Covid-19: Phụ huynh “ngã ngửa” khi trường vẫn thu học phí, nộp chậm là phạt
Những ngày qua, ngay lúc đang nghỉ tránh dịch Covid-19, nhiều trường ngoài công lập ở TPHCM thu tiền học phần mới, tính nguyên học phí cả đợt nghỉ dịch, thậm chí phụ huynh nộp muộn còn bị phạt lãi.
Chị T.H.T, có hai con học tại Trường Quốc tế Mỹ, Nhà Bè, TPHCM (AISVN) cho biết, trường ngưng hoạt động tránh dịch từ đầu đầu tháng 2. Trường tổ chức dạy học online nhưng không hiệu quả, trong thời gian nghỉ này gia đình chị phát sinh rất nhiều chi phí liên quan đến việc trông, dạy con.
Trường quốc tế Mỹ (AISVN) tính nguyên học phí, phạt tiền phụ huynh đóng chậm ngay trong khi đang nghỉ học tránh dịch với phụ huynh T.H.T
Tiền học quý 3 chị đã đóng và nhiều năm qua, chị chưa từng đóng tiền học cho con chậm một ngày. Mới đây, vẫn đang trong thời gian nghỉ dịch, chưa biết ngày đi học lại, chị không khỏi “choáng” khi nhận được thông báo yêu cầu đóng học phí quý 4 cho hai con là trên 248 triệu đồng và thêm phí nộp chậm 44 ngày gần 5,5 triệu đồng.
Người mẹ không thể nào lý giải nổi, hành xử của nhà trường khi tính nguyên học phí trong thời gian con mình nghỉ học, đòi thu tiền học phí quý mới và đòi luôn cả tiền đóng phí chậm trong bối cảnh dịch bệnh.
Không thể chấp nhận cách hành xử vô trách nhiệm của nhà trường, người mẹ đã quyết định không đóng tiền học quý 4 cho con, rút hồ sơ khỏi trường.
Một phụ huynh khác có con học tại Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon) cho biết, chị đóng trên 500 triệu đồng học phí trọn gói 1 năm cho con, chưa bao gồm tiền đưa đón, học thêm sau giờ học…
Gần 3 tháng qua, con chị không đi học, nhà trường chuyển qua học online, bố mẹ phải thu xếp kèm con học. Gia đình phát sinh nhiều chi phí khi con ở nhà như thuê giúp việc, hoặc bố mẹ phải nghỉ làm, thu nhập giảm…
Video đang HOT
Chị cũng choáng váng khi trường tính nguyên, tính đủ học phí, không hề có một sự chia sẻ nào với phụ huynh như những lời kêu gọi “cùng nhau vượt qua khó khăn trước dịch bệnh”.
Mới đây, trường Dân lập Quốc tế Việt Úc cũng phát thông báo yêu cầu phụ huynh đóng tiền học phần 4. Tiền học học phần 3, tương đương với thời gian nghỉ tránh dịch, trường không hoàn một đồng cho phụ huynh. Tiền ăn, tiền đưa rước phụ huynh đã đóng mà chưa sử dụng, trường cũng thông báo tính vào năm học kế tiếp.
Trường Việt Úc gửi thư thông báo đến phụ huynh đóng tiền học phần 4
Trường gia hạn thời gian đóng học phần 4 cho phụ huynh 4 tuần, ngày cuối phải đóng là 25/4. Theo lãnh đạo trường Việt Úc, tất cả các trường khác đều không áp dụng các điều khoản thanh toán linh động, cởi mở như vậy và đã hoàn tất các khoản thu của cả năm học.
Trong thư phản hồi gửi phụ huynh, Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon), cho rằng trong thời gian đóng cửa, trường làm việc với các nhà cung cấp bên ngoài giảm được một số chi phí.
Hỗ trợ phụ huynh, trường sẽ chuyển khoản cho phụ huynh dưới dạng các khoản tiền giảm trừ theo một trong hai hình thức sau: Khoản giảm trừ chung phản ánh việc giảm chi phí của trường học như tiền điện hoặc Khoản giảm trừ bao gồm các dịch vụ như xe buýt của trường, tiếng Anh tăng cường EAL/ IELP, bữa trưa, các hoạt động sau giờ học ASAs và Kidzone. Việc giảm trừ áp dụng giảm trừ cho 10 tuần học.
Phản hồi của trường cũng ghi: “Chúng tôi chưa biết AIS sẽ phải đóng cửa trong bao lâu, do đó, mười tuần học giảm trừ (trong khoảng thời gian từ ngày 3/2 đến ngày 20/4/2020) sẽ được áp dụng cho những phụ huynh muốn đóng học phí sớm cho năm học sau trước ngày 1/5/2020. Bất kỳ việc trễ hạn đóng học phí cho năm học hiện tại từ ngày 20/4 sẽ phát sinh thêm chi phí”.
Một phần email phản hồi của trường AIS Saigon với phụ huynh về việc giảm trừ cho năm học
Phụ huynh không đồng tình vì cho rằng trường “bẻ lái” vấn đề, giảm phải tính trên % tổng học phí phải đóng. Còn tiền ăn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 5%, còn tiền điện là hoạt động của nhà trường, không liên quan.
