Công nghiệp cơ khí “loay hoay” với quá nhiều lĩnh vực trọng điểm
Việc ưu tiên tới 8 nhóm ngành trọng điểm trong điều kiện nguồn lực có hạn đã khiến công nghiệp cơ khí không phát huy được hiệu quả.
Sau gần 15 năm triển khai Quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, đến nay hầu hết các mục tiêu đặt ra đều không đạt được. Trong khi khả năng đáp ứng của ngành cơ khí năm 2014 mới chỉ đạt 32,12% nhu cầu trong nước, thì giá trị nhập khẩu của ngành cơ khí năm 2014 lại tăng lên 26,53 tỷ USD, cao gấp 2 lần giá trị xuất khẩu. Điều này cho thấy rõ, tình trạng nhập siêu trong ngành cơ khí đang rất lớn.
Nguồn lực có hạn nhưng đầu tư dàn trải
Phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả không như mong muốn của ngành cơ khí, ông Nguyễn Quốc Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban kinh tế Trung ương nhận thấy, ngoài những yếu tố khách quan như cơ khí là ngành non trẻ, nguồn lực còn hạn chế… vẫn phải kể đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Quốc Hoa đưa ra dẫn chứng về 3 nhóm chính sách cơ bản là chính sách về cơ sở hạ tầng, chính sách ngành và các chính sách hỗ trợ cụ thể. Nhưng ngay cả việc đánh giá về quá trình thực hiện, Chiến lược cũng chưa mang tính tổng thể của chính sách phát triển ngành cơ khí. Cơ quan quản lý phải chỉ ra được những vấn đề cơ bản cần giải quyết, khi giải quyết được những vấn đề đó mới có thể phát triển công nghiệp cơ khí.
“Có một vấn đề rất lớn là chúng ta chưa đánh giá được việc đầu tư cho phát triển công nghiệp cơ khí, bởi vì không có đầu tư thì sẽ không có phát triển. Trong khi tỷ trọng của các doanh nghiệp cơ khí FDI ngày càng lớn, với nhiều công nghệ hiện đại, nhưng khả năng liên kết, hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước gần như là không có”, ông Nguyễn Quốc Hoa đánh giá.
Công nghiệp cơ khí chưa tạo được bước đột phá khi còn tập trung vào việc gia công, lắp ráp. (Ảnh minh họa: KT)
Chỉ rõ hơn “điểm yếu” trong phát triển công nghiệp cơ khí, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung cho rằng, Việt Nam mong muốn phát triển công nghiệp cơ khí với nguồn lực có hạn nhưng lại đầu tư dàn trải, phân bố không đều, tập trung vào việc gia công, lắp ráp. Trong khi yêu cầu của một sản phẩm cơ khí bất kỳ đều phải trải qua 7 bước cơ bản: Thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công, lắp ráp, thử nghiệm và xuất xưởng.
Video đang HOT
“Với nguồn lực của đất nước có hạn chúng ta cần đầu tư có trọng điểm. Chúng ta nên đầu tư vào lĩnh vực thiết kế bởi đây là lĩnh vực thiết yếu liên quan đến nhiều ngành. Khi thiết kế được những sản phẩm đi vào cuộc sống, trở thành hàng hóa thì nhà nước sẽ hỗ trợ, như thế sẽ trọng tâm hơn”, ông Nguyễn Tăng Cường đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí nhận định, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, vào TPP… vai trò Hiệp hội là vô cùng quan trọng. Nhưng hiện nay, các Hiệp hội là tổ chức hoạt động tự nguyện nên khó tránh khỏi tình trạng khi doanh nghiệp thành viên có tiếng nói mạnh thì sẽ có ưu thế hơn. Do vậy, để phát triển, vai trò hiệp hội cũng cần rõ hơn, đảm bảo tính khách quan và mục tiêu phát triển chung của ngành.
