‘Con số thì đẹp nhưng nền kinh tế hiện không được như thế đâu!’
‘Mặc dù các con số báo cáo thống kê thì đẹp nhưng thực chất của nền kinh tế Việt Nam hiện không được như những con số đó đâu’, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.
Trao đổi với báo, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, việc siết tín dụng vào bất động sản là việc cần làm ở thời điểm này.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 36 theo hướng siết chặt tín dụng vào bất động sản đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ở góc nhìn của mình, ông có đồng thuận với nội dung sửa đổi này không?
Đối với 2 điều khoản tác động nhiều nhất tới bất động sản là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị kéo xuống từ 60% còn 40%; nó sẽ siết lại tín dụng nói chung chứ không chỉ bất động sản. Nó sẽ kéo hoạt động cho vay xuống.
Cá nhân tôi thì đồng ý với việc kéo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống, thậm chí nên kéo về mức 30% như trước đây.
Đối với quy định về hệ số rủi ro đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản tăng từ 150% lên tới 250% tôi cũng đồng ý.
Tín dụng bất động sản thời gian gần đây đang tăng trưởng rất mạnh, thị trường trong năm 2015 cũng khá tốt, liệu rằng việc siết tín dụng thời điểm này có thực sự cần thiết và có hợp lý hay không, thưa ông?
Đối với việc kéo tỷ lệ cho vay vốn ngắn hạn xuống còn 40% tôi cho là hợp lý và với hệ số rủi ro tăng cao lên 250% để siết lại tín dụng vào bất động sản tôi cũng đồng ý.
Bởi vì, gần đây, tín dụng đổ vào bất động sản nhiều quá, không những thế lại có xu hướng tăng nhanh và mạnh. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam trên bình diện các con số thì tất cả các khía cạnh từ tăng trưởng, lạm phát… đều tốt cả nhưng theo tôi thấy nội lực thực chất của nền kinh tế nước ta hiện nay không tốt đến vậy.
Điển hình là việc số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động vẫn còn khá lớn và có xu hướng tăng chứ không giảm, trong những năm qua hoạt động xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nặng.
Một yếu tố nữa chính là hiện nay, việc giá dầu sụt giảm ghê gớm trong nhiều tháng qua đã và sẽ có tác động rất mạnh tới các nền kinh tế của khu vực, châu lục và cả trên thế giới trong đó có cả Việt Nam.
Chính vì thế, mặc dù các con số báo cáo thống kê thì đẹp nhưng thực chất của nền kinh tế Việt Nam hiện không được như những con số đó đâu.
Chính vì thế, với một nền kinh tế như vậy, trong thời gian dài vừa qua, các ngân hàng đổ tiền vào bất động sản rất nhiều, nếu không chặn lại sẽ rất dễ xảy ra bong bóng bất động sản.
Bởi vì những anh kinh doanh bất động sản nếu có vay được tiền nhiều sẽ đẩy mạnh việc mua bán bất động sản và đẩy giá lên và cứ thế giá bị đẩy lên tới cái mức như ngày xưa sẽ tạo thành bong bóng, khi đó sẽ ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.
Hiện nội dung sửa đổi Thông tư 36 vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, tuy nhiên giả sử trong trường hợp quy định này được thông qua, theo ông đối với riêng bất động sản thì nên siết chung hay tùy phân khúc?
Video đang HOT
Hiện thị trường bất động sản thời gian qua khá sôi động ở phân khúc cao cấp và đây chính là rủi ro cho nền kinh tế. Những người có đủ tiền để mua bất động sản cao cấp ở Việt Nam thực ra không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay được, thế nhưng mà tại sao gần đây bất động sản cao cấp lại nóng đến như vậy?
Bởi vì chủ yếu là những tay đầu cơ và những nhà kinh doanh bất động sản, họ lại trở lại cái bài toán trước đây, nhìn thấy triển vọng tốt, rồi TPP, hội nhập này kia, họ mong muốn là Việt kiều sẽ đổ về nước để mua nhà ở cao cấp… thành ra họ đầu tư nhiều vào phân khúc nhà ở cao cấp và đây là rủi ro rất lớn.
Mặc dù thị trường bất động sản nói chung thì đâu đó đã chững lại vào cuối năm 2015 nhưng bất động sản cao cấp và nghỉ dưỡng thì lại nở rộ.