Trong thời điểm các trường vẫn đang dừng hoạt động, chưa biết bao giờ đi học lại, một số trường ngoài công lập ở TPHCM “án binh bất động” chưa ra thông báo về việc thu tiền kỳ cuối của năm. Một số trường có mức thu học online trong thời gian nghỉ học là 20%, hay có trường thu 34% học phí học online.
Thế nhưng rất nhiều trường có cùng cách thức, yêu cầu phụ huynh đóng đủ tiền của năm học như bình thường, không giảm tiền trong thời gian học sinh nghỉ học, đóng muộn bị phạt.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Lê Đăng Đạt
Không đi học vẫn thu phí: Đừng đẩy khó cho phụ huynh
Những ngày gần đây, phụ huynh của nhiều trường phổ thông ngoài công lập ở TP.HCM rất bức xúc với thông báo thu học phí của nhà trường.
Nhiều trường học sinh học trực tuyến nhưng vẫn thu học phí như trước đây. Trong ảnh: học sinh lớp 12 ở TP.HCM trong giờ học trực tuyến tại nhà - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo đó, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tất cả học sinh các cấp đều nghỉ ở nhà phòng tránh dịch COVID-19. Vậy mà nhiều trường vẫn gửi thông báo yêu cầu phụ huynh phải đóng học phí tháng 4 và 5 của năm học 2019-2020, trong khi học phí tháng 2 và 3 họ đã đóng đầy đủ mà học sinh thì không đến trường.
Có trường còn yêu cầu phụ huynh phải đóng phí giữ chỗ và đóng học phí cho năm học sau (2020-2021), trong khi học phí học kỳ 2 của năm học này các phụ huynh đã đóng đầy đủ mà học sinh thì chỉ ở nhà học trực tuyến mà thôi.
Một trong số những trường trên giải thích rằng hằng năm đây chính là thời điểm nhà trường thu học phí cho năm học sau để tính toán kế hoạch, rằng nhà trường thu học phí theo năm, mỗi năm chia ra làm 4 học phần. Dù năm học có kết thúc vào cuối tháng 5 hay cuối tháng 7 thì học phí vẫn giữ nguyên cho cả năm học. Tuy học sinh không đi học nhưng nhà trường vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, trả lương giáo viên, nhân viên, trả lãi ngân hàng... nên cần thu học phí.
Đúng là trong mùa dịch bệnh các trường ngoài công lập sẽ rất khó khăn khi mọi nguồn thu phụ thuộc vào phụ huynh học sinh, chứ không có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như trường công lập. Nhưng nói đi cũng phải nói lại: chẳng lẽ nhà trường khó khăn thì đổ hết cái khó ấy lên phụ huynh học sinh?
Chưa kể cách thu học phí như vậy là không hợp lý, là tận thu. Bởi không ai biết đến bao giờ học sinh sẽ đi học trở lại, không ai biết học kỳ 2 của năm học 2019-2020 sẽ kéo dài hơn 4 tháng như mọi năm hay rút ngắn lại, hay học sinh chỉ học trực tuyến để kết thúc năm học chứ không đến trường. Hiệu quả của việc học trực tuyến còn chưa được các cơ quan chức năng đánh giá bài bản và khách quan...
Học phí ở các trường ngoài công lập rất cao: 100 - 300 triệu đồng/năm. Các trường này xuất hiện để đáp ứng nhu cầu cần cung cấp các loại hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao của một bộ phận phụ huynh: học sinh được ăn, ngủ, học từ sáng đến chiều trong môi trường cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi để phụ huynh yên tâm đi làm; học sinh được học ngoại ngữ, tin học, các môn năng khiếu, kỹ năng sống (thậm chí cả một số chương trình giáo dục của nước ngoài) ngay trong trường...
Như vậy, khi học sinh không đến trường mà chỉ ở nhà học từ xa thì chắc chắn các em không được hưởng hết các loại hình dịch vụ trên. Nhiều phụ huynh phải thuê người giữ con, kèm con học trực tuyến ở nhà. Các trường ngoài công lập không thể lấy lý do khó khăn rồi bắt phụ huynh phải đóng 100% học phí - số tiền không phải nhỏ - trong bối cảnh như trên.
Khó khăn chung
Thời kỳ dịch bệnh, đâu chỉ một mình nhà trường khó khăn, mà đa số phụ huynh cũng khó khăn: lương, thưởng giảm, công việc kinh doanh ngừng trệ, thất thu... "Thức đêm mới biết đêm dài" - một phụ huynh ở quận 2, TP.HCM đã nói như thế khi bàn về cách hành xử của các trường ngoài công lập trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.
"Lúc khó khăn như thế này mới biết trường nào xử sự có lý, có tình. Sau mùa dịch bệnh, sẽ có trường mất rất nhiều học sinh và ngược lại" - vị này nói.
HOÀNG HƯƠNG
Nghỉ học để phòng dịch Covid-19: Học trực tuyến có đóng phí? Trong thời gian học sinh tạm nghỉ để phòng dịch Covid-19, nhiều trường tổ chức học trực tuyến. Theo phản ánh của phụ huynh, có trường không thông báo về các khoản thu nhưng cũng có trường yêu cầu học sinh đóng học phí như bình thường. Học sinh tại TP.HCM tham gia học trực tuyến trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch...