Công chức Đồng Tháp không biết đóng dấu: Thi tuyển không trung thực?
Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, Đồng Tháp công khai những con số đáng buồn như vậy là rất đáng hoan nghênh.
Liên quan đến kết quả sát hạch trình độ, năng lực đội ngũ công chức xã, phường ở Đồng Tháp vừa được Sở Nội vụ tỉnh này công bố gây xôn xao dư luận, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những con số tỉnh Đồng Tháp công bố về kết quả sát hạch công chức, viên chức xã, phường trên toàn tỉnh, tỷ lệ cao công chức, viên chức không biết đánh máy, soạn thảo văn bản?
Ông Nguyễn Viết Chức: Trước hết, tôi thấy cần hoan nghênh việc làm của Đồng Tháp. Không chỉ riêng Đồng Tháp mà nhiều địa phương trong cả nước có thể đẩy mạnh cải cách hành chính. Muốn đẩy mạnh cải cách hành chính thì chất lượng cũng như năng lực của các cán bộ công chức viên chức phải được nâng lên để đảm bảo vẫn với khối lượng công việc như thế có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Có nhiều hình thức để kiểm tra, sát hạch. Tôi thấy việc kiểm tra sát hạch là rất đúng bởi yêu cầu công việc, cuộc sống càng ngày càng cao.
Tuy nhiên, vẫn sẽ là một nỗi buồn nếu như ở đâu đấy, chất lượng cán bộ công chức không chỉ ở Đồng Tháp mà một số địa phương khác chưa đạt yêu cầu đặt ra của công việc. Nhưng niềm vui có thể nhiều hơn vì các cơ quan Nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến việc này và công bố công khai, không xấu hổ.
Không phải ai sinh ra đã trở thành cán bộ công chức giỏi. Phải có thi tuyển, sát hạch, kiểm tra và điều đó cũng góp phần tránh những tiêu cực như người thân, quen được đưa vào làm việc mà không có năng lực. Nếu cán bộ có năng lực nhưng vô trách nhiệm, lười biếng, đạo đức xấu có khi biến năng lực thành mánh khóe làm hỏng việc, gây khó cho dân thì năng lực đó vất đi. Ngược lại, cán bộ công chức mà không có năng lực thì dù tốt mấy cũng không hoàn thành nhiệm vụ được.
Thời đại ngày nay mà một cán bộ trẻ không thông thạo tin học thì khó đáp ứng yêu cầu của công việc. Bởi chúng ta đã bàn câu chuyện Chính phủ điện tử từ rất lâu, hành chính điện tử cũng đã được triển khai… vậy mà cán bộ công chức không thành thạo máy tính, soạn thảo văn bản không nên thì đương nhiên là không được. Bởi đấy chỉ là những yêu cầu tối thiểu thì làm sao nói chuyện năng lực khác?
Ông Nguyễn Viết Chức đánh giá cao sự công khai của Đồng Tháp về kết quả sát hạch công chức xã, phường vừa qua.
Phóng viên: Phải chăng, thi tuyển công chức, viên chức ở Việt Nam hiện nay có vấn đề khi tuyển dụng cả những cán bộ không biết đánh máy, đóng dấu như vậy, đến khi sát hạch mới lộ ra?
Ông Nguyễn Viết Chức: Tôi cho rằng, không hẳn như vậy. Bởi một con người luôn luôn có sự thay đổi, hôm nay thi là thủ khoa nhưng ngày mai không rèn luyện và buông thả bản thân thì chưa chắc đã làm tốt. Hôm nay có thể thi kết quả hơi thấp nhưng là con người có chí tiến thủ, luôn khắc phục yếu kém, học hỏi thì có khi lại làm rất tốt công việc được giao. Cũng có khi lúc tuyển rất cẩn thận nhưng qua một hai năm làm việc lại chưa thể làm tốt.
Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi bây giờ cũng chưa chắc làm được việc ngay mà dứt khoát phải có thời gian tập sự, tập duyệt. Thời điểm đó, người đi trước cần hướng dẫn cho người đi sau thì dần dần mới tốt được.