Theo tôi, động thái siết tín dụng vào bất động sản của các ngân hàng thông qua việc sửa đổi Thông tư 36 tôi cho là hợp lý vào thời điểm này.
Nhìn vào bối cảnh hiện nay của thị trường bất động sản, nếu siết tín dụng lại chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Liệu rằng có nên siết tất cả hay nên để mở cho một phân khúc bất động sản nào đó không, thưa ông?
Tôi đồng ý với việc siết tín dụng vào bất động sản tuy nhiên không nên siết tín dụng vào phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp, người nghèo… kể cả nhà ở thương mại hay nhà ở xã hội.
Chúng ta nên có những biện pháp để tiếp tục nâng đỡ thị trường đó.
Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế của một quốc gia thuộc nhóm nước có mức thu nhập trung bình, trong đó Việt Nam còn ở top cuối của nhóm trung bình. Chúng ta mới thoát được ngưỡng nghèo thôi, GDP đầu người hiện cũng chỉ ở mức đâu đó khoảng từ 2.000 – 2.500USD/người/năm.
Thành ra, nền kinh tế của mình vẫn cần một bệ đỡ từ bất động sản nhưng đó không phải là bất động sản cao cấp.
Cần thiết phải tập trung phát triển loại hình nhà ở này để vừa đạt được mục tiêu kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, vừa đạt được mục tiêu an sinh xã hội, giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người nghèo, đây là một trong những nhu cầu có thể nói là bức xúc nhất ở Việt Nam hiện nay.
Chúng ta cần phải hỗ trợ khu vực này, theo tôi Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ tín dụng cho khu vực này, có thể đưa ra một hạn mức nào đó, hoặc giảm hệ số rủi ro xuống thấp hơn một chút, kể cả hỗ trợ về lãi suất nữa…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bizlive
Tương lai giá dầu 10 USD/thùng: Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
Rên đà lao dốc không phanh như hiện nay, tương lai về giá dầu chỉ còn 10 USD/thùng đã dần hiện lên rõ nét mà dự báo sẽ có những tác động rất lớn tới nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Tương lai giá dầu chỉ còn 10 USD/thùng
Từ đầu 2016, giá dầu liên tiếp gây chấn động giới đầu tư và nền kinh tế toàn cầu với những phiên sụt giảm giá mạnh, làm cho tương lai về một thế giới "chết chìm" trong dầu mỏ giá bèo ngày càng trở nên gần hơn.
Kỷ lục thê thảm mới nhất của giá dầu thế giới là vào phiên ngày 18/1 vừa qua, với giá dầu Brent chỉ còn chưa đầy 28 USD/thùng - mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 12 năm trở lại đây (kể từ tháng 11.2003), sau khi vừa mới lập đáy ở dưới mốc 30 USD/thùng vào phiên cuối tuần trước (ngày 15.1).
Như vậy từ đầu năm 2016 tới nay, chỉ trong vòng hơn 2 tuần, dầu đã mất giá tổng cộng hơn 20%, bất chấp một vài thời điểm phục hồi chóng vánh và chỉ ở mức "không đáng kể" so với mức hao sụt trong những phiên màu đỏ.
Bảng thống kê giá dầu thô Mỹ trong vòng 1 năm qua (từ ngày 20.1.2015 đến nay)
Các chuyên gia năng lượng nhận định, hiện tại tâm lý của các nhà đầu tư đã không còn đủ vững trước những con số thống kê không mấy sáng sủa về những nhân tố tác động đến giá dầu, khiến cho thứ "vàng đen" này mất giá thảm hại.
Trước hết là bởi sự ì ạch của nền kinh tế toàn cầu nói chung đang làm cho nhu cầu dầu và các sản phẩm về dầu giảm đi rõ rệt, kéo theo mức chênh lệch giữa cung - cầu dầu trên thế giới ngày càng lớn thêm.
Lý do là bởi lượng dầu dự trữ của thế giới đang ở mức dư thừa trầm trọng, mà cường điệu hóa lên là thừa đủ để có thể "nhấn chìm" được cả thế giới. Chỉ tính riêng lượng dầu tồn kho và các sản phẩm xăng dầu của Mỹ đã đạt tới một mức kỷ lục mới là 1,3 tỷ thùng.
