Công nương Kate dạy con tại nhà từ năm 3 tuổi
Nữ công tước xứ Cambridge tiết lộ đã dạy hai con nấu ăn tại nhà và luôn chú ý đến việc đảm bảo tinh thần tốt cho trẻ.
Công nương Kate luôn được đánh giá là người mẹ rất thân thiết với các con. Có sự giúp đỡ của một bảo mẫu chuyên nghiệp, cô vẫn dành nhiều thời gian cho ba hoàng tử, công chúa nhỏ của mình.
Trong chuyến thăm trường Tiểu học Lavender nhân dịp Tuần lễ Sức khỏe tâm thần của trẻ em, Kate đã tiết lộ những chi tiết ngọt ngào về Hoàng tử George, Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis. Dù George và Charlotte chỉ mới 5 và 3 tuổi, cô đã dạy chúng những kỹ năng chính ở nhà, trong đó kỹ năng được các con yêu thích nhất là nấu ăn, Mirror ngày 10/2 đưa tin.
Hoàng tử George và Công chúa Charlotte bên bố mẹ. Ảnh: Mirror
Matthew Kleiner-Mann, giám đốc điều hành của Ivy Learnig Trust, người đã trò chuyện với công nương Kate trong chuyến thăm, thông tin Kate đã chia sẻ về việc các con thích nấu ăn và đã giúp đỡ cô nấu ăn như thế nào trong căn bếp của gia đình.
“Họ đã cùng làm pasta. Một người khuấy bột, một người cho sữa và bơ vào. Rồi cả ba cùng làm salad”, Matthew mô tả lại.
Người này cũng cho biết thêm Kate đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Trước khi đến trường Lavender, Kate đã thực hiện một cuộc vận động nhằm giúp trẻ em có một tinh thần tốt hơn và nhằm giảm tỷ lệ tự tử khi mà các số liệu cho thấy tỷ lệ này đã tăng gấp ba lần và hiện đạt mức cao nhất trong 35 năm qua.
Một nguồn tin từ cung điện cũng cho Mirror biết nữ công tước nhận định nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ là một trong những vai trò quan trọng của cô trong hoàng gia bởi đây là một trong những thách thức lớn của thời đại. Heads Together, tổ chức từ thiện do cặp đôi hoàng gia thành lập với mục đích khuyến khích mọi người chăm sóc sức khỏe tâm thần, cho thấy Kate luôn ý thức cao về vấn đề này.
Trước đó, công nương Kate cũng nhận được nhiều lời khen ngợi về cách nuôi dạy con và chăm sóc cảm xúc của trẻ. Hồi tháng 11/2018, trong một sự kiện tại Trung tâm thể thao Basildon (Essex, Anh), Kate được người hâm mộ chạy đến ôm, cô lập tức ôm lại và nói “Cảm ơn rất nhiều. Những cái ôm rất quan trọng. Đó là điều tôi luôn nói với các con”.
Video đang HOT
Đầu tháng 10/2018, Kate cũng gây ấn tượng nhờ cách nói chuyện ngọt ngào và thông minh với trẻ. Trong chuyến ghé thăm Forest School ở Paddington của cô, các nhiếp ảnh gia đi theo và liên tục bấm máy. Một cô bé hỏi Kate: “Tại sao họ lại chụp ảnh cô vậy ạ?”. Công nương trả lời nhẹ nhàng: “Họ đang chụp ảnh con đấy, bởi vì con rất đặc biệt”.
Dương Tâm
Theo VNE
Phụ huynh có nên xin lỗi trẻ?
Xin lỗi như thế nào để làm gương cho trẻ trong cách cư xử? Tình huống nào bạn không nên xin lỗi dù khiến trẻ không vui?
Tác giả Gia Miller chia sẻ trên Washington Post về quan điểm gây tranh cãi khi nuôi dạy con.
Khi một phụ huynh nói với tôi anh ấy tin rằng cha mẹ không bao giờ nên xin lỗi con cái, tôi không biết phải trả lời như thế nào. "Chúng ta là người lớn, và người lớn không nên xin lỗi trẻ em", anh nói. Ông bố này nghĩ lời xin lỗi là không cần thiết, ngay cả khi anh thực sự mắc lỗi. Tôi thì ngược lại, tôi thường xin lỗi các con để chứng minh rằng tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm, và khi làm sai, một lời xin lỗi chân thành là cần thiết.
