Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào?
Các nhà khoa học cho rằng Covid-19 khác với những đại dịch trước đây và sẽ không thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới, mà cần nhiều thời gian hơn.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai và đạt hiệu quả với chương trình tiêm chủng, nhiều người hy vọng sẽ “nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm Covid-19″ trong 3-6 tháng tới.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng: Hãy cố gắng chịu đựng thêm tình trạng này, bởi Covid-19 sẽ chưa thể kết thúc trong nửa năm nữa.
Giới chuyên gia cho rằng Covid-19 sẽ chưa thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới. Ảnh: Reuters.
Những đợt bùng phát mới có thể khiến trường học phải đóng cửa. Người lao động có thể sẽ chưa trở lại văn phòng làm việc trong khi các bệnh viện quá tải. Và viện dưỡng lão vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao, dù người cao tuổi ở đây đã được tiêm hai mũi vaccine hay chưa.
Giới chuyên gia cho rằng trước khi đại dịch kết thúc, gần như mọi người dân đều sẽ mắc Covid-19 hoặc được tiêm chủng, hoặc có thể là cả hai, theo Bloomberg.
Covid-19 giống như cháy rừng
Một số không may có thể mắc Covid-19 hai lần hoặc nhiều hơn. Những làn sóng lây nhiễm mới có thể sản sinh ra những biến chủng mới, và cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu sẽ chưa kết thúc nếu virus SARS-CoV-2 chưa chạm đến tất cả.
Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở bang Minneapolis, đồng thời là cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhận định: “Theo tôi, những đợt bùng phát này sẽ tiếp tục xảy ra trên khắp thế giới. Sau đó, nó sẽ giảm dần, có khả năng sẽ giảm xuống thấp. Và sau đó, rất có thể sẽ có đợt bùng phát khác vào mùa thu và mùa đông”.
Do hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng, những ổ dịch mới có thể sẽ xuất hiện tại trường học, phương tiện giao thông công cộng và nơi làm việc trong những tháng tới, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.
Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, một số đối tượng – như trẻ sơ sinh, những người không thể hoặc không được tiêm chủng – vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh. Ngoài ra, lây nhiễm đột phá vẫn có thể xảy ra ở những người đã được tiêm vaccine.
Theo Bloomberg , một vài tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn. Mối đe dọa nghiêm trọng nhất là khi SARS-CoV-2 xuất hiện biến chủng kháng các loại vaccine hiện nay.
“Con đường phía trước sẽ nhiều đồi núi và trắc trở, ít nhất là trong vài năm tới cho đến khi chúng ta có nhiều vaccine. Vaccine sẽ giúp ích. Nhưng thách thức là những đồi núi đó sẽ gập ghềnh cỡ nào? Chúng tôi không biết. Nhưng chúng tôi chỉ có thể nói rằng đây là trận cháy rừng do SARS-CoV-2 gây ra, và nó sẽ không dừng lại cho đến khi tất cả gỗ trong rừng người bị đốt cháy”, ông Osterholm nói.
Vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu giúp thế giới đối phó với Covid-19. Ảnh: New York Times.
Covid-19 khác gì so với những đại dịch trước đây?
Theo Lone Simonsen, nhà dịch tễ học và là giáo sư khoa học sức khỏe dân số tại Đại học Roskilde ở Đan Mạch, trong 130 năm qua, thế giới ghi nhận được 5 đại dịch cúm. Những dữ liệu này có thể giúp phân tích và dự đoán về Covid-19.
Trong 5 đại dịch cúm nói trên, đợt lâu nhất kéo dài trong 5 năm. Các đại dịch còn lại bao gồm 2-4 đợt lây nhiễm trong thời gian trung bình 2 hoặc 3 năm.
Covid-19 được xác định là đại dịch nghiêm trọng hơn, khi thế giới đã bước sang năm thứ hai với làn sóng dịch bệnh thứ ba, và vẫn chưa thấy hồi kết.
