Công việc, bằng cấp ở Mỹ- dưới mắt nhìn của một cô giáo gốc Việt
ANTĐ – Ở Mỹ, tốt nghiệp cấp 3 được chú trọng hơn đại học vì nhiều lý do, một trong những lý do chính là: Có bằng tú tài cũng đủ lên sếp bộ phận, trong đó học đại học rất tốn kém, không phải gia đình nào cũng lo được cho con cái.
Nhân tiện mùa thi, mùa các sĩ tử chọn trường, chọn nghề, mình viết lan man, tản mạn vài câu chuyện nhỏ về công việc ở Mỹ. Đây là những người thật, việc thật- những người bạn, đồng nghiệp hoặc người mà mình đã từng chứng kiến.
1- Người đến cắt cỏ cho nhà mình ngày hôm qua là một anh cảnh sát đã về hưu. Lương hưu cảnh sát (và những ngành khác thuộc chính phủ) thuộc loại khá cao (trung bình 70.000- 80.000 USD/năm) nhưng anh này vẫn tự lập doanh nghiệp nhỏ của mình chỉ vì không muốn ngồi rỗi.
2- Có lần sau khi đã tiễn học sinh ra cửa hết, mình đi lên cầu thang quay trở lại lớp, một chị đồng nghiệp đi cùng nói chuyện là giờ chị phải đi làm nữa. Mình băn khoăn không hiểu chị làm thêm gì nữa vì đa số giáo viên trường mình (và nhiều trường khác) không làm thêm gì cả vì lương đủ trang trải, cũng như chẳng có thời gian và hơi sức đâu nữa. Mình hỏi thì chị bảo là việc khác mà chị làm bây giờ là về nhà … lo cho con. Mình mới ngớ ngườI ra, quên mất một điều rằng làm mẹ cũng là một nghề, một nghề vất vả nhưng nhiều yêu thương và đền đáp.
3- Ở siêu thị Walmart hay có người đứng ngay cửa ra vào làm nghề… chào hỏi mọi người (Walmart greeter). Chỉ duy nhất nhiệm vụ chào khi khách đến và nói cảm ơn khi khách ra cửa. Không phải mở cửa vì cửa tự động, không phải giúp khách lấy xe đẩy hàng vì khách tự lấy. Những Walmart greeter này đủ mọi thành phần: cựu chiến binh, học sinh sinh viên, những người từng là tù nhân, hay cả… giáo sư đại học! Ai cũng nở nụ cười hết sức chân thành, nghề mà.
Một người đàn ông da màu làm Walmart greeter
Video đang HOT
4- Ở những chỗ mình đã làm qua hoặc hay lui tới, chỗ nào cũng có đồng nghiệp hay nhân viên là người tàn tật. Họ là người thu dọn khu vực kho, nhân viên trong nhà ăn, thủ thư … Người thì bị bệnh Down, người bị Parkinson, người bị tự kỷ. Có một điểm chung duy nhất mình nhận thấy là họ chan hoà, tươi cười, và làm việc chăm chỉ như những người bình thường.
5- Người Mỹ làm việc như điên. Đa số cảm nhận của những ai lần đầu đến Mỹ công tác hay làm việc thì đều thấy nước Mỹ như cỗ máy khổng lồ, ai cũng làm việc quay cuồng, nhất là ở vùng Đông Bắc. Làm gì cũng nhanh, kể cả sang đường. Mình nhớ thời còn học đại học, đi làm thêm ở một trung tâm thương mại, nhiều hôm đông khách quá mình… không có thời gian đi vệ sinh.
Ăn quá bữa hoặc bỏ ăn trưa là chuyện bình thường. Mình không hề nói quá, vì cứ hết đợt khách này đi thì laị có đợt khách khác tới, liên tục. Lý do vì ở bất cứ nơi nào ở nước Mỹ (kể cả cơ quan công quyền, ngân hàng hay khu vui chơi giải trí, v.v…) không có giờ nghỉ trưa, chỉ có giờ mở cửa và đóng cửa. Cùng một lúc phục vụ 4-5 khách, chỉ có chạy và chạy, đừng nói đi bộ hay đi bộ nhanh.
Nhưng mình vẫn chưa bằng mấy bạn đi làm 2-3 chỗ, một tuần làm đến 80-90 tiếng (trung bình ở Mỹ nếu làm đủ thời gian (full time) là 40 tiếng/tuần, bán thời gian (part time) thì 32-35 tiếng/tuần hoặc ít hơn). Làm đã mệt, lại còn di chuyển giữa các chỗ làm khác nhau, nhiều chỗ cách nhau cả hơn một tiếng đồng hồ lái xe. Các bạn ý phải tranh thủ ăn trong lúc lái xe, nghỉ ngơi thư giãn trên xe.
