Công nghệ hiện đại giúp truy tìm kẻ chặt đầu nhà báo Mỹ?
Tay súng cực đoan Hồi giáo xuất hiện trong clip hành hình nhà báo James Foley có thể bị nhận diện nhờ các phương pháp truyền thống và công nghệ hiện đại, Bloomberg đưa tin.
Kẻ hành quyết nhà báo James Foley trong đoạn clip.
Các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đã tung lên mạng đoạn băng quay cảnh giết hại nhà báo James Foley, mất tích từ năm 2012 trong lúc đang đưa tin về cuộc xung đột ở Syria.
Kẻ hành quyết đã phục trang khá kín đáo với áo chùng đen choàng cơ thể, để lộ duy nhất mắt và sống mũi, gây khó khăn cho công tác truy tìm danh tính.
Tuy nhiên ngoài phương pháp nhận dạng qua khuôn mặt, các quan chức Mỹ và Anh đang phân tích tiếng nói mang ngữ điệu Anh Quốc của kẻ thủ ác trong video này và nhiều video khác trên mạng xã hội, để xác định danh tính kẻ hành hình, ông Todd Hinnen, cựu nhân viên an ninh quốc gia của Bộ quốc phòng Mỹ cho biết.
Email cuối cùng
Các nhà điều tra cũng có thể thu thập manh mối từ email của phe bắt cóc gửi cho gia đình của Foley.
Global Post – trang báo trực tuyến nơi Foley làm việc – đã công bố email cuối cùng gia đình ông nhận được từ nhóm bắt cóc ngày 12/8, cho biết việc Foley sẽ bị hành hình là “hậu quả của việc các người áp bức chúng tôi”, ám chỉ vụ Mỹ không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại Iraq.
Gia đình Foley cũng tiết lộ trong tuần trước cho biết nhóm bắt cóc đòi mức tiền chuộc lên tới 100 triệu euro (133 triệu USD) cho sự tự do của nhà báo.
Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ Anh Quốc đã tham gia điều tra vì người đàn ông trong đoạn video có ngữ điệu Anh quốc.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã thừa nhận “giọng điệu này rất giống một công dân Anh”.
“Rất có thể thông tin của hắn ta có trong cơ sở dữ liệu của văn phòng hộ chiếu Vương quốc Anh”, ông Anil Jain, giáo sư tại Đại học bang Michigan, chuyên nghiên cứu kỹ thuật nhận dạng sinh trắc học nhận xét.
Thời gian kỹ thuật số
Các nhà điều tra đang bắt đầu xem xét để xác định vị trí và thời điểm video này được quay, một cựu quan chức Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ cho biết.
Khi ước đoán được thời gian và vị trí quay video, các nhà nghiên cứu có thể lần lại mốc thời gian kỹ thuật số và xác định những thiết bị gì đã được sử dụng tại hiện trường.
Trụ sở truyền thông chính phủ của Vương quốc Anh (GCHQ) vẫn duy trì nhiều trạm tại Síp theo dõi điện thoại, Internet và các thiết bị viễn thông điện tử khác trong khu vực Đông Địa Trung Hải.
Cơ quan NSA của Mỹ thì vẫn thu thập các dữ liệu tương tự như GCHQ và các cơ quan tình báo khác một cách độc lập.
Liên kết lại, GCHQ và NSA nắm trong tay một lượng lớn thông tin từ Iraq và Syria, nhiều trong số đó xuất phát từ các thiết bị như điện thoại di động liên tục gửi tín hiệu ping tới những cột thu gần nhất, cựu quan chức cho biết.
Video đang HOT
Thời gian video được đăng tải có thể mang lại chút gợi ý về phạm vi, và nếu các nhà điều tra may mắn, khối siêu dữ liệu đính kèm file có thể có mốc thời gian.
Các nhà điều tra có thể lắp ghép dữ liệu với những cuộc trò chuyện giữa các phần tử cực đoan, khi họ thảo luận về các hoạt động hoặc kế hoạch trung chuyển Foley.
Tình trạng thời tiết
Thời điểm quay clip có thể được so sánh với tình trạng thời tiết tại các khu vực và địa thế để xác định địa điểm chính xác.
Kể cả hướng đổ bóng của các vật trong video cũng giúp ích cho quá trình điều tra.
Việc clip được quay ở một địa điểm hoang vu thực chất có lợi cho quá trình điều tra, cựu quan chức cho biết.
Số lượng thiết bị trong một khu vực vắng người tại Bắc Iraq hay Đông Syria thấp hơn rất nhiều so với những thành phố lớn trong khu vực.
Với khung cảnh thiên nhiên được lấy làm nền, việc xác định thời gian quay clip cũng trở nên dễ dàng hơn.