Có thể SARS-CoV-2 sẽ không đi theo con đường như các đại dịch trong quá khứ. Đây là một mầm bệnh khác, mới lạ và có khả năng lây truyền cao hơn. Với con số tử vong là hơn 4,6 triệu người cho đến nay, số người chết vì Covid-19 đã cao gấp đôi so với bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào kể từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Các quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng thấp như Malaysia, Mexico, Iran và Australia đang trải qua đợt bùng phát lớn nhất kể từ đầu đại dịch do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Với tình hình dịch vượt ngoài tầm kiểm soát như vậy, một biến chủng khác rất có thể sẽ xuất hiện.
Theo chuyên gia dịch tễ Simonsen, thật sai lầm khi tin rằng virus sẽ dần giảm mức độ hoạt động để tránh xóa sổ hoàn toàn quần thể vật chủ của chúng. Mặc dù các đột biến mới không phải lúc nào cũng nguy hiểm hơn trước, “trên thực tế các đại dịch có thể gây tử vong nhiều hơn trong khi virus đang thích nghi với vật chủ mới của nó”.
Ở giai đoạn đầu của Covid-19, thế giới có lý do chính đáng để hy vọng rằng vaccine có thể giúp bảo vệ con người về lâu về dài, giống như vaccine phòng các loại bệnh khác, ví dụ bại liệt.
SARS-CoV-2 có cơ chế “đọc rà soát” để sửa chữa sai sót trong quá trình virus nhân bản, làm giảm khả năng xuất hiện biến chủng khi virus được truyền từ người này sang người khác.
Biến chủng Delta đang khiến đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, số lượng ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã rất lớn, dù sao thì các trường hợp đột biến vẫn đang xuất hiện.
Kanta Subbarao – Giám đốc Trung tâm Khảo cứu Bệnh cúm tại Viện Peter Doherty về Nhiễm trùng và Miễn dịch ở Melbourne, Australia – cho biết: “Với đại dịch này, chúng ta gặp phải số ca lây nhiễm khổng lồ. Điều đó làm mất cân bằng khả năng đọc rà soát của virus”.
Do đó, Covid-19 có thể giống như bệnh cúm, cần phải tiêm vaccine nhắc lại thường xuyên để duy trì khả năng bảo vệ khi virus tiến hóa.
Đâu là hồi kết?
Cho đến nay, giới chuyên gia cho rằng rõ ràng là đại dịch sẽ không thể kết thúc trong 6 tháng tới. Nhìn chung, họ đều nhất trí đợt bùng phát hiện nay sẽ được kiểm soát khi hầu hết dân số toàn cầu, khoảng 90-95%, có khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi đã khỏi bệnh.
Các chuyên gia cho rằng yếu tố quan trọng là tiêm chủng vaccine.
“Nếu không tiêm phòng, bạn sẽ giống như một mục tiêu dễ bị tấn công, vì virus sẽ lan rộng và chạm tới hầu như mọi người vào mùa thu và mùa đông này”, giáo sư Simonsen nhận định.
Hơn 5,66 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên khắp thế giới, theo Bloomberg . Tuy nhiên, sự thành công của chương trình tiêm chủng ở một số khu vực, như Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc, che lấp thất bại ở những khu vực khác. Hầu hết quốc gia ở châu Phi chỉ tiêm đủ hai mũi vaccine cho gần 5% dân số. Ấn Độ cũng mới chỉ tiêm đủ vaccine cho khoảng 26% dân số.
Erica Charters, phó giáo sư về lịch sử y học tại Đại học Oxford, nhận định rằng đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào những thời điểm khác nhau ở những nơi khác nhau, giống như những đợt bùng phát trước đó. Các chính phủ sẽ phải quyết định xem họ có thể chung sống với dịch bệnh đến mức nào.
Cảnh đau lòng tại các nghĩa trang ở Indonesia vì Covid-19.Indonesia đang vật lộn với đợt sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Đây cũng là nước có số người bệnh tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.
Các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em
Mối đe dọa của biến chủng Delta và những biến chủng khác đang khiến nhiều nước trên thế giới đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng, trong đó việc mở rộng tiêm vắc xin cho trẻ em.
Một thiếu niên tiêm vắc xin Covid-19 ở Dublin, Ireland (Ảnh: BBC).
