COVID-19 đe dọa kế hoạch mở cửa ngành du lịch xương sống của Thái Lan
Giữa tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha khiến nhiều người ngạc nhiên khi ông đưa ra cam kết mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ tháng 10.
Trung tâm thủ đô Bangkok vắng người khi chính quyền áp đặt biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại. Ảnh: AFP
Thời khắc cũng đã đến, nhưng chính ông Chan-ocha giờ cũng nói rằng cần đánh giá kỹ lưỡng những nguy cơ. Kể từ tháng 4 năm ngoái đến nay, Thái Lan vẫn kiểm soát chặt biên giới, áp quy định cách ly với cùng với một loạt thủ tục giấy tờ đối với người nhập cảnh.
Dòng khách du lịch quốc tế, một thời từng được coi là động lực của kinh tế Thái Lan, giờ đã sụp đổ. Trong 8 tháng đầu năm, chỉ có khoảng 70.000 du khách nước ngoài tới Thái Lan, quá nhỏ so với lượng khách mà nước này từng đón tiếp trong năm 2019, lên tới 40 triệu khách.
Thái Lan đã kiểm soát khá thành công đại dịch COVID-19 trong phần lớn năm 2020. Nhưng đến tháng 6 năm nay, lây nhiễm có xu hướng tăng vọt. Dư luận trong nước bắt đầu chỉ trích chính phủ chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng. Vậy nên kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế từ tháng 10 này xem ra không còn khả thi.
Đã có những tín hiệu về mở cửa, nhưng mới chỉ dừng lại ở những bước đi dè dặt. Thời gian áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm được rút ngắn một giờ, bắt đầu từ 22h00 đêm hôm trước đến 4h00 sáng hôm sau. Thư viện, bảo tàng được phép mở cửa. Người dân cũng có thể đến các trung tâm chăm sóc sắc đẹp (spa), nhưng phải đặt lịch trước và phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời hạn hiệu lực.
Video đang HOT
Du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine sẽ chỉ còn phải cách ly trong thời gian một tuần, thay vì hai tuần như trước đây. Một số biện pháp nới lỏng dự kiến sẽ được triển khai trong tháng 11 tới. Đây là những thông tin tốt lành với ngành du lịch, lưu trú, khách sạn vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nhưng chừng đó là chưa đủ để lôi kéo khách du lịch trở lại ở quy mô lớn.
Vậy tại sao chính phủ Thái Lan lại mở cửa ngành du lịch một cách dè dặt như vậy? Câu trả lời đơn giản là tỉ lệ bao phủ vaccine cũng như số lượng phòng điều trị tích cực (ICU) còn có hạn chế.
Dù sớm đẩy nhanh việc đặt hàng vaccine, nhưng chiến dịch tiêm chủng tại Thái Lan được triển khai khá chậm. Phía trước là cả một chặng đường dài để đạt tới mục tiêu tiêm chủng đủ liều cho ít nhất 70% dân số. Đến cuối tháng 9/2021, mới chỉ có 25% dân số Thái Lan tiêm đủ liều.
Quán bar tại Bankok đã phải đóng cửa từ tháng 4/2021 đến nay. Ảnh: BBC
Khi làn sóng COVID-19 mới nhất lên đỉnh vào tháng 7 và tháng 8, tất cả phòng ICU ở Bangkok đều kín bệnh nhân. Nhiều gia đình có người thân bị bệnh nặng đã phải quay cuồng tìm kiếm buồng ICU tại những tỉnh, thành khác trên cả nước. Chắc chắn không một ai muốn lặp lại cảnh tượng này.
Nhưng với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, giới chuyên gia y tế tin rằng độ che phủ vaccine 70% mà chính phủ đề ra là quá thấp để Thái Lan có thể mở cửa triệt để ngành du lịch. “Tỉ lệ tiêm chủng ở nhóm người già và dễ bị tổn thương nhất cần phải đạt 85-90%. Tính trên diện rộng, với sự xuất hiện của biến thể Delta, 80% dân số tiêm đủ liều mới tạm được coi là an toàn”, ông Tanarak Plipat, quan chức y tế cao cấp và từng là Phó Tổng giám đốc Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Thái Lan, cho biết.
Giới chuyên gia trong ngành du lịch cũng cho rằng còn quá sớm để mở toang ngành du lịch. “Thời điểm tốt nhất cũng phải chờ tới ngày 1/1/2022. Tôi sẽ không lên kế hoạch thực hiện các chuyến bay quốc tế trước thời điểm đó”, Tassapon Bijleveld, Chủ tịch Thai Air Asia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Thái Lan, nói.
