Công nghệ sẽ thay đổi cách học của thế hệ sinh năm 2000
Sinh viên thế hệ 2000 có thể theo dõi tiến độ học của bản thân, nhận cảnh báo tự động nếu vắng mặt hay khi gặp một số vấn đề.
Cait Etherington – nhà tư vấn đào tạo với hơn hai thập kỷ kinh nghiệm chia sẻ về tác động của công nghệ truyền thông mới với giáo dục và đào tạo. Dưới đây là những đánh giá của cô trên ElearningInside hồi tháng 8 vừa qua.
Thế hệ sinh năm 2000 sắp bước vào đại học. Không giống như những tân sinh viên của thế kỷ 20, thậm chí là đầu thế kỷ 21, sinh viên năm thứ nhất của thế hệ này có khả năng sẽ đến trường và chuẩn bị cho một trải nghiệm học tập hoàn toàn mới.
Học tập kết hợp được mong đợi
Học tập kết hợp (Blended Learning) là nhu cầu của nhiều sinh viên hiện nay. Theo đó, học sinh có thể vừa học trực tuyến vừa theo học truyền thống. Phần lớn sinh viên tại Mỹ muốn hoàn thành ít nhất một vài khóa học trực tuyến trong cả chương trình. Không chỉ vậy, chính các giảng viên đại học cũng muốn cung cấp một số nội dung giảng dạy bằng hình thức trực tuyến.
Với lý do này, sẽ rất ít sinh viên khóa 2018-2022 có thể hoàn thành bằng cấp mà không tham gia vào một số nội dung học trực tuyến. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy, học tập hiệu quả hơn khi kết hợp hai hình thức giáo dục trực tuyến và truyền thống.
Sự xuất hiện của trợ lý giảng dạy ChatBot
Tại nhiều trường đại học, sinh viên năm thứ nhất thường chỉ tiếp xúc với trợ giảng – vốn là các cựu sinh viên đang làm nghiên cứu tại trường hơn là các giáo sư. Các giáo sư hàng đầu thường không hào hứng dạy tân sinh viên. Nếu có đứng lớp lớn, giáo sư cũng chỉ giảng dạy, còn trợ lý lớp học sẽ làm các phần việc như phân loại, giám sát phòng thí nghiệm, thảo luận…
Các chatBot đang bắt đầu nhận một số công việc trợ giảng để hỗ trợ thực tế này. Ví dụ, tại ĐH Công nghệ Georgia, Jill Watson đã hỗ trợ sinh viên trong nhiều năm. Trợ giảng AI luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi ngay cả vào lúc nửa đêm. Đối với lứa sinh viên sinh năm 2000 – những người đã quen với việc nhận thông tin mà họ cần 24/7, các trợ giảng AI là sự phù hợp.
Video đang HOT
Sinh viên thế hệ 2000 được trải nghiệm học tập trong môi trường đầy công nghệ. Ảnh: avnetwork.com.
Sự hỗ trợ của các chatBot tư vấn học tập
Giữa tháng 7, myKlovr – một AI tư vấn đã ra mắt, giúp học sinh ra quyết định về việc nên học đại học nào. Khi nhập học, các bot có thể tư vấn cho sinh viên năm nhất về các hoạt động trong khuôn viên trường và nhiều nền tảng tư vấn tự động khác. Ví dụ, các nền tảng với công nghệ AI như DegreeWorks giúp sinh viên theo dõi tiến độ học của mình, hay Starfish – tự động gửi cảnh báo cho sinh viên khi họ vắng mặt tại lớp…
Điều đó không có nghĩa là thế hệ 2000 sẽ không tiếp xúc với con người. Hầu hết các bot tư vấn cũng được thiết kế để tự động liên hệ với các cố vấn là người thật, nếu thấy việc học tập của sinh viên trượt dốc. Điểm danh tự động sẽ hạn chế việc trốn học trong năm học tới, sinh viên tại ít nhất một vài cơ sở giáo dục ở Mỹ gồm ĐH Duke, ĐH Alabama và ĐH Oklahoma sẽ khó trốn học hơn. Điều này là do các trường này đã quyết định chuyển sang hình thức điểm danh tự động với Blackboard Mobile Credentials.