Cuộc trò chuyện đó khiến tôi đặt câu hỏi về quyết định trước giờ của bản thân. Tôi có nên lúc nào cũng xin lỗi con hay không? Hay chỉ nên xin lỗi trong một số trường hợp nhất định? Và tôi có đang xin lỗi theo cách thích hợp không?
Ảnh: iStock
Tôi đã trao đổi với một số chuyên gia, họ tin rằng phụ huynh nên xin lỗi trẻ. Nhưng xin lỗi khi nào và xin lỗi như thế nào phụ thuộc vào từng tình huống và độ tuổi của trẻ.
"Phụ huynh nên làm mẫu nếu muốn trẻ cư xử đúng mực với bạn bè và những người lớn khác", Julia Colangelo, nhân viên công tác xã hội ở thành phố New York nhận định về hành vi xin lỗi trẻ.
Một lý do khác mà bạn cần quan tâm là những đứa trẻ biết cách nói lời xin lỗi chân thành sẽ có khả năng giải quyết tranh chấp trên sân chơi, kiểm soát nhiều tình huống trong những năm tháng hỗn loạn của tuổi thanh thiếu niên, xử lý tốt những rắc rối trong cuộc sống khi trưởng thành.
Các tình huống cần xin lỗi
Chúng ta đều từng quát tháo con cái. Chúng ta làm tổn thương cảm xúc của con. Chúng ta thậm chí còn vô tình làm hỏng một món đồ chơi hoặc đồ vật có ý nghĩa quan trọng với chúng. Đây là những tình huống bạn cần nói lời xin lỗi, ngay cả với trẻ mới biết đi.
Theo Lynn Zakeri, cựu nhân viên công tác xã hội ở trường tiểu học, phụ huynh nên xem lời xin lỗi như một cơ hội học tập dành cho trẻ. Nếu chúng ta nói xin lỗi một cách hợp lý, mỗi sai lầm chúng ta mắc phải có thể dạy cho trẻ nhỏ cách cư xử và chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
"Hãy giải thích rằng bạn đến đón con trễ vì bạn đã không lường trước chuyện bị kẹt xe, chứ không phải do kẹt xe. Bạn làm hỏng chiếc xe đồ chơi của trẻ vì bạn không quan sát cẩn thận, không phải do nó cản đường bạn. Thay vì đưa ra một cái cớ, những lời xin lỗi này giải thích tình huống xảy ra như thế nào, và bạn không cố ý làm tổn thương cảm xúc của trẻ", Zakeri gợi ý.
Vậy còn những lúc chúng ta mất kiên nhẫn và nóng nảy thì sao?
"Tôi chưa gặp bà mẹ nào chưa từng la hét với con khi bực tức hoặc khi vội vàng vì sắp trễ giờ. Nhưng đó không phải lỗi của trẻ. Khi đã yên vị trên xe, bạn nên xin lỗi vì đã quá nóng nảy, giải thích rằng cuộc họp sáng nay rất quan trọng nên mẹ cần đến đúng giờ. Mẹ sẽ cố gắng để lần sau nhắc con nhẹ nhàng hơn thay vì quát tháo", cô nói.
Thảo luận về cảm xúc sau lời xin lỗi sẽ giúp trẻ xác định và hiểu tâm trạng của người khác. Tuy nhiên, theo Julia Colangelo, cuộc thảo luận này có thể là thách thức với nhiều phụ huynh. Nếu cha mẹ không thoải mái khi chia sẻ cảm xúc với con, họ nên thực hành thường xuyên với bạn bè, vợ/chồng, hoặc viết ra một tờ giấy và suy ngẫm. Đối với trẻ, cô sử dụng "bảng cảm xúc" - tờ giấy gồm 25 khuôn mặt thể hiện cảm xúc. Trẻ có thể chỉ vào một khuôn mặt tương ứng với cảm xúc hiện tại, giúp phụ huynh biết cách bắt đầu cuộc trò chuyện.