Khung cảnh hoang tàn
Khung cảnh hoang tàn trong video khiến Patrick Skinner – giám đốc tại công ty tư vấn an ninh Mỹ Soufan Group – dự đoán nó được quay tại Syria, xa biên giới Iraq, giúp phiến quân không phải lo lắng về việc bị Mỹ không kích.
Các nhân viên điều tra sẽ tìm kiếm những đặc điểm đặc trưng tại khung cảnh.
Cơ quan tình báo Anh đang đặt ra câu hỏi ai là người chuẩn bị và đăng tải video này, một quan chức chính phủ Anh tiết lộ.
Ảnh chụp nhà báo James Foley năm 2011, ngồi chờ tại phòng chờ sân bay Sirte, Libya.
Sẽ khá khó khăn để nhận dạng gương mặt khi kẻ hành quyết chùm mặt nạ.
“Khu vực quanh mắt có thể cung cấp 70% hình dạng các bộ phận khác trên toàn gương mặt. Vấn đề là kẻ giết người trong video lại che cả phần lông mày”, ông Jain – phân tích gia sinh trắc học tại đại học Michigan cho biết.
Mặc dù phần mắt có thể mang lại manh mối nào đó, tuy nhiên hình ảnh đồng tử lại khá mờ vì video được quay ở khoảng cách xa.
Cơ sở dữ liệu hộ chiếu
Các thông tin khác của những cá nhân sống tại Anh đã từng xuất ngoại một thời gian sẽ được xem xét, ví dụ như thông tin hộ chiếu, thông tin về xe hơi, các hóa đơn thuế chưa thanh toán hoặc thẻ tín dụng sử dụng ở nước ngoài, ông Livingstone – cựu giám đốc công ty công nghệ thông tin phục vụ Hải quân – Không quân Anh cho biết.
Ngoài ra, thời gian công dân xuất ngoại tại các khu vực như Syria hoặc Iraq cũng được xem xét, yếu tố có thể tiết lộ về khả năng họ giữ vai trò lãnh đạo hay không.
Theo ước tính của chính phủ Anh, có khoảng 400 – 500 người mang quốc tịch Anh đang chiến đấu với các nhóm phiến quân tại Syria và Iraq.
Trong đó, 250 người đã trở về đang được cảnh sát và cơ quan tình báo Anh MI5 điều tra.
Trong năm nay, 23 hộ chiếu đã bị tịch thu, và 69 người đã bị bắt giữ vì các vụ việc liên quan tới khủng bố ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên các chuyên gia tình báo cho biết phía Anh đang xem xét khả năng người lồng tiếng cho video với ngữ điệu miền Đông London không phải là người xuất hiện để chặt đầu Foley.
Không ngoại trừ khả năng kẻ giết người và kẻ lồng tiếng là hai người khác nhau, vì âm thanh trong video không khớp với hình ảnh, quan chức Anh cho hay.
Đặc điểm giọng nói
Việc phân tích đặc điểm giọng nói sẽ xác định liệu giọng của người lồng tiếng đã được thu thập trong bất kỳ dữ liệu tình báo nào trước đó hay chưa.
Các nhà điều tra đang thử so sánh giọng nói trong đoạn video với các đoạn nghe lén điện thoại hiện có đối với một số phần tử thành chiến tại Anh đã từng di chuyển tới Syria hoặc Iraq.
Tuy nhiên, công nghệ chưa đạt tới mức hoàn thiện trong việc nhận dạng giọng nói con người, một số phần mềm nhận dạng giọng nói như Siri của Apple mới dừng lại ở việc số hóa tiếng nói con người, chứ chưa thể so sánh giọng của hai người khác nhau, hay tìm ra hai đoạn ghi âm từ giọng của cùng một người.
Sắc thái giọng nói
Tại Iraq, các chuyên viên phân tích của NSA dày dặn kinh nghiệm trong các buổi thẩm vấn có phần vượt trội hơn phần mềm máy móc trong việc so sánh các giọng nói.
Tai của con người vẫn hơn máy tính ở điểm có thể thu nhận các sắc thái đặc trưng trong giọng nói một con người.
Ảnh chụp màn hình từ video hành hình James Foley.
Những kẻ khủng bố dùng mạng xã hội để truyền đi thông điệp và liên lạc để lại các manh mối hữu ích giúp xác định danh tính trực tuyến của chúng.
Để truyền đi một thông báo trên các dịch vụ chia sẻ như YouTube, Twitter hay Facebook, cần có “những phương tiện sản xuất và phát hành, đòi hỏi sự liên lạc và hợp tác giữa một nhóm các cá nhân”, ông Hinnen – chuyên gia tại công ty luật Perkins Coie cho biết.
“Điều này tạo điều kiện tác nghiệp cho các tổ chức tình báo và lực lượng hành pháp”, ông nói.