Tôi vẫn giữ quan điểm, không truy cứu việc trước mà cụ thể việc làm hiện tại như kết quả sát hạch thấy chất lượng chưa được cũng chưa nên hoảng loạn. Cần tìm rõ nguyên nhân, yếu kém vì cái gì, ở đâu? Yếu kém do lười, không chịu làm việc, không chịu học hỏi… Từ đó, có biện pháp khắc phục yếu kém.
Kiểm tra, sát hạch, mục tiêu cuối cùng không phải để loại người này hay người khác mà là để chỉ ra điểm yếu, mạnh, khắc phục bằng cách bồi dưỡng. Cán bộ phải được bồi dưỡng thường xuyên. Học là việc suốt đời chứ không phải chỉ là trên ghế nhà trường.
Mỗi địa phương, mỗi đơn vị, mỗi cán bộ sẽ có những yếu kém khác nhau. Tùy vào yếu kém chỗ nào, phải đặt ra kế hoạch bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.
Video đang HOT
Còn loại bỏ người này để lấy người kia thay thể chưa chắc là giải pháp tốt. Bởi để đào tạo một cán bộ có năng lực, thạo việc, làm việc có hiệu quả là cả một quá trình, không phải đơn giản.
Phóng viên: Vậy, lời giải nào cho bài toán chất lượng công chức, viên chức hiện nay, nhất là công chức viên chức cấp xã, phường, thưa ông?
Ông Nguyễn Viết Chức: Mỗi cán bộ công chức đừng bao giờ chủ quan rằng mình đã vào đây rồi tức là công chức. Hãy làm quen với việc bị sát hạch thường xuyên, nếu làm không tốt thì bị xử lý.
Trước đây, chúng ta còn nặng nề việc chữ “sa thải”, “đuổi việc”, nhưng bây giờ, không làm được việc thì nghỉ một thời gian nghiên cứu, học tập rồi lại thi vào nơi khác để làm đều không vấn đề gì cả. Thậm chí, cán bộ bây giờ cũng nên nghĩ thông thoáng. Có thể lên chức trưởng phòng nhưng không hoàn thành nhiệm vụ thì thôi, không làm nữa. Nhưng nếu đến năm sau, những năm sau nữa, chuẩn bị đầy đủ về tâm, tài thì vẫn có thể ứng cử tiếp
Chúng ta cần khuyến khích các cơ quan, các địa phương triển khai triệt để theo cách này thì mới nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là một cơ quan, một tổ chức luôn luôn xáo trộn, mất ổn định. Như thế rất nguy hiểm.
Dù chủ trương tốt đến đâu thì quan trọng vẫn là con người thực hiện. Thi tuyển hay xét tuyển và sau này là sát hạch đều phải trung thực. Con người đã không trung thực thì làm cách nào cũng sẽ ra một kết quả xấu.
Mỗi người cần tự kiểm điểm mình xem mình tiến đến đâu hay giậm chân tại chỗ khi xã hội, đất nước phát triển hội nhập. Nếu không chịu học hành tới nơi tới chốn, kiếm bằng giả để “chạy” công chức, không hiểu về công việc thì làm sao làm được?
Chúng ta cần ủng hộ thi tuyển, sát hạch không chỉ là công chức mà còn các chức danh cán bộ khác. Tuy nhiên, không phải cuộc thi nào cũng có kết quả tốt và làm gì cũng phải có sự tập dượt, ban đầu làm chưa tốt thì lần sau sẽ tốt hơn.
Có thể trong quá trình thực hiện vướng mắc chỗ này chỗ khác, nhưng nếu tâm sáng, muốn chọn người tài thì kết quả sẽ tốt.
Phải trung thực, từ trên xuống dưới, trung thực trong tất cả các khâu của quá trình vận hành.
Một cuộc kiểm tra, sát hạch không giải quyết được triệt để vấn đề. Nhưng nhiều cuộc kiểm tra, không chỉ dừng lại ở sát hạch đánh giá mà đánh giá xong có kế hoạch bồi dưỡng toàn diện với tinh thần trên dìu dắt dưới, dưới cố gắng nỗ lực để đáp ứng công việc. Có lẽ cần làm liên tục như thế trong nhiều năm liền thì chúng ta sẽ có bộ máy cán bộ tốt và mới nói đến cải cách hành chính tạo ra hành chính công thực sự vì dân phục vụ.