Kho dầu Cushing ở Oklahoma với sức chứa 73 triệu thùng hiện cũng đã đầy khoảng 87%, tương đương khoảng 64 triệu thùng dầu, mức cao nhất trong lịch sử của kho dự trữ dầu lớn nhất nước Mỹ này.
Tiếp đó, những lo ngại về một nền kinh tế suy yếu của Trung Quốc đã lan ra khắp nơi trên thị trường, kể từ khi xuất hiện những dự báo về tốc độ tăng trưởng của quốc gia này không đạt nổi mục tiêu 7% đã đề ra và thấp hơn đáng kể so với con số tăng trưởng 7,3% của năm 2014.
Chưa kể, thị trường chứng khoán của quốc gia này liên tục bị bao trùm bởi sắc đỏ với những phiên giảm điểm kỷ lục, mà ngay từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016 đã mất giá tới 7%. Tới thời điểm chốt phiên ngày 15/1, chỉ số Shanghai Composite cũng rơi về mức thấp kỷ lục kể từ tháng 12.2014.
Hơn cả là sự quay trở lại và lợi hại gấp nhiều lần của đại gia dầu lửa Iran, sau khi quốc gia này chính thức được Mỹ và EU dỡ bỏ các lệnh cấm vận. Ngày 18/1, Iran cũng đã đưa ra thông báo sẽ nhanh chóng đạt tới mức sản lượng như thời kỳ hoàng kim trước đây, đồng nghĩa là sẽ bơm thêm vào thị trường tối thiểu là 500.000 thùng dầu mỗi ngày.
Trong khi đó thì các thành viên nằm trong tổ chức OPEC, đặc biệt là Ả-rập Xê-út vẫn ngoan cố tăng thêm sản lượng nhằm mục đích bảo vệ thị phần và nhằm đánh bật những nhà sản xuất dầu mỏ chi phí cao như Mỹ ra khỏi thị trường.
Cho đến lúc này, gần như không còn chuyên gia hay tổ chức nào còn dám khẳng định chắc chắn rằng giá dầu thế giới sẽ tăng trở lại trong thời gian ngắn tới.
Vào năm 2008, Ngân hàng Goldman Sachs đã từng đưa ra dự báo giá dầu thế giới sẽ tăng vọt lên tới 200 USD/thùng do thiếu hụt về nguồn cung trong năm 2016.
Tuy nhiên mới đây, chính ngân hàng này còn phải hạ mức dự báo giá dầu thô của Mỹ năm 2016 từ 57 USD/thùng xuống còn 45 USD/thùng, còn giá dầu Brent cũng bị hạ dự báo từ 62 USD/thùng xuống chỉ còn 49,5 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, việc công bố tăng sản lượng khai thác dầu của Iran có thể sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý các nhà đầu tư, dẫn tới những làn sóng bán tháo ồ ạt và đẩy giá dầu về mức 25 USD một thùng.
Thậm chí, trưởng Bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản của Ngân hàng Standard Chartered (Anh), ông Paul Horsnell còn chỉ rõ, giá dầu còn có khả năng giảm xuống mức thấp hơn nữa, cụ thể chỉ còn ở khoảng 10 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo nhiều dự báo của các chuyên gia và tổ chức, kịch bản phổ biến nhất cho thời gian tới là giá dầu sẽ đậu ở mốc 30 USD cho mỗi thùng cho tới khi phục hồi dần trở lại vào giữa năm 2016.
Tác động đa chiều tới nền kinh tế Việt Nam
Đánh giá tác động của việc giá dầu thế giới giảm đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã từng đưa ra 3 kịch bản cho giá dầu trong giai đoạn 2016 - 20120, với kịch bản xấu nhất là 30 USD/thùng dầu.
Ở kịch bản này, khi so sánh với kịch bản cơ sở (tức không có cú sốc giảm giá dầu) thì dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt sẽ bị giảm 1,36 điểm % trong năm 2016; lạm phát giảm 3,95 điểm% và kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 1,52%, chi phí nhập khẩu theo đó cũng giảm 1,84%.
