Công nghệ truyền hình sắp thành quá khứ?
Đã có một thời, chưa lâu lắm, truyền hình là một thứ công nghệ kỳ diệu với bất cứ ai, như tình dục là một cái gì đó tuyệt diệu cho những người ở độ tuổi 20 sống tại nước ta và có lẽ cũng giống như ở các nước khác. Nhưng rồi thời gian đã biến tất cả thành câu chuyện lịch sử, tình dục theo lẽ tự nhiên cũng vậy và truyền hình cũng theo lẽ xã hội mà giống thế chăng?
Truyền hình vào nước ta khoảng nửa thế kỷ trước. Đầu tiên là ở miền Nam Việt Nam, sau đó là ở miền Bắc Việt Nam: những người đã sống qua thời đó ở thủ đô làm sao mà quên được những con phố Hà Nội leo lét ánh đèn đường vàng vàng thủa ấy, những bữa cơm xanh màu rau muống và rồi tivi bật lên để cả phố xúm quanh nhà ai đó may mắn có truyền hình. Thật là cả một cái gì đó lớn lao của văn minh chợt ập đến khi mỗi người bỗng cảm thấy rằng mình đang là một phần của thế giới hiện đại đang chuyển động, đâu đó trong nước Việt và phần lớn ở bên ngoài nước Việt. Người ta xem thời sự, các chương trình giải trí, xem thể thao. Tóm lại là xem tất cả những gì mà truyền hình trình chiếu cùng với nhau, và nhất là cùng với thái độ tiếp nhận gần như không tranh luận những thông điệp mà truyền hình đưa ra… Đặc biệt, từ khi có tivi màu, người xem cảm thấy mình đang sống và sống có ý nghĩa.
“Nở rộ” tivi và các kênh truyền hình
Vì lẽ đó chăng mà khoảng 15 năm trước, tivi trở thành đồ vật không thể thiếu trong mỗi gia đình ở thành phố, còn nay mỗi gia đình thành thị đương nhiên có nhiều hơn một chiếc tivi. Trong khi đó, ở nông thôn, 98% gia đình đã có tivi. Tối tối, nếu ngày xưa “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, thì nay đúng là tivi nhà ai nhà nấy xem. Có lẽ chỉ còn bóng đá, môn thể thao cần sự chia sẻ xã hội, là còn tụ tập được nhiều người đến xem cùng nhau để được cùng hò hét, cùng đồng tình hay cãi vã. Nhưng thú vui này có màu sắc giới rất rõ rệt vì các ông chồng không thể chia sẻ nỗi sung sướng khi đội mình đá vào lưới đối phương với vợ. Thú vui này cũng mang màu sắc rõ rệt của độ tuổi: để giải trí, bố mẹ có thể thích phim tâm lý tình cảm, nhưng con cái lại có cái thú xem Tom và Jerry. Vì thế, dẫn đến chuyện các nhóm xã hội khác nhau có những nhu cầu khác nhau, nhưng cùng mong được cái tivi giải quyết. Hơn thế, nhiều người xem truyền hình có cái thú xem một lúc nhiều kênh và có khi xem liên tiếp các kênh khác nhau, điều mà ngay những người thân trong một gia đình cũng khó chia sẻ.
Các công nghệ truyền hình cũng thay đổi nhanh chóng từ đen trắng đến màu, từ analog sang kỹ thuật số, từ hai chiều sang không gian nhiều chiều… Các công ty trong nước đầu tiên là nhập tivi second hand theo đường tàu biển về nước, rồi lắp ráp tivi, để cuối cùng các hãng nước ngoài đua nhau mở liên doanh lắp ráp tivi tại Việt Nam, nay thì thế giới có loại tivi mới nào, Việt Nam cũng có ngay cái đó. Có điều, sự tiến bộ đó là để bán hàng chứ chẳng phải để đưa công nghệ mới vào sản xuất như các nhà lập chính sách Việt Nam hằng mong ước và tưởng tượng.
