Công khai nhưng không thấy?
Sở GD-ĐT Hà Nội đã hứa sẽ công khai danh sách các trường quốc tế để người dân biết và lựa chọn… Tuy nhiên, đến nay Sở GD-ĐT Hà Nội chưa có văn bản nào công bố danh sách này như đã hứa.
Ảnh minh họa
Có một thực tế khá phổ biến là khi xảy ra hàng loạt vụ việc sai phạm, thậm chí bị khởi tố vụ án thì cơ quan quản lý mới “phát hiện” ra cơ sở đó “mạo danh”, chưa được cấp phép hoạt động, đào tạo “chui”; là chưa được cấp phép xây dựng, chưa thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng đã được cấp sổ đỏ…
Chỉ riêng mảng giáo dục có thể kể đến vụ việc xảy ra ở Trường Gateway (Hà Nội), khi ông trưởng phòng GD-ĐT quận thản nhiên cho biết: “Văn bản thành lập trường chỉ có tên là Gateway. Có thể để quảng bá, thu hút học sinh, các trường có thêm chữ “quốc tế”…”. Trong khi đó, trong biển hiệu rất lớn ở cổng trường, website và mọi văn bản công khai của trường này lúc nào cũng có chữ “quốc tế” trong tên trường. Hơn nữa, cơ sở của Trường Gateway cũng rất gần với trụ sở của phòng GD-ĐT.
Video đang HOT
Còn Sở GD-ĐT Hà Nội thì cho biết, trong giấy phép hoạt động toàn TP chỉ có 11 trường có thể coi là trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả những trường có gắn mác quốc tế còn lại đều là “mạo danh” và tự phong. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng hứa sẽ công khai danh sách các trường này để người dân biết và lựa chọn. Bản thân các trường quốc tế “xịn” cũng mong ngóng từng ngày danh sách này được công khai để họ không bị người dân nhìn với con mắt nghi hoặc, thật giả lẫn lộn. Tuy nhiên, đến nay Sở GD-ĐT Hà Nội chưa có văn bản nào công bố danh sách này như đã hứa.
Một vụ việc nổi cộm khác là trường hợp lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô bị khởi tố về việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo cấp bằng mà chưa được phép. Khi báo chí chất vấn Bộ GD-ĐT về trách nhiệm quản lý ngành thì đại diện Bộ cũng trả lời… nhẹ tênh: Trường ĐH Đông Đô không xin phép, không báo cáo nên Bộ không biết trường này đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai, việc Bộ cấp phôi bằng cho trường chỉ như cung cấp một dịch vụ in ấn! Kiểu như sai phải nói thì tôi mới biết, còn mọi thứ diễn ra công khai nhưng không tự báo cáo mình sai thì cơ quan quản lý dẫu có nhìn cũng không thấy chăng?
Thậm chí trước thông tin cô giáo của Trường mầm non Maple Bear (Hà Nội) phạt bằng cách nhốt học sinh vào tủ đựng đồ. Khi báo chí đưa tin và hỏi lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ thì lại nhận được câu trả lời “cơ sở này chưa được cấp phép hoạt động do thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Nhìn cơ ngơi của cơ sở Maple Bear hoành tráng, với các màu sơn và biển hiệu bắt mắt, mọi hoạt động nhộn nhịp, công khai, chắc chắn ít ai có thể hài lòng chấp nhận với lý giải của lãnh đạo ngành GD-ĐT quận này rằng cơ sở đó hoạt động “chui”.
Trường quốc tế mạo danh, trường ĐH cấp bằng “chui”, trường chưa được cấp phép hoạt động… là những nguyên nhân được lãnh đạo quản lý ngành từ cấp bộ, sở, đến phòng GD-ĐT đưa ra như một cách đổ lỗi cho chính các trường để làm nhẹ trách nhiệm của mình.
Bài bản này không chỉ riêng trong ngành giáo dục mà có vẻ như lặp lại ở nhiều lĩnh vực khác: chung cư mạo danh cao cấp, dự án chưa được cấp phép xây dựng đã giao nhà cho người mua vào ở, phương án phòng cháy chữa cháy chưa được thẩm duyệt, công ty ma bán dự án ảo… Tất cả cái sai đều chỉ về phía nơi vi phạm khi bị phát hiện vậy đã lọt cửa nào, cơ quan quản lý kiểu gì mà công khai như thế vẫn không thấy?
Theo Thanh niên
Hà Nội sẽ công bố danh tính trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ công bố danh tính các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để toàn thể nhân dân, cha mẹ học sinh biết được và có cơ sở chọn lựa.
Chia sẻ bên lề hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 diễn ra sáng nay 12/8, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, theo thống kê đến thời điểm này Hà Nội mới chỉ có 11 trường quốc tế. Các trường còn lại chỉ có yếu tố nước ngoài chứ không gọi là trường quốc tế.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng
Ông Quang cũng cho rằng, tên gọi về trường học phải đúng quy định. Điều này đã được cụ thể hoá trong Nghị định 86/2018/NĐ-CP về việc đặt tên trường. "Trong quyết định thành lập trường của chúng tôi không có chữ "quốc tế" mà cứ đưa thêm từ này vào, "mạo danh" để thu hút học sinh là sai. Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị này bỏ các từ mạo danh để tránh gây hiểu nhầm cho cha mẹ học sinh", ông Quang nói.
Sau khi rà soát, trường nào vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định.
Theo ông Quang, việc luật hoá tên gọi các trường là cần thiết và cần có cả chế tài xử phạt. Song, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có định nghĩa đầy đủ về trường quốc tế, đồng thời chưa có chế tài xử lý những đơn vị vi phạm. Do đó, hiện nay địa phương vẫn phải tự vận dụng các điều kiện để xử lý.
Ông Quang cũng cho biết, vụ việc xảy ra tại Trường Gateway là sự việc đau lòng, lần đầu xảy ra trên địa bàn thành phố. Qua sự việc này, Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT, các đơn vị trường học cần rà soát, chấn chỉnh ngay công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là đối với các trường mầm non, tiểu học, kiên quyết không để xảy ra các vụ việc tương tự trên địa bàn.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet
Sau sự việc trường Gateway, phụ huynh nói gì về việc có nên cho trẻ em sử dụng điện thoại di động sớm? Sau cái chết thương tâm của bé trai 6 tuổi trường Gateway, có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không cho trẻ dùng điện thoại di động. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ý kiến của 1 số phụ huynh về vấn đề này. Phỏng vấn phụ huynh về việc có nên hay không cho trẻ nhỏ dùng...