Cuộc chạy đua tiêm vắc xin Covid-19, mà trước đây tập trung vào việc bảo vệ người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương, đang dần chuyển sang phần còn lại của dân số là trẻ em, đặc biệt là nhóm tuổi từ 12 trở lên.
Theo số liệu mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), 77,7% dân số trưởng thành trong khối đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Vì vậy, mục tiêu của họ là chuyển sang tiêm chủng cho càng nhiều trẻ em càng tốt nhằm làm giảm sự lây lan trong cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện thêm biến chủng nguy hiểm.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thừa nhận vẫn còn hạn chế trong các nghiên cứu của họ về việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em. Tuy nhiên, họ kết luận việc tiêm vắc xin cho trẻ em, nhất là nhóm 12-17 tuổi, sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nhiều so với mối lo ngại về tác dụng phụ.
Không chỉ các nước EU, nhiều nước khác như Mỹ, Cuba, Trung Quốc hay Ấn Độ cũng đang mở rộng chiến dịch tiêm chủng sang trẻ em.
Châu Âu đẩy mạnh tốc độ tiêm cho trẻ em
EMA đã phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi vào tháng 5, vắc xin Covid-19 đầu tiên được chấp thuận cho trẻ em ở EU. EMA cũng đã phê duyệt vắc xin Moderna sử dụng cho nhóm 12-17 tuổi vào tháng 10 tới.
Hiện nay, các nước EU đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em với tốc độ khác nhau.
Pháp là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên tiêm cho trẻ trên 12 tuổi, bắt đầu từ ngày 15/6. Theo số liệu do Cơ quan Y tế Công cộng Pháp công bố vào ngày 12/9, 68% trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều trong khi 56% đã được tiêm đầy đủ. Từ cuối tháng 9, những người dưới 18 tuổi ở Pháp khi đến nơi công cộng phải xuất trình "thẻ xanh Covid-19", gồm chứng nhận tiêm chủng hoặc thông tin xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Trong khi đó, tại Anh, tất cả thanh thiếu niên 16-17 tuổi ở Anh đã bắt đầu được tiêm vắc xin kể từ ngày 23/8, trong khi thiếu niên từ 12-15 tuổi đủ điều kiện tiêm vắc xin là những trẻ có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 hoặc sống với người lớn có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nặng. Anh hiện cũng đang tính toán mở rộng tiêm chủng cho toàn bộ trẻ từ 12-15 tuổi với kỳ vọng một chương trình tiêm chủng hàng loạt cho trẻ em có thể giúp giảm số ca mắc mới Covid-19 trong mùa thu và mùa đông này nhưng vẫn chưa thống nhất.
Còn tại Italia, mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng cho càng nhiều thanh thiếu niên càng tốt khi các em quay trở lại trường học vào tháng 9. Kể từ ngày 16/8, trẻ 12-18 tuổi có thể đi tiêm vắc xin mà không cần đặt lịch trước. Hiện tại, 62,43% đã được tiêm mũi một và 44,95% được tiêm đầy đủ, theo báo cáo ngày 13/9 của nước này.
Đức ban đầu vắc xin chỉ được khuyến nghị cho trẻ em mắc các bệnh nền, nhưng trước sự lan rộng của chủng Delta, chính phủ nước này thay đổi chiến lược và quyết định tiêm cho tất cả trẻ em trên 12 tuổi.
Mỹ, Canada nhanh chóng tiêm cho thiếu niên từ 12 tuổi
Vào tháng 5, các cơ quan quản lý của Mỹ và Canada đã đi tiên phong phê duyệt vắc xin để tiêm cho thiếu niên từ 12 tuổi trở lên.
Việc triển khai được bắt đầu ngay lập tức tại các địa điểm trên khắp nước Mỹ với hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần. Tính đến cuối tháng 7, 42% trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm một mũi và 32% tiêm liều thứ hai vắc xin Pfizer hoặc Moderna. Nỗ lực tiêm vắc xin cho trẻ em diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải gồng mình đối phó với số ca mắc gia tăng do sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta. Các báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, số lượng trẻ em nhập viện cao gấp 3,4-3,7 lần tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất.
