận trên được Mỹ và Canada nhất trí từ tháng 3/2020 và đã được gia hạn hàng tháng sau đó. Người lao động làm việc trong lĩnh vực thiết yếu như tài xế xe tải và nhà cung cấp dịch vụ khẩn cấp được miễn các hạn chế này.
Cũng trong ngày 20/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này không đi du lịch tới Canada do dịch bệnh đang tăng mạnh ở quốc gia láng giềng. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã đưa Canada vào danh sách cảnh báo đi lại cấp độ 4 – cấp độ cảnh báo cao nhất của Mỹ đối với việc du lịch đến một quốc gia.
Tính từ đầu đại dịch, Canada ghi nhận 1.144.902 ca mắc COVID-19, trong đó 23.756 trường hợp đã tử vong. Theo Cơ quan y tế công cộng Canada, trong thời gian từ ngày 13-19/4/2021, trung bình mỗi ngày nước này có thêm 8.680 ca mắc COVID-19, tăng 7% so với 7 ngày trước đó. Trong hơn hai tuần qua, số ca mắc COVID-19 tính trung bình trên 1 triệu dân tại Canada đã cao hơn mức tại Mỹ.
Mỹ đạt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 21/4, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới của nỗ lực tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 khi quốc gia này đã đạt 200 triệu lượt tiêm chủng vào cuối ngày, sớm hơn mục tiêu đề ra vào cuối tháng Tư.
Theo Tổng thống Joe Biden, nỗ lực tiêm chủng trong ba tháng đầu tiên của chính quyền chủ yếu tập trung vào các đối tượng là người cao tuổi và nhân viên y tế, tuy nhiên điều này đã thay đổi. Tính tới ngày 22/4, khoảng 80% người dân trên 65 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine và tất cả người dân trên 16 tuổi hiện đã đủ điều kiện để được tiêm vaccine.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng cảnh báo người dân không nên chủ quan với kết quả đạt được hiện nay, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi mà nghĩ rằng họ không cần phải tiêm phòng bởi ông cho biết vẫn có hàng trăm người dân Mỹ vẫn bị thiệt mạng mỗi ngày vì COVID-19. Chính vì vậy, người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và đi tiêm phòng. Theo Tổng thống Biden, có hai lý do để tiêm vaccine chính là để cứu bản thân và bảo vệ cộng đồng của mình. Tổng thống Biden cũng kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ cho phép nhân viên nghỉ việc để đi tiêm phòng và thông báo khởi động một khoản tín dụng thuế mới để các doanh nghiệp có thể được hoàn trả chi phí cho ngày nghỉ được trả lương đó.
Trung Quốc phủ nhận việc đạt được phương án rút quân khỏi khu vực tranh chấp với Ấn Độ
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng, việc báo chí Ấn Độ dựa vào kết quả của vòng đàm phán lần này để đưa ra cái gọi là phương án rút quân giữa hai bên là thông tin không chính xác.
Theo Thời báo Hoàn cầu, việc báo chí Ấn Độ công bố về phương án rút quân giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới tranh chấp là không chính xác, đồng thời khẳng định thông tin này hoàn toàn không có lợi cho các mục tiêu theo từng bước mà hai bên đặt ra.
Khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: CNN.
Theo Thời báo Hoàn cầu, vòng đàm phán thứ 8 cấp Tư lệnh quân đoàn giữa Trung Quốc và Ấn Độ hôm 6/11 đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở, hai bên đã trao đổi về các biện pháp nhằm hạn chế gia tăng căng thẳng tại khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, việc báo chí Ấn Độ dựa vào kết quả của vòng đàm phán lần này để đưa ra cái gọi là phương án rút quân giữa hai bên là thông tin không chính xác.
Ông Tiền Phong - giảng viên Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Thanh Hoa cho rằng, việc báo chí Ấn Độ đưa ra phương án rút quân giữa hai bên hoàn toàn là suy diễn mang tính dự đoán qua kết quả các vòng đàm phán giữa hai bên, ở mức độ nào đó đã thể hiện mong muốn riêng của phía Ấn Độ. Ông Tiền Phong nhấn mạnh, phương án mà phía Ấn Độ công bố không phải là kết quả đàm phán giữa hai bên hiện nay, đồng thời đây cũng không phải là phương án cuối cùng. Qua các vòng đàm phán hai bên vẫn đang trao đổi về việc rút quân bắt đầu từ bờ bắc hay bờ nam hồ Pangong, rút như thế nào và rút bao nhiêu quân.
Trước đó, hôm qua (11/11), báo chí Ấn Độ cho biết Ấn Độ và Trung Quốc về cơ bản đã nhất trí về một quá trình rút quân và phương tiện vũ khí gồm 3 bước tại tất cả các điểm nóng tranh chấp ở Đông Ladakh, mở ra triển vọng chấm dứt cục diện căng thẳng giữa hai bên tại đây hơn 6 tháng qua. Tuy nhiên, với những khẳng định từ phía Trung Quốc, nhiều khả năng cục diện đối đầu giữa hai bên sẽ chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều, trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông tại đây là yếu tố mà hai bên đang cân nhắc nhằm bảo vệ sức khỏe cho binh lính nước mình. Được biết, vòng đàm phán thứ 9 cấp Tư lệnh quân đoàn giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra trong vài ngày tới sẽ tiếp tục tập trung thảo luận về vấn đề rút quân và giảm căng thẳng giữa hai bên./.
Học giả Ấn Độ đánh giá về khả năng New Delhi trở lại RCEP Giáo sư, Tiến sĩ Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp, thành viên Ban điều hành Hội đồng Các vấn đề thế giới Ấn Độ (ICWA) có trụ sở tại New Delhi, đánh giá khả năng Ấn Độ quay trở lại Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là không cao. Giáo sư Rajaram Panda, nghiên cứu viên tại...