Công bằng khi đánh giá sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1
Sau một tháng tổ chức dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới, SGK Tiếng Việt lớp 1 đang là chủ đề nhận được nhiều tranh luận.
Không ít ý kiến cho rằng, chương trình SGK môn Tiếng Việt “nặng và khó hơn” so với chương trình cũ, nhiều bài học khó hiểu, không có tính giáo dục. Trong khi đó, người trong cuộc lại đòi hỏi dư luận cần có đánh giá công bằng, khách quan với SGK.
Những bài tập đọc đang gây tranh cãi trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1.
Nhặt “sạn” trong SGK
Từ năm học 2020-2021, có 5 bộ SGK được Bộ GDĐT phê duyệt sử dụng trong nhà trường. 4 bộ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn và bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM biên soạn.
Những ngày qua, nếu các bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam bị phụ huynh ý kiến là “nặng, quá tải”, trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, thì sách Cánh Diều lại có một số bài tập đọc đang là tâm điểm của tranh cãi. Một số chi tiết trong SGK mới cũng đang khiến giáo viên, phụ huynh khó hiểu, hoặc bị cho là dùng từ địa phương, không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.
Chị Lê Thùy Dương (có con học lớp 1 tại quận Hoàn Mai, Hà Nội) cho biết, SGK Tiếng Việt có rất nhiều từ mới lạ, thậm chí chị không thể giải nghĩa được. “Nhiều khi con hỏi, mẹ ơi cây lồ ô là cây gì? Con quạ kêu quà quà phải không mẹ? Tôi đã phải tìm hiểu kỹ mới có thể trả lời con. Thật sự dạy trẻ lớp 1 bây giờ không hề dễ dàng” – chị Dương nói.
Trong khi đó, chị Lê Thị Thanh (phụ huynh tại Hưng Yên) đưa ra ví dụ về bài Tập đọc “Hai con ngựa”, trang 157, SGK Cánh Diều, có đoạn ngựa tía dạy ngựa ô “hãy trốn đi” khi bị giao việc. Chị Thanh cho rằng, nội dung bài học không phù hợp với trẻ lớp 1. “Như thế chẳng khác gì dạy các con lười biếng, ham chơi và trốn học” – chị Thanh nêu quan điểm.
Phụ huynh Mai Hương ( Trường Tiểu học Tây Sơn, Hà Nội) dẫn một bài học trong SGK “Cùng học để phát triển năng lực” của NXB Giáo dục Việt Nam và cho rằng, sách có nhiều bài khó, từ mới, vượt quá năng lực của học sinh lớp 1.
Video đang HOT
“Sẽ tiếp thu ý kiến để điều chỉnh phù hợp”
Trước những tranh cãi về chương trình, SGK Tiếng Việt lớp 1, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết – Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều – cho biết, nhóm tác giả sẽ đánh giá kết quả triển khai, tiếp thu ý kiến của giáo viên, xã hội để điều chỉnh cho ngày càng phù hợp hơn. Dù vậy, ông cũng cho rằng, dư luận cần khách quan, công bằng khi đánh giá. Những người biên soạn sách đã làm rất kỹ và có quan điểm của mình.
Cụ thể, với bài tập đọc “Hai con ngựa” bị cho rằng là câu chuyện bịa, xuyên tạc truyện của Lev Tolstoy, dạy trẻ con cách lừa lọc, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, bài tập đọc này được viết lại (phỏng theo) truyện “Ngựa đực và ngựa cái” của Lev Tolstoy được in trong cuốn “Kiến và bồ câu”. Trong SGK Tiếng Việt 1, cốt truyện được giữ nguyên, nhưng truyện dài nên phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2. Phần 2 được học ngay sau phần 1.
“Về nhân vật, chúng tôi phải phải sửa “ngựa đực, ngựa cái” thành “ngựa tía, ngựa ô” vì học sinh đến tuần đó chưa học các vần “ưc”, “ai” và cũng vì không muốn nói chuyện “đực, cái”, phân biệt giới tính. Trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Ngựa đực làm theo lời ngựa cái. Bác nông dân thấy ngựa đực ương bướng, bèn đóng ngựa cái vào vai cày. Những chi tiết này đã được tác giả sửa lại cho nhẹ nhàng nhưng căn bản diễn biến câu chuyện vẫn như truyện của Lev Tolstoy” – GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Về ý nghĩa của bài tập đọc, GS Thuyết cho rằng, một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Ý nghĩa của câu chuyện này là xui người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả. Giáo viên, khi trực tiếp giảng dạy sẽ định hướng cho học sinh và rút ra bài học sau mỗi bài tập đọc.
Cũng theo tác giả biên soạn sách tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, trong số hàng trăm bài tập đọc, thì có rất nhiều bài là ca dao, đồng dao, tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam như: Phạm Hổ, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa… Sách cũng có nhiều bài học rất nhân văn dạy về chủ quyền biển đảo. Hàng trăm bài học hay không được nhắc tới, mà một số người lại cắt ghép một vài bài học để đánh đồng, quy chụp cuốn sách là phản khoa học, không có tính giáo dục… là không khách quan.
Cần công bằng khi đánh giá
Nhưng trước những tranh cãi của phụ huynh, nhiều ý kiến băn khoăn tại sao trong quá trình dạy thực nghiệm, thẩm định SGK, Hội đồng thẩm định lại để “lọt” những chi tiết mà phụ huynh cho rằng khó, không phù hợp với học sinh lớp 1?
