Con vào lớp 1: Cứ để tập viết, tập đọc cho cô giáo lo, cha mẹ hãy dạy con những điều nhà trường không dạy
Nguy hiểm nhất khi con vào lớp 1 không phải là chưa biết viết, biết đọc, mà là không biết tự lập, không kết nối được với xung quanh, không biết tương tác và không biết cách sống cùng người khác…
“Không cho con học viết, học toán, học thêm trước khi con vào lớp 1 hả? Không cho con học thêm hả? Trời ơi, dại thế, bạn bè biết hết rồi, con mình sẽ tủi thân, sẽ tự ti, sẽ chán học. Rồi cô giáo sẽ kỳ thị, sẽ đì chết!…”.
Nhiều mẹ nhắn tin hỏi mình.
Mình chỉ hỏi lại, Vậy có nghĩa là, muốn con học giỏi, có thái độ học tập tốt, say mê học hỏi, thì chỉ cần cho con đi học chữ, học toán trước khi con vào lớp 1 là xong hả?
Mình là 1 giáo viên tiểu học chính hiệu, và Xu Sim cũng từng học lớp 1 công lập, mình có đủ kinh nghiệm để nói rằng dạy chữ là rẻ nhất trong các loại dạy! Nên nếu chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, là những ông bố bà mẹ, những giáo viên lười! Thật!
Thừa nhận rằng con bắt đầu vào lớp 1 là bước ngoặt lớn, cần một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện. Nhưng toàn diện chứ không phải chỉ là đi học trước ạ! Mình đã thấy rất nhiều bé viết đẹp, đọc tốt, nhưng đi học toàn khóc vì “Đi học con toàn bị ăn hiếp”, “Đi học không có vui gì hết”!
Rất nhiều cha mẹ lo lắng nên đã dạy con học chữ, học viết trước khi vào lớp 1 (Ảnh minh họa).
Nguy hiểm nhất ở lớp 1, không phải là chưa biết viết, biết đọc, mà là không biết tự lập, không kết nối được với xung quanh, không biết cách bộc lộ cảm xúc, không biết tương tác, không biết cách sống cùng người khác. Mà tất cả những điều này đều cần dày công!
Nước mình giáo viên không được tự ý điều chỉnh lịch giảng dạy, tức là tuần đầu tiên vào lớp 1, mặc kệ những bạn đã đọc thông viết thạo, thì lớp 1 của cả nước đều bắt đầu học một bài giống nhau, với thời lượng tương đương nhau. Tuần đầu tiên là cứ học nét cong, nét thẳng, nét hất chán chê, rồi sau đó thì ê a vài chữ cái.
Nên rất khổ thân cho các cô cậu 6 tuổi, quá trình hưng phấn mạnh gấp nhiều lần quá trình ức chế, ở nhà đã đọc ro ro, tính nhoay nhoáy, giờ cứ ngồi đợi cô dạy nét cong nét hất, ngồi vẽ chữ to đùng 4 ly… Thế là rảnh nên lại ngồi nghịch phá, rồi bị cô giáo la mắng phạt.
Mình đã thử và đã thấy. Cả Xu và Sim hoàn toàn không học trước chữ nào, không học trước ngày nào, mà vẫn sống sót nè!
Nói thế không có nghĩa là mình bỏ mặc con chơi với ti vi suốt 6 năm. Mình dạy con những thứ cần thiết để giúp cho việc dạy của cô. Mình dạy con cầm bút bằng cách tập vẽ, tập tô màu. Mình tập cho con tập trung bằng cách xếp hình, ghép hình, bằng các trò chơi kéo dài 40 phút, 1 tiếng ở nhà. Mình tập cho con tự chăm sóc bản thân, tự chải đầu, cột tóc, tự rửa mặt, biết đi vệ sinh. Mình tập cho con cách thưa gửi, trình bày với cô giáo sao cho hiệu quả.
