Con sẽ về
Bao năm con sống giữa đô thị xa hoa, nơi niềm vui thì có người chia sẻ nhưng nỗi đau chỉ riêng mình gặm nhấm. Mỗi lần nhận được thư của mẹ, cú điện thoại của bố hay dòng tin nhắn của em trai, tim con lại cồn cào nỗi nhớ thương kỷ niệm.
Giữa phồn hoa đô hội, nhiều khi con ước mình có thể trở về với tuổi thơ
Ngày ấy nhà mình nghèo quá. Con còn nhỏ chưa hiểu được cảnh nghèo, vẫn hồn nhiên chân đất đi bắt chuồn chuồn giữa trời nắng gắt và vắt vẻo lưng trâu thong thả mỗi chiều. Căn nhà vách gỗ năm gian có từ thời cố nội, được dựng lên từ thời nghèo khó đã chứa đựng đầy ắp tuổi thơ con. Khi con tập đánh vần dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” ông nội nắn nót viết hoa bằng phấn trắng trên xà nhà hay dòng chữ bố dặn mẹ “Ra năm nhớ tẩy giun cho con” mẹ lại vỗ tay khen con giỏi hơn thằng em ngọng nghịu.
Con nhớ, ngày mẹ sinh em, con vừa tròn hai tuổi, trong căn buồng chật hẹp thưng bằng cót tre quây tròn, mẹ bế em trên tay đỏ hỏn đưa cho con xem, con sợ hãi chạy biến ra ngoài thềm và ngồi lì ở đó. Khi đến tuổi học vỡ lòng vì con yếu nên đi học chung lớp cùng em. Tối tối, trong khi mẹ ngồi sàng gạo thì hai chị em con chụm đầu tập đọc: Công cha như núi Thái Sơn... Ánh đèn dầu cạn dần và mùi tóc cháy bùng lên khét lẹt. Sẽ không bao giờ con quên cảnh đó, giữa không gian u tịch của xóm làng, dưới ánh đèn dầu tù mù mẹ ngồi sàng gạo và tiếng trẻ thơ ngọng nghịu thánh thót trong đêm.
Con nhớ, những khi trời mưa, gian nhà bếp bằng phên đất nhà mình trở nên ẩm ướt, từng đám mốc trắng xóa nổi lên như tuyết. Anh con hù dọa đó là ma hiện hình làm chị em con khóc thét lên vì sợ. Ngày mùa đông khi vào vụ gặt, mẹ và anh cắt lúa trên đồng, con ở nhà trông vườn để đàn gà khỏi phá vồng rau cải. Con nghịch ngợm đứng dưới hàng hiên, xòe tay đựng những giọt mưa từ mái tranh nhỏ xuống từng giọt, từng giọt vàng ố. Rồi con lại chạy ào ra ngõ khi nghe tiếng xe cải tiến nặng nhọc đến gần, bóng mẹ và anh thấp thoáng trong chiều xám xịt.
Những ngày mùa như vậy, tranh thủ những khi trời tạnh mưa mẹ và anh thường tuốt lúa suốt đêm. Hai chị em con ngồi ở góc thềm chí chóe trêu chọc cãi vã nhau, rồi ngáp vặt liên hồi. Đứa nào cũng tranh nhau ngồi đợi mẹ làm xong rồi mới đi ngủ những rồi sáng mai dậy chẳng nhớ nổi tối qua mình leo lên giường tự lúc nào.
Video đang HOT
Con nhớ, những đêm hè nóng như hong lửa, ba mẹ con ngủ chung trên một chiếc giường hẹp. Mẹ nằm giữa, hai chị em nằm hai bên, đứa nào cũng đòi mẹ quay về phía mình để quạt. Chiếc quạt nan mẹ chuyển từ tay này sang tay kia phần phật suốt đêm cho đến khi chẳng đứa nào còn thức để đòi mẹ nữa. Khi ánh điện được giăng về thôn xóm, chúng con mừng vui nhảy múa khắp nhà. Chiếc quạt nan được thay bằng chiếc quạt con cóc, và từ đó tay mẹ được nghỉ ngơi trong những đêm hè bức bối.
Con nhớ, hồi đó làng mình còn hiếm ti vi, cứ tối tối khi chúng con đã ngủ say, mẹ lại khóa cửa đi sang nhà hàng xóm xem phim. Một đêm con thức giấc quờ tay không thấy mẹ đâu đã bò dậy, cố chui qua cái ngạch cửa đi tìm mẹ. Bố biết chuyện đã xin về phép sắm ngay một cái ti vi. Từ hôm đó, nhà mình tối nào cũng chật như nêm, tiếng cười trẻ con, tiếng nói người già xôn xao căn nhà nhỏ. Chả thế mà đến giờ nhắc đến bộ phim nào ngày xưa con cũng nhớ…
Con lớn lên, bỏ lại sau lưng những con đường làng tối và hẹp để hòa mình vào dòng người tấp nập trên phố, vẫn không sao quên được mình ra đi từ đâu và luôn mong đợi được trở về. Lạ kì thay những miền con đến, đâu đâu con cũng bắt gặp những dáng hình hao hao giống mẹ. Có phải trên dải đất Việt Nam này nơi đâu cũng thế, dáng hình người mẹ nào cũng giống như nhau?
