Covid-19: Giáo viên mầm non quay clip, hướng dẫn trẻ tự học tại nhà
Thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 nhiều trường lo ngại trẻ quên kiến thức. Một số trường tại Đắk Nông đã đề nghị giáo viên quay clip, chia sẻ cho phụ huynh, hướng dẫn trẻ học ở nhà.
Giáo viên mầm non dạy học qua clip
Hơn hai tuần nay, Trường mầm non Hoa Mai (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã quay lại các tiết giảng bằng điện thoại. Các clip sẽ được chia sẻ cho phụ huynh thông qua gmail, lập nhóm zalo các lớp, fabook, youtube… để hướng dẫn trẻ ôn tập ở nhà.
Theo cô Phạm Tố Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, bước đầu mỗi khối lớp sẽ có các tiết giảng riêng. Trường chọn quay theo chủ đề với các nội dung như chơi cùng bé; rèn luyện các kỹ năng, hoạt động khám phá khoa học…
Giáo viên Đắk Nông quay clip các bài học để giúp trẻ tự học ở nhà
Mỗi video phải bảo đảm được 4 yếu tố: theo chương trình khung của Bộ Giáo dục, có tính khoa học, tính thực tiễn và tính giáo dục cao. Qua video, giáo viên giúp trẻ rèn luyện được các mặt như phát triển nhận thức, thẩm mỹ, nhất là hướng vào giáo dục kỹ năng cho trẻ…
Để thu hút trẻ, các video thường dài chỉ khoảng từ 3 đến 5 phút. Giáo viên dạy là người biết pha trò, giọng nói truyền cảm. Nhiều video đã được giáo viên các trường thực hiện tạo ấn tượng như: hướng dẫn đeo khẩu trang; thí nghiệm với nước; hướng dẫn bé làm con sâu; trò chơi hoa nở…
Mặc dù là lần đầu tiên triển khai thực hiện, những video clip do giáo viên các trường mầm non đã đón nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Kim Phương, phụ huynh học sinh tại TP. Gia Nghĩa đánh giá, vì trẻ nghỉ học lâu, không được đi chơi nên thường hay có thói quen xem tivi, điện thoại. Hai vợ chồng đều bận đi làm, không thể dành nhiều thời gian dạy con được, các bài giảng của giáo viên gần như trẻ quên hết.
“Thực sự, việc trường quay các video có thể cho trẻ ôn tập cũng là cách giúp trẻ vừa xem, vừa học, vừa chơi rất hiệu quả. Các cháu không còn tập trung vào các clip vô bổ trên mạng nữa”, phụ huynh này nhận định.
Đầu tư nội dung để nâng cao chuyên môn
Video đang HOT
Để quay được một tiết học là sự phối hợp của nhiều thành viên gồm giáo viên, cán bộ quản lý. Mỗi tổ khối lớp sẽ được giao nhiệm vụ cùng nghiên cứu, soạn đề cương, bài giảng và giáo viên trong tổ cùng góp ý hình thành một tiết dạy. Điều quan trọng là việc thực hiện quay lại các tiết dạy cũng giúp giáo viên tích cực hơn trong nghiên cứu, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
Nhiều giáo viên đầu tư các bài giảng để tạo sự thu hút
Cô Nguyễn Thị Hoàng Quy, giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng Vàng (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, mỗi giáo viên phải đầu tư, sáng tạo nội dung nhưng vẫn phải đảm bảo kiến thức cho trẻ, vừa phù hợp, thu hút.
Điều quan trọng nhất là các tiết học phải sinh động, tạo không khí vui nhộn và gần gũi với trẻ. Mục tiêu đặt ra của mỗi tiết là giúp trẻ nắm bắt được bài học và thực hành được.
“Trong khi thực hiện, giáo viên đều được góp ý, rút kinh nghiệm. Qua đó, mỗi giáo viên sẽ nắm chắc chuyên môn hơn, nhất là trong khi nghỉ dạy lâu như hiện nay”, cô Quy nói.