Bàn về các giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, 8 nhóm ngành cơ khí trọng điểm được xác định tại Chiến lược trước đây là quá nhiều và dàn trải, cần xác định lại các lĩnh vực ưu tiên và đi sâu vào các chính sách hỗ trợ. Thay vì loay hoay với việc hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất thấp, thay vì ưu tiên hỗ trợ đầu tư trong khi nguồn lực hạn chế (dễ tạo ra cơ chế xin cho, thiếu minh bạch…), nên nghĩ đến việc hỗ trợ tạo thị trường, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp.
“Người làm chính sách hay người làm chiến lược phải vẽ ra được lĩnh vực nào, đơn hàng nào, thị trường nào doanh nghiệp nên đầu tư vào thì mới huy động được nguồn lực xã hội. Khi huy động được nguồn lực xã hội, ngành cơ khí sẽ vận hành theo quy luật thị trường”, ông Nguyễn Chỉ Sáng nói rõ.
Xác định trọng điểm, đa dạng thị trường tiêu thụ
Thừa nhận việc ưu tiên tới 8 nhóm ngành cơ khí trọng điểm thời gian qua là quá nhiều và không phát huy được hiệu quả, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định, cơ quan này đã nghiên cứu và xác định sẽ tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực cơ khí trọng điểm, gắn với tìm thị trường, đầu ra cho các sản phẩm.
“Trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến về một số lĩnh vực cơ khí trọng điểm, đã nổi lên một số lĩnh vực như công nghiệp ô tô, cơ khí nông nghiệp, sản xuất thiết bị điện và ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí. Những ngành này chúng tôi cũng có định hướng, xác định là đang có dung lượng thị trường đủ lớn và cơ hội trong tương lai vẫn còn nhiều. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển các sản phẩm trong cơ chế thị trường hiện nay”, ông Hoài cho biết.
Tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cơ khí là đòi hỏi cấp thiết đối với ngành công nghiệp then chốt đang có tỷ lệ nhập siêu vào loại cao nhất hiện nay. Đa số các doanh nghiệp cho rằng, cùng với việc mở rộng tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước đầy tiềm năng.
Theo ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh, cần sửa đổi, bổ sung Luật đấu thầu theo hướng gia tăng phần tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước đã sản xuất được từ 7,5% hiện nay lên khoảng 15%. Có như vậy, mục tiêu “tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí giai đoạn đến năm 2020 đạt 15-16%/năm, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành chế biến, chế tạo trên 30% GDP sau năm 2025…” mới có cơ hội trở thành hiện thực./.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
Ngành cơ khí trước cuộc chơi TPP
Hiện nay, các doanh nghiệp cơ khí (DNCK) nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác, trong đó đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với xuất phát điểm thấp, như: dung lượng thị trường trong nước hạn chế, tiềm lực doanh nghiệp hạn hẹp, sự cạnh tranh khốc liệt..., đòi hỏi các DNCK cần nỗ lực mạnh mẽ nếu không muốn "thua trên sân nhà" trong cuộc chơi hội nhập.
Nghiên cứu và chế tạo khuôn đúc tại Tổng công ty CP Thép Bắc Việt (Quế Võ, Bắc Ninh).
Thách thức nhiều hơn cơ hội
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, từ kinh nghiệm thực tế, ngay khi năm đầu tham gia sân chơi WTO, Việt Nam đã đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng rất mạnh từ các nước và TPP khi có hiệu lực cũng vậy. Theo nhiều chuyên gia, làn sóng đầu tư là có nghĩa các doanh nghiệp (DN) FDI sẽ có nhu cầu nhập khẩu dây chuyền máy móc, thiết bị cơ khí rất nhiều, nhất là dây chuyền thiết bị đồng bộ để xây dựng cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm yếu của các DNCK Việt Nam hiện nay về chế tạo thiết bị đồng bộ cho các nhà máy.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn nhận định, khi tham gia TPP, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Các đối tác trong TPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển, do đó chuẩn mực sản phẩm của họ cũng cao hơn. Các sản phẩm của mình khi vào được các thị trường này đòi hỏi phải bảo đảm nhiều yếu tố về chất lượng, thời gian giao hàng, năng suất lao động... cũng như tính hệ thống trong quản trị DN, điều kiện sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động. Những điều này, nhiều DNCK Việt Nam chưa đáp ứng được hoặc thiếu tính chuyên nghiệp. Thực tế việc tham gia chế tạo, xuất khẩu thiết bị cơ khí đã được triển khai từ nhiều năm trước khi nước ta tham gia một số FTA song phương, đa phương khác. Tuy nhiên, tại sao các đơn hàng cứ "mai một dần" vì nhiều lý do, trong đó có tư duy của một số DNCK, khi những đơn hàng đầu tiên chất lượng bảo đảm, nhưng càng về sau chất lượng giảm sút. Hoặc một số lãnh đạo DN, khi bạn hàng đặt một số lượng nhỏ lại không quan tâm đúng mức, dẫn đến mất những đơn hàng lớn về sau.
