‘Covid-19 gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất của Samsung’
Theo đại diện của Samsung Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Bắc đã gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Với nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đặt tại Bắc Ninh, cùng rất nhiều đối tác cung ứng đặt tại Bắc Giang, diễn biến dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của công ty Samsung tại Việt Nam.
“Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng nhân viên thực hiện cách ly tại nhà không ngừng tăng cao. Việc phong tỏa các địa phương và một số khu công nghiệp đã dẫn đến việc dừng hoạt động của các nhà cung cấp liên quan. Điều này cũng gây không ít khó khăn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”, đại diện Samsung Việt Nam nói với pv .
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam đặt tại KCN Yên Phong 1, Yên Phong, Bắc Ninh với 39.000 nhân viên.
Theo chia sẻ của đại diện Samsung Việt Nam, công ty này đang thực hiện nhiều biện pháp để phòng dịch và duy trì sản xuất như kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại cổng ra vào, khử trùng các khu vực trong nhà máy, đảm bảo giãn cách giữa các nhân viên, lắp đặt vách ngăn tại khu vực nhà ăn, vận hành khu vực khám sàng lọc trong và ngoài nhà máy.
“Bên cạnh đó, tùy theo diễn biến của dịch bệnh, chúng tôi đã tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế hàng ngày cho toàn bộ nhân viên, cấp phát khẩu trang phòng dịch KF-94/KN-95 miễn phí cho nhân viên, xét nghiệm Covid nhanh các trường hợp nhân viên liên quan, áp dụng chế độ làm việc từ xa tại nhà”, đại diện của Samsung Việt Nam cho biết.
Đối với các nhân viên đang thực hiện cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, không thể đi làm theo quy định của Chính phủ, Samsung Việt Nam áp dụng chính sách nghỉ có hưởng lương. Ngoài ra, công ty này cũng đang vận hành các đường dây nóng để kiểm tra trạng thái sức khỏe, tư vấn tâm lý cho nhân viên.
Video đang HOT
Ngày 11/5, sau khi có 2 công nhân tại nhà máy SEV dương tính với SARS-CoV-2, toàn bộ nhân viên của công ty đã được xét nghiệm.
Bắc Giang hiện nay có 13 nhà cung ứng linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Trong cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chiều 20/5, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết Bắc Ninh đang phối hợp với Bắc Giang để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 2.792 ca mắc Covid-19 trong nước tại 30 tỉnh, thành phố. Dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh miền Bắc. Trong đó, Bắc Giang và Bắc Ninh đang là 2 điểm nóng của đợt dịch Covid-19 mới bùng phát.
Theo Bộ Y tế, tính từ 6h đến 19h ngày 25/5, Việt Nam có 444 bệnh nhân Covid-19 trong nước tại Bắc Giang (375), Bắc Ninh (28), Hà Nội (23), Lạng Sơn (7), Hà Nam (5), Đà Nẵng (2), Thái Bình (1), TP.HCM (1), Điện Biên (1), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1).
Chiến lược mới của Samsung: Sản xuất đa địa điểm, mua sắm đa nguồn
Chuỗi cung ứng hiện tại của Samsung dựa vào chiến lược sản xuất đa địa điểm và mua sắm đa nguồn nhằm tránh bị kìm kẹp bởi những "siêu cường".
Cuối tháng 2 vừa qua, các nhân viên của công ty Iljin Materials Hàn Quốc đã tổ chức ăn mừng một sự kiện đặc biệt. Họ căng biểu ngữ, giơ tay mừng và chụp ảnh trước một chiếc xe tải chứa lô hàng mới nhất mà công ty sản xuất cho Samsung. Đây là những lá đồng siêu mỏng với độ dày 2 micromet, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chip bán dẫn.
Trước đó, Samsung phải nhập khẩu 100% lá đồng này từ công ty Mitsui của Nhật Bản. Tuy nhiên, trận động đất ở Tohoku, Nhật Bản năm 2011 đã cản trở việc nhập khẩu và ảnh hưởng lớn tới Samsung, khiến hãng điện tử Hàn Quốc đầu tư cho Iljin Materials phát triển sản phẩm lá đồng siêu mỏng ngay trong nước. Ngay từ đầu năm 2006, Iljin đã thành công trong việc phát triển nguyên mẫu, nhưng phải mất 15 năm để đạt được chứng nhận cần thiết cho mục đích sử dụng thương mại.
Thành tựu của Illjin không chỉ là nguồn tự hào dân tộc, mà còn giúp giảm sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào các thành phần linh kiện và vật liệu từ Nhật Bản. Sự phát triển này cũng là một ví dụ về những thách thức đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các công ty ở khắp nơi cố gắng giảm rủi ro bởi căng thẳng địa chính trị, cũng như các chính phủ đang cố gắng thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước bằng cách sản xuất tại chỗ.
