Cooler Master Sirus S: Bản “giản lược” của hàng khủng Sirus
Có lẽ không cần phải nhắc lại rằng Cooler Master đang dần dần tiến sâu vào thị trường Gaming Gear và bước đầu đã thu được rất nhiều thành công với một số sản ph ẩm thực sự ấn tượng. Cách đây bốn tháng, GenK đã có một bài viết đánh giá về chiếc tai nghe CM Storm Sirus – một sản phẩm được các phòng test lab trên thế giới đánh giá rất cao bởi nó thể hiện rất tốt cả game lẫn nhu cầu nghe nhạc, giải trí.
Trong bài viết này, GenK sẽ gửi tới độc giả phần đánh giá của một bản “giản lược” của CM Storm Sirus, đó chính là chiếc CM Storm Sirus S.
Thiết kế
Như đã đề cập ở trên, CM Storm Sirus S là một bản giản lược của chiếc tai nghe Sirus. Về ngoại hình, Sirus S không có gì khác biệt so với phiên bản tiền nhiệm. Kích thước bằng với model đời trước, vẫn dáng vẻ hầm hố và mạnh mẽ, thậm chí có phần hơi lớn khi đeo trên tai game thủ.
Ở mỗi bên tai là logo CM Storm và khu lưới thoát nhiệt. Khi kết nối tai nghe vào máy tính, logo CM Storm sẽ sáng đèn màu đỏ và cũng đồng thời phản chiếu chút ánh sáng khiến cụm lưới thoát nhiệt cũng sáng mờ trong bóng tối. Tuy đẹp mắt nhưng do thiết kế khá lớn và phần lớn trọng lượng dồn vào hai earcup nên cảm giác đeo Sirus S trên tai rất nặng và nóng. Qua thử nghiệm thì GenK chỉ có thể chơi game với Sirus S trong vòng một giờ là phải bỏ thiết bị xuống.
Điểm khác biệt duy nhất về ngoại hình so với chiếc Sirus là màu sắc. Sirus S được sơn màu đen bóng mờ và trên bề mặt phủ một lớp cao su cực mỏng (Ở CM Storm Sirus là màu cobalt). Dường Cooler Master rất chuộng quy trình phủ cao su lên bề mặt các thiết bị của mình, tuy tạo cho sản phẩm một vẻ sang trọng, đắt tiền nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì rất dễ bị bám bẩn.
Cũng giống như Sirus, Sirus S có tới 4 driver mỗi bên và một mic được gắn bên tai trái. Ở mỗi bên earcup, có 1 loa sub trầm kích cỡ 40mm, hai loa 30mm điều hướng âm thanh trước – sau và một loa 30mm cung cấp âm thanh trung tâm. Với cách bố trí cân xứng, khả năng thể hiện âm thanh đa kênh, giả lập 5.1 của Sirus S rất tốt.
CM Storm Sirus S được trang bị hai bộ earpad, một bộ bằng da không thấm mồ hôi và một cặp được làm từ sợi vải, nóng hơn và thấm mồ hôi. Người dùng có thể thay đổi một cách dễ dàng tùy trường hợp, tuy nhiên với thời tiết nóng nực GenK khuyên người dùng nên sử dụng earpad da để dễ dàng vệ sinh hơn.
Mic của CM Storm Sirus S cũng được trang bị đèn màu đỏ, và sẽ tắt khi người dùng gập mic gọn lên phía trên.
Điểm khác biệt lớn nhất so với người đàn anh Sirus là chiếc Head Amp. CM Storm Sirus đi kèm một Amp hình tròn khá đẹp cho phép người dùng có thể chỉnh độ lớn của âm Bass, âm trung tâm (Center) và âm trước (front) cùng phía sau (Rear). Sirus S không có Head Amp, tuy nhiên vẫn được trang bị một cụm điều chỉnh âm thanh cho phép người dùng tùy chỉnh Rear Vol, Front Vol, Sub Vol và Cen Vol.