Tiến sĩ Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội cho biết, việc giá dầu thế giới giảm có tác động nhiều chiều tới kinh tế Việt Nam. "Một mặt, nguồn thu từ dầu mỏ giảm do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô. Nhưng mặt khác, do cũng nhập khẩu dầu thành phẩm để phục vụ sản xuất và tiêu thụ trong nước nên giá dầu giảm cũng giúp cho Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu dầu, đồng thời chi phí đầu vào đối với sản xuất trong nước giảm giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất".
Cụ thể, theo như thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2015, ngân sách hụt thu tới 64.000 tỷ đồng vì giá dầu giảm, dù dầu thô chỉ còn chiếm 6% trong tổng thu ngân sách cả năm. Từ đó, dự báo mức hụt thu ngân sách sẽ còn nặng nề hơn nữa trong năm 2016, khi thực tế hiện nay giá dầu chỉ còn chưa đầy một nửa so với dự toán ban đầu là 60 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm mạnh dự báo sẽ có những tác động cả tích cực và tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam (Ảnh minh họa)
Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong trường hợp kịch bản giá dầu ở mức 30 USD/thùng trong năm 2016, chắc chắn sẽ có những tác động gián tiếp và trực tiếp tới thu ngân sách, thông qua thuế xuất nhập khẩu xăng dầu cũng như liên quan đến giá khí và các giá liên quan thì ngân sách bị tác động khoảng 45 nghìn tỷ.
Tuy nhiên, tác động trái chiều khác khi giá dầu giảm xuống là giá đầu vào của sản xuất cũng giảm theo. Cụ thể, theo lời của Thứ trưởng Tuấn, dự kiến với khoảng 12,5 - 13 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu trong năm 2016 thì mức giảm đầu vào sẽ tương ứng khoảng 2 - 2,1 tỷ USD, khi dầu ở mức 36 USD/thùng.
Đây có thể được xem là cơ hội để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam, cũng như giúp cho việc tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách.
Lý do là bởi nguồn thu ngân sách năm 2016 từ dầu thô sẽ chỉ chiếm khoảng 5,3% tổng thu ngân sách nên khi giá dầu giảm, nền kinh tế sẽ có điều kiện phát triển, tăng tích lũy, cộng với các khoản thu nội địa và xuất nhập khẩu tăng lên sẽ đảm bảo cho việc bù đắp hụt thu, thậm chí là tăng thu cho ngân sách.
Trên một góc độ khác, báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội cũng cho rằng, việc giá dầu giảm sẽ làm giảm GDP vào năm 2016, song tốc độ giảm này sẽ hạ dần vào các năm sau đó, do các nền kinh tế đối tác của Việt Nam được cải thiện.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm cũng có tác động tích cực khác như kích thích khu vực doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển do chi phí đầu vào đã được cải thiện. Ngoài ra giá các loại dịch vụ như vận tải hay giá cả xăng dầu, giá hàng hóa cũng sẽ có cơ hội giảm, kích thích tiêu dùng trong nước.
Điều này được thể hiện khi năm 2015, chỉ số tiêu dùng (chỉ số lạm phát) CPI ở thấp kỷ lục trong vòng 14 năm, trong khi tăng trưởng GDP vẫn đạt 6,68% so với năm 2014, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê.
Với những dự báo đa chiều - có cả tích cực và tiêu cực về việc giá dầu chỉ còn 30 USD/thùng, Chính phủ sẽ cần phải điều tiết giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng để tận dụng cơ hội, tập trung vào việc kiểm soát giá xăng dầu và giá cước vận tải.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu và chính sách của các nước đối tác kinh tế lớn để điều chỉnh tỷ giá hợp lý, có những biện pháp bổ trợ như nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng, giảm giá xăng dầu để thúc đẩy sản xuất và cải cách hệ thống thuế để đảm bảo nguồn thu, hoặc bù đắp hụt thu do sự sụt giảm của giá dầu thế giới.
Theo_Dân việt
Bloomberg: Việt Nam là điểm sáng trong các nền kinh tế mới nổi Ngày 19/1, trang thông tin kinh tế uy tín Bloomberg đã đăng tải bài viết đánh giá về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016-2017. Theo Bloomberg, trong khi các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới bao gồm Nga, Brazil và Trung Quốc đang giảm tốc, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng...