Cộng đồng Chính trị châu Âu tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 6/10, lãnh đạo của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Âu đã có mặt tại CH Séc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Ngọc Biên/PV TTXVN tại CH Séc
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh châu Âu đối mặt với hàng loạt khó khăn về kinh tế, năng lượng, trong khi hợp tác trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) không được như kỳ vọng.
Cộng đồng Chính trị châu Âu là sáng kiến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất hồi cuối tháng 6/2022 trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Pháp. Theo đề xuất của ông Macron, mục tiêu của dự án này là xây dựng một nền tảng phối hợp chính sách cho các nước châu Âu trên toàn châu lục, thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị nhằm giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng của lục địa châu Âu.
Video đang HOT
Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên hôm nay, tham dự cùng lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU còn có lãnh đạo đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở châu Âu. Nga không tham dự hội nghị này.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Petr Fiala tuyên bố EPC không nhằm mục tiêu thay thế các cấu trúc châu Âu. Theo ông, việc 17 quốc gia ngoài EU, bao gồm Anh, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhận được lời mời là nhằm tạo điều kiện cho một cuộc thảo luận trung thực về các chủ đề chung nhưng cũng gây tranh cãi.
Sau bài phát biểu của Thủ tướng Séc là phát biểu của các nhà lãnh đạo của 4 nước ngoài EU, bao gồm cả Thủ tướng Anh Liz Truss. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Hai nhóm chủ đề chính sẽ được thảo luận tại hội nghị là hòa bình và an ninh; kinh tế, năng lượng và khí hậu. Sau hội nghị bàn tròn, lãnh đạo các nước sẽ có các cuộc gặp song phương và cuộc họp báo chính dự kiến diễn ra lúc 21h45 tối cùng ngày.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal (bên phải). Ảnh: Ngọc Biên/PV TTXVN tại CH Séc
CH Séc đã điều động lực lượng hàng trăm cảnh sát cùng binh sĩ quân đội nhằm đảm bảo an ninh cho sự kiện. Các khu vực xung quanh Lâu đài Praha bị phong tỏa từ ngày 5 – 8/10.
Sau Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu, lãnh đạo 27 nước thành viên EU sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh của khối để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, việc hỗ trợ cho chính quyền Kiev, các vấn đề năng lượng và tình hình kinh tế ở châu Âu. Trong thư gửi các nhà lãnh đạo EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, tại hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 6, lãnh đạo các nước thành viên đã tiến hành cuộc thảo luận chiến lược về quan hệ của EU với các đối tác ở châu Âu. Tại cuộc họp ngày 7/10, lãnh đạo 27 nước EU sẽ thảo luận về các chủ đề như hòa bình và an ninh, tình hình kinh tế, năng lượng và khí hậu, cũng như vấn đề di cư.
Giới phân tích cho rằng Cộng đồng Chính trị châu Âu trước mắt là một tổ chức mới nhằm liên kết 27 nước thành viên EU với các nước đang muốn gia nhập liên minh, các nước không muốn gia nhập và cả quốc gia đã rời khỏi liên minh là Anh.
Ukraine sẽ được mời dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu
Các nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết Anh, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nằm trong số các quốc gia không thuộc EU được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu tổ chức tại Praha (CH Séc) tối 6/10 tới.
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo các nguồn tin, "lời mời sẽ sớm được gửi" tới chính phủ những nước trên, cũng như các nhà lãnh đạo của các nước có nguyện vọng gia nhập EU như 6 nước Tây Balkan, Na Uy, Thụy Sĩ, Moldova, Gruzia, Armenia và Azerbaijan. Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU mặc nhiên được mời tới sự kiện này. Na Uy và Thụy Sĩ được cho là sẽ được mời tham dự.
Cộng đồng Chính trị châu Âu là "đứa con tinh thần" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Diễn đàn EU mở rộng này được thành lập nhằm mục đích cung cấp nền tảng cho đối thoại và hợp tác chính trị, trong đó bao gồm cả các quốc gia mong muốn gia nhập EU.
Một nhà ngoại giao châu Âu khẳng định "danh sách các nước tham dự đã được chốt", trong khi 1 nguồn tin khác xác nhận rằng "các cuộc tham vấn đang diễn ra".
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ được tổ chức tại thủ đô của Séc - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - 1 ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của liên minh (ngày 7/10).
Được lên kế hoạch để tổ chức 6 tháng/lần, mục đích chính của hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu lần này là "tiến hành một cuộc thảo luận chính trị về các vấn đề chiến lược về lợi ích chung cho châu Âu, trong đó trọng tâm sẽ là cuộc xung đột tại Ukraine, khủng hoảng năng lượng và tình hình phát triển kinh tế".
Quốc hội Triều Tiên thông qua luật ứng phó với các cuộc khủng hoảng khẩn cấp Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 7/10 đưa tin Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân Tối cao (SPA - Quốc hội Triều Tiên) đã thông qua luật ứng phó với các cuộc khủng hoảng khẩn cấp trong các lĩnh vực như y tế và thiên tai, đảm bảo mua sắm vật tư dự trữ, cung cấp lực lượng...