Công nhận văn bằng: Chặt quá thành phiền phức
Sau một số lùm xùm về bằng cấp do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp của cán bộ quản lý nhà nước, việc công nhận văn bằng trong nước càng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, vì quá lo lắng ‘lọt lưới’ các trường hợp bằng dởm mà nhiều người học nghiêm túc ở trường xịn cũng bị vạ lây.
Quy trình xử lý công nhận văn bằng đơn giản, nhưng thực tế quá rườm rà – ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN – ẢNH: SHUTTERSTOCK
Chờ 2 năm không được hồi âm
Hoàng Lê Trường là một nhà toán học trẻ được đánh giá “có triển vọng” của Viện Toán học VN, hiện đang nghiên cứu ở Đức theo diện học bổng Humboldt (một học bổng uy tín dành cho các nhà toán học). Cách đây 2 năm, sau khi nhận bằng tiến sĩ do Trường ĐH Meiji (Nhật Bản) cấp, anh Trường đã làm thủ tục nộp hồ sơ công nhận văn bằng ở Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, đến nay văn bằng của anh Trường vẫn chưa được công nhận. Anh Trường cho biết: “Tôi đã đến (Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT – PV) 2 lần, mỗi lần được hẹn tầm 6 tháng. Và tôi chán quá không đến lần thứ ba. Mọi giấy tờ của tôi đều đủ. Nhưng theo họ, tổng thời gian tôi đi học là 9 tháng nên không thể trả lời, phải lãnh đạo Bộ GD-ĐT quyết định”.
Hoàng Lê Trường cho biết anh đi theo chương trình học bổng RONPAKU của Hiệp hội Xúc tiến khoa học Nhật Bản (JSPS), dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN và JSPS. Chương trình JSPS là lấy bằng tiến sĩ của một trường đại học của Nhật mà không cần tham gia khóa học tiến sĩ. Ngoài ra chương trình này chỉ tài trợ một năm 3 tháng ở Nhật, 9 tháng ở VN và không quá 5 năm.
Video đang HOT
Nghiên cứu sinh của chương trình này có 2 người hướng dẫn, một ở VN và một ở Nhật. Chương trình học bổng RONPAKU thường được đảm bảo với chất lượng kết quả nghiên cứu và không phụ thuộc nhiều vào thời gian. Mỗi năm chương trình đều sẽ xét lại xem có đạt không thì gia hạn tiếp. “Trường hợp của tôi thì chỉ cần sang Nhật 3 lần với tổng thời gian 9 – 10 tháng cả thời gian bảo vệ là tôi đã đủ kết quả bảo vệ. Sở dĩ tôi chọn chương trình này vì phần thời gian còn lại tôi có thể làm việc ở Mỹ mỗi năm 4 – 5 tháng và có thời gian đi hội nghị”, Hoàng Lê Trường giải thích.
Hoàng Lê Trường nhận xét về cách thực hiện quy định về công nhận văn bằng hiện nay là nhận hồ sơ và nếu đúng theo quy định thì cho công nhận. Cái gì nằm ngoài quy định thì họ không làm gì, kể cả công nhận rồi thì cũng có thêm một câu là “người cung cấp hồ sơ cam kết mọi thứ là đúng”.
Chặt quá mức cần thiết
Liên quan tới câu chuyện công nhận văn bằng, nhiều nhà khoa học trẻ cho biết, nghĩ tới “đoạn trường” công nhận văn bằng mà họ ngại, nên chưa bị thúc ép thì cứ tạm “câu giờ” đến chừng nào có thể.
H.H, một cán bộ nghiên cứu ở một trường tư, người có bằng tiến sĩ về quản trị giáo dục ở một trường ĐH lớn của Đài Loan, nói: “Tôi đã tìm hiểu các quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT và mường tượng mình sẽ phải đối mặt với một số vấn đề, trong đó rắc rối lớn nhất đối với tôi là yêu cầu kiểm tra hộ chiếu để xem có xuất nhập cảnh trong mấy năm đi học. Bao nhiêu năm nay, Đài Loan có chính sách cởi mở với những người có thẻ cư trú dài hạn, nên khi xuất nhập cảnh tôi không phải gặp vị hải quan nào. Các thủ tục đều được điện tử hóa hết. Tôi còn không có cả visa giấy, mà chỉ có visa điện tử. Cái này thì giải trình thế nào? Vì thế tôi chưa làm vội, mà đợi bao giờ có quy định mới thông thoáng hơn”.