Đồng thời, với sự “nở rộ” của tivi, sự phát triển các kênh truyền hình ban đầu rất khẽ khàng, nhưng nhanh chóng bùng nổ với đủ thể loại nhằm thoả mãn nhu cầu đa dạng của người xem: từ thời sự theo dòng chính luận đến CNN, BBC cho cập nhật với thông tin thế giới, song hành là các chương trình giải trí như: phim, thể thao cùng truyền hình thực tế… với đủ thang bậc chất lượng. Cùng với quảng cáo, truyền hình “quay” người xem chóng mặt và cũng thu lợi nhuận chóng mặt, trở thành dịch vụ “đẻ trứng vàng” để các doanh nghiệp truyền thông phải nhảy vào. Điều này kéo theo làn sóng các cơ quan thông tấn hay chức năng cũng “nhảy vào” lĩnh vực truyền hình với một sự phi chức năng khó hiểu. Nay thì có VTV các loại, HTV hay đủ loại địa phương TV, rồi An ninh TV, Quốc phòng TV, VOV TV… và sắp tới còn nhiều nữa những cơ quan được nhà nước bao cấp sẵn sàng thuyết trình với Bộ Thông tin và Truyền thông rằng họ mới đúng là cơ quan làm truyền hình thứ thiệt.
Video đang HOT
Cho nên truyền hình đã cung cấp cho người dân khá đầy đủ thông tin mà họ cần, từ thời sự, giải trí đến cảnh mấy “hát sĩ” trót lộ hàng… Đủ loại chủ đề cùng đủ loại chất lượng.
Có điều xã hội thay đổi và con người cũng thay đổi.
Thông tin “ nóng sốt” được tôn vinh
Trước hết, con người không chỉ là con người kinh tế (homo economicus) đơn thuần nữa mà là con người thông tin. Mỗi người là một cục thông tin mà họ tích lũy được và trao đổi hàng ngày với người khác. Địa vị xã hội không chỉ ở tài sản, hay học thức, mà còn ở lượng thông tin người ta có và khả năng thu nhận cùng cách chia sẻ thông tin. Thật sướng khi mình có thể cung cấp cho người khác những thông tin “độc” mà họ chưa biết và còn sướng hơn khi mình có thể đưa nhận định lẫn cái nhìn cá nhân khiến người khác… chưng hửng. Thời buổi này, nhiều tiền thì cũng chỉ cất ở ngân hàng chứ mấy ai dám khoe, mà áo gấm đi đêm thì có ai thích, vì thế luôn cập nhật thông tin lạ và có cái nhìn sắc sảo để có thể khoe ra sẽ tự tôn “giá trị” của mình lên vài bậc khiến người nghe xong cũng nhìn “người nói” với con mắt khác.
Nhưng với những thông tin mà truyền hình có thể cung cấp được thì người khác cũng có thể có, thậm chí cách nhìn, bình luận của truyền hình có hay đến mấy thì cũng đã dành cho đại chúng, mình biết thì người khác cũng biết. Nên thật đau lòng khi vừa đưa ra một thông tin tưởng có duyên ai dè người bên cạnh “phán” một cách lãng xẹt: cái này tôi cũng có nghe nghe tivi nói. Vậy nên, điện thoại di động, internet, face book đã trở thành những cầu nối thông tin hữu ích hơn, đa dạng hơn chứ không chỉ cung cấp quẩn quanh cách bình luận của ban biên tập đang cố phản ánh quan điểm của nhà đài.