Rất nhiều bé viết đẹp, đọc tốt, nhưng đi học toàn khóc vì “Đi học con toàn bị ăn hiếp”, “Đi học không có vui gì hết”! (Ảnh minh họa).
Mình nói trước với con, rằng mới vào lớp 1 con sẽ viết và đọc chậm hơn các bạn đấy. Nhưng con có nhiều kỹ năng khác có thể các bạn không có, như nấu ăn, đi xe đạp, trượt patin, bơi…
Và cũng đừng để cô giáo thất vọng rồi đi tìm mình mắng vốn. Mình tìm gặp cô giáo, nói trước với cô rằng Xu Sim chưa biết viết, biết đọc, mình biết cô sẽ vất vả hơn, kiên nhẫn hơn học sinh khác. Mình chân thành chia sẻ khó khăn cùng cô, hợp tác với cô. Cô mà cằn nhằn, giục bé đi học thêm, thì mình cũng chỉ nhã nhặn cảm ơn thôi!
Nhưng vẫn nhiều bạn bảo là họ cũng muốn làm như mình, nhưng mà cô giáo cứ bắt học, nhưng mà bé hàng xóm cứ học…
Ủa! Tại sao khi được yêu cầu làm một việc hại cho con mình mà lại vẫn làm? “Quyền lực chỉ có sức mạnh nếu chúng ta đồng ý với nó”, ông Gandhi, cựu thủ tướng Ấn Độ đã nói vậy đó.
Rồi chỉ vì con viết chậm hơn bạn, đọc kém hơn bạn, mà đã tự ti, mặc cảm,… thì ngày sau ra đời xe thằng bạn xịn hơn xe mình, vợ hàng xóm nó đẹp hơn vợ mình, chồng hàng xóm nó giàu hơn chồng mình, nhà hàng xóm nó to hơn nhà mình… sống làm sao?
Video đang HOT
Mục đích học tập UNESCO gồm nhiều thứ lắm: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học tập để làm người”.
Vậy nên, ngoại trừ vài bé tự nguyện ham đọc và viết, ngoại trừ việc mẫu giáo chính khóa học làm quen với chữ, còn thì ba mẹ đừng chất thêm lên lưng con! Cứ để tập viết, tập đọc cho cô giáo lo.
Cứ để tập viết, tập đọc cho cô giáo lo (Ảnh minh họa).
Hãy dạy những kỹ năng rất quan trọng khác đang bị nhà trường bỏ trống, như thể thao, nghệ thuật, giao tiếp, cư xử… lòng ham mê học hỏi, làm việc nhóm, tư duy phản biện, sáng tạo, hiểu và định giá đúng bản thân,…
Hãy dạy con những giá trị sống quý giá như sống trung thực, tử tế, chia sẻ, tự lập, tự tin… Hãy dành thật nhiều năng lượng, thời gian và tiền của bạn để mà bù đắp vào đó.
Đường học còn rất dài, còn suốt cả cuộc đời. Hãy để những bước khởi đầu con vào lớp 1bằng lối học hành trung thực, không lén lách luật học trước.
Hãy để con có cơ hội háo hức với những thử thách mới mẻ, thấy mình tiến bộ mỗi ngày so với bản thân mình hôm qua.
Vài nét về tác giả:
Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: “Con nghĩ đi, mẹ không biết”. Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.
Theo Helino
Mẹ Nhật Nam hướng dẫn chi tiết cách chuẩn bị đồ dùng, tâm thế và rèn thói quen cho con vào lớp 1
Chị Phan Hồ Điệp - mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam đã có bài hướng dẫn rất chi tiết cụ thể về những vật dụng thiết yếu cần mua sắm cho con cũng như việc chuẩn bị tâm lý, hình thành thói quen cho con vào lớp 1.
1. Chuẩn bị đồ dùng
Bố mẹ cần xác định tinh thần con vào lớp 1 là sẽ khá tốn tiền mua đồ dùng học tập. Mình thấy ít bạn nào đi học mà giữ các đồ dùng được lâu.
