Công bằng với “môn phụ”
Lẽ ra mình không nên dùng từ “môn phụ” vì tất cả những môn học, sẽ có tầm quan trọng ngang nhau, sẽ đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực lẫn công sức ngang nhau. Nhưng teen đang định nghĩa môn phụ là những môn nào?
Là không phải Toán, Lý, Hoá, Anh, Văn. Là những môn mà điểm số không nhân hệ số? Là những môn không thi đại học? Là môn mà học làng nhàng cũng không sợ…rớt, là thầy cô kiểu gì cũng…cho qua.
Vì vậy nên có những câu chuyện cười ra nước mắt với những môn học bị xem nhẹ. Là giờ Kỹ thuật ngáp ngắn ngắn ngáp dài, là môn Gíao Dục Công Dân hay Quốc phòng liên tục xem giờ tan lớp, là khi kiểm tra Sử thì đã có đầy đủ phao ngắn dài lớn nhỏ khoe nhau hí hửng, là tiết Thể dục sau khi ra khởi động lại…lục đục kéo nhau vào ngồi tìm chỗ tránh nắng hay tám sôi nổi chuyện ếch con.
Video đang HOT
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Giải thích cho việc này, là những cái nhún vai hờ hững “Môn phụ mà, có thi đâu mà học?”. Một sự lý giải cho việc học hoá ra chỉ là để thi! Còn gì đáng buồn hơn thế?
Hay “Nắng thí mồ, học thể dục mà không có nổi cái mái che!” – Điều kiện vật chất quyết định và ảnh hưởng nhiều đến thế sao?
Hoặc “Bài sử dài quá trời, học sao nổi!”, một kiểu chống chế cho hành vi gian lận thi cử và đánh mất lòng trung thực của bản thân?
Và có cả “Mấy môn đó thầy cô cực dễ!”. Vâng, do cực dễ nên bạn cũng cho phép mình thôi không cần nghiêm túc, tự cho mình cái quyền buông tay bỏ mặc kiến thức và nỗi lòng thầy cô?
Nghe teen kể, liệu có xót xa không? “Lớp mình bữa đó đang học lịch sử, khảo bài um sùm nha! Tự nhiên sáng đó nghe công bố môn thi tốt nghiệp không có môn sử. Quá đã, tụi mình vỡ oà ra, reo hò ầm trời. Thế là bỏ nguyên tiết sử, tụi nó còn thản nhiên xé giấy gấp máy bay hay chơi cờ carô vô những trang tập còn trắng” – Q. Hùng (trường HT) kể.
“Giờ Công dân chán lắm, thầy nói kệ thầy. Tụi nó gật gà như say rượu. Tui thì đọc báo điện ảnh coi có phim mới gì không. Có mấy đứa khác thì thậm thụt ăn vụng hay chơi khoanh số cho hết giờ!”- V.Chi nói. “Giờ Địa, reng chuông ra chơi rồi mà thầy còn nấn ná một tí, rồi thầy hỏi có ai không hiểu chỗ nào không. Tự nhiên một đứa giơ tay, thầy hỏi nó hỏi gì. Nó cười toe toét nói thầy ơi, chừng nào được ra chơi? Tớ thấy cũng hơi quá đáng, nhìn thầy thất vọng và buồn thấy rõ luôn!” – M.Vân (trường NK) nói.
Lắng nghe những nỗi lòng thầy cô, teen có suy nghĩ?
“Thầy biết các em không hào hứng lắm với môn sử. Nhưng dân ta phải biết sử ta. Biết sử ta rồi để càng thêm yêu quê hương và sống có trách nhiệm với xứ sở” -thầy Quốc, giáo viên Sử trường TVK nói.
“Môn thể dục, với mục đích là để các em rèn luyện cơ thể, có sức khoẻ thì tinh thần mới mạnh để học hành, nhưng hình như không ai quan tâm hay mặn mà với nó lắm!” thầy Hoàng, dạy thể dục trường HT tâm sự.
“Giờ kiểm tra môn công dân, thấy mấy bạn quay bài nhiều lắm. Cô phải thật nghiêm khắc để không cho trò đó xảy ra. Làm sao ra đời khi mà mình người Việt lại không nắm được luật pháp Việt Nam?”
Tất cả những môn học, đều đang góp phần cùng nhau để hoàn thiện bản thân bạn .Vậy thì, tại sao mình có thể trưởng thành nếu như là một tổng thể có nhiều lỗ hổng, từ kiến thức tới kỹ năng hay sức khoẻ. Hãy công bằng với tất cả những môn học, bất kể là có thi hay không, bất kể là chính hay phụ hoặc điểm số được nhân lên mấy lần, là vì chính bản thân mình trước khi vì ai khác, được không?