Công bố sớm phương án tuyển sinh 2023: Giúp thí sinh chủ động hơn
Thực hiện yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc các trường đại học (ĐH) cần sớm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 theo hướng đơn giản hóa và xây dựng phương án tuyển sinh mới cho năm 2025 trở đi, tính đến thời điểm này một số trường đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2023.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá tư duy vào Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2022. Ảnh: TL.
Mở thêm ngành học mới
Theo đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM công bố sẽ xét tuyển theo 4 phương thức trong năm 2023: Xét điểm học bạ THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM, xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng. Nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến hoàn toàn đối với tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT. Thí sinh chỉ cần thao tác và tải bản chụp học bạ THPT của 5 học kỳ; giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ tiếng Anh (nếu có) lên phần mềm xét tuyển của trường, không phải in ra và nộp hồ sơ xét tuyển qua bưu điện về trường. Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển từ ngày 1/3 đến hết 6/6/2023. Ngày 30/6/2023 trường công bố kết quả học sinh đủ điều kiện vào học tại trường (sẽ chính thức khi học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT). Mỗi thí sinh được đăng ký nhiều diện nếu thỏa mãn điều kiện, mỗi điểm xét tối đa 20 nguyện vọng (các nguyện vọng được xét theo thứ tự ưu tiên, nguyện vọng 1 là ưu tiên nhất), mỗi mã ngành chỉ đăng ký một tổ hợp có điểm cao nhất.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết, năm 2023, trường dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xét tuyển dựa trên kết quả thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023, xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo ông Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, năm 2023 cách thức đánh giá đầu vào của trường sẽ thay đổi. Theo đó, trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM lên khoảng 20-30%. Xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường sẽ tăng lên khoảng 10-15%. Xét tuyển bằng học bạ THPT còn khoảng 30-35%, kèm theo xét tuyển học lực của thí sinh…
Tăng số đợt thi đánh giá tư duy
Ở phía Bắc, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa cho biết nhà trường dự kiến mở 3 đợt thi đánh giá tư duy năm 2023; đồng thời giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT).
Cụ thể, kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến được tổ chức 3 đợt, vào tháng 5, 6 và 7/2023, tăng 2 đợt so với các năm trước. Năm 2022, kỳ thi này thu hút hơn 7.100 thí sinh tham dự, hơn 20 trường sử dụng kết quả để xét tuyển. Kỳ thi hướng tới lựa chọn thí sinh có năng lực học tập tốt, nên các câu hỏi trong bài thi có tính phân loại cao với phổ điểm rộng. Với phương thức này, những ngành nổi trội sẽ dễ dàng lựa chọn được sinh viên xuất sắc, đáp ứng tính khắt khe trong tuyển chọn.
Video đang HOT
Năm 2022, trường dành 10-20% trong gần 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển tài năng, 50-60% cho kết quả thi đánh giá tư duy, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trước đó PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm khoảng 20-30% chỉ tiêu trong các năm tới.
Đáng chú ý, từ đầu tháng 11/2022, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố quy chế tuyển sinh ĐH áp dụng từ năm 2023. Đây là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên trên cả nước công bố quy chế tuyển sinh ĐH riêng. Thông tin về phương hướng tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023 và từ năm 2025, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trong thời gian tới, nhà trường sẽ giữ chỉ tiêu tuyển sinh ổn định ở mức như hiện nay với phương thức xét tuyển chủ yếu là xét tuyển kết hợp, tinh giản theo hướng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM hoặc của các trung tâm khảo thí độc lập (nếu có) kết hợp Chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS…).
Về công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp, bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn… Đồng thời, hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Hàng loạt phương thức xét tuyển, thí sinh như 'đứng giữa ngã ba đường'
Nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển. Trong khi đó, trước ma trận các phương thức tuyển sinh, nhiều thí sinh đang lúng túng không biết lựa chọn phương thức nào để tăng tỷ lệ đỗ đại học vào ngành mong muốn.
Điểm chuẩn vào các ngành hot, trường hot sẽ tăng nhẹ
Thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào xét tuyển theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Đây là mức điểm đủ điều kiện tiếp nhận hồ sơ xét tuyển.
