‘Công trường’ đào Bitcoin của thế giới sắp đổi chỗ
Những quy định chặt chẽ về nguồn năng lượng có thể khiến những trang trại đào coin lớn tại Trung Quốc phải chuyển đi khu vực khác.
Trang trại đào coin của Patrick Li từng hoạt động 24 giờ mỗi ngày, với tiếng quạt ù ù không dứt. Đó là thời kỳ mà vùng Nội Mông, Trung Quốc còn thu hút những chủ trại coin với giá điện rất rẻ nhờ các nhà máy đốt than đá.
Đến năm 2020, chính phủ Trung Quốc bất ngờ nhắc nhở vùng Nội Mông về mục tiêu phát thải. Tới tháng 3/2021, lãnh đạo khu tự trị này đã chính thức cấm các doanh nghiệp sử dụng quá nhiều năng lượng, trong đó có các trại đào coin.
“Mọi việc quá bất ngờ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, buộc phải tìm địa điểm mới”, Patrick Li nói với Sixth Tone .
Trang trại đào coin của thế giới
Dù Bitcoin được coi là biểu tượng cho công nghệ blockchain và tính phi tập trung, thực tế là mạng lưới “đào” Bitcoin, chính là những máy tính chạy liên tục để xác thực các giao dịch, lại rất tập trung. Trung Quốc là nơi đặt những trang trại đào coin lớn nhất thế giới.
Theo thống kê của Trung tâm tài chính thay thế thuộc Đại học Cambridge, các mỏ đào Bitcoin tại nước này chiếm 65% tổng hiệu suất toàn cầu, tính đến hết tháng 4. Trong đó, Tân Cương, Tứ Xuyên và Nội Mông là những khu vực đóng góp nhiều mỏ đào coin nhất.
Ảnh hưởng của sự tập trung này thể hiện rõ vào tháng 4. Một sự cố tràn nước khiến mỏ than đá tại huyện Hô Đồ Bích, Tân Cương bị tràn nước vào ngày 11/4.
Mỏ than này đã phải ngừng hoạt động khoảng một tuần để kiểm tra an toàn lao động, do đó không thể cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy điện trong vùng.
Một trang trại đào coin ở vùng Nội Mông, Trung Quốc.
Điều này khiến cho các trang trại đào Bitcoin, vốn ngốn lượng điện rất lớn, phải ngừng hoạt động. Vào cuối tuần sau đó, tức là ngày 17-18/4, năng lực của mạng lưới Bitcoin toàn cầu đột ngột giảm mạnh khoảng 30%.
Để đảm bảo tính phi tập trung của mạng lưới blockchain, hàng vạn máy tính trên toàn cầu sẽ chạy chương trình tính toán để xác thực các giao dịch. Đổi lại, những cỗ máy mạnh nhất và xác thực nhanh nhất sẽ được thưởng một lượng Bitcoin nhất định.
Năm 2013, Li nhận thấy cơ hội và quyết định đầu tư vào một chiếc máy tính, với giá tương đương cả tháng lương viên chức, để đào Bitcoin và tìm “tự do tài chính”.
Video đang HOT
Người đào coin như chúng tôi luôn phải tìm nơi có điện rẻ, ổn định nhất.
- Liu Fei, CEO công ty đào coin Bixin Mining.
Trung Quốc là công xưởng sản xuất nhiều thiết bị máy tính, và cũng sớm trở thành trung tâm đào coin của thế giới. Việc đào coin không hề đơn giản. Chỉ những cỗ máy mạnh nhất, tìm ra được con số đúng nhanh nhất mới được thưởng lượng Bitcoin. Sự cạnh tranh khốc liệt khiến cho các trang trại đào coin ngày càng phải trang bị những cỗ máy mạnh hơn, với số lượng nhiều hơn, và tất nhiên cũng tốn rất nhiều điện. Do đó, các chủ trang trại cũng luôn tìm kiếm những khu vực có điện rẻ nhất.
“Nếu như những người du mục tìm kiếm nơi có nước và cỏ cho ngựa, thì người đào coin như chúng tôi cũng phải tìm nơi có điện rẻ, ổn định nhất”, Liu Fei, CEO công ty đào coin Bixin Mining chia sẻ.
Một trại đào coin Trung Quốc được đặt gần thủy điện ở tỉnh Tứ Xuyên.
Vào mùa mưa, các trại đào coin tại những vùng có thủy điện hoạt động mạnh. Tới mùa khô, những khu vực như Tân Cương hay Nội Mông, với nhiều nhà máy điện than, trở nên nhộn nhịp hơn.
“Các khu vực có điện rẻ thì hiệu suất đóng góp vào mạng lưới Bitcoin cũng lớn nhất. Điều đó cho thấy đồng Bitcoin thực chất là một loại tiền tệ năng lượng”, Xu Peng, Giáo sư cơ khí và năng lượng bền vững tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải nhận xét.
Trung Quốc không còn là “thiên đường” đào coin
Tác động môi trường của việc đào Bitcoin là rất lớn. Vào tháng 4, nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications kết luận các trang trại Bitcoin tại Trung Quốc sẽ thải ra 130 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2024, cao hơn khí thải của toàn bộ Cộng hòa Séc.