Các tân binh Anh
Nhiều chiến sỹ Hồi giáo quốc tịch Anh đang rời London và các khu vực khác như Blackburn, Yorkshire và Leeds để tham gia các nhóm phiến quân, ông Alexander Hitchens, trưởng khoa nghiên cứu và thông tin tại Trung tâm Nghiên cứu sự cấp tiến và bạo lực chính trị Quốc tế tại đại học London cho biết.
Thân nhân của những chiến binh thánh chiến, hội tín đồ tại các nhà thờ Hồi giáo địa phương, giáo viên và các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể có những thông tin hữu ích, một quan chức Mỹ có thâm niêm xử lý các vụ khủng bố cho biết.
Một số con tin đã được giải thoát cũng có thể có manh mối về tổ chức đã bắt cóc họ, ông nói.
Cần thêm thời gian
Tuy nhiên, việc truy tìm kẻ giết người lần này sẽ tốn nhiều thời gian, nhất là khi không có sự phối hợp từ một lực lượng hành pháp đáng tin cậy từ Iraq hay Syria.
“Vấn đề là rất khó phân tách hành động tàn bạo này khỏi những xung đột địa chính trị vĩ mô đang diễn ra ở thời điểm hiện tại”, ông Hinnen nói.
“Điều này làm khó việc đưa ra các quyết định, gây trở ngại cho quá trình điều tra”, ông khẳng định.
Theo NTD/Bizlive
Lá thư chứa chan tình thương của nhà báo Mỹ bị chặt đầu
Một người từng bị bắt cóc cùng James Foley nhớ lại lá thư cuối cùng đầy tình yêu thương của James Foley dành cho cho gia đình nhà báo này.
Báo Daily Mail của Anh đưa tin, nhà báo Đan Mạch Daniel Rye Ottosen, 25 tuổi, đã bị giam suốt 13 tháng trời cùng Foley và ghi nhớ từng câu từng chữ trong bức thư dài mà công dân người Mỹ bày tỏ trong hy vọng về việc được tự do kịp thời về dự lễ cưới của em gái vào năm tới.Khi Ottosen được trả tự do hồi tháng 6, cuộc gọi đầu tiên của anh là cho bà Diane, mẹ của Foley, để đọc cho bà bức thư chứa chan tình cảm của đồng nghiệp.
Sự việc này đã được mục sư của gia đình Foley, cha Marc Montminy, tiết lộ:
"Jim chưa từng được phép gửi thư như những con tin khác, bởi vì cậu ấy là người Mỹ. Jim truyền đạt bức thư cho con tin Đan Mạch và người này đã đọc lại theo trí nhớ".
"Jim nhắc tới tất cả các thành viên trong gia đình và nói cậu ấy yêu thương họ nhường nào. Cậu ấy nhắc đến mẹ, cha và bà, những người gần gũi. Cậu nhắc đến các anh chị em, cả các cháu trai cháu gái. Cậu ấy nói yêu quý họ và cậu ấy biết họ cũng yêu thương, cầu nguyện cho cậu ấy, và đấu tranh để cậu ấy được tự do. Cậu ấy kết thúc bằng một lời nhắn nhủ đầy hy vọng, rằng cậu sẽ có mặt ở nhà khi Katie (em gái) làm đám cưới".
Bà Diane, mẹ của James, đã bay tới Copenhagen ngay trước khi con trai bà bị chặt đầu, để gặp Ottosen, theo Tổng giám đốc GlobalPost - hãng thông tấn mà James đang làm việc khi anh bị bắt cóc hồi tháng 11/2012.
"Bà ấy đã tới Copenhagen để gặp nhà báo Đan Mạch và anh ấy đã cung cấp các chi tiết mới về quãng thời gian ở cùng Jim. Tất cả các con tin được tự do đều kể về lòng can đảm của Jim. Cậu ấy đã bị tra tấn và lạm dụng dã man nhất bởi vì cậu ấy là người Mỹ, nhưng bọn chúng chưa bao giờ bẻ gãy được ý chí của cậu ấy".
James Foley đã bị phiến quân Hồi giáo IS chặt đầu như một thông điệp gửi tới Mỹ trả thù các cuộc oanh kích mới đây của Washington ở Iraq. Video quay cảnh hành hình nhà báo này mà IS tung lên Internet đã gây sốc dư luận thế giới.
Foley, 40 tuổi, được nhìn thấy lần cuối cùng ngày 22/11/2012 ở tây bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet
Tranh cãi nhà báo bị chặt đầu: Tại sao Mỹ không nộp tiền chuộc con tin? Sự kiện nhà báo tự do James Foley bị phiến quân Nhà nước Hồi Giáo (IS) chặt đầu hôm 19-8 gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, thảm kịch này cũng khơi mào cho một cuộc tranh luận gay gắt giữa Anh-Mỹ, lâu nay không chấp nhận thỏa hiệp với khủng bố, với các nước Châu Âu luôn chấp nhận...