Theo thông báo của Đại học Quốc gia Hà Nội, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của trường là 20 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, chưa nhân hệ số).
Các trường thành viên xác định điểm sàn tối thiểu bằng mức điểm sàn chung của hệ thống. Hiện trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế đã công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp là 23 điểm.
Các trường tư vấn thí sinh lựa chọn ngành học trong Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 do Bộ GDĐT tổ chức mới đây.
Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương có hai phương thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi này là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển dựa vào điểm thi.
Trường công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển tại trụ sở chính Hà Nội là 23,5 điểm, xét các tổ hợp A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07. Đây cũng là mức điểm sàn cho cơ sở TP Hồ Chí Minh, xét các tổ hợp A00, A01, D01, D06, D07.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng vừa công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 và điểm thi đánh giá tư duy.
Đối với điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đạt mức điểm sàn quy định chung cho cả 9 tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 là 23 điểm. Thêm vào đó, học bạ bậc THPT của thí sinh cần có tổng điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 42 trở lên.
Theo dự báo của các chuyên gia giáo dục, điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay có thể tăng nhẹ so với năm 2021.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, năm nay đề thi tốt nghiệp THPT độ phân hóa tương đối tốt, thí sinh khó để đạt điểm 9 - 10 ở các môn.
Ngoài xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, năm nay các trường cũng đưa ra rất nhiều phương thức khác để tuyển sinh. Do đó với các ngành hot, trường hot, điểm chuẩn sẽ không tăng hoặc có tăng cũng không đáng kể so với năm ngoái.
Thí sinh mong sớm ổn định phương thức xét tuyển
Năm 2022, phương thức xét tuyển có nhiều sự thay đổi, các trường giảm số chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng các chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển khác. Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay các trường đại học sử dụng 20 phương thức xét tuyển. Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển nhiều phương thức khác nhau ở cùng 1 trường.
Mặc dù thời điểm này, nhiều trường đã công bố điểm sàn xét tuyển nhưng giữa "ma trận" phương thức tuyển sinh nhưng nhiều thí sinh lúng túng trong việc lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn.
Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022.
Nguyện vọng vào học ngành Kinh tế nhưng em Trịnh Hoàng Quỳnh Phương, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Bắc Kạn (Bắc Kạn) chỉ đạt 22 điểm từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. So với điểm chuẩn vào các trường ở khối ngành này, cơ hội trúng tuyển không nhiều.
Phương cho biết, hiện em đang phân vân giữa các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển học bạ. Theo phương thức này thì em được 24 điểm. Tuy nhiên, em đang không biết nên lựa chọn phương án nào.
"Mặc dù đa dạng các phương thức xét tuyển sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhưng cũng khiến chúng em bị loạn, đắn đo suy nghĩ rất nhiều".
Em Nguyễn Hồng Phương, thí sinh Hà Nội cũng cho biết, em đang gặp khó trong việc điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp bởi các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, mặt tích cực của việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là giúp các thí sinh có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, cơ hội đỗ vào trường mong muốn. Tuy nhiên, việc làm này cũng có mặt tiêu cực.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, khi học sinh chưa xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, các em có thể luôn "đứng núi này trông núi nọ", mơ hồ xác định nghề nghiệp. Có em tham gia rất nhiều các kỳ thi khác nhau. Lúc đó, các em bị phân tán sức lực, thời gian và công sức dẫn tới kết quả ko tốt.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: "Về lâu dài các trường sẽ có lộ trình để làm thế nào ổn định các phương thức tuyển sinh, giúp cho thí sinh dễ theo dõi tìm được phương thức tuyển sinh phù hợp nhất đối với tình hình hiện nay".
Trường ĐH thứ 2 tại TP HCM công bố thông tin tuyển sinh năm 2023 Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM) tuyển 2.000 chỉ tiêu vào 11 ngành theo 3 phương thức xét tuyển - thông tin tuyển sinh năm 2023 được trường công bố sáng nay, 17-11. Theo đó, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển vào các ngành, gồm: xét kết quả học bạ (điểm trung bình học kỳ 1 hoặc cả năm lớp 12);...