Công nghệ thông tin góp phần đổi mới giáo dục
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học mang đến nhiều lợi ích thiết thực, góp phần đổi mới giáo dục; đồng thời tạo kết nối hiệu quả giữa học sinh và giáo viên.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt ra trong năm học 2020 – 2021.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin giúp mở ra những xu hướng mới trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học mang đến nhiều lợi ích thiết thực; tạo kết nối hiệu quả giữa học sinh và giáo viên. Tại Hà Nội,nhờ giáo viên nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, những giờ học của học sinh đã trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cô giáo Đặng Hoàng Hà (giáo viên Trường Tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai) nhận thấy học sinh tiểu học có trí nhớ trực quan – hình tượng phát triển chiếm ưu thế hơn. Từ đó, cô đã tìm tòi, học hỏi thêm về công nghệ thông tin để ứng dụng vào công tác dạy học.
Để tránh đi vào lối mòn của cách giảng dạy truyền thống, cô Hà đã biến lớp học của mình thành một rạp chiếu phim mini. Những đoạn phim hoạt hình vui nhộn được chọn lọc với độ dài phù hợp do chính cô tạo ra đã kích thích trí tò mò của học sinh, khiếnhọc sinh không còn cảm giác khô khan, cứng nhắc khi tiếp nhận những kiến thức mang tính lý thuyết, trừu tượng.
Từ việc vận dụng hoạt hình hóa các nội dung học tập, học sinh lớp cô Hà đã yêu thích môn học hơn, có sự gắn kết, yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đồng thời cũng từ những tình huống đạo đức có trong đoạn phim hoạt hình, học sinh đã tự tin và biết cách tự giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Hay như cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thủy (giáo viên Trường Mầm non Họa Mi, quận Cầu Giấy) 10 năm liền được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ khối trưởng, khối phó và giáo viên chủ nhiệm lớp điểm các chuyên đề “Xây dựng môi trường phát triển ngôn ngữ”, “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giáo dục”.
Nhiều năm qua, cô đã nghiên cứu, thiết kế và áp dụng có hiệu quả các bài giảng điện tử, bài giảng E-learning, phần mềm giáo dục. Cô Thủy cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin, cô đã mày mò nghiên cứu và thiết kế ra các bài giảng điện tử E-learning để đưa vào dạy trẻ.
Video đang HOT
Nhờ phần mềm chuyên dụng dạy học Adobe Presenter và các phần mềm hỗ trợ như: Ulead Video Studio, VideoPad Video Editor, ProShow Producer, Freemake Video Converter… việc thiết kế bài giảng trở nên vô cùng sinh động và hấp dẫn.
Đến nay, cô Thủy đã cùng các giáo viên trường Họa Mi đóng góp hơn 300 bài giảng điện tử và bài giảng E-learning trong kho dữ liệu của nhà trường. Các bài giảng này được đưa vào lồng ghép với các chủ đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ và phân loại đưa vào các chủ đề để dạy trẻ.
Là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô giáo Nguyễn Nguyệt Anh (Trường Mầm non Thăng Long, quận Thanh Xuân) đã lên kế hoạch xây dựng các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” ở các tổ nhóm chuyên môn trong trường; đồng thời cùng nhóm đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học.
Với gần 200 bài giảng điện tử phù hợp với nhiều lứa tuổi được đưa vào kho học liệu để dạy trẻ trong những năm học vừa qua đã giúp giáo viên tự tin hơn khi lên lớp và học sinh hứng thú khi tham gia các hoạt động.
Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học đã và đang dần được khẳng định và trở thành xu thế tất yếu của giáo dục. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý.Theo đó, năm học 2019 – 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thí điểm áp dụng sách điện tử các môn Âm nhạc, Thủ công, Tin học, Tiếng Anh với các trường Tiểu học, Trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quá trình học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên; đồng thời thí điểm triển khai trường học điện tử cho 3 cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở tại 3 Phòng Giáo dục và Đào tạo (quận Long Biên 16 trường, quận Thanh Xuân 4 trường và quận Bắc Từ Liêm 14 trường).
Cũng trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục triển khai “Trường học kết nối” trong tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn qua mạng tới tất cả các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Các trường đã tiến hành tập huấn và cấp tài khoản cho các giáo viên và học sinh.
Đến hiện tại, việc khai thác, sử dụng “Trường học kết nối” ở các trường đã dần đi vào nền nếp và có tác dụng tốt. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường thường xuyên đưa bài lên trang web, xây dựng nguồn học liệu mở, góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong trường học hiện nay.
Đặc biệt, do diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19, có thời gian học sinh phải tạm nghỉ học tập trung tại trường để phòng chống dịch bệnh. Nhằm hỗ trợ việc học tập, củng cố kiến thức cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức ghi hình và phát sóng chương trình “Học trên truyền hình” các môn học năm học 2019 – 2020 dành cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 bảo đảm chất lượng cao nhất; đồng thời chia sẻ nội dung cho 12 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng chỉ đạo tới 100% các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố thông tin và hướng dẫn học sinh tham khảo Chương trình dạy học trên VTV7 – Kênh truyền hình chuyên về Giáo dục của VTV.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn triển khai hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study, học tập qua internet giúp việc ôn luyện kiến thức của học sinh trở nên tự giác. Trong tháng 5 – 6/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức 2 đợt khảo sát chất lượng cho 74.000 học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Hanoi Study. Kết quả, trên 99,5% học sinh tham gia làm bài và nộp bài thành công. Cũng trong tháng 6/2020, Sở tiếp tục triển khai khảo sát tiếng Anh cho 104.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn toàn Thành phố.