Ngoài ra còn một số yêu cầu khác khiến nhà khoa học trẻ này không muốn tiêu tốn thời gian và tiền bạc (lệ phí gần 1 triệu đồng) cho thủ tục công nhận văn bằng. Chẳng hạn như việc anh đã chuyển ngành nghiên cứu, tuy cũng đã có một số giấy tờ minh chứng nhưng anh không dám chắc Bộ GD-ĐT sẽ đồng ý. Thứ hai là tên của anh trên văn bằng, vừa có cả tên tiếng Trung và tên tiếng Việt. Cái này trong văn bằng của các trường ở nước ngoài là bình thường, nhưng ở ta lại không quen, nên nhiều khả năng anh sẽ bị “vặn vẹo”.
Theo bình luận của nhiều nhà khoa học, việc công nhận văn bằng mấy năm nay ngày càng minh bạch hóa, không bị mang tiếng sách nhiễu hay tiêu cực nhưng lại nguyên tắc quá, hóa thành cứng nhắc, đặc biệt là sau khi các vụ bằng cấp dởm của một số vị quan chức bị phanh phui. Dường như Bộ GD-ĐT quá quan tâm việc ngăn chặn lọt lưới các trường hợp bằng cấp dởm, hoặc bằng cấp được cấp bởi các chương trình đào tạo chưa được kiểm định, không đảm bảo chất lượng, nên vô hình chung đã gây phiền phức với một số trường hợp học thật ở trường “xịn”.
Ý KIẾN
Cần có cách làm khoa học hơn
Trong bối cảnh văn bằng ĐH “thượng vàng hạ cám” như hiện nay, việc đưa ra những yêu cầu chặt chẽ trong quy trình và thủ tục công nhận văn bằng là điều nên làm, tuy nhiên Bộ GD-ĐT cần tìm giải pháp khoa học hơn, hoặc giải pháp có tính hỗ trợ các cơ quan sử dụng lao động. Chẳng hạn, Bộ GD-ĐT cần lập một danh sách các chương trình, các trường ĐH không cần công nhận văn bằng nữa (danh sách này không nhất thiết đầy đủ ngay từ đầu mà là bổ sung hằng quý, hằng năm). Căn cứ vào đó, người nào có bằng nằm ngoài danh sách này mới phải đi công nhận.
PGS Trần Văn Tớp (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
Còn rườm rà
Yêu cầu photo hộ chiếu để chứng minh người đi học có đi học thật là chính đáng nhưng lại rườm rà vì có những người làm tiến sĩ ở nước ngoài 7 – 8 năm mới xong thì họ phải đổi 2 – 3 cuốn hộ chiếu là thường. Chúng ta có thể đơn giản hóa thủ tục bằng cách chỉ cần có giấy chấp nhận việc nhập học ở bên kia, có visa, cộng với quyết định tiếp nhận, với bằng là đủ.
T iến sĩ Đồng Xuân Đảm (Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Kinh tế quốc dân )
Theo thanhnien
Đà Nẵng xúc tiến thủ tục công nhận văn bằng do nước ngoài cấp
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Nội vụ liên hệ với Cục quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm thủ tục công nhận văn bằng cho các học viên thuộc Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nước ngoài.
Tính đến tháng 4/2018, Đà Nẵng đã có 356 lượt học viên được thành phố cử đi học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng ở nước ngoài theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó đã có 214 lượt học viên tốt nghiệp và được bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Học viên Đề án được cử đi đào tạo theo chương trình và tại các cơ sở đào tạo nước ngoài do thành phố quyết định.
Trước đó, ngày 10/4/2018, Ban Tổ chức Thành ủy có Công văn số 2429-CV/BTCTU về việc đề nghị các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; các sở, ban, ngành thành phố; các quận ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, địa phương, đơn vị mình có văn bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học do các cơ sở nước ngoài cấp, liên hệ Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm t hủ tục công nhận văn bằng.
Theo quy định hiện hành, tất cả các văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải được Bộ GD&ĐT công nhận. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận sẽ là căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng, đồng thời, văn bản công nhận văn bằng có giá trị pháp lý để người có văn bằng sử dụng văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Để tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý học viên Đề án và đảm bảo tuân thủ các quy định, UBND Đà Nẵng đã giao cho Sở Nội vụ chỉ đạo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc với Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT để tiến hành các thủ tục công nhận văn bằng cho học viên Đề án theo quy định.
Hà Nguyên
Theo giaoducthoidai.vn
Thương hiệu quyết định học phí của đại học Mỹ Mức niêm yết học phí của các đại học Mỹ tỷ lệ thuận với thứ hạng trên bảng xếp hạng và top đầu đều là trường tư. Theo The Atlantic, người Mỹ có xu hướng nghĩ về đại học như một hệ thống phân cấp rộng lớn chủ yếu dựa trên vị thế và mức độ nhận biết thương hiệu. Ở top đầu...