Lãnh đạo một DNCK lớn nhận xét, rõ ràng khi tham gia TPP, các DN, nhất là ngành cơ khí, sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ lãnh đạo, quản lý, công nhân đều lúng túng, ngay hàng ngũ giám đốc trình độ ngoại ngữ còn yếu kém, kinh nghiệm đàm phán, ứng xử đều thua nhiều nước. DN các nước tham gia TPP hơn mình nhiều mặt từ tiềm lực tài chính đến phát triển thị trường, ngành cơ khí họ có những tập đoàn mạnh. Công nhân cũng vậy, trình độ của lực lượng lao động trong nước không đồng đều, ý thức kỷ luật chưa cao, kiến thức công việc thực tế hạn chế và nhiều công nhân chưa sống vì DN, chưa có sự gắn bó, nỗ lực vượt khó cùng DN. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh giá thấp năng lực của các DNCK trong nước. Có chăng là các chính sách không phát huy hiệu quả, không đến được với DN, thiếu định hướng khiến ngành cơ khí vẫn phát triển "èo uột". Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, chúng ta ít có cơ hội duy trì mức bảo hộ cao để khuyến khích sản xuất trong nước. Các quy định về nội địa hóa và các chính sách hỗ trợ cho các DN khó có thể tiếp tục duy trì vì các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Một câu chuyện được nhiều DNCK rỉ tai về cách thức làm ăn với đối tác nước ngoài, đó là chuyện một DN gần như đã ký được hợp đồng với một hãng lớn của Mỹ, khi hầu hết các tiêu chí về sản xuất, nhà xưởng, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, chăm lo người lao động... đều được đối tác đánh giá cao. Nhưng đến khi vào cuộc họp cuối cùng để đi đến ký kết làm ăn, một công nhân khoan vách tường, gây ra tiếng ồn gần phòng họp thì Tổng Giám đốc DNCK này trực tiếp ra nhắc nhở. Điều này bị đối tác đánh giá là có lỗi trong hệ thống quản trị DN, chỉ vì một hành động nhỏ mà để người đứng đầu phải can thiệp, chứng tỏ hệ thống này chưa thật sự hoàn thiện. Nhiệm vụ đó đáng lẽ chỉ giao cho một trưởng phòng, hay nhân viên nhắc nhở là được. Do đó đối tác nước ngoài đã hủy bỏ cuộc ký kết. Câu chuyện tưởng nhỏ nhặt, nhưng là một bài học sâu sắc cho các DN trong quá trình hợp tác với đối tác nước ngoài và thật sự đây cũng là một trong những điểm yếu cố hữu không chỉ riêng các DNCK mà còn chung các DN trong các lĩnh vực khác.
Nâng cao quản trị doanh nghiệp
Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (Vami) Nguyễn Văn Thụ cho rằng, để hội nhập thành công, trước mắt là thay đổi tư duy. Thực tế, DNCK trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ, năng lực và tiềm lực hạn chế, cho nên vẫn tồn tại nhiều kiểu làm ăn "xổi", "chộp giật". Khi tham gia TPP, các DN phải đạt yêu cầu đơn hàng theo các tiêu chuẩn của nước ngoài và sẽ không có chuyện chất lượng kém, tiến độ chậm. Do vậy, trong lúc chờ đợi các chính sách phát huy hiệu quả, các DNCK cần chủ động thay đổi cách thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp. "Nếu cứ giữ tư duy "ao làng" như hiện nay, sẽ không thể làm ăn với đối tác nước ngoài được" - ông Thụ khẳng định.
