Công cụ nâng cao chất lượng giáo dục
Ở nhiều quốc gia, quyền tự chủ nhà trường là công cụ được sử dụng để nâng cao chất lượng giáo dục. Theo TS Ngô Thị Thùy Dương – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục, nội dung tự chủ của nhà trường phổ thông được nghiên cứu qua các vấn đề dưới đây:
Tự chủ nhà trường là công cụ được sử dụng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Sử dụng công quỹ. Ở các nước trên thế giới, việc sử dụng quỹ của nhà trường được chia thành 3 nhóm dựa trên việc phân bổ theo hạng mục:
Nhóm thứ nhất: ở Bỉ, Latvia và Thụy Điển trường phổ thông tự chủ hoàn toàn về sử dụng kinh phí theo hạng mục. Tại Đan Mạch, tùy thuộc vào loại chi phí, cơ quan hành chính sẽ ủy quyền cho trường phổ thông ra quyết định hoặc nhà trường tự quyết định.
Nhóm thứ hai: ở Bungari, Ai-len, Pháp, Cyprus và Romania, các trường phổ thông không có quyền tự chủ trong việc sử dụng công quỹ. Ở các quốc gia này, cơ quan giáo dục có thẩm quyền cao hơn sẽ ra quyết định mặc dù trường phổ thông có thể được hỏi ý kiến về cách tiến hành.
Hy Lạp là một ngoại lệ, trường phổ thông hoặc một số cơ quan được chọn sẽ quyết định chi phí hoạt động của trường. Ở Đức, Pháp, Malta và Ba Lan quyền tự chủ trong việc mua các thiết bị công nghệ thông tin và máy tính bị giới hạn. Các trường phổ thông phải được sự chấp thuận từ chính quyền trung ương hoặc đưa ra quyết định dựa trên một danh sách các lựa chọn được xác định trước.
Nhóm thứ ba là các quốc gia có mức độ tự chủ thay đổi theo từng hạng mục chi. Nhìn chung, các quốc gia trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có quyền tự chủ nhiều hơn về kinh phí hoạt động của nhà trường so với kinh phí để đầu tư mua sắm.
Huy động gây quỹ và sử dụng. Các trường ở Bỉ và Ý được tự chủ đối với việc huy động và sử dụng quỹ trong ba lĩnh vực: tài sản cho, tặng; thu nhập từ tài sản cho thuê và các khoản vay. Ai – len và vương quốc Anh có mô hình tương tự, ngoại trừ đối với các khoản vay.
Huy động và sử dụng các quỹ tư nhân bị cấm ở Ai len. Trong sáu quốc gia Đức, Hy Lạp, Ai len, Pháp, Síp và Luxembour, quyền tự chủ không được thừa nhận trong lĩnh vực này. Đan Mạch cũng gần như vậy, các trường có quyền huy động vốn và cho thuê tài sản, tuy nhiên lại không có quyền tự chủ khi chi tiêu các khoản này.
Ở Phần Lan, những địa phương tự chủ giao cho các trường quyền để huy động quỹ tư nhân nhưng vẫn kiểm soát việc chi tiêu của họ, trong khi ở các trường khác không có quyền tự chủ trong vấn đề này.
Video đang HOT
Tại các nước khác, mức độ tự chủ của các trường khác nhau giữa việc huy động quỹ thành viên (ủng hộ, tài trợ, thu nhập từ việc cho thuê tài sản, và các khoản vay) và chi tiêu. Các trường nói chung có sự tự chủ rõ rệt trong việc huy động quỹ từ việc quyên góp.
Tại Tây Ban Nha, các trường học không được nhận thêm các nguồn phát sinh từ các hoạt động do phụ huynh và hội học sinh tổ chức để thực hiện mục tiêu của mình và việc sử dụng quỹ như vậy đều phải tuân thủ theo nội quy.
Cuối cùng, tài chính của trường qua các khoản vay thường là quyền của cấp thẩm quyền trung ương, chỉ những trường tại Slovenia có thể nhận các khoản vay với sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền cao hơn.
Cho thuê mặt bằng để cung cấp dịch vụ cho cộng đồng có thể mang lại thêm nguồn kinh phí cho nhà trường nhưng phải chịu sự kiểm soát lớn khi huy động các nguồn kinh phí bằng các hình thức như quyên góp và tài trợ.
Tại Luxembour, không có sự lựa chọn này và do đó, các trường không có quyền tự chủ. Tại Hà Lan, có sự khác nhau giữa các trường phụ thuộc trách nhiệm được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Các trường học ở Bỉ, Cộng hòa Séc, Estonia, Pháp, Latvia, Bồ Đào Nha, Slovenia, Thụy Điển và Nauy được toàn quyền tự chủ trong lĩnh vực này. Sau khi tham khảo ý kiến một cách tự nguyện tạiLithuania và Malta thì các trường học mới được thực hiện. Còn tại Bungari, Tây Ban Nha Ba Lan và Romania, trước khi cho thuê mặt bằng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn phê duyệt.