Đồ dùng cần sắm bao gồm:
- Hộp bút (nên chọn mua hộp có hình bạn ấy thích) bút chì ( mình nghĩ bút chì của Staedtler 2B là phù hợp) tẩy thước kẻ (thước có chiều dài 20cm) gọt bút chì bộ bút màu. Bút mực sang kì 2 mới cần nên bạn chưa cần sắm vội.
- Cặp sách: nếu có điều kiện thì mua loại siêu nhẹ của Nhật. Hồi Nam đi học cấp 1, mình "nghiến răng" mua một cái ở Nhật, dùng suốt 5 năm tiểu học, sau đó tặng lại cho một bạn bây giờ đã di chuyển thêm mấy bạn nữa mà vẫn còn tốt. Nên tưởng đắt hóa ra lại lợi. Chỉ có điều phải tìm được đúng hàng Nhật. Còn nếu không, các bạn mua loại tiện dụng, đừng nhiều ngăn phức tạp quá, cũng đừng to quá.
- Vở: Hầu hết sẽ theo quy định của trường nên bạn đừng sắm vội. Nếu cần thì bạn mua loại vở 5 li, giấy trắng nhưng không lóa.
Theo chị Phan Hồ Điệp, các bố mẹ đừng hoang mang khi thấy các bé khác biết đọc, viết mà con mình thì chưa. Chỉ sau một học kì, hầu hết các bé sẽ có trình độ ngang nhau.
2. Chuẩn bị tâm thế
Lớp 1 còn được một số nhà giáo dục gọi là "cửa ải lớp 1" đủ thấy khó khăn của các bạn nhỏ khi mới bắt đầu đi học như thế nào. Vì thế, con rất cần có bố mẹ đồng hành.
Hãy nói với con về những niềm vui mà nhà trường mang lại: Vào lớp 1 con sẽ đọc được nhiều câu chuyện để kể cho mẹ nghe/ Vào lớp 1, con đã lớn rồi, con biết xếp hàng ngay ngắn/ Vào lớp 1, con sẽ ăn nhanh hơn vì con không còn là em bé nữa... Cứ thế, bạn khiến con cảm thấy: Ồ, mình lớn thật rồi. Đi học thật là vui.
3. Cho ngày khai giảng
Hãy đi đến trường cùng con nếu có thể. Hãy coi đó là một sự kiện đáng ghi nhớ của cả nhà. Mẹ nên "trang trí" cho bộ đồng phục của con bằng việc cài thêm một cái nơ, một bông hoa (với bé gái), gắn thêm hình (tàu thủy, lá cờ) với bé trai. Bạn nhớ mua bóng bay hoặc cờ nếu nhà trường yêu cầu nhé. Với bé, đó là chuyện rất quan trọng. Nhân đây, mình cũng mong muốn tất cả nhà trường khi tổ chức khai giảng nên dành một khoảng thời gian để chào mừng các bé lớp 1 đến trường. Các con sẽ đi vào từ cổng trường và có các anh chị lớn, các thầy cô ra đón để các bé đứng vào hàng. Giây phút đó sẽ thành kỉ niệm đáng yêu cho cả bố mẹ và các con.
4. Những thói quen cần rèn trước khi vào học
- Con sẽ ngồi ngay ngắn và học (viết, vẽ, tô màu, làm tính) trong vòng 20 phút.
- Con sẽ ngồi tập trung chơi mà không di chuyển chỗ.
- Con biết chờ đợi người khác nói, biết lắng nghe.
- Con biết cách giơ tay để phát biểu trong lớp học.
- Tự phục vụ khi ăn uống, đi vệ sinh, giữ gìn đồ đạc cá nhân.
- Con biết cách quan sát và diễn đạt những điều mình đã quan sát được.
- Con thực hiện được theo những nguyên tắc đơn giản hoặc theo thời khóa biểu.
Lớp 1 còn được một số nhà giáo dục gọi là "cửa ải lớp 1" (Ảnh minh họa).