Theo Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn, nâng cao quản trị DN là công tác sống còn, đã, đang tích cực được triển khai tại Lilama và đã đạt được một số thành công. Hệ thống chất lượng sản phẩm phải được duy trì và bảo đảm cho dù có hay không sự tham gia của lãnh đạo DN. Không có chuyện tham gia TPP được miễn giảm các loại thuế thì chất lượng lại kém đi. Tuy nhiên, đáng tiếc là cơ hội tham gia vào cuộc chơi quốc tế đã bị phung phí khi nhiều năm trước, các DN lớn trên thế giới đã đến đặt hàng DN Việt Nam theo kiểu "phương án Trung Quốc cộng một", nghĩa là phương án dự phòng nếu thị trường Trung Quốc có biến động sẽ chuyển sang nước thứ hai để sản xuất. Thời điểm đó các DN trong nước không đáp ứng được và không ai tin việc này xảy ra, nhưng đến nay, điều này đã thành sự thật, một số mặt hàng cơ khí đã chuyển dần sang các nước thứ hai như Ấn Độ, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a. Và khi có sự chuyển dịch, các DNCK trong nước bị "lỡ nhịp" vì các nước khác đã có sẵn cơ sở vật chất chuẩn bị cho cuộc chuyển giao này.
Một trong những vấn đề được nhiều DNCK quan tâm khi gia nhập TPP là nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả từ hiệp hội vì đã tham gia TPP, sự can thiệp của Chính phủ sẽ bị hạn chế, do vậy cần có một hiệp hội đủ mạnh, trực tiếp tham gia, sát cánh cùng DN để nắm bắt và gỡ khó. Đồng thời tạo nên tiếng nói trọng lượng hơn nữa trong công tác tham vấn chính sách cho Chính phủ nhằm tạo những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của ngành cơ khí trong nước vốn còn manh mún. Theo lãnh đạo của một DNCK, vai trò của các hiệp hội trong ngành cơ khí còn mờ nhạt, chưa tương xứng vai trò và cần thay đổi theo xu hướng quốc tế để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các DNCK trong nước. Lãnh đạo Công ty vổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cho rằng, ngành cơ khí nước ta đang ở vị trí rất thấp so với mặt bằng chung thế giới. Các DN mới chỉ chú trọng khâu gia công, lắp ráp chứ chưa coi trọng khâu nghiên cứu, tư vấn thiết kế.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành cơ khí mà Bộ Công thương vừa xây dựng bước đầu, Bộ nhấn mạnh rõ quan điểm phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo hướng trọng tâm; các ngành có dung lượng thị trường lớn là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp - nông thôn, ô-tô, thiết bị toàn bộ cho nhà máy nhiệt điện, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí... Theo Vụ Công nghiệp nặng, sau khi gia nhập WTO, thị trường cơ khí nước ta có phát triển, tuy nhiên dung lượng thị trường từng sản phẩm vẫn còn nhỏ. Thời gian tới, khi TPP có hiệu lực, cùng với các FTA khác, mặc dù có nhiều thách thức, song các DNCK có cơ hội mở rộng, phát triển các sản phẩm, từ đó thúc đẩy ngành phát triển mạnh hơn.
Minh Thành, Tùng Lâm
Theo_Báo Nhân Dân
Nhiều sản phẩm của Amway "loạn cào cào" về giá Ông lớn trong ngành đa cấp Amway đang xuất hiện một thị trường "chợ đen" nhộn nhịp, nơi các sản phẩm được bán thấp hơn nhiều so với giá gốc. Số tiền chênh lệch này khiến người dân đặt ra dấu hỏi về chất lượng thật của sản phẩm Amway. Vừa qua, một số người tiêu dùng đã phản ánh về việc các...