Trường phổ thông có thể có quyền tự chủ trong huy động vốn tuy nhiên chưa hẳn có quyền tự chủ trong việc sử dụng chúng. Do đó, các trường phổ thông có thể được tự do huy động vốn (trừ vay vốn) nhưng bị hạn chế trong việc sử dụng vốn và chịu sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền cao hơn.
Ảnh minh họa/Minh Phong
Nguồn nhân lực
Một số quốc gia giao cho trường phổ thông đẩy đủ quyền tự chủ đối với việc quản lý nhân viên không trực tiếp giảng dạy hơn là quản lý hiệu trưởng và giáo viên. Liên quan đến hiệu trưởng, mức độ tự chủ phù hợp với từng quốc gia: hoặc tự chủ hoàn toàn trong tất cả các lĩnh vực (lựa chọn, tuyển dụng, quyết định về chức năng, nhiệm vụ của nhân viên, giáo viên, xác định biện pháp kỷ luật hoặc sa thải) hoặc không có quyền tự chủ.
Chỉ một số quốc gia nằm ngoài quy luật chung này. Ví dụ Đan Mạch và Thụy Điển, hiệu trưởng chỉ có quyền tự chủ trong việc quyết định về nhiệm vụ và trách nhiệm của nhân viên, giáo viên. Ở Phần Lan, các cơ quan có thẩm quyền cho phép hiệu trưởng được tự quyết định bất cứ điều gì không liên quan đến miễn nhiệm, giao nhiệm vụ, trách nhiệm và các biện pháp kỉ luật.
Tuyển chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng
Ở Châu Âu nói chung, các trường học không chịu trách nhiệm tuyển chọn hiệu trưởng. Bộ phận quản lý giáo dục (QLGD) cấp cao hơn chịu trách nhiệm lựa chọn, tuyển dụng hiệu trưởng như: Bỉ, Ai len và vương quốc Anh. Ở Ba Lan, hội đồng lựa chọn hiệu trưởng bao gồm các đại diện của các cơ quan quản lý trường học, cơ quan giáo dục khu vực, giáo viên và cha mẹ học sinh. Trong khi ở Bồ Đào Nha, giáo viên bầu hiệu trưởng từ những đồng nghiệp của họ.
Tại Slovenia, giáo viên cũng trực tiếp tham gia vào việc phê duyệt bổ nhiệm hiệu trưởng. Tại đây, hiệu trưởng do cơ quan QLGD bổ nhiệm nhưng phải lấy ý kiến sơ bộ từ hội đồng giáo viên (GV), chính quyền địa phương và hội cha mẹ HS.
Ở Tây Ban Nha, việc lựa chọn hiệu trưởng được thực hiện do một hội đồng gồm đại diện các trường học và cơ quan GD có thẩm quyền. Ban quản lý nhân sự GD chịu trách nhiệm xác định tổng số thành viên trong hội đồng này nhưng ít nhất phải có một phần ba trong số này là GV do hội đồng GV nhà trường bầu ra, trong đó hơn một phần ba không phải là các thành viên tham gia giảng dạy.
Quyền tự chủ của nhà trường đối với GV. Tại hầu hết các quốc gia OECD, nhà trường không có trách nhiệm tuyển chọn GV. Tuy nhiên, khi nhà trường không có vai trò trong việc tuyển chọn thì hiệu trưởng luôn tham gia vào việc ra quyết định. Tại Thụy Điển, Ai-len và Nauy, hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc tuyển chọn GV. Bỉ, Estonia, Ireland và Vương Quốc Anh, hiệu trưởng trường học và cơ quan QLGD đều tham gia vào quá trình ra quyết định tuyển chọn GV.
Các quyết định kỷ luật và sa thải GV là việc hiếm thấy tại các trường, thậm chí cả những trường có toàn quyền tự chủ. Điều này thường bị giới hạn bởi quy định của pháp luật trong tuyển dụng viên chức.
Tại Ý, hiệu trưởng nhà trường có thể đưa ra các quyết định kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định đó, nếu tiếp tục các biện pháp kỷ luật mạnh hơn sẽ do cơ quan GD cấp cao hơn thực hiện trên cơ sở báo cáo của thanh tra nhà trường.
Theo Giaoducthoidai.vn
Đổi mới cách làm để nâng cao chất lượng giáo dục di sản
Những năm qua, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tổ chức thành công chuỗi chương trình giáo dục di sản (GDDS) cho học sinh (HS).
Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (Đống Đa, Hà Nội) tham gia chương trình tìm hiểu di sản qua tranh ảnh.
Dù còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả hoạt động này, song bước đầu, với cách nhìn, cách làm mới đã giúp HS thêm yêu lịch sử, hình thành ý thức trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa.