Cô Lê Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Vàng thông tin thêm, nội dung, hình thức các clip đều được nhà trường, giáo viên đầu tư để thu hút học sinh. Nhiều clip được qua cả ngoài trời với hình ảnh minh họa đa dạng, giúp học sinh có cái nhìn trực quan hơn, hiểu biết hơn.
“Sau khi quay, các clip này sẽ được gửi đến Phòng GD&ĐT để đánh giá, thẩm định. Nếu clip nào đạt yêu cầu thì mới gửi đến cho các phụ huynh”, cô Nguyên nói.
Ông Lê Bá Cường, phụ trách bậc mầm non và tiểu học, Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, việc cho trẻ ôn tập bằng các video clip là một trong những biện pháp ngành giáo dục áp dụng giúp trẻ, học sinh ôn tập tại nhà trong thời gian nghỉ để phòng tránh dịch Covid-19. Hình thức này cũng phù hợp với mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến là rèn luyện năng lực tự học cho trẻ, cho học sinh.
Điều đáng nói là việc quay các tiết giảng cho trẻ tiếp cận có lợi ích kép. Đối với trẻ, trong thời gian nghỉ học lâu ngày sẽ xem được các bài học do cô giáo trường thực hiện. Phụ huynh thấy được sự quan tâm của nhà trường, cô giáo đối với trẻ.
Không những vậy, qua các video, phụ huynh cũng có thể học hỏi từ giáo viên để áp dụng các bài học khác cho trẻ trong cuộc sống thường nhật, giúp cho việc rèn luyện kỹ năng của trẻ tốt hơn.
Hiện nay, Sở đang thực hiện triển khai nhân rộng đối với bậc tiểu học nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, dành thời gian nhiều hơn cho việc học tập trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch bệnh Covid-19.
Dương Phong
Covid-19: Phụ huynh "ngã ngửa" khi trường vẫn thu học phí, nộp chậm là phạt
Những ngày qua, ngay lúc đang nghỉ tránh dịch Covid-19, nhiều trường ngoài công lập ở TPHCM thu tiền học phần mới, tính nguyên học phí cả đợt nghỉ dịch, thậm chí phụ huynh nộp muộn còn bị phạt lãi.
Chị T.H.T, có hai con học tại Trường Quốc tế Mỹ, Nhà Bè, TPHCM (AISVN) cho biết, trường ngưng hoạt động tránh dịch từ đầu đầu tháng 2. Trường tổ chức dạy học online nhưng không hiệu quả, trong thời gian nghỉ này gia đình chị phát sinh rất nhiều chi phí liên quan đến việc trông, dạy con.
Trường quốc tế Mỹ (AISVN) tính nguyên học phí, phạt tiền phụ huynh đóng chậm ngay trong khi đang nghỉ học tránh dịch với phụ huynh T.H.T
Tiền học quý 3 chị đã đóng và nhiều năm qua, chị chưa từng đóng tiền học cho con chậm một ngày. Mới đây, vẫn đang trong thời gian nghỉ dịch, chưa biết ngày đi học lại, chị không khỏi "choáng" khi nhận được thông báo yêu cầu đóng học phí quý 4 cho hai con là trên 248 triệu đồng và thêm phí nộp chậm 44 ngày gần 5,5 triệu đồng.
Người mẹ không thể nào lý giải nổi, hành xử của nhà trường khi tính nguyên học phí trong thời gian con mình nghỉ học, đòi thu tiền học phí quý mới và đòi luôn cả tiền đóng phí chậm trong bối cảnh dịch bệnh.
Không thể chấp nhận cách hành xử vô trách nhiệm của nhà trường, người mẹ đã quyết định không đóng tiền học quý 4 cho con, rút hồ sơ khỏi trường.
Một phụ huynh khác có con học tại Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon) cho biết, chị đóng trên 500 triệu đồng học phí trọn gói 1 năm cho con, chưa bao gồm tiền đưa đón, học thêm sau giờ học...
