Con tăng phí ăn học, bố mẹ thêm lao đao
Giá cả tăng cao, chi phí cho đời sống và học tập của học sinh, sinh viên cũng “leo thang”, cuộc sống của các em phần nào bị ảnh hưởng. Đằng sau đó, những lo toan thêm đè nặng lên vai các ông bố bà mẹ.
“Nát tay” lo tiền ăn học cho con
12h30 trưa, khi khách mua hàng đã vắng ,chị Ng. mới nghỉ tay để ghé vào tiệm cơm bình dân gần chỗ chị bán hàng ở chợ Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình, TPHCM). Ngó nghiêng một lúc vào tủ đồ ăn đầy ắp các món, chị Ng chỉ tay chọn cơm đậu hũ sốt cà chua và xin phần nhiều cơm.
Với chị miễn sao cho chắc bụng mà tiết kiệm chứ không cần nhiều thức ăn. “Hai đứa con ăn học, tốn kém vô kể. Mẹ mà ăn ngon thì con chết đói”, chị Ng. thật thà gợi đầu câu chuyện.
Bữa trưa đạm bạc chỉ có cơm trắng và đậu hũ của chị Ng.
Quê ở Ứng Hòa (Hà Nội), chị Ng. vào TPHCM bán trái cây để nuôi con ăn học gần mười năm nay. Mùa này chị bán mía, mỗi ngày róc hàng trăm cây nên đôi bàn tay lấm lem của chị cũng bị cắt nát.
Con chị, một cháu đang học ngành Điện ở trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, một cháu học ở TPHCM. Tiền lo cho hai con mỗi tháng là 6 triệu đồng, chưa kể tiền học phí, học thêm… cũng phải xấp xỉ 10 triệu, “đốt sạch” thu nhập của hai vợ chồng. Mới đây, cậu con ở xa xin thêm trợ cấp vì tiền trọ, ăn uống đều tăng chóng mặt.
Chị Ng than: “Khiếp quá. Con mình tiết kiệm lắm, không tiêu pha gì nhiều nhưng giờ thứ gì cũng đắt, các cháu mới phải xin thêm. Giờ tôi bán thêm cả buổi tối, ông chồng đi bốc hàng thuê mà đâu đủ. Mình sống thế nào cũng được nhưng đâu thể để con thiếu ăn đến trường”.
Trước tình cảnh trượt giá, khi việc chi tiêu không thể siết chặt hơn, con cái theo học đành xin trợ cấp thêm từ bố mẹ. Thế nên phụ huynh gánh nhiều lo toan nhất. Thực tế khi chi phí ăn học của con tăng, nhiều người đã phải tìm thêm việc làm dù họ đã quần quật quanh năm hay tiết kiệm chi tiêu cho bản thân đến mức thấp nhất có thể.
“Các con đòi… tăng lương rồi! Thêm 700 ngàn mỗi đứa, “lương” con ăn học tăng nhanh hơn lương nhà nước”, cô Nguyễn Thị Hà (quê Long An), có hai con đang học đại học hóm hỉnh. Con đi học, mẹ cũng lên Sài Gòn kiếm tiền nên chị hiểu phần nào cuộc sống đắt đỏ ở thành phố. Lâu nay, gánh được khoản trợ cấp cho mỗi đứa 2 triệu/tháng đã vượt sức của vợ chồng cô, nhiều lần họ phải vay nợ để đóng tiền cho con.
Video đang HOT
Thế nên giờ tăng trợ cấp cho con thêm 1,5 triệu, cô cũng chới với. “Nhưng tiền trọ, tiền ăn, tiền học… cái gì cũng tăng. Mấy đứa cũng kham khổ hết chịu nổi rồi, chứ 2 triệu mỗi tháng mà bao nhiêu thứ cần chi hỏi sao không đói cho được”.
Cha mẹ “ thắt lưng buộc bụng”
Con học thì cha mẹ “cày”, nên gần đây ngoài việc hàng ngày bán rau củ ở chợ, tối đến cô Hà không kịp về nhà lại lềnh kềnh chở thùng nước giải khát đến công viên Gia Định để bán kiếm thêm. Từ ngày kham công việc mới, có thêm được vài chục nghìn nhưng cô Hà không có thời gian để nấu nướng, bữa tối thường chỉ là ổ bánh mỳ lót dạ.
Đêm bán hàng xong, cô cũng tính ăn thêm gói xôi, hộp cơm nhưng đạp xe về nổi đến chỗ trọ, cô mệt nhoài chỉ muốn lăn ra ngủ. Với người mẹ lạc quan này, điều này cũng hay, đỡ được một bữa ăn. Hơn nữa, căn phòng trọ chỉ hơn 10m2 cô Hà thuê cùng hai phụ nữ khác ở đường Tô Ngọc Vân (Q.12, TPHCM) quá chật chội nên về đến nơi, lên gác ngủ là… đỡ mệt nhất.