Gỡ khó cho giáo dục di sản
Đánh giá về chương trình "Hành trình di sản" tại Ninh Bình do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức, cô Trịnh Thị Vân Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Ninh Bình (Ninh Bình) cho rằng: "Chương trình GDDS thực tế đã gỡ khó cho các nhà trường trong công tác GDDS nói riêng và dạy học Lịch sử nói chung".
Có mặt tại buổi ngoại khóa "Hành trình di sản" với chủ đề "Tìm hiểu về di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long và truyền thống khoa bảng Ninh Bình", mọi người đều nhận thấy, không chỉ các em HS trực tiếp tham gia cuộc thi trên sân khấu, mà khán giả cũng hào hứng không kém. Em Hà Thảo Nguyên, HS Lớp 8B, Trường THCS Lê Hồng Phong, hồ hởi: "Qua các hoạt động ngoại khóa như thế này không chỉ giúp chúng em có thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa mà còn thêm quý trọng các di sản".
Có một thực trạng là việc dạy học bộ môn Lịch sử trong nhà trường cũng như GDDS thời gian qua chưa đủ sức hấp dẫn HS. Các nhà trường đã bằng nhiều cách làm, thông qua hoạt động ngoại khóa giúp HS tiếp nhận kiến thức lịch sử qua hình thức mới. Tuy nhiên, do quỹ thời gian có hạn và phải bảo đảm không phá vỡ khung chương trình dạy học, nên hoạt động đó nhìn chung đều mang tính nhỏ lẻ, chưa phát huy được hiệu quả rõ nét. Nhận rõ điều đó, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã xây dựng kế hoạch cụ thể và nhận được sự hưởng ứng, phối hợp của sở giáo dục và đào tạo nhiều địa phương, như: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình...
Thêm những cách thức mới để tiếp nhận lịch sử
Các chương trình ngoại khóa, hành trình tìm hiểu về di sản mang đến một không khí sôi nổi, hào hứng cho cả giáo viên và HS. Chính nhờ cách làm mới, sinh động giúp HS tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên nhất, hiệu quả nhất. Các chương trình được Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, như: Khám phá các linh vật; sân khấu hóa, kể chuyện về danh nhân lịch sử; tìm hiểu về Văn Miếu-Quốc Tử Giám và khoa cử xưa qua tranh ảnh; hành trình thực tế trải nghiệm tại các khu di tích...
Buổi tìm hiểu về di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám và lịch sử truyền thống của Hà Nội được các em học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, TP Hà Nội) tham gia sôi nổi. Các nhóm HS được chia nhỏ, có nhiệm vụ tìm kiếm một hiện vật tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám thông qua bức ảnh có sẵn. Sau đó, các em chụp ảnh lại, tìm hiểu kiến thức liên quan và viết bài thu hoạch, tổ chức thuyết trình. Buổi ngoại khóa "chơi mà học" khiến cô và trò gần nhau hơn. Quá trình tiếp nhận các tri thức lịch sử cũng được học trò thực hiện một cách chủ động.
Cô giáo Đào Thị Hằng, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THCS Lý Thường Kiệt cho rằng: "Lâu nay, chương trình dạy học Lịch sử và GDDS được HS đánh giá là khó học, khô khan. Nếu chỉ dạy học kiến thức qua sách vở thì rất nhàm chán. Vì thế, khi tham gia các chương trình thực tế bài bản, thiết thực, HS sẽ có những tiết học trải nghiệm hết sức bổ ích".
Mong muốn của các nhà trường cũng như của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám là cần thiết và chính đáng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần phải giải quyết một số vấn đề. Trước hết, cách thức tổ chức tiếp cận di sản thông qua hoạt động ngoại khóa đòi hỏi quá trình xây dựng chương trình phải gắn liền với mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức của cấp học, khối lớp và phù hợp với yêu cầu của từng môn học. Muốn làm được điều này, cán bộ, nhân viên của trung tâm phải phối hợp tốt với giáo viên các trường, tự học tập kiến thức bậc học và cả nghiệp vụ sư phạm để tổ chức thành công chương trình.
TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khẳng định: "Dù còn nhiều khó khăn, song chúng tôi luôn cố gắng đổi mới, thực hiện các hoạt động GDDS hiệu quả. Năm 2017, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, các hoạt động tìm hiểu di sản theo chủ đề hướng vào đối tượng HS khối tiểu học và THCS. Trong năm 2018, chúng tôi sẽ chú trọng các hoạt động hướng tới HS bậc THPT và các gia đình. Dù còn nhiều vấn đề cần phải làm tốt hơn nữa, song với sự thay đổi tư duy, xây dựng cách làm mới, chắc chắn hoạt động GDDS của trung tâm sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả".
Theo Qdnd.vn
Đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện Là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc còn không ít khó khăn, song, với sự nỗ lực không ngừng của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý trong các nhà trường, sự nghiệp giáo dục của huyện Sông Lô đã có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ngày một nâng lên; cơ sở...