5. Về việc học
Trong mọi điều, hãy nhớ: Đừng để bé sợ học ngay từ vạch xuất phát. Niềm vui khi học là thứ cảm xúc cần được nuôi dưỡng và quan trọng hơn điểm số. Đừng hoang mang khi thấy các bé khác biết đọc, viết mà con mình thì chưa. Chỉ sau một học kì, hầu hết các bé sẽ có trình độ ngang nhau.
Có nên cho bé làm bài về nhà từ lớp 1 không? Mình nghĩ là nên với thời gian dưới 20 phút. Trong khoảng thời gian đó:
- Bé đọc lại bài của ngày hôm đó.
- Tập tô hoặc tập viết khoảng 3 dòng.
- Tự tính nhẩm hoặc viết lại con số.
Chỉ vậy thôi. Cực lực phản đối việc con phải viết bài cả trang. Bạn không tin cứ ngồi viết 1 trang giấy đúng li, đúng dòng sẽ thấy khổ sở thế nào. Trong khi đó, tay con còn quá non nớt.
Nhưng bạn nên rèn cho con tự học từ thời điểm con học lớp 1. Cây non dễ uốn. Hãy để con tự liên hệ, tự tìm hiểu những kiến thức đã học.
Ví dụ con học vần "o". Hãy cùng đố vui tìm các tiếng có vần "o". Khó hơn thì làm bài thơ kết thúc bằng vần "o".
Ví dụ: Tôi bị ho/ Mẹ rất lo/ Mẹ lấy cho/ Một cái lọ/ Có vị nho/Tôi hết ho/ Ngủ khò khò/ Ngáy o o...
Vui là chính, không cần quá quan trọng về nghĩa.
Với môn Toán, hãy cố gắng "nghĩ theo hướng ngược lại" vì các bài tập trong sách giáo khoa thường chỉ dạy kĩ năng tính toán. Ví dụ con học phép tính trong bảng 5, bố mẹ hãy đố: Những số nào cộng với nhau thì kết quả là 5.
Lớp 1, các bạn cũng làm quen với các khái niệm: Tiếng/ Từ/ Chữ/ Chữ cái/ Âm/ Vần. Những khái niệm này rất quan trọng và bố mẹ cũng đừng nhầm khi dạy con nhé.
Rèn cho con thói quen ngồi ngay ngắn và học trong vòng 20 phút trước khi vào học (Ảnh minh họa).
6. Về đọc sách
Thời điểm này, bạn nên duy trì việc đọc sách cho con, ít nhất là đến hết học kì 1 lớp 1, đơn giản vì mình nghĩ đó là khoảng thời gian để các bạn ấy thư giãn êm đềm sau một ngày học ở trường. Và cố gắng, cố gắng đọc sách chữ thay vì sách tranh như trước. Còn nếu trong trường hợp các bạn vẫn rất thích truyện tranh thì nên có "giao kèo" một tuần đọc 3 lần chẳng hạn.
Những cuốn sách truyện mà cha mẹ có thể chọn đọc cho con:
- Bộ Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên: Đây thực sự là bộ sách "tiểu học" vì bạn có thể để dành cho con trong suốt quãng thời gian con học tiểu học. Nó đem đến một cảm giác dễ chịu, êm đềm và cực tốt cho việc phát triển vốn từ của trẻ.
- Tot-to-chan cô bé bên cửa sổ.
- Tập thơ: Ngày xưa, ngày nay, ngày sau/ Ra vườn nhặt nắng và một số bài thơ của Trần Đăng Khoa.
Những sách để tham khảo cho việc học lớp 1: Đối với mình là chưa cần.
Vài nét về tác giả
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...
Theo Helino
Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa: "Có thể chuyển hình thức tuyển sinh lớp 10 vào năm tới" Sáng 19/7, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết, năm học 2019-2020 tới, dự kiến sẽ chuyển hình thức tuyển sinh vào lớp 10 công lập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Khánh Hòa dự định chuyển hình thức tuyển sinh vào lớp 10 công lập...