Phóng viên: Dư luận cho rằng, nên định kỳ mỗi năm sát hạch công chức một lần. Ông nghĩ sao về giải pháp này?
Ông Nguyễn Viết Chức: Tôi nghĩ, không đến mức phải như vậy. Mỗi một lần kiểm tra, sát hạch như vậy là khá tốn kém.
Do đó, cần căn cứ công việc hàng ngày, từng năm xem cán bộ đó có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Người thủ trưởng phải đánh giá chính xác năng lực cán bộ mình. Tôi nhấn mạnh, không nên làm hình thức mà cần làm thực chất, trung thực thì sẽ tốt.
Không phải cứ kiểm tra là đã tốt. Nếu dân còn kêu là cán bộ phải nghiêm túc nhìn nhận lại. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, nếu chỉ nói hay, không làm được thì người dân sẽ biết ngay.
Ngày trước, đâu có thi tuyển công chức nhưng vẫn có những cán bộ rất tận tụy, năng lực tốt. Còn bây giờ đâu đâu cũng thấy thi tuyển nhưng nếu không trung thực thì cũng không thể có những cán bộ tốt được.
Thi tuyển chỉ là một khía cạnh, còn thực hiện công việc như thế nào lại là vấn đề khác. Do đó, nếu hàng năm, tổ chức kiểm tra sát hạch cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề mà có thể gây tốn kém.
Người kiểm tra phải trung thực, người được kiểm tra trung thực và sau khi kiểm tra cũng phải trung thực làm việc. Như thế mới là điều quan trọng. Học giỏi, làm giỏi chưa đủ mà phải có tinh thần trách nhiệm để làm tốt.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo nguoiduatin.vn
Công chức không biết đóng dấu: Vẫn hoàn thành việc xuất sắc
Việc cán bộ không biết đóng dấu không làm ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan vì họ còn làm nhiều việc khác.
Không quá ảnh hưởng đến công việc
Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, vừa sát hạch 1.200 công chức thuộc 5 chức danh trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường gồm: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường; tư pháp - hộ tịch; tài chính - kế toán và văn hóa - xã hội.
Mỗi công chức trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm (30 điểm), trong đó kiến thức chung về cải cách hành chính, tin học, soạn thảo văn bản chiếm 40%, còn 60% câu hỏi là kiến thức chuyên môn lĩnh vực mà người đó đang làm.
Các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình và Cao Lãnh có tỉ lệ công chức đạt yêu cầu (từ 20 điểm trở lên) khá cao.
Các địa phương còn lại có tỉ lệ đạt yêu cầu rất thấp. Trong đó TP Sa Đéc, huyện Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng, Lai Vung, Lấp Vò và TP Cao Lãnh có trên 20% công chức không đạt. Nhiều cán bộ còn không biết cách đóng dấu ra sao, không trả lời được các câu hỏi về chuyên môn mà họ đang làm hàng ngày.
Trao đổi với Đất Việt, trước thông tin trên, ngày 5/1, ông Trần Văn Thiện - cán bộ văn phòng UBND huyện Tân Hồng cho biết: "Chúng tôi cùng Sở Nội vụ tỉnh tiến hành sát hạch cán bộ ở các xã, địa phương hồi tháng 7/2015, cách đây cũng khoảng 5 tháng.
Thế nhưng, theo tôi kết quả đó chỉ phản ánh một bộ phận rất nhỏ lượng cán bộ công chức, cấp xã, chứ không phải là tất cả.
Hơn nữa, cũng có một số cán bộ đóng dấu, văn thư kiêm nhiệm một số chức vụ nên năng lực chuyên môn cũng bị sơ suất, nhưng cái đó chỉ là phần nhỏ không chiếm quá nhiều".
Bên cạnh đó, ông Thiện cho rằng, thực chất việc không biết đóng dấu cũng không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của các cán bộ, vì mọi người vẫn sẽ cố gắng hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc.
