Công đoàn Việt Nam luôn có mặt sớm nhất khi đoàn viên cần
Sáng 11/1, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 10 (khóa XII). Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài dự Hội nghị.
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc; cả nước bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với kỳ vọng và khí thế mới. Trong năm qua, tổ chức công đoàn các cấp cũng đã triển khai nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa, quyết định đến sự phát triển của tổ chức Công đoàn. Trong đó, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được ban hành, thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2021 đã khiến việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề; nảy sinh một số vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, các cấp công đoàn đã có những điều chỉnh trong chỉ đạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, vừa duy trì các mặt hoạt động thường xuyên định kỳ, đồng thời chăm lo, hỗ trợ tốt cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực, đa dạng, hướng tới các đối tượng, phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của công đoàn là sau 5 năm triển khai Nghị quyết 7c của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, nhận thức và hành động của người sử dụng lao động, người lao động và của tổ chức Công đoàn đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể là số lượng doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca ngày càng tăng lên. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện giá trị bữa ăn ca bằng hoặc cao hơn mức 15.000 đồng; số người lao động được thụ hưởng bữa ăn ca ngày càng được mở rộng.
Nhấn mạnh chủ đề hoạt động năm 2022 là “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn cần phân tích kĩ lưỡng, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nhất là tình hình dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều yếu tố mới trong bối cảnh hoạt động công đoàn năm 2022, từ đó đóng góp, bổ sung thêm các nội dung nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện.
Hội nghị lần này cũng tiến hành bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành thay thế các Ủy viên đã được phân công sang vị trí khác; bầu bổ sung Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Trên cơ sở chủ trương của Ban Bí thư về việc kiện toàn đủ các đồng chí Phó Chủ tịch, đảm bảo cơ cấu độ tuổi, giới tính, vùng miền, Hội nghị sẽ bầu một Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nữ.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cho rằng, trong năm qua, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, trong đó đoàn viên, người lao động là đối tượng chịu tác động sâu sắc nhất. Thời gian qua, hàng nghìn công nhân đã bị mất việc. Trong bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam với tinh thần chủ động, sáng tạo đã linh hoạt điều chỉnh mục tiêu, thể hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ người lao động; đồng thời có nhiều hoạt động hỗ trợ chăm lo cho đoàn viên gặp khó khăn, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động…
“Những hoạt động đó thể hiện truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần quan trọng động viên đoàn viên, người lao động nỗ lực trong sản xuất, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”, bà Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.
Video đang HOT
Thời gian tới, dịch bệnh dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp công đoàn cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, triển khai các hoạt động phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, tổ chức công đoàn cần làm tốt công tác tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, nhất là các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động.
Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định, việc phát triển đoàn viên là một trong những nhiệm vụ sống còn trong quá trình hội nhập cũng như thực hiện các cam kết quốc tế. Do đó, dù trong hoàn cảnh nào, công đoàn Việt Nam phải luôn có mặt sớm nhất, hiệu quả nhất, xứng đáng là thủ lĩnh đại diện cho người lao động…
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe và cho ý kiến vào Báo cáo tóm tắt tổng kết hoạt động công đoàn năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; Tờ trình Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Tờ trình công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Tờ trình báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (khóa XI) về “Công tác tài chính trong tình hình mới”; cùng nhiều tờ trình liên quan đến quản lý tài chính, tài sản công đoàn, kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”…
Nhìn lại năm 2021: Người lao động không ngừng sáng tạo, vượt khó đi lên
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, lực lượng công nhân lao động đã trải qua một năm đầy sóng gió.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp Quang Minh ngày 10/9/2021. Ảnh: TTXVN phát
Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, không ngừng sáng tạo, cùng sự hỗ trợ kịp thời của các cấp Công đoàn, người lao động đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định cuộc sống...
Chung sức vượt khó
Dịch bệnh bùng phát gây nhiều khó khăn cho người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống; việc chăm sóc, giáo dục con cái có nhiều xáo trộn, làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen... Theo báo cáo của các cấp Công đoàn, cả nước có hơn 139 nghìn F0 là công nhân, viên chức, lao động; hơn 625 nghìn người phải ở trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế, có hơn 500 trẻ em là con công nhân, lao động mồ côi do dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động đã nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch; tích cực lao động, sản xuất trong điều kiện khó khăn thiếu thốn.