Video đang HOT
Mặc dù có thể tùy chọn các mức âm thanh đó, nhưng Sirus S vẫn thua người đàn anh ở bộ driver đi kèm. Với Head Amp, CM Storm Sirus có hẳn một bộ driver cho phép điều chỉnh nhiều thứ hơn, còn Sirus S thì không. Sự thiếu hụt này thể hiện một cách rõ ràng ở chất lượng âm thanh, GenK sẽ đề cập tới vào phần sau của bài viết.
CM Storm Sirus S có một cổng USB cung cấp thêm điện cho thiết bị. Tuy rằng chỉ cần cắm giắc 3,5mm là tai nghe có thể hoạt động, nhưng người dùng nên kết nối cả ngõ USB để Sirus S có thể nhận được đầy đủ điện năng giúp hoạt động hiệu quả nhất. Khi không cắm giắc USB, đèn trên thiết bị sẽ không sáng.
Chất lượng âm thanh
CM Storm Sirus S được Cooler Master sản xuất với mục đích chính là chơi game, và hãng đã làm rất tốt điều đó. Với 4 driver mỗi bên earcup, chiếc headset này đã thể hiện rất tốt hướng nguồn âm và những hiệu ứng âm thanh ấn tượng. Thử với game Darksider 2 đang hot và Bioshock 2, GenK cảm thấy hài lòng với những gì Sirus S mang lại.
Sáng đèn trong đêm.
Trong game Darksider 2, GenK đã thử điều khiển nhân vật Death chạy ra một vùng rộng lớn. Đó là một khu băng tuyết, khi nhắm mắt có thể cảm nhận được khả năng tái tạo không gian của Sirus S rất ổn với tiếng gió thổi xào xạc lúc nhanh lúc chậm, GenK có thể cảm thấy rõ ràng hướng chạy tới của những con quái vật trong trò chơi. Khi dùng chuột xoay camera, tiếng động cũng thay đổi theo hướng nhìn và GenK cũng có thể nhận ra nguồn âm trong trò chơi một cách rõ ràng, chi tiết.
Đối với game Bioshock 2, những trường đoạn âm thanh hồi hộp, hoành tráng được tái hiện rất chân thực. Những đoạn đối mặt với Big Sister thực sự khiến người chơi chìm vào khung cảnh khẩn trương và nguy hiểm với nền nhạc gấp gáp, thúc giục.
Chính vì khả năng tái tạo nguồn âm tốt, âm trường rộng nên CM Storm Sirus S cũng rất thích hợp với những bộ phim hành động có nhiều âm thanh hỗn tạp từ môi trường xung quanh. Thử với một vài bộ phim mang tính lén lút, Sirus S đem lại trải nghiệm rất hồi hộp và hào hứng khi thể hiện cực tốt tiếng lửa cháy lép bép và tiếng chân chạy trên cỏ khi nhân vật hoang mang không biết kẻ săn đuổi mình đang ở vị trí nào trong đêm.
Như GenK đã đề cập ở trên, việc không có Head Amp và driver đi kèm khiến CM Storm S thực sự là một bản giản lược tối đa của CM Storm Sirus. Người dùng không thể chép miệng mua đại Sirus S thay cho Sirus vì ngoại hình giống nhau được, bởi thiếu vắng Amply và driver khiến những tinh chỉnh về Sub vol, Center vol, Front vol và Rear vol trở nên không hiệu quả.
Nếu ở CM Storm Sirus, GenK có thể nhận ra ngay lập tức khi vặn nhỏ âm Rear đi, âm thanh dường như bị mất cân bằng ở phía sau, hay khi giảm sub vol âm thanh có phần “bẹt” đi rất nhiều thì những tùy chỉnh này ở Sirus S thực sự không cảm thấy nhiều khác biệt. Ngay cả việc vặn Sub vol của Sirus S nhỏ xuống thì thay đổi diễn ra chỉ đơn thuần là toàn bộ âm lượng các kênh đều giảm đi.