Gần 3 tháng qua, con chị không đi học, nhà trường chuyển qua học online, bố mẹ phải thu xếp kèm con học. Gia đình phát sinh nhiều chi phí khi con ở nhà như thuê giúp việc, hoặc bố mẹ phải nghỉ làm, thu nhập giảm...
Chị cũng choáng váng khi trường tính nguyên, tính đủ học phí, không hề có một sự chia sẻ nào với phụ huynh như những lời kêu gọi "cùng nhau vượt qua khó khăn trước dịch bệnh".
Mới đây, trường Dân lập Quốc tế Việt Úc cũng phát thông báo yêu cầu phụ huynh đóng tiền học phần 4. Tiền học học phần 3, tương đương với thời gian nghỉ tránh dịch, trường không hoàn một đồng cho phụ huynh. Tiền ăn, tiền đưa rước phụ huynh đã đóng mà chưa sử dụng, trường cũng thông báo tính vào năm học kế tiếp.
Trường Việt Úc gửi thư thông báo đến phụ huynh đóng tiền học phần 4
Trường gia hạn thời gian đóng học phần 4 cho phụ huynh 4 tuần, ngày cuối phải đóng là 25/4. Theo lãnh đạo trường Việt Úc, tất cả các trường khác đều không áp dụng các điều khoản thanh toán linh động, cởi mở như vậy và đã hoàn tất các khoản thu của cả năm học.
Trong thư phản hồi gửi phụ huynh, Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon), cho rằng trong thời gian đóng cửa, trường làm việc với các nhà cung cấp bên ngoài giảm được một số chi phí.
Hỗ trợ phụ huynh, trường sẽ chuyển khoản cho phụ huynh dưới dạng các khoản tiền giảm trừ theo một trong hai hình thức sau: Khoản giảm trừ chung phản ánh việc giảm chi phí của trường học như tiền điện hoặc Khoản giảm trừ bao gồm các dịch vụ như xe buýt của trường, tiếng Anh tăng cường EAL/ IELP, bữa trưa, các hoạt động sau giờ học ASAs và Kidzone. Việc giảm trừ áp dụng giảm trừ cho 10 tuần học.
Phản hồi của trường cũng ghi: "Chúng tôi chưa biết AIS sẽ phải đóng cửa trong bao lâu, do đó, mười tuần học giảm trừ (trong khoảng thời gian từ ngày 3/2 đến ngày 20/4/2020) sẽ được áp dụng cho những phụ huynh muốn đóng học phí sớm cho năm học sau trước ngày 1/5/2020. Bất kỳ việc trễ hạn đóng học phí cho năm học hiện tại từ ngày 20/4 sẽ phát sinh thêm chi phí".
Một phần email phản hồi của trường AIS Saigon với phụ huynh về việc giảm trừ cho năm học
Phụ huynh không đồng tình vì cho rằng trường "bẻ lái" vấn đề, giảm phải tính trên % tổng học phí phải đóng. Còn tiền ăn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 5%, còn tiền điện là hoạt động của nhà trường, không liên quan.
Trong thời điểm các trường vẫn đang dừng hoạt động, chưa biết bao giờ đi học lại, một số trường ngoài công lập ở TPHCM "án binh bất động" chưa ra thông báo về việc thu tiền kỳ cuối của năm. Một số trường có mức thu học online trong thời gian nghỉ học là 20%, hay có trường thu 34% học phí học online.
Thế nhưng rất nhiều trường có cùng cách thức, yêu cầu phụ huynh đóng đủ tiền của năm học như bình thường, không giảm tiền trong thời gian học sinh nghỉ học, đóng muộn bị phạt.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Lê Đăng Đạt
Học sinh Đồng Nai nghỉ học đến 3.5 phòng, chống dịch Covid-19 Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 3.5 để phòng, chống dịch Covid-19. Học sinh Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) rửa tay sát khuẩn tại trường - Ảnh: Lê Lâm Chiều 16.4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp đã ký văn bản...