Đã có nhiều biện pháp được đề ra để giảm mức tiêu thụ điện của Bitcoin. Một trong số đó là chuyển đổi cơ chế đồng thuận từ chứng minh bằng công việc (PoW), tức là dùng sức mạnh tính toán như hiện nay, sang chứng minh bằng việc giữ coin (PoS). Tuy nhiên, do bản chất phi tập trung, thay đổi lớn như vậy sẽ rất khó xảy ra. Những chủ trại đào coin cũng không muốn số máy đào mình đã mua trở thành vô dụng.
Ngoài ra, giá trị của Bitcoin một phần đến từ việc nó rất khó đào.
“Giống như vàng, Bitcoin khan hiếm bởi đào đồng coin khó và rất đắt đỏ”, ông Liu Fei nhận định.
Bên trong một trại đào coin tại Trung Quốc.
Những khu vực có giá điện rẻ như Tân Cương, Nội Mông từng chào đón các chủ trại đào coin. Họ còn đưa ra nhiều ưu đãi cho thuê đất, giá điện để thu hút những thợ mỏ coin. Dù vậy, những quy định siết chặt việc sử dụng năng lượng hóa thạch của chính quyền Trung Quốc đang khiến cho nơi đây không còn là thiên dường của những trang trại coin.
“Ngành kinh doanh đang phát triển này không có đóng góp chung tới nền kinh tế quốc gia. Nếu xét nó là một ngành hỗ trợ cho tài chính thì năng lượng tiêu thụ là quá lớn”, Guan Dabo, Giáo sư tại Đại học Thanh Hoa nhận xét.
Từ tháng 4, các chủ trại đào coin tại Bắc Kinh buộc phải khai báo lượng điện tiêu thụ để tiếp tục hoạt động. Cùng với các trung tâm dữ liệu, những cỗ máy đào coin đang khiến cho thành phố này khó kiểm soát lượng khí thải phát ra cũng như ổn định nguồn điện trong giờ cao điểm.
Từ năm 2013, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cấm các tổ chức tài chính sử dụng và trao đổi Bitcoin cùng các loại tiền mã hóa. Năm 2017, các sàn giao dịch tiền mã hóa bị cấm hoạt động tại nước này. Hình thức huy động vốn bằng coin (ICO) cũng bị cấm.
“Những tài sản số có lợi ích gì với nền kinh tế? Chúng ta đang tiếp cận vấn đề rất cẩn thận”, Chu Tiểu Xuyên, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân đân Trung Quốc nhận xét.
Tuy nhiên, việc đào coin lại được chấp nhận ở Trung Quốc. Do không có quy định nào cấm đào coin, những trang trại đào Bitcoin lớn nở rộ ở nước này. Các chủ trại đều biết rằng mình cần thu lời thật nhanh, bởi họ không thể biết những nhà máy điện than đá hay thủy điện nhỏ sẽ đóng cửa lúc nào.
Quản lý một trại đào coin đang kiểm tra máy móc.
Sau khi Nội Mông siết quy định về năng lượng, các chủ trại coin đang phải tìm một vùng đất mới để đặt những máy cày của mình. Tứ Xuyên và Vân Nam, 2 tỉnh có nhiều thủy điện đang được nhắm đến.
“Tứ Xuyên là tỉnh có chính sách dễ chịu nhất với chủ trại coin”, Yang Maohua, một chủ trang trại tại tỉnh này nhận xét.
Tuy nhiên, việc nhiều nhà máy thủy điện nhỏ tại Tứ Xuyên đóng cửa cũng khiến nhiều nhà đầu tư trại coin phân vân khi muốn chuyển đến đây. Giá điện Tứ Xuyên cũng tăng khoảng 16% trong năm qua, khiến cho lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Với những khó khăn về nguồn điện và chính sách, Trung Quốc có thể không còn là nơi thích hợp nhất cho các trang trại coin.
“Tôi cho rằng mùa mưa năm nay sẽ là cơ hội cuối cùng cho thợ đào coin ở Trung Quốc. Sau đó sẽ là khoảng thời gian bất định. Nếu cần, tôi sẽ tìm cách chuyển máy móc ra nước ngoài, nơi có chính sách ổn định hơn”, Patrick Li, chủ trại đào coin đã đóng cửa ở Nội Mông cho biết.
Elon Musk liệu có giúp Bitcoin 'xanh' hơn
Elon Musk cho biết sẽ Tesla không sử dụng hoặc chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin cho đến khi chúng được khai thác bằng năng lượng tái tạo.
Động thái này của Elon Musk và Tesla sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giúp Bitcoin trở nên "xanh" hơn bằng cách đầu tư vào các dự án mới với mục tiêu thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo trong khai thác tiền kỹ thuật số. Dù vậy, quá trình sẽ không dễ dàng và tốn thời gian.