Tỉ lệ tiêm chủng thấp không phải là rào cản duy nhất. Nhịp sống ban đêm nổi tiếng của Thái Lan không thể mở lại với lệnh giới nghiêm sau 22h00, kèm theo đó là quy định mọi quán bar ở Bangkok buộc phải đóng cửa từ tháng 4, đồ uống có cồn không được phép bán ở các nhà hàng. Quy định này đã được nới lỏng, nhưng mới chỉ áp dụng duy nhất tại đảo du lịch Phuket. Các yêu cầu xét nghiệm Covid mỗi khi muốn đi từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng tạo ra gánh nặng chi phí, thời gian cho những du khách có ý định tới thăm nhiều vùng ở Thái Lan.
Tại quán bar Tax hào nhoáng bên trong một căn shophouse ở trung tâm Bangkok, chủ quán Niks Anuman Rajadhon và nhân viên đang chuẩn bị cho khả năng chính quyền nới lỏng lệnh cấm phố đêm hoạt động. Họ xếp bàn ghế giãn cách và đảm bảo không khí được lưu thông tốt. Nhưng xét đến việc quán mới chỉ hoạt động được 6 tuần từ đầu năm trở lại đây, Anuman không mấy lạc quan về công việc kinh doanh.
“Với chúng tôi, phải đóng cửa lâu như vậy mà không được đền bù gì chẳng khác nào một thảm họa. Bangkok là một thành phố không ngủ. Hãy xem những gì mà ngành bar đã làm cho thành phố này, được xếp hạng hàng đầu ở châu Á. Tôi ước gì họ thông cảm hơn cho ngành lưu trú và ngành kinh tế về đêm. Lúc này, chính phủ hành động như thể chúng tôi chưa hề tồn tại,” anh nói.
Các nước Đông Nam Á nỗ lực hồi sinh ngành du lịch
Với chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, các quốc gia Đông Nam Á đang từng bước tìm hướng nới lỏng các biện pháp chống dịch phù hợp, bao gồm cả việc dần nối lại các hoạt động du lịch.
Khách du lịch vui chơi tại khu nghỉ dưỡng trên đảo Koh Yao Yai, Phuket, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Malaysia sẽ bổ sung các địa điểm du lịch nổi tiếng vào bong bóng du lịch nhằm thúc đẩy du lịch nội địa. Phát biểu trước báo giới ngày 21/9, Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri cho biết khu giải trí Genting, thành phố cổ Melaka và đảo Tioman sẽ tham gia vào "bong bóng du lịch" và có thể mở cửa đón du khách trở lại vào ngày 1/10 tới đây. Bà cũng cho biết nhiều địa điểm sẽ sớm được thêm vào "bong bóng du lịch" nội địa.
Trước đó, ngày 16/9, Langkawi đã trở thành địa điểm đầu tiên đón du khách tham quan trở lại sau thời gian dài Malaysia áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ. Các hoạt động được phép ở Langkawi bao gồm bãi biển và các hoạt động dưới nước, chơi golf, đạp xe, câu cá, du thuyền. Ngoài ra còn có các tour du lịch giáo dục và du lịch sinh thái như ngắm chim, thám hiểm hang động, leo núi, đi bộ xuyên rừng. Các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm di sản văn hóa, công viên chủ đề và trung tâm giải trí cũng được mở cửa đón khách.
Trong khi đó, Singapore, Philippines cũng điều chỉnh các chính sách để hồi sinh du lịch nhằm bảo vệ sinh kế và hỗ trợ nền kinh tế. Singapore chuyển hướng thúc đẩy các tour du lịch trong nước trong khi Philippines đang chờ đợi sáng kiến "hành lang xanh" có thể sớm được thông qua. Sáng kiến này tạo điều kiện để các điểm du lịch mở cửa trở lại, với những du khách đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Indonesia cũng xem xét việc mở cửa đón du khách nước ngoài đến đảo Bali và một số điểm du lịch khác từ tháng 10/2021. Ban đầu, Indonesia sẽ ưu tiên tiếp nhận du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và New Zealand trong bối cảnh mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại các quốc gia này thấp. Dự kiến, đến khi đạt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 cho 70% người dân, nước này sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài.
Về phần mình, Thái Lan công bố kế hoạch từ 1/10 sẽ tiến hành mở cửa đón khách quốc tế đến Bangkok, Chiang Mai, cùng các khu du lịch ở Pattaya, Cha-Am và Hua Hin. Tùy theo đặc thù riêng, mỗi địa phương sẽ triển khai những cách thức đón khách khác nhau, phù hợp với lợi thế của từng điểm đến. Một số địa điểm khác dự kiến cũng sẽ mở cửa hoàn toàn vào giữa tháng 10, theo mô hình "bong bóng" với một số nước láng giềng.
Thái Lan: Tỷ lệ học sinh bỏ học tăng vọt Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em Thái Lan bỏ học, hậu quả của nền kinh tế suy thoái, trường học đóng cửa thời gian dài. Chính phủ quốc gia này vẫn đang tìm cách dập tắt làn sóng trên. Phumeakkawut phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình. Một năm đại dịch Covid-19 vừa qua đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống...