Covid-19 sẽ kết thúc ở Mỹ như thế nào?
Theo chuyên gia, Mỹ phải đối mặt với thực tế sẽ có người chết vì nCoV, nhưng ở mức chấp nhận được, giống như các mầm bệnh theo mùa khác.
“Đất nước sẵn sàng chấp nhận độ rủi ro nhất định, đồng thời đưa cuộc sống trở lại bình thường. Có một thực tế ngày càng rõ rằng ta phải học cách chung sống với Covid-19″, Aaron Carroll, giáo sư Nhi khoa tại Trường Y thuộc Đại học Indiana, nói.
Vào cao điểm mùa cúm, gần 100 người Mỹ có thể tử vong vì virus cúm trong một ngày, theo bác sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco.
“Đó có thể là mức độ ta chấp nhận được trong trường hợp của Covid-19″, bà Gandhi cho biết.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 363 người Mỹ tử vong vì Covid-19 trong ngày 3/6, thấp hơn nhiều so với mức 3.000 người mỗi ngày vào giai đoạn cao điểm hồi tháng 1. Khi nhiều người được tiêm chủng hơn, số ca tử vong tiếp tục giảm xuống.
Các chuyên gia lưu ý nCoV có thể được kiểm soát hoàn toàn ở Mỹ nếu gần như toàn bộ người dân được tiêm chủng. Đó cũng là cách bệnh đậu mùa bị xóa sổ vào năm 1980.
Dịch bệnh suy yếu nhưng có sự khác nhau giữa các khu vực ở Mỹ.Ví dụ, San Francisco, California với gần 900.000 dân, không ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 nào suốt một tháng qua. Trong khi đó, tại Davidson ở Tennessee với 185.000 dân, 8 người đã chết vì Covid-19 trong vòng hai tuần.
Sự khác biệt chính là tỷ lệ tiêm chủng. Tại San Francisco, 78% dân số tuổi từ 12 trở lên đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, so với 47% ở Davidson. Một trong những nguyên nhân tỷ lệ tiêm tại đây thấp là do người dân từ chối chủng ngừa.
“Davidson thậm chí phải trả lại CDC số vaccine được phân bổ về địa phương. Điều đó làm chúng tôi đau lòng”, ông William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, chia sẻ.
Video đang HOT
Người đàn ông được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Miami hôm 8/5. Ảnh: WSJ.
Từ đại dịch thành bệnh đặc hữu
Đại dịch là hiện tượng một căn bệnh mới lan rộng trên quy mô toàn cầu. Dịch bệnh là tình trạng số ca mắc một loại bệnh bất ngờ tăng lên tại một khu vực nhất định. Một căn bệnh trở thành bệnh đặc hữu khi nó tồn tại giới hạn ở một khu vực hoặc một nhóm dân cư.
Covid-19 hiện đang trên đà trở thành bệnh đặc hữu ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao. Đại dịch sẽ chấm dứt khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 kết thúc.
Tuy nhiên, WHO sẽ không ra tuyên bố sớm, ít nhất là trong vài tháng, thậm chí vài năm nữa khi có đủ số người được tiêm chủng. Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Uganda, Colombia… khiến hàng nghìn người chết mỗi ngày.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng 70% dân số sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine cho đến lễ Độc lập 4/7 và tỷ lệ lây nhiễm đủ thấp để tuyên bố Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu. Khi đó, người Mỹ sẽ chia thành hai nhóm – đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng.
Tháng 5, Thống đốc Colorado Jared Polis nói: “Đại dịch đã qua đi đối với người tiêm phòng đầy đủ”. Về phần những người chưa tiêm, đại dịch vẫn hiện hữu. Nếu họ mắc bệnh, “nguy cơ bệnh trở nặng hay tử vong vì Covid-19 vẫn cao như hiện nay”, ông Schaffner nhận xét.
Tại nhiều khu vực, Covid-19 sẽ dần lắng xuống, nhưng vẫn bùng phát ở những nơi khác, theo bác sĩ Robert Wachter, trưởng khoa Y, Đại học California. Điều khó lường trước là nguy cơ xuất hiện những biến thể mới có thể làm giảm tác dụng của vaccine, khiến người dân phải tiêm bổ sung.
“Giả sử biến thể kháng vaccine không xuất hiện, tôi dự đoán sẽ có những đợt bùng phát nhẹ, có lẽ vào mùa đông ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp”, ông Wachter cho biết.
Song, điều này không chắc chắn vì nCoV là virus mới. Tới nay, vẫn chưa có đủ dữ liệu để trả lời những câu hỏi nhức nhối như miễn dịch tạo ra nhờ vaccine hoặc do mắc Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu, theo Ajay Sethi, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Wisconsin.
Bà Gandhi cho rằng biến thể virus không phải là vấn đề lớn khi tỷ lệ tiêm chủng gia tăng. Tuy nhiên, chừng nào nCoV còn lây lan ở nhiều quốc gia khác, nó vẫn có cơ hội đột biến, dù Mỹ đẩy lùi dịch bệnh đến đâu.