Năm học 2020 – 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; thực hiện chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi, phát triển; đẩy mạnh học trực tuyến, phát triển kho học liệu số của Ngành; đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; tập trung mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
Bước tiến về ứng dụng CNTT trong dạy và học
Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, một trong những giải pháp mà ngành Giáo dục Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu chính là ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học.
Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, hoạt động này đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục ở các nhà trường.
Học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều), sử dụng máy tính bảng trong học tập.
Thí điểm mô hình đào tạo khởi nghiệp
Đầu tháng 6 vừa qua, Sở GD&ĐT và Trung tâm Tuổi trẻ Thành Đạt (Hà Nội) đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai thí điểm mô hình đào tạo khởi nghiệp "Không gian trải nghiệm CNTT" (viết tắt là Tech Hub) tại Quảng Ninh.
Theo bản ký kết này, Trung tâm Tuổi trẻ Thành Đạt sẽ chuyển giao, lắp đặt trang thiết bị, bản quyền chương trình và tài liệu gốc để triển khai mô hình đào tạo khởi nghiệp Tech Hub tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều) và Trường THCS Bãi Cháy (TP Hạ Long), trong giai đoạn 2020-2021.
Cô giáo Vũ Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt, cho biết: Nhà trường có nền tảng ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học khá tốt, với 9 phòng học thông minh. Trường cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức kiểm tra, thi trực tuyến trên phần mềm Vittes, cho kết quả kiểm tra ngay trên máy tính sau khi học sinh thực hiện lệnh nộp bài. Trường rất mong mô hình Tech Hub nhanh chóng được triển khai.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai thí điểm mô hình đào tạo khởi nghiệp "Không gian trải nghiệm công nghệ thông tin" (Tech Hub) tại Quảng Ninh. Ảnh: Dương Hương
Bà Đoàn Bích Ngọc, Giám đốc điều hành Trung tâm Tuổi trẻ Thành Đạt, chia sẻ: Trong tháng 7/2020, chúng tôi sẽ triển khai việc thí điểm mô hình này tới 2 trường. Tại mỗi trường, chúng tôi sẽ cung cấp từ 10-15 máy tính, cũng như toàn bộ chương trình, tài liệu thực hiện. Chúng tôi tin là không gian trải nghiệm CNTT sẽ tạo ra môi trường học tập hiện đại, giúp giáo viên và học sinh có thể thực hành những chương trình đào tạo công nghệ tiên tiến trên thế giới, từ đó, góp phần nâng cao năng lực, tư duy sáng tạo và hình thành văn hóa khởi nghiệp cho học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo Sở GD&ĐT, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên được Bộ GD&ĐT chọn để phối hợp với Trung tâm Tuổi trẻ Thành Đạt đưa mô hình đào tạo Tech Hub vào nhà trường. Hiện 2 đơn vị đang tích cực phối hợp tốt để triển khai thành công việc thí điểm mô hình.
Đột phá ứng dụng CNTT trong dạy học
Qua tìm hiểu, được biết việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học đã và đang được ngành Giáo dục Quảng Ninh triển khai rất linh hoạt, hiệu quả ở các cấp học. Đến thời điểm này, toàn bộ dữ liệu học sinh, giáo viên (trừ các nhóm trẻ tư thục độc lập, các cơ sở đào tạo GDTX tại các trường cao đẳng, đại học) đã được thu thập và cập nhật vào cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT còn thực hiện việc gửi và nhận văn bản điện tử có ký số thông qua phần mềm quản lý hành chính điện tử (e-office) với Bộ GD&ĐT. Đồng thời, Sở, các phòng GD&ĐT, các trường học trực thuộc Sở đã thực hiện chuyển nhận văn bản điện tử có ký số qua phần mềm quản lý văn bản.
Hiện tại, hệ thống hội nghị trực tuyến (công nghệ video conferencing) đã được triển khai từ Sở đến tất cả các phòng GD&ĐT. Hàng tháng, Sở GD&ĐT đều tổ chức giao ban trực tuyến tới toàn bộ các phòng GD&ĐT và các trường THPT trên toàn tỉnh.
Một tiết học có sử dụng máy tính bảng của học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều).
Bên cạnh việc thực hiện các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong công tác ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, ngành GD&ĐT Quảng Ninh còn mạnh dạn thực hiện nhiều nội dung đột phá. Toàn ngành đã đầu tư xây dựng 1.432 phòng học tương tác, phòng học thông minh tại 89 trường học.
Cùng với đó là đầu tư xây dựng hệ thống quản lý bài giảng elearning tại địa chỉ http://lv.quangninh.edu.vn với mục tiêu xây dựng một hệ thống soạn, giảng, quản lý bài giảng trực tuyến.
Để phục vụ hệ thống quản lý bài giảng trên, Sở GD&ĐT cũng đã đầu tư hệ thống máy chủ, thiết bị mạng, phần mềm hệ thống, phần mềm giám sát đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Ninh.
Có thể thấy, ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của ngành Giáo dục. Những kết quả trên sẽ giúp ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục nâng cao về chất trong ứng dụng CNTT, góp phần phát huy khả năng tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn.
Tập trung đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, trong thời gian tới, mục tiêu tỉnh đặt ra là đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động của vùng kinh tế trọng điểm. Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, theo kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, nhiệm...