Thường xuyên trò chuyện về cảm xúc từ khi con còn nhỏ sẽ khiến chúng tin tưởng bố mẹ hơn, sẵn sàng tìm đến chia sẻ nhiều chuyện khác trong tương lai.
Tuy nhiên, Amy McManus, nhà trị liệu ở Los Angeles khuyến cáo phụ huynh nên dùng lời xin lỗi ngắn gọn nếu con ở độ tuổi thanh thiếu niên. Lứa tuổi này thường có khoảng thời gian chú ý ngắn, đặc biệt là đối với cha mẹ. Chúng thường tức giận khi bạn làm điều gì đó mà chúng cho là sai, nhưng không đủ từ ngữ để diễn tả cảm xúc.
Sau khi xin lỗi ngắn gọn và chân thành, McManus khuyên phụ huynh đợi con phản hồi, dù đôi khi phải kiên nhẫn hơn bình thường. Sau đó, bạn hãy nói tiếp về cách sắp xếp để mọi việc trở nên ổn thỏa.
Các tình huống không cần xin lỗi
Một em bé mới chào đời, một cuộc ly hôn hay quyết định đi bước nữa là sự kiện lớn trong cuộc đời bạn mà không phải đứa trẻ nào cũng đón nhận. Vậy khi chúng tức giận vì quyết định của người lớn, bạn có nên xin lỗi hay không?
Câu trả lời là không. Đây là lựa chọn bạn đưa ra để cải thiện cuộc sống gia đình, và lời xin lỗi là không cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ nên thừa nhận cảm xúc của con và tạo cơ hội để xử lý từng vấn đề.
Bạn cũng nên trấn an chúng rằng mọi việc sẽ sớm ổn, và những cảm xúc tiêu cực là rất bình thường, như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nếu bạn xin lỗi, trẻ sẽ nghĩ đó là lỗi của bạn, do bạn mà chúng có những cảm xúc tiêu cực này. Thực tế, bạn không làm gì sai. Chúng chỉ đơn giản là bị tổn thương bởi sự lựa chọn của bạn.
Bằng cách không xin lỗi, bạn cũng dạy trẻ biết rằng có một số thứ không nằm trong tầm kiểm soát của chúng. "Tôi sẽ không bao giờ để các con nghĩ rằng cảm xúc giận dữ của chúng sẽ thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi không xin lỗi đối với việc tôi không có lỗi, nhưng tôi sẽ lắng nghe cảm xúc của các con. Tôi sẽ nói với chúng rằng tôi hiểu việc thay đổi là rất khó khăn và tôi sẽ luôn ở bên chúng trong chặng đường sắp tới", Zakeri cho biết.
Tương tự, bạn không nên thay mặt người khác xin lỗi hay bào chữa vì đã khiến trẻ thất vọng. Trong những trường hợp đó, vai trò của bạn là thể hiện sự đồng cảm. Đồng thời, bạn có thể nói rằng bản thân từng gặp chuyện tương tự, chia sẻ câu chuyện cá nhân và dạy con các kỹ năng đối phó với chuyện không vui.
Hãy gợi ý cho trẻ những việc có thể khiến tâm trạng chúng tốt lên, chẳng hạn hít thở sâu hay chạy bộ. Bạn cũng có thể thực hiện cùng trẻ.
Dù ở độ tuổi nào, bạn đều nên xin lỗi khi phạm sai lầm. Tuy nhiên, nếu không thật tâm nghĩ đến cảm xúc của người khác, lời xin lỗi của bạn sẽ không có ý nghĩa.
Thùy Linh
Theo VNE
Cách dạy con sử dụng lì xì đúng cách Băn khoăn này luôn khiến nhiều bậc phụ huynh khó khăn lựa chọn khi dạy cho con trẻ trước "món quà" mừng tuổi trong ngày đầu năm mới. Làm sao để trẻ thấy được trách nhiệm và biết cách tiết kiệm trước một khoản tiền "trời cho" dễ dàng như vậy? Không hỏi con về số lượng tiền lì xì Theo phong tục...