“Covid-19 là lời nhắc nhở chúng ta cần quan tâm tới công bằng y tế. Dù không muốn, ta vẫn phải để tâm bởi tất cả chúng ta đều kết nối ở quy mô toàn cầu”, Anne Rimoin, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, cho biết.
Nếu vaccine hiện hành vẫn duy trì hiệu quả, việc tiêm nhắc lại có thể không cần thiết, hoặc nếu có cũng chỉ cần tiêm sau hai hoặc ba năm. Nhưng điều này có thể trở thành vấn đề, bởi có khả năng người dân sẽ sớm quên mất Covid-19 nguy hiểm tới mức nào, khiến họ không còn động lực để bảo vệ sức khỏe.
“Covid-19 sẽ phai mờ trong ký ức mọi người. Khi có đề nghị tiêm nhắc lại, không gì bảo đảm người dân sẽ tiêm vaccine”, ông Wachter nói.
Chuyên gia WHO đề nghị Mỹ chia sẻ thông tin tình báo nguồn gốc COVID-19
Một chuyên gia y tế của WHO đã kêu gọi Mỹ chia sẻ bất kỳ thông tin tình báo nào mà họ có về nguồn gốc dịch COVID-19 với tổ chức và cộng đồng khoa học.
Tuần trước, tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ các cơ quan tình báo Mỹ cho biết 3 nhân viên tại một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc bị ốm đến mức phải vào viện vào tháng 11/2019 với các triệu chứng giống như COVID-19.
Các lãnh đạo tình báo Mỹ sau đó nhấn mạnh họ không biết virus lây truyền ban đầu bằng cách nào, nhưng có hai giả thuyết: hoặc nó xuất hiện tự nhiên do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, hoặc đó là một tai nạn trong phòng thí nghiệm.
Viện Virus học Vũ Hán. (Ảnh: Getty)
Phát biểu với BBC Radio 4, Tiến sĩ Dale Fisher từ WHO cho biết giả thuyết về việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm "chưa được loại trừ", nhưng vẫn "chưa được xác minh". Ông Fisher là chủ tịch của Mạng lưới Cảnh báo và Ứng phó Dịch bệnh Toàn cầu - do WHO điều phối.
Ông kêu gọi MM chia sẻ bất kỳ thông tin tình báo nào mà họ có. " Tạp chí Phố Wall không thực sự là cách phù hợp để chia sẻ khoa học ".
Một cuộc điều tra thực địa của các chuyên gia WHO vào đầu năm nay đã kết luận rằng "cực kỳ khó xảy ra" khả năng đại dịch bắt đầu từ một sự cố trong phòng thí nghiệm. Nhưng các điều khoản tham chiếu (mô tả công việc) cho cuộc điều tra của họ, được Trung Quốc đồng ý, chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu nguồn gốc động vật của đợt bùng phát dịch.
Đến nay, giả thuyết được giới chuyên gia khoa học đồng thuận rộng rãi vẫn là COVID-19 đã lây sang người từ vật chủ động vật trong một sự cố tự nhiên. Tuy nhiên, một số chuyên gia kêu gọi xem xét thêm giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm - từng bị bác bỏ và bị xem là một thuyết âm mưu vốn được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ.
Đề cập đến chuyến thăm của WHO vào đầu năm nay, Fisher cho biết: "Chúng tôi tin rằng tất cả các nhân viên phòng thí nghiệm đã được xét nghiệm huyết thanh và tất cả các xét nghiệm kháng thể đó đều cho ra kết quả âm tính, và đó là một phần lý do tại sao rủi ro không được đánh giá đúng mức".
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết ông không tin rằng báo cáo ban đầu của cuộc điều tra là đủ chi tiết và kêu gọi nghiên cứu thêm. Lãnh đạo WHO cũng nói tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của virus gây ra COVID-19 "vẫn còn nằm trên bàn" .
Chuyên gia Fisher, trong khi đó thúc giục WHO lên kế hoạch điều tra thêm. Ông cũng cho rằng nếu có khả năng Trung Quốc giữ bí mật về nguồn gốc của virus thì có thể do lo ngại về các yêu cầu bồi thường.
Ông nói: "Ngoại giao là con đường phía trước, cần tạo ra một văn hóa không đổ lỗi. Cách duy nhất bạn thực sự có thể giải quyết vấn đề này là nói không có hình phạt nào cả, chúng ta chỉ cần giải quyết vấn đề thôi".
Triều Tiên chỉ trích Mỹ gỡ hạn chế tên lửa với Hàn Quốc Triều Tiên cho rằng Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép khi ngăn nước này phát triển tên lửa đạn đạo, nhưng lại gỡ các hạn chế với Hàn Quốc. "Nước Mỹ vẫn mải mê theo đuổi đối đầu, bất chấp những phát biểu bóng bẩy rằng họ muốn đối thoại. Hủy bỏ hạn chế công nghệ tên lửa với Hàn Quốc là lời...