Trả lời câu hỏi này, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt 1, GS-TS Trần Đình Sử mong muốn phụ huynh hãy bình tĩnh và tin tưởng vào giáo viên cũng như nền giáo dục nước nhà. “Hãy để cho con trẻ, thầy cô và toàn ngành giáo dục yên ổn nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Kết quả của chương trình sẽ được trả lời trong cuối năm học” – GS Trần Đình Sử chia sẻ.
Ông cũng nhận định, các bài học gây tranh cãi trong SGK Tiếng Việt 1 đều được chia làm 2 phần trong sách và được mở ngoặc đơn đánh số (1), (2) thể hiện cho 2 phần. Tuy nhiên, độc giả đã đọc không kỹ, chỉ đọc một nửa câu chuyện, rồi chụp ảnh đăng tải lên mạng với nội dung chỉ trích, nên gây ra nhiều hiểu lầm.
Những hạt sạn trong SGK mà phụ huynh đang tranh luận sẽ được hội đồng thẩm định đánh giá khách quan, công bố công khai để phụ huynh biết, giáo viên và học sinh yên tâm dạy và học.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên chương trình môn Ngữ văn, Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Góp ý về SGK là cần thiết, nhưng cần chính xác
Góp ý cho sách giáo khoa (SGK) là cần thiết, nhưng phải có trao đổi, làm rõ vì có một số thông tin thiếu chính xác, thậm chí là bịa hoàn toàn. Chẳng hạn bài học “Chữ số 4″ với ví dụ về “Bốn cái làn” được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua là sai hoàn toàn bởi thực chất không cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 nào có nội dung như vậy.
Về việc sách đưa nhiều ngữ liệu là truyện ngụ ngôn được dịch từ tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng nước ngoài, nói phản giáo dục là không đúng.
Chẳng qua là truyện ngụ ngôn thường có nhiều ý nghĩa và có thể suy luận theo nhiều cách hiểu khác nhau.
Nhiều người nói sao không lấy ca dao, tục ngữ mà dạy. Thứ nhất trong sách cũng đã có ca dao tục ngữ; thứ hai chọn ngữ liệu nào trước hết phải phục vụ nhiệm vụ và yêu cầu là rèn luyện các âm, vần đang học… Ngoài ra, không phải ca dao, tục ngữ nào cũng đáp ứng được tất cả các yêu cầu nêu trên. B.Hà (ghi)
Bộ GDĐT yêu cầu rà soát sách Tiếng Việt lớp 1
Trước phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1.
Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở một số địa phương. Tuy nhiên, những ngày qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 17.10.2020.
Thẩm định SGK: "Đông người nhặt thì chắc chắn "sạn" sẽ bớt đi"
Chiều 12/10, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.
Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2020-2021, có 5 bộ SGK lớp 1 mới được đưa vào dạy học trên toàn quốc, bao gồm 4 bộ do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn và 1 bộ mang tên là Cánh Diều của công ty VEPIC phối hợp với Nhà xuất bản ĐH Sư phạm và Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TPHCM biên soạn.
Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia, với 1/3 số thành viên hội đồng là các giáo viên đang dạy học trực tiếp đã thẩm định 5 bộ sách này, sau đó chuyển lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Trải qua quy trình này, nhiều lỗi trong bản thảo SGK đã được yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện. Hầu hết các địa phương chọn ít nhất 3 bộ SGK trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn cả 5 bộ.
Quá trình lựa chọn, phê duyệt từng bộ SGK lớp 1 theo chương trình mới rất công phu, nhưng khó tránh khỏi có những sai sót, bởi thực tế đã có nhiều cuốn SGK dù được tái bản nhiều lần vẫn còn "sạn". Sau một thời gian thực hiện, một bộ phận phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong sách Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều. Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị trao đổi với tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia xem xét trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, có hướng xử lý phù hợp.
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá quá trình biên soạn, phê duyệt các bộ SGK mới đã được thực hiện theo đúng quy định trong Luật Giáo dục, Nghị quyết 88/2019/QH14. Nhưng các vấn đề liên quan đến giáo dục bao giờ cũng nhận được sự quan tâm, góp ý rất tâm huyết của cử tri, nhân dân, xã hội. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tiếp thu trên tinh thần cầu thị. Những ý kiến xác đáng cần điều chỉnh kịp thời, hướng dẫn nhà trường, giáo viên truyền tải đầy đủ chương trình mới. Các vấn đề sâu về chuyên môn phải được thông tin phản hồi thấu đáo, đầy đủ, cụ thể.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng đã là đổi mới thì phải có cái mới, và Bộ phải có giải thích cặn kẽ, thuyết phục, còn những "hạt sạn" thì chúng ta phải "nhặt", tiếp tục hoàn thiện.
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân cũng như kết quả khảo sát những tuần đầu triển khai chương trình mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ yêu cầu các tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng SGK ngày càng tốt hơn. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các ý kiến góp ý về SGK Tiếng Việt lớp 1, dù gay gắt nhưng đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.
"Bằng công nghệ thông tin nên chăng chúng ta thay đổi cách làm đối với bản thảo một cuốn SGK khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, "nhặt sạn" ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà xuất bản, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia. Đông người "nhặt" thì chắc chắn "sạn" sẽ bớt đi", Phó Thủ tướng gợi mở.
TS Ngữ Văn Trịnh Thu Tuyết góp một cách nhìn về sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh Diều Hai vấn đề nóng nhất xung quanh cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh Diều, theo TS Trịnh Thu Tuyết, là cách thức tuyển chọn ngữ liệu và việc sử dụng ngôn từ trong các bài đọc. Theo TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An - Hà Nội), những người quan tâm tới giáo...