Covid-19: Sinh viên Lào trở lại Hà Tĩnh, học online ở khu cách ly tập trung
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai kịp thời việc tiếp nhận sinh viên Lào trở lại địa bàn học tập gắn với thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Thông tin UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 12/6, Chủ tịch tỉnh này vừa có công văn yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Lào nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để nhập học.
Sở Giao thông Vận tải bố trí phương tiện vận chuyển sinh viên Lào từ cửa khẩu quốc tế Cầu Treo về địa điểm cách ly tập trung dành cho sinh viên Lào.
Cán bộ y tế Trường Đại học Hà Tĩnh thực hiện đo thân nhiệt cho sinh viên Lào trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tổ chức cách ly sinh viên Lào theo nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 2786/UBND-VXi ngày 5/5/2020 của UBND tỉnh;
Phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh bố trí đường truyền Internet tại địa điểm cách ly đảm bảo cho lưu học sinh tham gia học online theo chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đề nghị của Lào về việc miễn hoặc giảm phần kinh phí thực hiện cách ly y tế đối với sinh viên Lào.
Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã có khoảng hơn 800 sinh viên Lào thuộc 3 trường: Đại học Hà Tĩnh, Cao đẳng Nghề Việt Đức, Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đã trở về nước trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19.
TS. Đoàn Hoài Sơn, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh xác nhận với Dân trí, có hơn 700 sinh viên của nhà trường trở về nước, hiện đang chờ sự cho phép của cơ quan chức năng phía Việt Nam để quay trở lại trường.
Video đang HOT
Toàn bộ số sinh viên này được cách ly chặt chẽ theo quy định phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Lào.
“Trong thời gian về nước, các em sinh viên nước bạn Lào được cách ly, vẫn tham gia học online theo chương trình đào tạo của nhà trường. Hiện chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón các em quay trở lại trường khi Chính phủ, tỉnh cho phép” – ông Sơn cho biết.
Cựu sinh viên Lào của Đại học Hà Tĩnh tìm được việc làm mơ ước ở Viêng Chăn
Trúng tuyển vào các vị trí quan trọng ở những công ty hàng đầu tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), các cựu sinh viên Đại học Hà Tĩnh luôn hướng về Hà Tĩnh với lòng biết ơn sâu sắc.
Một góc Trường Đại học Hà Tĩnh
Tháng 6, khi hoa phượng nở rực khắp các sân trường Hà Tĩnh cũng là lúc E Xay Nhả Xán (SN 1995), nhân viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Wattay (Viêng Chăn - Lào) bồi hồi nhớ về Hà Tĩnh. Nơi anh có 5 năm sinh sống và học tập.
E Xay tâm sự: "Thời gian đó luôn là những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Bởi với tôi, Trường Đại học Hà Tĩnh là nơi chắp cánh cho ước mơ và mảnh đất, con người Hà Tĩnh lưu giữ trong tôi những kỷ niệm thanh xuân đẹp đẽ nhất.
Đặc biệt, tôi sẽ không bao giờ quên những ân tình, kiến thức mà thầy cô tại Trường Đại học Hà Tĩnh truyền lại, để tôi được thành công như ngày hôm nay...".
E Xay - cựu sinh viên ngành ngôn ngữ Anh (Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC
E Xay sinh ra tại tỉnh Bôlykhămxay (Lào). Năm 2013, E Xay sang Hà Tĩnh. Sau 1 năm học tiếng Việt, năm 2014, anh bắt đầu vào học ngành ngôn ngữ Anh (Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hà Tĩnh). Năm 2018, sau khi tốt nghiệp, E Xay trở về Lào để tìm công việc.
Vượt qua nhiều đối thủ trong cuộc thi tuyển nhân viên gắt gao của Hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Wattay (Viêng Chăn- Lào), E Xay đỗ vào vị trí Ground Staff (nhân viên mặt đất). Công việc của E Xay không chỉ là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ Lào mà còn của cả sinh viên Việt Nam.
Xa Hà Tĩnh 2 năm và thực hiện thành công ước mơ của mình, E Xay vẫn thường xuyên liên lạc với thầy cô và bạn bè ở Hà Tĩnh để hỏi thăm tình hình.
Xay Vong (thứ 2 bên phải sang) cùng các bạn sinh viên Lào, K7 ngành ngôn ngữ Anh trong lễ tốt nghiệp tháng 6/2018. Ảnh: NVCC
Xay Vong Phong Ya Hack (27 tuổi, sinh ra tại Bôlykhămxay), tốt nghiệp khóa 7 (2014-2018), ngành ngôn ngữ Anh (Khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Hà Tĩnh). Nhờ năng lực chuyên ngành tốt, chỉ sau 2 năm, anh đã được tin tưởng cất nhắc lên chức vụ quản lý tại một công ty chuyên về cung cấp visa và dịch vụ dịch thuật tại Thủ đô Viêng Chăn.