Pfizer cũng đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi có thể được cung cấp sớm hơn sau khi các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.
Cuba - quốc gia đầu tiên tiêm cho trẻ từ 2 tuổi
Tại Châu Mỹ, Cuba ngày 6/9 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm cho trẻ em từ 2-11 tuổi, sử dụng vắc xin Soberana 02 do nước này tự sản xuất. Chiến dịch này được Cuba thực hiện vào đúng ngày khai giảng năm học mới tại tỉnh miền Trung Cienfuegos.
Việc chủng ngừa cho nhóm đối tượng trẻ em từ 2-11 tuổi dự kiến kết thúc vào ngày 15/11 tới. Cuba trước đó cũng đã bắt đầu tiêm cho thiếu niên trên 12 tuổi, sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với hai loại vắc xin nội địa là Abdala và Soberana.
Trung Quốc tăng tốc tiêm cho thiếu niên 12-17 tuổi
Học sinh ở Nam Kinh, Trung Quốc xếp hàng chờ tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh: Getty).
Vào tháng 6, Trung Quốc bắt đầu phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin nội địa Sinovac cho trẻ từ 3-17 tuổi, trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận tiêm vắc xin cho nhóm tuổi nhỏ như vậy.
Ngay sau đó, từ khoảng giữa tháng 7, thời điểm các trường học ở Trung Quốc nghỉ hè, họ bắt đầu tiêm cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Đầu tháng 8, một đợt dịch bùng nổ do chủng Delta gây ra khiến Trung Quốc buộc phải tăng tốc chiến dịch tiêm cho thanh thiếu niên trước khi bước vào năm học mới. Quốc gia này đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số 1,4 tỷ dân vào cuối năm nay, một con số không thể đạt được nếu không tiêm số lượng lớn người dưới 18 tuổi.
Dù đã cấp phép tiêm vắc xin cho trẻ 3-12 tuổi, trên thực tế, cơ quan y tế Trung Quốc vẫn chưa triển khai tiêm chủng Covid-19 với nhóm dân số này và đang chờ kết quả nghiên cứu. Tính đến ngày 6/9, Trung Quốc tiêm được hơn 160 triệu liều cho thiếu niên từ 12-17 tuổi, trong tổng số hơn 2,1 tỷ liều đã hoàn thành.
Nước này đặt mục tiêu sẽ hoàn thành toàn bộ các mũi tiêm cho thiếu niên từ 12-17 tuổi vào cuối tháng 10.
Ấn Độ tiêm vắc xin cho nhóm 12-18 tuổi
Ấn Độ được cho là có dân số vị thành niên lớn nhất trên thế giới, ước tính khoảng 253 triệu người, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Dữ liệu mới nhất từ Viện Điều tra Huyết thanh học Quốc gia cho thấy khoảng 60% trẻ em đã tiếp xúc với virus bệnh Covid-19 kể từ đại dịch bùng phát và có khả năng đã phát triển khả năng miễn dịch.
Hồi tháng 8, cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp một loại vắc xin mới do công ty dược phẩm nội địa Zydus Cadila phát triển, dành cho tất cả những người từ 12 tuổi trở lên. Đây là sự chấp thuận sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em đầu tiên tại Ấn Độ. Zydus Cadila hy vọng sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm ở trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở lên.
Hồi đầu tháng 9, theo Nikkei Asia , chính phủ Ấn Độ lên kế hoạch tiêm ngừa cho 120 triệu thanh thiếu niên từ 12-18 bằng vắc xin công nghệ DNA đầu tiên trên thế giới mà nước này phát triển. Chiến dịch tiêm quy mô lớn này sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới.
Bệnh viện ngưng đỡ đẻ vì y tá bài vaccine 30 y tá quyết không tiêm vaccine và nghỉ việc, khiến bệnh viện đa khoa hạt Lewis, New York phải ngưng dịch vụ đỡ đẻ từ cuối tháng này. "Lượng đơn nghỉ việc khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài ngừng dịch vụ hộ sinh tại bệnh viện đa khoa hạt Lewis", Geral Cayer, giám đốc điều hành Hệ thống...