Rồi thì đến câu chuyện tốc độ. Tin chỉ có giá trị theo thời gian nên nhận tin phải nhanh mà truyền hình thì phải có người tìm tin, người duyệt và đợi chương trình nào phải phát vào giờ nấy. Có cố mấy cũng làm sao mà thay được cái trật tự này. Vậy nên có cố theo dõi tin trên truyền hình thì cũng vẫn cứ chậm so với những người theo dõi tin bằng các loại hình truyền tin khác. Đương nhiên khi đó phải chấp nhận có thể có tin “vịt”. Nhưng cái sự bất trắc đôi khi được bù lại quá đủ, nếu bạn luôn có tin nóng sốt. Trên thế giới đã thế mà ở Việt Nam, nơi người dân vẫn còn thích tin đồn, thì lại càng thế. Nên nhiều khi cái chuyện bạn “nghe nói”, “đọc thấy” hay nhìn thấy trên mạng… cũng làm tôn giá trị bạn lên mấy “chân kính” chứ chẳng chơi.
Và câu chuyện tốc độ đã được những công nghệ mới đáp ứng đầy đủ, không những thế còn ở “mọi nơi, mọi lúc”. Thay cho cái tivi to đùng, màn hình phẳng và phải mất thời gian ngồi một chỗ trước tivi là những cái gì nhỏ, gọn xem, đọc ở đâu cũng được. Hơn thế, có thể trao đổi ngay lập tức những thông tin đó, cũng bằng phương tiện đó, với những người muốn chia sẻ thông tin. Nhờ đó, tốc độ càng được đẩy nhanh hơn và giá trị cá nhân cũng càng lớn hơn.
Đã hết thời chỉ “nói chuyện” với tivi?
Cuối cùng thì chúng ta lại gặp phải một nhu cầu rất cơ bản của con người: nhu cầu tiếp xúc với đồng loại. Cùng với xã hội hiện đại, khả năng giao tiếp trực tiếp của con người với nhau càng ít đi. Nhưng nhu cầu giao tiếp vẫn còn đó, nếu không muốn nói là được tăng lên nhiều lần. Tivi và truyền hình có thể cung cấp thông tin, cung cấp sự tiếp xúc một chiều của con người với xã hội rộng lớn xung quanh, nhưng không thể tạo dựng được quan hệ trực tiếp giữa họ với nhau, không thể cho họ khả năng phát biểu tức thì ý kiến và thái độ của họ… Những cái này thật cần cho con người hiện đại, những con người cá nhân trong xã hội biết bao nhiêu.
Hơn thế, sự biệt lập của con người hiện đại càng lớn bao nhiêu thì nhu cầu tiếp xúc với người khác càng lớn bấy nhiêu. Đó là cơ sở cho sự tồn tại của xã hội loài người. Sự hiểu biết lẫn nhau là cơ sở cho sự tồn tại đó. Ở đây, chúng ta chứng kiến một nghịch lý của con người xã hội hiện đại: vừa muốn được “một mình ” nhiều hơn, vừa muốn được biết đến, được chia sẻ, được “cùng người khác” nhiều hơn. Cách truyền tải một chiều, có biên tập, của truyền hình quả là không thể giải quyết được nghịch lý này. Nhưng internet, facebook, Wi-Fi và điện thoại di động lại có thể làm được một cách “bình thường như: “cân đường hộp sữa”, theo như cách nói thường ngày của lứa 9x…
Vậy nên, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi lớn lao trong công nghệ để đáp ứng nhu cầu của con người hiện đại. Các số liệu thu thập được từ nước Mỹ, nơi hàng ngày hàng giờ đẻ ra những công nghệ mới làm thay đổi cả lối sống của con người cho biết số lượng người theo dõi truyền hình ngày càng giảm, doanh thu quảng cáo qua truyền hình cũng vì thế mà giảm theo. Tất nhiên đây là câu chuyện của nước Mỹ, còn ở ta thì hơi khác một chút: số lượng người theo dõi truyền hình có thể bắt đầu giảm, vì nhiều lý do rất khác với Mỹ, trong đó có một lý do là các chương trình quá chán và đơn điệu, nhưng doanh số quảng cáo trên truyền hình vẫn tăng, thậm chí còn tăng mạnh.