GenK đã burn-in chiếc tai nghe này để tăng thêm chút trải nghiệm âm nhạc. Sau khoảng 3 ngày burn-in thì Sirus S cho âm trường có phần sống động và rộng hơn một chút, bass cũng mạnh mẽ và có lực hơn, đồng thời chất âm thêm phần ấm áp. Tuy nhiên ở khoảng giữa âm mid thấp và bass cao, Sirus S vẫn tỏ ra yếu đuối khi âm thanh nghe giống như bị bóp nghẹt.
Sirus S có túi đựng đi kèm.
Thực sự là với một chiếc tai nghe được thiết kế dành cho game, GenK không quá khắt khe trong việc này. CM Storm Sirus S vẫn có thể tỏa sáng ở thể loại Dubstep, rap và những bản nhạc có nhiều âm thanh điện tử, nhưng việc người dùng sử dụng Sirus S để nghe những bản nhạc pop, R&B hay acoustic thì có lẽ không hợp.
Kết luận
Dù không phải là một chiếc tai nghe cho trải nghiệm tốt nhất về mặt âm nhạc nhưng Sirus S đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh của mình, đó là thể hiện những âm thanh trong game chân thực, rõ ràng và chi tiết. Khi sử dụng CM Storm Sirus S, GenK đã nhận ra vô số âm thanh hay ho thú vị trong những game FPS từng trải nghiệm qua mà chưa hề nhận thấy ở những chiếc tai nghe bình thường khác. Nếu là một gamer chính hiệu, dành nhiều thời gian cho game thì CM Storm Sirus S thực sự là một lựa chọn hoàn hảo. Sản phẩm đang được Cooler Master Việt Nam phân phối chính hãng với mức giá dưới 3 triệu đồng.
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp, mạnh mẽ.
- Đèn trang trí đơn giản nhưng vẫn thể hiện được sự tinh tế của sản phẩm.
- Âm thanh trong game thể hiện rất tốt.
Khuyết điểm:
- Không có HeadAmp đi kèm.
- Các tùy chỉnh trên cụm nút âm lượng không rõ ràng.
- Nặng, đeo lâu khá nóng và mỏi cổ.
Theo Genk
Tai nghe CM Storm Ceres-400 lên kệ
CM Storm Ceres-400 là tai nghe mới chất lượng nhất của Cooler Master, sản phẩm dành cho cộng đồng game thủ.
CM Storm Ceres-400 - tai nghe cực chất của Cooler Master
Chiếc tai nghe CM Storm Ceres-400 được trang bị loa 40mm chất lượng cao và cực kỳ mạnh mẽ. Được thiết kế cho giới game thủ nên Ceres-400 hướng đến âm thanh chất lượng, nhẹ, tạo sự thoải mái để có thể sử dụng được lâu, điều mà giới game thủ rất cần. Khi dùng, bạn có thể đắm chìm trong thế giới game, phim, nhạc, hoặc những cuộc thoại internet với chất lượng cực rõ.
Trang bị đệm mút cả ở gọng và ở tai nghe
Vành tai rộng có lớp đệm khá êm, ôm kín tai
Vành tai nghe có kích cỡ rộng 90mm, đảm bảo thoải mái cho người dùng thời gian dài với lớp đệm mềm mại. Khung tai nghe là loại có thể điều chỉnh to nhỏ được.
CM Storm Ceres-400 được thiết kế để chỉnh âm lượng ở bộ phận nhỏ đính kèm theo dây, Mic được thiết kế gắn phía loa trái, gạt lên trên để tắt mic khi không sử dụng.
Mic được bố trí ở cạnh trái
Sản phẩm sẵn sàng lên kệ từ ngày 5 tháng 9 với giá 33.6 &euro (hơn 42 USD)
Theo echip
CM Storm Trigger: "Mech Keyboard" nặng 1,2 Kg của Cooler Master Cho tới nay, hãng phần cứng vốn nổi tiếng với tản nhiệt và case máy tính Cooler Master đã cho ra mắt kha khá các thiết bị chơi game gắn mác CM Storm của mình. Tầm trung có, cao cấp có, thậm chí cả những thiết bị là sản phẩm "đầu tay" nhưng đã khiến các phòng test lab trên khắp thế giới...