“Drive-through” rất thịnh hành tại Mỹ
Các bạn ý coi xe ô tô của mình là nhà, là bạn, thế nên mới có chuyện người Mỹ thường đặt tên cho chiếc xe của mình (kiểu như bạn xe Volkswagen Beetle đuợc gọi là Wanda của nhân vật Ana trong truyện “50 sắc thái”). Thế nên mới ra đời cái gọi là drive-through (dịch nôm na là “lái qua”)- mua đồ ăn hay rút tiền mà không cần bước ra khỏi xe. Hầu hết các ngân hàng hay chuỗi nhà hàng ăn nhanh như Mc Donald, Chick-fil-A, Popeyes, đều có drive-through. Cái này tiện vì tiết kiệm thời gian (mà thời gian là tiền bạc ở Mỹ) mà sinh ra bệnh lười- lười đi lại và lười giao tiếp).
6- Mọi người sẽ thắc mắc “làm nhiều và mệt thế thì tiền để đâu cho hết?”. Dạ thưa, chỉ đủ để đóng thuế, và để trả nợ hóa đơn (bill). Kể sơ sơ cho mọi người chóng mặt: nếu một tháng thu nhập trung bình 3.000 USD (trước thuế) thì:
- Hoá đơn: tiền nhà (trả góp hoặc thuê- 1.000 USD), tiền điện nước (200 USD), nước thải (50 USD), cáp TV và Internet (đắt và không tốt bằng ở VN 150 USD), bảo hiểm xe (150 USD), bảo hiểm y tế (100 USD), thẻ tín dụng (trung bình 250 USD tuỳ mua sắm it hay nhiều)
- Thuế: thu nhập cá nhân (20%- 600 USD), nhà đất (500 USD)
- Sau khi cộng lại thì chỉ còn 50 USD để dành cho chi phí khác: đổ xăng, đồ ăn. Nếu từng là sinh viên thì còn phải nợ tiền học đại học (student loan- 200 USD)
Đúng là chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, không có dư để tiết kiệm. Bảo tại sao ngườI Mỹ ít đi du lịch nước ngoài! Và chắc chắn không phải cứ ở Mỹ là giàu! (đi làm đóng thuế chết luôn!)
7- Không phải ai cũng học đại học và càng không phải ai cũng muốn học đại học, đơn giản là tốn tiền quá. Trong 10 người học đại học ra, 8 người vay nợ chính phủ (trung bình khoản nợ này là 30-50.000 USD cho tấm bằng đại học 4 năm, càng học cao càng nợ nhiều). Có người được bố mẹ lo cho tiền học, nhưng không ít người tự trả tiền học bằng cách đi làm trong lúc đi học (đủ các nghề, từ làm cho các công ty, tập đoàn đến làm diễn viên phim khiêu dâm hay nhảy nude).
Các bạn sẽ hỏi sao không xin học bổng. Dạ không phải xin học bổng (đặc biệt học bổng toàn phần) dễ thế đâu ạ, nhất là trong hoàn cảnh đa số học bổng trong các trường đại học là dành cho những học sinh xuất chúng (đặc biệt trong lĩnh vực thể thao), hoặc những học sinh thuộc diện thiểu số (học sinh nước ngoài, học sinh thuộc các sắc dân như châu Phi).
Một lý do nữa khiến không phải ai cũng chon con đường đại học là kể cả chỉ tốt nghiệp cấp 3, bạn cũng xin việc được. Nhiều nghề chỉ đòi hỏi tốt nghiệp trung học. Học càng cao càng khó xin việc. Ví dụ cho vị trí nhân viên văn phòng bác sĩ, nhà tuyển dụng thà chọn một người tốt nghiệp cấp 3 với mức lương 25-28.000 USD/năm còn hơn chọn người tốt nghiệp đại học và phải trả thêm 5.000 USD.
Trước kia mình từng làm ở một trung tâm thương mại, bộ phận giầy dép. Bộ phận có 10 người thì chỉ có 3 người là đang và có ý định học đại học, còn lại thì tốt nghiệp cấp 3, kể cả sếp trưởng bộ phận.
Lễ dạ hội cho tốt nghiệp cấp 3 rất được chú trọng, hơn cả việc thi vào đại học
Thế nên ở Mỹ, tốt nghiệp cấp 3 được chú ý và quan trọng hơn là tốt nghiệp đại học. Vì vào đại học hoàn toàn không phải là lựa chọn của số đông. Thế nên mới có những dịch vụ kèm theo cho dạ hội (prom) khi tốt nghiệp trung học tiêu tốn khá nhiều tiền (cũng như thời gian công sức) của các bậc phụ huynh.
Khoảng gần 1.000 USD cho các chi phí như trang phục, xe đưa đón, tiệc tại nhà. Nhà nào giàu thì mua cho con cái váy hay bộ vest cũng đã hết hơn 1.000 USD rồi. Rồi lại phải đau đầu vì nào là chọn cái váy hay giày không bị trùng hay giống với váy hay giày của bạn.
Theo ANTĐ