Cống Quỳnh và chuyện học tài thi phận
Không đỗ trạng nguyên nhưng với tài trí hơn người và tài đối đáp, Nguyễn Quỳnh thường được đồng nhất với nhân vật Trạng Quỳnh nổi tiếng thông minh trong truyện dân gian.
Nguyễn Quỳnh (1677 – 1748) là một danh sĩ thời Lê – Trịnh, quê ở làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Thuở nhỏ, Quỳnh học với ông nội và cha (vốn là giám sinh ở Quốc Tử Giám). Ông nổi tiếng thông minh, đĩnh đạc.
Năm 19 tuổi, Nguyễn Quỳnh thi Hương và đỗ giải Nguyên. Tuy nhiên, học tài thi phận, đường thi cử của ông rất lận đận. Quỳnh nhiều lần thi Hội nhưng không đỗ.
Đời vua Lê Dụ Tông, triều đình bổ nhiệm Cống Quỳnh làm giáo thụ các huyện Thạch Thất, Phúc Lộc (Sơn Tây), rồi huấn đạo (chức quan coi việc học ở cấp phủ thời Lê) phủ Phụng Thiên ở kinh thành Thăng Long.
Nhà thờ Nguyễn Quỳnh tại Thanh Hóa. Ảnh: Xuthanh.
Khoa thi năm 1718, thời chúa Trịnh Cương, ông đỗ hạng ưu kỳ thi Sỹ vọng, được thăng làm tri phủ Thái Bình rồi về làm Viên ngoại lang- một chức quan phụ trách việc ghi chép, không có thực quyền, ở Bộ Lễ.
Sau này, Cống Quỳnh bị giáng xuống chức Tu soạn ở Viện Hàn lâm, hàm chánh bát phẩm (giáng 3 bậc).
Như vậy, chức quan cao nhất của Quỳnh là tri phủ. Với chức này, ông hoàn toàn không thể đi sứ nước ngoài hay tiếp xúc nhiều với vua chúa. Đây là một trong những căn cứ để các nhà nghiên cứu xác định, Nguyễn Quỳnh không phải là Trạng Quỳnh.
Tuy nhiên, dân gian vẫn đồng nhất Quỳnh với ông trạng nổi tiếng. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn, việc đồng nhất hai nhân vật hoàn toàn có căn cứ.
Video đang HOT
Trong chuyên luận Trạng Quỳnh qua gia phả họ Nguyễn Thanh Hóa, ông viết: “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Cống Quỳnh hoàn toàn có đủ tư cách để trở thành khởi hình lịch sử của Trạng Quỳnh dân gian”.
Dù không đỗ đạt cao, Nguyễn Quỳnh thực sự là một danh sĩ học hành xuất sắc.
Tiến sĩ Trần Tiến – quan Thượng thư triều Lê, dành lời khen ngợi ông trong cuốn Đăng khoa lục sưu giảng: “Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ hữu nhị. Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam”. (Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ chỉ có hai người. Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ không có đến người thứ ba).
Sách Nam Thiên lịch đại tư lược sử cũng có những dòng đánh giá cao ông: “Nguyễn Quỳnh văn chương nổi tiếng ở đời, nói năng kinh người, thạo quốc âm, giỏi hài hước”.
Tác phẩm còn lại của Cống Quỳnh, gồm một số bài ký, văn tế mẹ, văn khóc em và hai bài phú, được chép trong tập Lịch triều danh phú. Đây là tuyển tập của các danh sĩ thời bấy giờ, tất cả đều đỗ đại khoa, chỉ có ông và Đặng Trần Côn đỗ Hương cống.
Ngày nay, Nguyễn Quỳnh được thờ tại nhà lưu niệm Trạng Quỳnh ở quê nhà Thanh Hóa.
Theo Zing
Từ cậu bé nghèo đứng hành lang học lỏm thành trạng nguyên
Nhà nghèo không có tiền đi học, hàng ngày, Vũ Duệ cõng em, đứng ngoài hiên lớp học lỏm. Tinh thần vượt khó hiếu học đã giúp cậu bé ấy đỗ trạng nguyên, công danh thành đạt.
Trạng nguyên Vũ Duệ tên thật Vũ Nghĩa Chi. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, ông sinh năm 1468 trong gia đình nghèo ở làng Trình Xá, tỉnh Phú Thọ.
Tương truyền, từ nhỏ, Chi đã nổi tiếng thông minh, ứng đối nhanh. Ngày nọ, cha mẹ đi vắng, một người đến đòi nợ, chỉ thấy cậu bé ở nhà bèn hỏi xem người lớn đi đâu.
Nghĩa Chi đáp: "Bố tôi đi chém cây sống, trồng cây chết. Mẹ đi bản gió, mua que".