“Mẹ con sống cùng thành phố nhưng chỗ làm, chỗ học xa nhau quá nên không ở chung được. Trước chỉ 2 người ở còn đỡ, giờ phòng tăng giá mới rủ một chị bán vé số nữa vào ở cũng cho bớt tiền trọ đấy. Chị này ba con nhỏ đang học ở quê, cũng cực như mình”, cô Hà cho hay.
Nhiều phụ huynh phải kèm theo đủ công việc để kiếm tiền lo cho con ăn học.
Năm học tới, mức thu học phí ở hầu hết các trường THPT ngoài công lập TPHCM đều tăng lên đáng kể trên 10%, thậm chí có trường “nhảy vọt” đến gần 50% so với năm học 2011 – 2012. Điều này sẽ là áp lực rất lớn với nhiều gia đình.
Cô Trần Anh (ngụ ở Q. Tân Phú) cho hay, thời gian gần đây đời sống trong gia đình bị xáo trộn khi mức học phí của hai đứa con đang theo học tại một hệ thống trường tư thục đều sắp sửa tăng. Riêng khoản tiền ăn học của các cháu sẽ “đội” thêm trên 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi tiêu khác trong khi việc kinh doanh của vợ chồng cô lại đang gặp khó khăn, thu nhập bị giảm đi.
Hiện tại cô Anh phải giảm đi nhiều khoản chi tiêu cơ bản trong nhà nhưng chỉ giảm “chạm” vào phần bố mẹ mong giữ cho việc học của hai con không bị đảo lộn. Tuy nhiên, cô lo ngại khi không thể gắng hơn nữa, việc phải xin chuyển cho con sang trường khác có mức chi phí thấp hơn là điều khó tránh.
Cô Anh lo lắng: “Quả thật tôi không dám nghĩ đến điều này vì con đi học đã quen bạn bè, thầy cô…, nếu phải chuyển đi cháu sẽ sốc tâm lý. Biện pháp trước mắt là mình vừa phải kiếm thêm tiền vừa phải tằn tiện đi. Gắng được đến đâu mình tính tiếp đến đó”.
Mới đây, Sở GD-ĐT của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đều vừa trình đề án xin tăng học phí bắt đầu áp dụng từ năm học 2012 – 2013. Mức học phí hiện tại đã lỗi thời thì việc tăng học phí là cần thiết góp phần đảm bảo cho việc dạy và học. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu phụ huynh tăng thêm nỗi lo cơm áo gạo tiền theo nghiệp học của con.
Hoài Nam
Theo dân trí
Sinh viên và nỗi lo học phí
Chẳng phải chỉ có sinh viên dưới tỉnh mới gặp khó khăn trong vấn đề tiền học. Ngay cả với nhiều bạn nhà ở thành phố hay du học sinh thì học phí vẫn là một gánh nặng từ lâu...
Học phí, khó khăn muôn thuở của sinh viên
Kết quả thi ĐH vừa có cũng là lúc những nỗi lo trở nên đầy ắp và nặng nhọc với nhiều hộ gia đình có con em đậu ĐH. Chẳng lạ gì khi thấy những ông bố bà mẹ, vào mùa thi là bán vội sào ruộng, vét nốt lu thóc, bán cả con lợn, con gà, tranh thủ mót ruộng thuê để có tiền làm hành trang cho con lên đường đi thi. Nhưng cho đi thi là một nhẽ, khi con đậu có thể cho con đi học hay không lại là một lẽ khác.
Ngay cả trong mặt bằng thành phố, vẫn rất nhiều hộ gia đình nhọc nhằn khi con vào đại học. Bố mẹ buôn mướn, bán thuê, cả tháng cũng chẳng đủ cho con đóng tiền học phí. Như cô bạn tên Hân (Thủ Đức) nổi tiếng là chăm chỉ, học giỏi, nhưng phải nỗi nhà Hân quá nghèo. Bố mất sớm, nghề buôn ve chai của mẹ không lo nổi cho 4 miệng ăn trong nhà, mà ăn còn không đủ nói gì đi học?
Ngày ở quê, cứ nghĩ lên thành phố sẽ khá hơn, nhưng lên rồi mới hiểu hết nhọc nhằn này, lại đến khó khăn khác. Căn nhà xiêu vẹo dựng tạm trú nắng mưa thế nhưng lại khiến cho Hân nỗ lực học. Kì thi ĐH vừa rồi, chẳng đậu được thủ khoa, nhưng Hân cũng làm nhiều người nể phục với số điểm 25,5 đậu vào trường Sư Phạm.
