Công khai dự án thế chấp ngân hàng, sao phải lo lắng?
Mặc dù gặp một số phản ứng trái chiều của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng việc công bố 77 dự án nhà ở tại TP. HCM và 34 dự án tại Hà Nội được nhìn nhận là động thái tích cực, góp phần làm minh bạch thị trường và bảo vệ quyền lợi người mua nhà.
Đặc điểm của thị trường bất động sản ở Việt Nam là phụ thuộc vào vốn tín dụng, trong đó khoảng 70% là vốn ngân hàng. Vì thế, nhiều chuyên gia đều tin rằng, con số những dự án thế chấp ngân hàng công bố mới đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” và hầu hết các dự án bất động sản đều phải thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng cho rằng, việc doanh nghiệp thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện việc giải chấp là chuyện bình thường. Đồng thời, một số chủ đầu tư thế chấp dự án để ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh dự án cũng không có gì bất thường.
Còn thế chấp sẽ trở thành bất thường khi dự án không đủ điều kiện vẫn bán nhà, dự án đã bán nhà mà vẫn thế chấp, chủ đầu tư không thông báo với khách hàng là dự án đã thế chấp và không giải chấp căn hộ đã bán. Đơn cử như một số chủ đầu tư tại TP. HCM đã giấu nhẹm việc thế chấp dự án trong một thời gian dài khiến người mua nhà chịu thiệt vì không làm được sổ đỏ.
Tại một cuộc toạ đàm tổ chức mới đây tại TP. HCM, các chuyên gia cũng cho rằng, việc một dự án có thế chấp hay không thì không phải là vấn đề lớn mà quan trọng dự án đó thực hiện thế nào, pháp lý đến đâu, giao nhà có đúng cam kết hay không và có xác nhận của Sở Xây dựng đủ điều kiện bán nhà hay không. Thậm chí, có chuyên gia còn nhấn mạnh rằng, chỉ những doanh nghiệp nhỏ mới không đi vay, còn đa phần doanh nghiệp đều sử dụng đòn bẩy tài chính thì mới lớn mạnh được. Xét dưới góc độ này, những dự án được ngân hàng cho vay lại là những dự án tốt, vì hơn ai hết, ngân hàng hiểu rõ năng lực của chủ đầu tư sau một quá trình thẩm định kỹ lưỡng trước khi nhận thế chấp và cho vay.
Video đang HOT
Bà Vũ Thị Khuyên, Trưởng văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản – Sở Xây dựng TP. HCM cũng cho rằng, người dân đang hiểu nhầm dự án thế chấp là doanh nghiệp yếu, trong khi đó lại là điều hết sức bình thường.
Đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng cho rằng, việc doanh nghiệp thế chấp một phần tài sản trên đất của dự án căn hộ cao cấp D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu để vay vốn ngân hàng phát triển dự án là nghiệp vụ tài chính bình thường. Điều 147 Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015 cũng quy định: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”. Cho đến thời điểm này, vốn tín dụng ngân hàng cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng vốn đầu tư dự án.
Không những thế, vị này còn cho rằng, ngân hàng nhận thế chấp dự án và thông tin này được công khai nên được nhìn nhận là yếu tố tích cực hơn là tiêu cực vì làm như thế, thị trường bất động sản sẽ minh bạch hơn và quyền lợi của khách hàng được đảm bảo. Theo lập luận của đại diện Tân Hoàng Minh, chỉ những chủ đầu tư nào có uy tín, năng lực triển khai dự án, chỉ những dự án nào có triển vọng kinh doanh tốt thì ngân hàng mới chấp nhận thế chấp và cho vay vốn. Và khi đã cho vay vốn thì ngân hàng sẽ quản rất chặt dòng tiền, buộc chủ đầu tư phải lập tài khoản tại ngân hàng cho vay vốn để khách hàng nộp tiền. Đồng thời, mọi khoản thu, chi của chủ đầu tư cũng được ngân hàng giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiền được sử dụng đúng mục đích.
Theo đại diện của Tân Hoàng Minh, ngân hàng cũng sẽ giám sát chặt chẽ quá trình kinh doanh của dự án. Khi chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng sẽ tiến hành giải chấp căn hộ đó. Sau khi giải chấp xong, khách hàng có thể thế chấp chính căn hộ đó để vay vốn ngân hàng nếu có nhu cầu. Làm như vậy sẽ tránh được một tài sản thế chấp 2 lần, tránh được rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng. Chính vì thế, vị này khẳng định, việc chủ đầu tư thế chấp một phần tài sản dự án D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của khách hàng đã mua nhà tại dự án này cũng như việc cấp sổ đỏ sau này.
Còn ông Lê Hoàng Châu thì khuyên khách hàng khi ký hợp đồng mua nhà cần phải yêu cầu chủ đầu tư khi ký hợp đồng mua bán căn hộ phải có thông báo giải chấp của ngân hàng đang nhận cầm cố dự án.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
TPHCM công bố 77 dự án BĐS thế chấp ngân hàng: Nhiều bất cập
Việc công bố 77 dự án bất động sản thế chấp ngân hàng của TP HCM phát sinh nhiều bất cập như thiếu thông tin về hợp đồng tín dụng, thông tin tài sản...
Sáng 2/8, Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Thế chấp dự án - Bình thường hay bất thường" nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến việc TP HCM công bố 77 dự án bất động sản thế chấp ngân hàng.
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trả lời báo chí
Hội thảo có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM và nhiều doanh nghiệp bất động sản tham dự.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, 77 dự án có thế chấp ngân hàng mà Sở này công bố là do Văn phòng đăng ký đất đai thành phố, Sở Xây dựng và một số ngân hàng gửi qua.
Hiện nay, Sở Xây dựng chỉ xác định được 49 trong gần 600 dự án bất động sản đang triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh có đủ điều kiện thế chấp ngân hàng. Theo ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, khi công bố danh sách dự án bất động sản thế chấp ngân hàng, đơn vị này thiếu thông tin về doanh nghiệp như: mục đích vay vốn, việc xác định tài sản nào là vốn của doanh nghiệp, quy định về thế chấp quyền tài sản...
Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, việc công bố 77 dự án bất động sản thế chấp ngân hàng của Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh nhiều bất cập như: thiếu thông tin về hợp đồng tín dụng; công bố thông tin tài sản của hơn 10 cá nhân trong danh sách này là vi phạm quyền riêng tư của cá nhân; việc công bố thông tin của các dự án, nhưng không công bố theo thời gian thực, không kịp thời và không chính xác, khiến doanh nghiệp bị tổn thương.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc thế chấp quyền tài sản của dự án lại thuộc phạm vi quản lý của Cục đăng ký giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp quản lý chứ không phải Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
Trên thực tế, nhiều dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn ngân hàng nhưng chủ đầu tư đã huy động vốn của khách hàng. Trong số đó có thể có một số dự án thế chấp ngân hàng mà không có trong danh sách 77 dự án mà thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố, ông Châu cho hay./.
Thành Trung
Theo_VOV
Lãi suất 4,8% mua nhà ở xã hội: Ai được vay? Ngân hàng Chính sách xã hội vừa hướng dẫn cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Theo đó, đối tượng được vay vốn, bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Người...