Còn có nhiều trường hợp, các cán bộ không nắm chắc phần lý thuyết nên thi sát hạch không thể hiện hết được năng lực, thậm chí nhiều cán bộ hàng ngày làm rất tốt, luôn hoàn thành nhiệm vụ nhưng kết quả sát hạch lại không cao.
UBND P.2, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) có tới 5/9 công chức không đạt yêu cầu qua sát hạch.
"Bản thân tôi làm văn thư nên tôi hiểu rõ, nhiều khi cũng có sơ suất, nhưng không đáng kể và không quá nghiêm trọng". ông Thiện khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Đa - Phó Chánh Văn Phòng huyện Châu Thành lại cho biết: "Chúng tôi tiến hành sát hạch hồi tháng 10/2015, tôi thấy hầu như cán bộ thực tế vẫn đáp ứng được công việc.
Chỉ còn một số bộ phận do kiêm nhiệm nhiều chức vụ nên đôi khi chuyên môn bị sai sót, qua việc sát hạch thì sẽ bồi dưỡng tập huấn thêm về những điểm còn yếu".
Một vấn đề khác được ông Đa nói đến, đó là cán bộ không biết đóng dấu là việc bình thường, nhưng phải là cán bộ không chuyên trách, còn các cán bộ làm công tác văn thư thì phải làm chuẩn chỉnh theo quy định.
Việc đóng dấu có đúng hay không, cũng không quá ảnh hưởng đến việc các cán bộ có hoàn thành công việc hay không, vì một cán bộ phải làm nhiều việc, chứ không chỉ có đóng dấu.
Đôi khi sẽ có sai sót, khó tránh
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chánh văn phòng UBND huyện Cao Lãnh cho biết: "Hàng năm, Sở Nội vụ có phối hợp với UBND huyện, để sát hạch năng lực của các cán bộ công chức cấp xã.
Nhìn chung, nội dung sát hạch rất nhiều, cho nên cũng có nhiều cán bộ, công chức không hoàn thành hết các bài kiểm tra. 20% cán bộ không đạt tiêu chuẩn chỉ là chưa đạt đến mức độ, vì không thể trả lời hết các câu hỏi, chứ không phải họ không thể trả lời.
Ví dụ, như một lĩnh vực nào đó, bảng câu hỏi sát hạch đưa ra khoảng 10 đến 20 câu hỏi, nhưng các cán bộ không đủ thời gian trả lời được hết, chứ không phải không nắm được.
Có rất nhiều người trả lời được 17-18 câu, cũng như chúng ta làm gì cũng khó có thể đạt được 10 điểm tuyệt đối".
Hơn nữa, theo ông Tuấn, cũng có nhiều cán bộ chỉ giỏi làm công việc hàng ngày, làm thường xuyên thì rất tốt, nhưng tiếp cận các quy định thì còn hạn chế nhiều.
Riêng về việc đóng dấu thì đây là công việc thuộc về kỹ thuật hành chính đối với đội ngũ công chức. Nhiều năm qua, các cán bộ cũng đã được đào tạo chuyên môn về kỹ năng này, nhưng có một số cán bộ phụ thuộc lĩnh vực đất đai, tài chính, kế toán lại không nắm rõ, nên hàng năm Sở Nội vụ, vẫn tổ chức đưa đi tập huấn.
"Như vậy, người không biết đóng dấu vẫn làm việc được bình thường, thậm chí tốt. Qua một cuộc sát hạch, đôi khi lúc đó họ sẽ có những sai sót, vì thế, sát hạch khó đánh giá được toàn diện", ông Tuấn nhận định.
Châu An
Theo_Báo Đất Việt
Bộ trưởng Úc từ chức vì làm bậy với phụ nữ Mới đây, Bộ trưởng Úc Jamie Briggs đã xin từ chức vì những hành xử không đúng mực của mình tại quán bar với một nữ công chức. Theo trang Guardian đưa tin, Bộ trưởng của nước Úc ông Jamie Briggs vừa giải thích và xin từ chức sau vụ việc xảy ra với một công chức nữ (giấu tên) trong quán bar...