Nhiều đoàn viên, người lao động đã trở thành những tình nguyện viên nơi tuyến đầu, sát cánh cùng chính quyền, lực lượng chức năng tại cơ sở phục vụ phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống cho người dân, góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Sát cánh cùng người lao động, nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên được tổ chức Công đoàn triển khai thực hiện kịp thời với quy mô rộng lớn, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả với sự dấn thân của cán bộ công đoàn. Với sự sáng tạo và quyết tâm cao, các cấp công đoàn đã chủ động thay đổi phương pháp hoạt động với tinh thần thích ứng linh hoạt, tích cực, duy trì tốt các mặt hoạt động định kỳ, thường xuyên.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng Liên đoàn đã chủ động, kịp thời ban hành và nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ đa dạng dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội...
Trao hỗ trợ cho người lao động tại Công ty Casablanca - Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang). Ảnh: TTXVN phát
Tổ chức Công đoàn các cấp đã rà soát, lập danh sách những trường hợp khó khăn để tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do COVID-19; ban hành văn bản về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên gặp khó khăn do dịch COVID-19; phát động chương trình "Vaccine cho công nhân"; ra lời kêu gọi đóng góp ủng hộ công nhân, lao động các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Đặc biệt, trong năm qua, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dành nhiều thời gian trực tiếp về cơ sở, nắm tình hình, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp tại các địa phương vùng tâm dịch; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động để có các giải pháp đảm bảo việc làm, hỗ trợ đời sống.
Tại các địa phương, các cấp Công đoàn đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, tập trung tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, tổ chức sản xuất an toàn tại những doanh nghiệp đủ điều kiện với một số mô hình tiêu biểu như "Tổ An toàn COVID -19", "Vùng xanh doanh nghiệp" của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội; mô hình "Tổ An toàn COVID-19" tại các khu nhà trọ và xe ô tô chuyên chở công nhân của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa...
Tặng quà cho đồng bào H'Mông bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Đội ngũ cán bộ Công đoàn tận tụy, bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, trực tiếp tổ chức, tham gia các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ cho công nhân, lao động, các nhiệm vụ của công tác phòng, chống dịch.
Theo số liệu báo cáo, các cấp Công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền trên gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hơn 2 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn hơn 254 tỷ đồng...
Luôn đổi mới sáng tạo
Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành Kế hoạch tổ chức và hướng dẫn tiêu chí thi đua, khen thưởng phong trào thi đua "Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19". Chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2021 đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, phối hợp của người sử dụng lao động, thu hút đông đảo đoàn viên tích cực tham gia. Việc lần đầu tiên ứng dụng công nghệ vào việc theo dõi, cập nhật sáng kiến đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Sau hai đợt cao điểm phát động triển khai Chương trình, người lao động cả nước đã có hơn 250 nghìn sáng kiến, vượt trên 300% so với mục tiêu đề ra, trong đó có 324 sáng kiến có tổng giá trị làm lợi ước tính hơn 1.800 tỷ đồng/năm được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh, khen thưởng. Đáng chú ý, những sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính đã góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, từ đó góp phần đẩy mạnh các chỉ số cải cách hành chính.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH ITM Semiconductor Vietnam tại khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thái Hùng/TTXVN
Trong Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" có sức lan tỏa mạnh trong tổ chức Công đoàn và toàn xã hội, góp phần tạo ra động lực và sức mạnh để hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan. Chương trình đã tạo được phong trào thi đua lao động hăng say, sáng tạo rộng khắp, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ người lao động Việt Nam thời kỳ đổi mới, càng trong những hoàn cảnh khó khăn càng được phát huy mạnh mẽ, đoàn kết, sáng tạo.
Đánh giá về hoạt động của tổ chức Công đoàn trong năm qua, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc cho rằng, các cấp Công đoàn đã có nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch; nhiều tấm gương cán bộ công đoàn xung phong đi vào tâm dịch, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nỗ lực ngày đêm vì người lao động. Sản xuất trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh, nhưng người lao động đã có nhiều sáng kiến trong sản xuất, mang lại hiệu quả, lợi ích cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Túc, thông qua phát động phong trào toàn dân đoàn kết ra sức phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức Công đoàn đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái, huy động được mọi tầng lớp nhân dân cùng hăng hái tham gia đóng góp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định đã giải ngân 34 hồ sơ vay vốn của người sử dụng lao động, với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng để trả lương cho 5.640 người lao động. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN
Nhiều ý kiến cho rằng, dù rất nhiều khó khăn, phức tạp chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã trở thành một đợt thi đua lớn mạnh trong đội ngũ công nhân lao động trên cả nước, góp phần khơi dậy những ý tưởng sáng tạo, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả công việc, chia sẻ khó khăn với đơn vị, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội...
Chân dung Tập đoàn Hoàng gia Hà Lan sở hữu số lượng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhiều nhất Việt Nam Với việc sở hữu 22 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty TNHH De Heus Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi thị trường độc lập cả về quy mô, sản lượng và doanh thu. De Heus xây dựng vị trí vững chắc trên thị trường thức...