Xay Vong cho biết: "Nhờ những kiến thức được đào tạo tại Trường Đại học Hà Tĩnh, tôi đã tìm được một công việc ổn định và đúng chuyên môn. Công ty SnP Visa and Translation Services tôi đang làm việc là một trong số ít công ty chuyên về cung cấp visa và dịch thuật lớn nhất ở Thủ đô Viêng Chăn".
Xay Vong đã lên kế hoạch đưa cả gia đình 6 người sang thăm Hà Tĩnh vào đầu năm 2021 (ảnh: NVCC).
Xay Vong nhớ lại: "Một trong những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là trận bão năm 2013. Đó là ngày đầu tiên tôi đến Hà Tĩnh và cũng là cơn bão đầu tiên trong đời mà tôi chứng kiến. Ngoài những trận gió khủng khiếp, nước ngập khắp nơi trong thành phố thì điều khiến tôi nhớ mãi đó là tình cảm của người dân Hà Tĩnh dành cho nhau và cho chúng tôi trong hoạn nạn".
Theo Xay Vong, chính sau trận bão "đầu đời" đó, anh mới thực sự cảm nhận được sự thân thương của miền quê này sau những gì được nghe trước đó qua các kênh thông tin. Trong 5 năm sinh sống và học tập tại Hà Tĩnh, Xay Vong cũng kịp đi thăm thú và khám phá về các danh lam, thắng cảnh, như: biển Thiên Cầm, chùa Hương Tích... .
Trong quãng thời gian học tập, các cựu sinh viên Lào cũng tranh thủ du lịch khám phá quê hương Hà Tĩnh. (Trong ảnh: Nhóm sinh viên Lào tham quan biển Thiên Cầm).
Với Tom Phan Thả Vông Sa, (25 tuổi), hiện đang làm nhân viên biên dịch, phiên dịch tại công ty phát hành phim quốc tế lớn nhất Thủ đô Viêng Chăn (Lào), thì tấm bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Hà Tĩnh) là chiếc "chìa khóa" để anh có vị trí làm việc như hiện tại.
Tom Phan cho biết: "Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi có nhiều lựa chọn để theo đuổi đam mê của mình là học tiếng Anh chuyên ngành. Nhưng tôi đã chọn Trường Đại học Hà Tĩnh vì 2 lý do: thứ nhất tôi tin tưởng vào năng lực đào tạo của trường, thứ 2 Bôlykhămxay quê tôi và Hà Tĩnh là 2 tỉnh kết nghĩa lâu năm. Tình cảm đó chúng tôi đã thường được nghe ông bà, bố mẹ và thầy cô nhắc đến rất nhiều từ khi còn nhỏ. Và cho đến bây giờ tôi nghĩ sự lựa chọn của mình hoàn toàn sáng suốt".
Với Tom Phan, thời gian học tập tại Hà Tĩnh giúp anh cảm nhận sâu sắc hơn tình hữu nghị Việt - Lào, đặc biệt là giữa Bôlykhămxay và Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC
Sinh ra từ những miền quê Lào, nhưng E Xay, Xay Vong và Tom Phan đều có quãng thời gian sinh sống và học tập tại Hà Tĩnh. Trong lòng mỗi người đều xem Hà Tĩnh như quê hương thứ 2 của mình. Bởi nơi đây, không chỉ lưu giữ thanh xuân mà còn chắp cánh cho thành công của họ hôm nay.
Nói về dự định tương lai, cả 3 đều mong muốn sẽ quay về Hà Tĩnh một ngày gần nhất để được thăm lại biển Thiên Cầm, Thạch Hải, ăn kẹo Cu Đơ, bánh bèo, trò chuyện với những người dân thân thiện đã gặp... Và đặc biệt, thăm lại trường cũ, gặp gỡ thầy cô Trường Đại học Hà Tĩnh để bày tỏ lòng biết ơn chân thành.
Riêng Xay Vong, anh đã lên kế hoạch đưa cả gia đình 6 người gồm ông bà, bố mẹ và em gái sang thăm Hà Tĩnh vào đầu năm 2021.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Hôm nay, các trường học duy trì việc dạy học bình thường Sáng nay 3/2, ngoài Đại học Hà Tĩnh và Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh cho học sinh nghỉ học 1 tuần (từ 3/2 đến 9/2) thì hơn 700 trường học trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì việc dạy học. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng đã thông báo nội dung này trong hội nghị trực tuyến...