Công nghệ mới này là một thẻ ID cấp cho sinh viên. Sinh viên có thể sử dụng thẻ ID để mua hàng trong khuôn viên trường, đồng thời giúp giảng viên giám sát việc học dễ dàng và sinh viên điểm danh nhanh chóng bằng cách chạm hoặc vuốt vào thẻ ID. Nhờ có công nghệ nsgu mà sinh viên trốn học sẽ khó khăn hơn nhiều.
Học tập là yêu cầu suốt đời
Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới dự đoán rằng với sinh viên niên khóa 2018-2022, hầu hết những gì họ học ở đại học sẽ lỗi thời vào thời điểm tốt nghiệp.
Ngoài ra, nhiều công việc dành cho sinh viên tốt nghiệp vào năm 2022 là những công việc mới có thậm chí chưa xuất hiện vào thời điểm này. Thực tế là những sinh viên tốt nghiệp ngày nay phải liên tục học hỏi trong suốt sự nghiệp của họ. Nhiều trường đã chuẩn bị cho thực tế này như Đại học Harvard với “Chương trình giảng dạy 60 năm”.
Nhiều khả năng giáo dục đại học tương lai sẽ diễn ra một phần hoặc toàn bộ bằng hình thức trực tuyến. Các khóa trực tuyến đại chúng mở (MOOC) cấp bằng đại học và sau đại học của các trường uy tín như MIT, Pennsylvania, ĐH Công nghệ Georgia và nhiều tổ chức khác được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn trong việc đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng sau khi tốt nghiệp.
Nguyên Chương – ĐH trực tuyến FUNiX (theo ElearningInside)
Theo Vnexpress
Người trẻ chế tạo robot chống cận
Với mong muốn giúp trẻ em VN phòng ngừa bệnh học đường, một nhóm cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa chế tạo robot chống cận thị, chống gù lưng.
Các bạn trẻ chế tạo ra robot chống cận thị, gù lưng - THU HẰNG
Sau vài năm ra trường bôn ba làm việc tại các công ty, tập đoàn công nghệ lớn, năm 2016, khi đã "đủ lông, đủ cánh", nhóm bạn trẻ trên đã quyết định cùng nhau hợp sức nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu thiết thực cho cuộc sống.
Giấc mơ giúp hàng triệu trẻ em không bị cận thị
Nguyễn Hữu Cường, trưởng nhóm, chia sẻ: "Chúng tôi đã mơ ước cống hiến kiến thức đã học, chế tạo ra những sản phẩm có giá trị mà mỗi gia đình VN đều có thể dùng được. Trong rất nhiều sản phẩm, chúng tôi lựa chọn robot chống cận thị, vì nó chứa đựng giấc mơ và khát vọng giúp hàng triệu trẻ em không bị cận thị".
Trong nhóm có 6 người thì 3 người bị cận thị và 1 người gù lưng nên hơn ai hết những người trong cuộc hiểu rõ nhất tật khúc xạ, gù lưng tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và sinh hoạt. Bởi vậy, trong thiết kế của mình, robot chống cận thị đã khắc phục tối đa được những nhược điểm gây bất tiện, gò bó của những sản phẩm đang có trên thị trường.
"Khi làm sản phẩm này, chúng tôi đã nghiên cứu tâm lý của trẻ em. Thực tế, không phải lúc nào các bé cũng có ý thức phải điều chỉnh tư thế của mình sao cho đúng và cũng không phải cha mẹ nào cũng biết phải hướng dẫn con cách ngồi học được thoải mái, dễ chịu nhất và hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến mắt, đến cột sống. Nhiều khi chỉ vì muốn nhắc nhở con mà cha mẹ phải dọa nạt, quát mắng gây ức chế cho cả 2 bên. Muốn rèn cho trẻ thói quen ngồi đúng tư thế, cần phải có thời gian nhất định. Vì vậy, chúng tôi thiết kế sản phẩm robot như một người bạn song hành thân thiện, gây sự hứng thú cho trẻ nhỏ trong suốt quá trình học tập", Cường bộc bạch.