Người kia lấy làm lạ, suy nghĩ mãi mà không hiểu cha mẹ cậu bé đi đâu. Cuối cùng, ông ta dỗ dành, hứa xóa nợ cho gia đình nếu Nghĩa Chi trả lời thẳng.
Thần đồng lém lỉnh yêu cầu chủ nợ ấn tay lên cục đất dẻo làm tin rồi mới cho biết, cha cậu đi nhổ mạ để cấy còn mẹ đi bán quạt.
Hôm sau, người kia đến lúc cha mẹ Chi đang ở nhà. Cậu bé đưa cục đất có in dấu tay chủ nợ và yêu cầu ông thực hiện lời hứa. Ông ta chấp nhận xóa nợ, hy vọng cha mẹ Nghĩa Chi dùng tiền đó mua sách cho cậu đi học.
Còn theo Kho tàng về các ông trạng Việt Nam: truyện và giai thoại của Vũ Ngọc Khanh, nhà nghèo, cha mẹ không đủ tiền cho Vũ Nghĩa Chi ăn học. Hàng ngày, cậu phải trông em, nấu nướng để cha mẹ đi làm đồng.
Gần nhà, một ông thầy đồ mở lớp học. Sáng nào, Nghĩa Chi cũng cõng em, đứng ngoài hiên, học lỏm.
Nhiều bạn ghen ghét nhưng thấy ông đồ không nói gì nên cũng không dám có ý kiến. Hơn nửa năm, cậu vẫn chuyên cần đến lớp.
Đền thờ trạng nguyên Vũ Duệ tại xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, Phú Thọ.
Một hôm, thầy đồ nảy ý định đuổi khéo cậu học trò học lỏm. Ông ra câu hỏi hóc búa với ý định nếu cậu ta không giải được tất sẽ hổ thẹn rồi tự bỏ đi, còn cậu đáp đúng, ông sẽ tìm cách giúp đỡ về đường học vấn.
Trước hết, thầy đồ lần lượt gọi các học trò trong lớp nhưng hơn nửa không đáp được. Bấy giờ, ông mới nhìn về phía cậu bé đứng ngoài hiên, hỏi liệu có thể trả lời không.
Câu trả lời mạch lạc của cậu bé nhà nghèo khiến thầy đồ tán thưởng. Sau khi biết tên cậu là Nghĩa Chi, ông đề nghị đổi sang Duệ, bày tỏ ý khen ngợi tài năng.
Từ đó, Vũ Nghĩa Chi lấy tên là Vũ Duệ và trở thành học trò chính thức của thầy đồ. Duệ rất thông minh, chỉ cần đọc sách một lần đã nhớ.
Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), dưới thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Duệ đỗ trạng nguyên khi mới 22 tuổi. Vua Thánh Tông rất tán thưởng tài năng cũng như đức độ của vị trạng nguyên trẻ tuổi.
32 năm làm quan, Vũ Duệ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới các đời vua Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Dực và Chiêu Tông.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm 1522, Mạc Đăng Dung soán quyền, phế truất vua Chiêu Tông, lập vua Lê Cung Hoàng.
Tháng 10 năm đó, Vũ Duệ cùng Lại bộ thượng thư Ngô Hoán và môn đồ là Nguyễn Mẫn Đốc thống suất hương binh đi theo vua Lê Chiêu Tông, nhưng đến Thanh Hóa thì mất liên lạc, không biết vua ở đâu. Sau đó, họ hướng về lăng tẩm nhà Hậu Lê ở Lam Sơn, Thanh Hóa, bái vọng, rồi tự vẫn.
Sau này, tiến sĩ Hà Nhiệm Đại triều Mạc làm vịnh ca ngợi ông:
Tuổi trẻ đỗ đầu các khoá thi
Danh nho sự nghiệp thật là kỳ
Trung, trinh Thiếu Bảo lòng như thép
Không phụ Thuần Hoàng đoán tự xưa.
Năm 1566, vua Lê Anh Tông xếp Vũ Duệ hàng đầu trong 13 vị đại thần tử tiết. Triều đình cho xây dựng đền thờ Vũ Duệ ở xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ. Đền có tên là "Trạng nguyên tiết nghĩa từ".
Theo Zing
Nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam Ở tuổi đôi mươi, Nguyễn Thị Duệ giả nam đi thi và đỗ trạng nguyên. Tài năng, đức độ của nữ tiến sĩ đầu tiên được vua trọng dụng, dân kính trọng. Giáo dục Việt Nam thời phong kiến coi trọng Nho học, phụ nữ không có quyền tham gia thi cử. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Duệ là ngoại lệ. Bà không...