"Musk và Tesla chắc chắn có đủ nguồn lực để hỗ trợ những nỗ lực khai thác Bitcoin hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo", Diana Biggs, Giám đốc điều hành của start-up tiền điện tử Valor, nhận xét. "Nhưng những dự án như vậy có thể mất nhiều năm mới đạt thành quả".
Elon Musk và Tesla có thể phải tốn nhiều thời gian nếu đặt mục tiêu dùng Bitcoin "xanh" để thanh toán dịch vụ.
Theo các chuyên gia, Tesla cũng có thể triển khai lộ trình tiềm năng khác là chuyển từ Bitcoin sang các loại tiền tệ kỹ thuật số thân thiện với môi trường. Những đồng tiền này không dựa vào máy tính siêu lớn để khai thác như Bitcoin. Dù vậy, điều này sẽ vấp phải hàng loạt thách thức, bao gồm thỏa thuận với các nhà khai thác tiền điện tử, thay đổi phần mềm và các quy định liên quan.
Trong thông báo hôm 13/5 trên Twitter, Elon Musk cho biết sẽ xem xét các loại tiền điện tử khác sử dụng dưới 1% năng lượng hoặc giao dịch so với Bitcoin. Trong một tweet vào ngày 14/5, ông viết rằng: "Xu hướng sử dụng năng lượng trong những tháng qua là điên rồ", ám chỉ việc khai thác Bitcoin ồ ạt do giá trị của tiền số này tăng mạnh.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ông chủ Tesla thực tế không quan tâm tác động đến môi trường khi khai thác Bitcoin, mà là quan tâm đến hãng xe của ông. "Như hiện tại, việc mua và chấp thuận sử dụng Bitcoin không phù hợp với tuyên bố sứ mệnh của Tesla", Alex De Vries, người sáng lập nền tảng nghiên cứu Digiconomist, cho biết.
Thực tế, khi thành lập Tesla, Elon Musk cho biết mục tiêu của công ty là tạo ra những chiếc xe sử dụng điện năng thay vì các nhiên liệu hóa thạch, như xăng, dầu - để thân thiện với môi trường. Bitcoin cũng được khai thác bằng điện, nhưng lượng điện mà nó sử dụng lớn hơn rất nhiều. Điện năng này chủ yếu đến từ các nhà máy nhiệt điện dùng than đá - loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhất trong số các loại nhiên liệu hóa thạch.
Theo dữ liệu từ Đại học Cambridge, lượng điện năng để khai thác Bitcoin bằng năng lượng hàng năm của Ai Cập năm 2019. Trung Quốc - nơi tập trung hơn 70% số máy đào Bitcoin của toàn cầu - cũng chủ yếu dùng điện từ các nhà máy nhiệt điện, dù gần đây bắt đầu chuyển sang dùng điện mặt trời và thủy điện.
Yves Bennaim, người sáng lập tổ chức nghiên cứu tiền điện tử 2B4CH có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho rằng Elon Musk và Tesla có thể đầu tư vào các tùy chọn khai thác Bitcoin theo hình thức thân thiện với môi trường hơn. Công ty có thể thành lập các nhóm thợ đào dùng năng lượng tái tạo, hoặc kết nối để tạo một mạng lưới thợ đào toàn cầu dùng loại năng lượng này.
Thực tế, nhiều dự án khai thác tiền số trên toàn cầu đang tìm cách chuyển sang năng lượng tái tạo, hoặc cố gắng tối ưu để giảm phụ thuộc vào các hình thức tạo điện, sản sinh nhiều khí thải carbon. Square, công ty chi hàng trăm triệu USD để mua Bitcoin của người sáng lập Twitter Jack Dorsey, đã bỏ ra hơn 10 triệu USD để thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo trong khai thác Bitcoin.
"Elon Musk có thể đầu tư vào các công ty khai thác năng lượng xanh để Tesla chấp nhận thanh toán xe hơi bằng Bitcoin tạo ra từ loại năng lượng này", Maya Zehavi, một nhà tư vấn tiền điện tử và blockchain, nêu ý kiến.
Một số ý kiến khác cho rằng, Elon Musk và Tesla có thể kêu gọi các hệ thống nên thay đổi thuật toán khai thác và giao thức Bitcoin so với hiện tại nhằm giảm việc tiêu thụ điện năng. Tuy vậy, với đặc trưng phi tập trung, đây sẽ là vấn đề thách thức nhất.
"Toàn bộ hệ sinh thái khai thác Bitcoin đã ổn định nhiều năm qua. Chúng được đầu tư hàng tỷ USD vào phần cứng. Nếu thay đổi giao thức, đồng nghĩa với hàng tỷ USD biến mất. Chẳng ai muốn thay đổi cả", Jack Liao, CEO của công ty khai thác tiền số LightningAsic của Trung Quốc, nói.
Khai thác Bitcoin đạt độ khó kỷ lục Độ khó đào Bitcoin được ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại. Theo dữ liệu cung cấp bởi BTC.com , con số 25,05 nghìn tỷ điểm tương đương độ khó đào Bitcoin tăng 21,53% kể từ lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 1/5. Độ khó đào Bitcoin là thước đo tương đối về lượng tài nguyên tính...