Ngoài những diễn biến phức tạp trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, biến đổi khí hậu và tần suất xuất hiện các hình thái thời tiết khắc nghiệt cao hơn cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Một báo cáo công bố năm 2020 của công ty tư vấn McKinsey đã cảnh báo rằng "thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra đã và đang leo thang".
Kinh nghiệm của Samsung - công ty quan trọng nhất bậc nhất của Hàn Quốc và là một trong những nhà sản xuất chip, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng hàng đầu thế giới - cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý chuỗi cung ứng và nguy cơ bị mắc kẹt giữa các siêu cường cạnh tranh.
Samsung đặt nhà máy ở nhiều khu vực trên thế giới.
Chuỗi cung ứng mà Samsung đang dựa vào là kết quả của quá trình bắt đầu cách đây 20 năm khi công ty hướng tới "chiến lược sản xuất đa địa điểm và mua sắm đa nguồn". Điều này có nghĩa là hãng luôn đảm bảo có ít nhất hai nhà cung cấp ở các địa điểm khác nhau để phục vụ các nhà máy khắp thế giới, giống một vùng đệm chống lại các sự kiện không thể lường trước.
Đại dịch Covid-19 đã mang đến cho Samsung cơ hội thử thách khả năng phòng thủ này. Những vấn đề không thể tưởng tượng nổi đã xuất hiện, từ việc hạn chế đột ngột các tuyến đường vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cắt đứt nguồn cung linh kiện cho các nhà máy Việt Nam, đến làn sóng bùng phát mạnh Covid-19 ở quê nhà Hàn Quốc.
Trả lời Financial Times , đại diện của Samsung cho biết: "Nếu một vấn đề ảnh hưởng đến một nhà cung cấp hoặc cơ sở sản xuất cụ thể, chúng tôi sẽ chuyển sang một nhà cung cấp hoặc cơ sở khác ở một địa điểm khác. Điều này cho phép chúng tôi tiếp tục hoạt động mà không bị gián đoạn". Samsung cho biết thêm rằng họ đang tăng tốc kế hoạch đa dạng hóa hơn nữa các nguồn linh kiện và chuyển sang phân tích, dự báo thị trường dựa trên trí tuệ nhân tạo.
"Chúng tôi đã đưa thông tin cụ thể liên quan tới Covid-19, chẳng hạn số cửa hàng đóng cửa hay thay đổi giao thông do đại dịch, vào công cụ AI để dự đoán chính xác hơn nhu cầu ở từng khu vực", đại diện Samsung nói.
Chia rẽ gia tăng
Tuy nhiên, khi đề cập đến những vấn đề mới nổi mà các nhà sản xuất toàn cầu phải đối mặt sau đại dịch, Samsung từ chối bình luận.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc, cùng với sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, đang làm lung lay nền tảng của toàn cầu hóa. Sự bất đồng trong lý tưởng và hiện tượng phân cực công nghệ ngày càng phức tạp buộc các công ty như Samsung phải chọn đi theo những hướng khác nhau, trong nhiều trường hợp có thể không phù hợp.
"Sau khi nhận thấy chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng trong đại dịch, nhiều chính phủ và công ty càng quyết tâm đưa việc sản xuất bất cứ thứ gì từ chip đến vaccine về gần nhà mình hơn", June Park, nhà kinh tế chính trị và chuyên gia về xung đột thương mại và công nghệ tại Đại học George Washington, cho biết. Đặc biệt là tại Mỹ, sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã công bố bản đánh giá về các chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ và khẳng định người Mỹ "không nên phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là một nước không có chung lợi ích hoặc giá trị với chúng ta".
Trong khi Hàn Quốc tiếp tục duy trì quan hệ quốc phòng và an ninh chặt chẽ với Mỹ, ông Park cho biết chính phủ và các công ty Hàn cũng đang theo đuổi một "đường lối kép" trong các vấn đề kinh tế. Về cơ bản, họ đang cố gắng duy trì khả năng tiếp cận thị trường đối với cả Trung Quốc và Mỹ.
Đối với Samsung, nhằm giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng, trong thập kỷ qua hãng này đã rút một lượng lớn nhà máy sản xuất và lắp ráp smartphone khỏi Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, Samsung vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất chip tại Trung Quốc nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận những công ty công nghệ đang phát triển nhanh tại nước này. Công ty cũng có được sự ủng hộ chính trị ở Trung Quốc trước nhu cầu giảm phụ thuộc vào nước ngoài của chủ tịch Tập Cận Bình.
Samsung dẫn trước trong cuộc chiến 'vương quyền' với Huawei Dù vẫn là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, Samsung chưa bao giờ bị Huawei thách thức cướp mất "ngôi vương" lớn như năm qua. Huawei sở hữu dải sản phẩm phong phú, từ điện thoại, máy tính bảng giá rẻ, tầm trung tới các mẫu cao cấp có khả năng chiếm thị phần của Samsung tại một số thị trường...