Có điều, thông thường một xu hướng tiêu dùng đã bắt đầu ở nước Mỹ, thì sớm muộn nó cũng lan đến nước khác và cuối cùng cũng sẽ đến Việt Nam. Nếu bạn có đọc đâu đó tin “phụ nữ thà nhịn sex còn hơn thiếu điện thoại” thì cũng đừng có ngạc nhiên. Về tâm sinh lý, phụ nữ có tiềm năng sex mạnh hơn nam giới, vậy mà còn “không sống nổi” nếu thiếu điện thoại. Do đó, việc truyền hình phải chào thua smartphone để lướt web, vào face book… là chuyện đương nhiên.
Một kỷ nguyên mới với truyền hình đã bắt đầu!
Theo Songmoi/NNVN
3 góc của thị trường 3G Việt Nam
Một lần nữa cả giới chuyên gia lẫn người tiêu dùng không khỏi lắc đầu ngán ngẩm trước 3 cái góc mang tên chữ "G" của thị trường dịch vụ này ở Việt Nam.
Góc thứ nhất là gượng. Nói gượng là bởi cơ quan quản lí nhà nước, cụ thể là Cục Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã rất nhanh chóng chấp nhận đề nghị tăng cước dịch vụ 3G của 3 nhà mạng mà không hề có động thái thẩm định giá thành. Kế đó là có nhiều mâu thuẫn trong cách giải thích liên quan đến việc giá cước 3G chỉ bằng 54% giá thành dịch vụ nhưng cơ quan quản lí cho phép thực hiện khấu hao nhanh toàn bộ vốn đầu tư cho mạng 3G chỉ trong vòng 2 tới 3 năm, theo "phát giác" của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam.
Góc thứ hai là gàn. Theo ước tính, hiện Việt Nam có trên 3 triệu thuê bao sử dụng gói dịch vụ 3G không qua điện thoại di động và đợt tăng giá vừa qua đã giúp các nhà mạng "âm thầm" bỏ túi thêm 500- 600 tỉ đồng mỗi tháng. Trái với mức tăng giá cước 3G chỉ 20 - 40% mà Viettel, Mobifone và Vinaphone công bố khoảng hai tháng trước và được công bố khá ồn ã, một số gói cước dịch vụ 3G đối với những khách hàng sử dụng trả trước trên USB 3G, máy tính bảng,... âm thầm tăng tới hơn 300%.
Góc thứ ba là gở. Những bức xúc và khó hiểu quanh chuyện tăng cước dịch vụ 3G ở Việt Nam trong lúc chưa có những lời giải thỏa đáng có thể báo hiệu những điều không hay cho mảng dịch vụ viễn thông này ở Việt Nam. Trước hết, nó có thể tạo hiệu ứng "gậy ông đập lưng ông" với các nhà mạng khi một số lượng người (mà rất có thể là không nhỏ) từ bỏ dịch vụ này. Nó cũng cho thấy thêm là câu chuyện về làm người tiêu dùng cuối cùng ở Việt Nam sướng hay khổ cũng đã rõ câu trả lời.
Và trên hết là câu chuyện về độc quyền. Người tiêu dùng Việt Nam cả trong quá khứ lẫn hiện tại từng khổ sở vì tình trạng độc quyền làm giá, làm mình làm mẩy của các đơn vị được mệnh danh là "cung cấp dịch vụ". Câu chuyện này tưởng đã lùi vào quá khứ thế nhưng việc cước 3G sẽ vẫn còn tăng trong khi không hề có một cam kết rõ rệt nào về chất lượng lại cho thấy hóa ra chuyện độc quyền còn lâu mới chấm dứt.
Theo Báo Công Thương
Choáng với cước 3G: Gậy ông đập lưng ông Bức xúc vì nhà mạng thu cước 3G với giá quá cao, nhiều người tiêu dùng cho biết đã bỏ mạng 3G. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần một cuộc cách mạng trong ngành viễn thông để hạn chế trục lợi từ độc quyền, chèn ép người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, ba nhà mạng Viettel, Vinaphone...