Hân đậu ĐH là niềm tự hào của mẹ, của các cô bác dưới quê, là tấm gương cho các em. Nhưng lại là nỗi lo lớn cho mẹ Hân bởi... phải mua và bán bao nhiêu ve chai nữa mới có đủ tiền cho con nộp học?
Chẳng thiếu gì những tấm gương như Hân. Nhìn đi nhìn lại, những thủ khoa, á khoa hàng năm, đa phần đều xuất thân từ những gia đình khó khăn. Do đó, đối với họ, khoản tiền học phí luôn là gánh nặng muôn thủa trên vai.
Và cũng chẳng ít những sinh viên đang học, phải bỏ học để đi làm thêm, chạy quán ăn sau mỗi giờ học để kiếm chút tiền đóng học phí mà mua sách vở. Không ít người phải nghỉ học cho cuộc sống mưa sinh. Ấy thế mà cũng còn rất nhiều sinh viên vẫn đi được đến cái đích cuối cùng
Du học sinh cũng "nặng đầu" vì học phí
Nhiều người quan niệm rằng đã có tiền cho con đi du học thì ai cũng thuộc hàng đại gia trở lên. Thế nhưng điều đó không phải đúng với tất cả mọi người. Rất nhiều gia đình để có tiền cho con đi học, đã phải bán nhà, bán đất đi ở thuê ở mướn. Chắt góp cũng chỉ đủ học phí cho con thời gian đầu, còn lại là vay mượn và trông mong con ý thức vừa học vừa làm thêm kiếm tiền trang trải giúp bố mẹ.
Cậu bạn Hữu Nam (du học sinh Úc) cũng là một điển hình của hoàn cảnh này. Gia đình không khá giả mấy. Nhưng từ nhỏ H.Nam đã học rất giỏi tiếng Anh và khi vừa tốt nghiệp lớp 12, cậu bạn may mắn giật được suất học bổng tài trợ 50% học phí của một trường tại Úc. Ngày biết tin H.Nam giành được học bổng, bố mẹ Nam buồn rầu vì... biết kiếm đâu tiền cho con đi học đây?
Thế nhưng thương con, gia đình H.Nam bán luôn căn nhà trong thành phố và về sống cùng gia đình ngoại tại Đồng Nai. Hằng ngày, bố mẹ cậu bạn đều đi hơn 30 cây số để lên thành phố làm việc tiếp tục kiếm tiền cho con đi học. Ấy thế mà đồng lương công nhân viên cũng chẳng đủ. Cứ mỗi lần đến hạn nộp học phí, là không chỉ Nam, mà bố mẹ cậu bạn ở nhà cũng không thể ngủ vì... biết vay tiền ai bây giờ?
Thế nhưng may mắn sao, sau nửa năm đầu, H.Nam cũng kiếm được một công việc làm thêm kha khá. Tuy không đủ để tự lo cho bản thân hoàn toàn, nhưng nó cũng làm nhẹ đi gánh nặng học phí và tiền sinh hoạt rất nhiều. Thiết nghĩ, nếu không đi làm thêm, có thể H.Nam đã phải bỏ dở việc học trở về nước bởi những khó khăn về tài chính.
Nhiều bạn du học sinh vẫn vậy. Ngoài những khoản tiền được cha mẹ gửi cho, đều cố gắng kiếm một công việc làm ngoài giờ để trang trải thêm. Có những bạn khi học xong trở về nước, suốt 5-10 năm đầu tiên phải đi làm để trả nợ. Số tiền học phí quá lớn, cũng là một áp lực khiến cho nhiều bạn phải tự nhắc mình học thật giỏi, bởi học lại thì... tiền đâu ra.
Hãy giúp đỡ nếu bạn có khả năng
Từ lâu, áp lực tiền học, chi phí sinh hoạt không chỉ là gánh nặng của sinh viên trong nước mà còn với cả nhiều du học sinh. Do đó, nếu thấy những hoàn cảnh khó khăn, bạn đừng ngại giúp đỡ nhé. Giúp đỡ ở đây không phải là đưa tiền mình ra cho người khác. Bạn có thể giúp bạn bè mình tìm những công việc thích hợp, tìm chỗ ăn ở với giá cả hợp lí và chia sẻ những lo toan trong cuộc sống mưu sinh. Như vậy, bạn cũng đang tự giúp chính mình trở thành một người bạn tuyệt vời nữa ý.
Theo Kênh 14
Nồi cơm sinh viên thời trượt giá Nồi cơm "đa di năng" là phương pháp tối ưu mà nhiều SV hiện nay áp dụng. Cơm chín cho ra một cái nồi sạch rồi tiếp tục luộc rau, luộc trứng, nấu nước uống thậm chí cả rang cơm... bằng nồi cơm điện. Các bạn lý giải, khi giá bình ga mini cũng tăng vèo vèo theo giá thì 2.500 đồng một...