Sản phẩm mới chưa từng có trên thị trường VN
Do đây là sản phẩm mới chưa từng có trên thị trường VN nên nhóm nghiên cứu gặp không ít khó khăn, nhiều đêm phải thức trắng để tìm ra lỗi. Có những lúc các thành viên trong nhóm tưởng chừng nản chí, muốn bỏ cuộc giữa chừng, nhưng rồi họ vẫn quyết tâm "đập đi xây lại" từ đầu.
Kích thước và hình dáng nhỏ như chiếc đồng hồ để trên bàn học nhưng robot chống cận thị lại có tác dụng rất lớn trong việc giám sát trẻ em trong quá trình học tập, cũng như phòng tránh các bệnh học đường. Nếu ngồi sai tư thế, mặt cúi quá sát bàn, robot sẽ phát ra đèn đỏ và tín hiệu cảnh báo. Sau khi điều chỉnh tư thế đúng, robot sẽ chuyển tín hiệu sang mặt cười màu xanh.
Phạm Tuấn Anh, thành viên của nhóm, cho hay: "Chúng tôi sử dụng cảm biến sóng siêu âm và cảm biến ánh sáng để đo khoảng cách từ mắt trẻ tới bàn học. Toàn bộ các thông số này sẽ được truyền về một ứng dụng được cài trên smartphone. Trong trường hợp khoảng cách này vượt quá giới hạn, sau 20 giây, robot sẽ tự động cảnh báo bằng hình ảnh mặt mếu và âm thanh bằng tiếng Việt để nhắc nhở trẻ. Bố mẹ của trẻ có thể đặt các mốc giới hạn để uốn nắn khoảng cách từ mắt tới bàn học".
Bên cạnh đó, robot còn được trang bị cả tính năng như chiếc đồng hồ báo thức, nhắc nhở giờ học, giờ vui chơi được thiết lập sẵn bằng giọng nói. Hệ thống còn có thể đóng vai trò giám sát, đưa ra thông báo cho biết trẻ có đang ngồi trên bàn học hay không.
Sau khi đưa ra thị trường từ tháng 5.2018, sản phẩm robot do VN sản xuất được đón nhận hào hứng. Đến nay, các bạn trẻ đã bán được hơn 1.000 sản phẩm với giá thành từ 1,7 - 2,9 triệu đồng/robot.
Được chọn tham dự triển lãm công nghệ quốc tế tại Singapore
Tháng 9 tới đây, robot chống cận thị được Bộ Khoa học - Công nghệ chọn là một trong 5 sản phẩm công nghệ tham dự triển lãm công nghệ quốc tế tại Singapore. Nguyễn Hữu Cường cho biết trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm robot cận thị tích hợp thêm các tính năng cảm biến ánh sáng đo mức độ sáng khi học, tích hợp camera để bố mẹ trao đổi, nhắn tin từ xa, tạo ra môi trường giáo dục thông minh kết nối liên quan đến dạy học cho trẻ...
Trước xu thế công nghiệp 4.0, ngoài theo đuổi nghiên cứu các sản phẩm robot thân thiện, gần gũi, có ích cho mọi gia đình và cộng đồng tại VN, nhóm cũng đặt mục tiêu tiến tới có thể xuất khẩu các sản phẩm robot sang Nhật, Mỹ và châu Âu.
Theo thanhnien.vn
Trung Quốc: Trường mẫu giáo 'sốt' với giáo viên robot Sự xuất hiện của robot Keeko đã thổi làn gió mới trong việc tăng tính tương tác giữa giáo viên và học sinh tại các trường mẫu giáo ở Trung Quốc. Robot Keeko trợ giảng trong một lớp học - AFP Với vai trò trợ giảng, robot Keeko đang "làm mưa làm gió" tại hơn 600 trường mẫu giáo ở Trung Quốc, theo...