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã gần ba mươi năm rồi kể từ ngày nhỏ dại, con khao khát một lần được trở lại tuổi thơ, được ngồi ở ngõ ngóng mẹ đi chợ. Mẹ lại đặt hai chị em con vào hai đầu quang gánh đi quanh sân và rao “Ai mua lợn con không nào?” trong tiếng cười nắc nẻ của chị em con. Con ước về lại những đêm trăng cùng các bạn đuổi nhau quanh đống rơm khô ngổn ngang mùa gặt hái. Hay một lần nữa được mẹ cõng trên lưng đi xem đám cưới trong làng…
Mẹ đã từng khóc rất nhiều khi con bước chân ra đi. Mẹ sợ con ngờ nghệch giữa thói đời và thương con bơ vơ trong cái thế giới không có mùi rơm rạ. Và con, con cũng đã khóc rất nhiều, khi mỗi chiều mưa ngồi giở lại album ảnh chụp ngày xưa của gia đình, những tấm ảnh đen trắng đã ố vàng nhưng mẹ của con thì vẫn vô cùng trẻ trung và xinh đẹp.
Mẹ ạ, dù con có đi nơi đâu, có phải mệt mỏi trên con đường kiếm tìm chỗ đứng, con vẫn luôn khát khao được trở về mái nhà nơi có mẹ, để mỗi đêm được rúc vào lòng mẹ nghe mẹ hỏi han, còn con ríu rít kể mẹ nghe những tháng ngày buồn vui nơi đất khách. Ở đó, cứ mỗi khi bước chân về, đặt bàn chân vào căn nhà gỗ đã không còn giữ được mình kiên cố trước mối mọt, thời gian, con lại cảm thấy mình như ngày nào trẻ dại, lại muốn chạy tung tăng từ nhà ra ngõ, từ bếp ra vườn.
Mẹ bảo đó là thế giới của con. Vâng, thế giới của con. Chốn bình yên không phải kiếm tìm và cũng chẳng ai chen chân vào đó được.
Theo VNE
Thương người ở lại...
Tôi ra trường rồi vội vàng đi làm kiếm tiền để bố mẹ đỡ phần mình. Lương tháng đầu trầy trật được hơn 2 triệu, người đầu tiên tôi nghĩ đến là ông. Ông nội.
Ông nhận lấy 200 ngàn của tôi rồi bảo: "Ông giữ cho mày thôi, lần sau về ông đưa cho mà đi". Lần khác tôi về, tôi không còn tiền đi xe, ông đi vay cho tôi 200 ngàn, nhưng ông vẫn nói đấy là ông giữ cho tôi. Ông vẫn hay nói dối tôi như thế, chỉ để cho tôi an lòng. Tôi bật khóc: Thương ông và giận tôi.
Lần nào tôi về, ông cũng ra tận ngõ đón tôi và cười. Ông gắp thức ăn cho tôi, rót nước chè cho tôi uống, bật quạt và mắc màn cho tôi ngủ. Nhưng cái đứa hay cãi lại ông nhất cũng chính là tôi.
Tính tôi thích những cái gì rõ ràng. Ông lại hay bóng gió. Tôi đi học xa nhà, ông gọi lên bảo: "Cháu ơi cháu đừng làm khổ ông nữa, ở nhà người ta đồn ầm lên kia kìa". Tôi về hỏi mọi người mới biết, có người đồn tôi yêu đương một anh chàng cùng dòng họ. Tìm hiểu mãi mới hay đó là câu chuyện của một cô gái trùng tên tôi trong làng.
Năm tôi lên 5, mẹ đưa chúng tôi vào nam với bố. Tôi học hết lớp 8, em tôi học hết lớp 6 thì bố gửi chúng tôi ra Bắc ở với ông. Suốt gần chục năm ấy, ông cũng vào Nam ra Bắc đến trên dưới chục lần. Ngày ấy cả nhà chúng tôi, cả ông nữa là 5 người cũng còn khó khăn lắm. Bữa sáng cả nhà chỉ ăn cơm trắng, rưới chung một bát nước mắm dầm quả trứng gà. Tôi nhớ có lần, ông bảo: "Mày nấu thêm tí gạo chứ bữa nào ông ăn cũng đói".
Lúc còn học lớp 5, lớp 6, tôi với cậu em ngủ cùng ông. Nửa đêm, ông sờ đũng quần tôi thấy ướt, ông xót xa: "Khổ thân cháu tôi. Ông yếu thận, cháu tôi nó cũng không tha".
Ngày tôi học cấp 2, đi học về chẳng giúp ông cơm nước còn lăn ra ngủ. Ông không quát giận còn bật quạt, xoay về phía đầu giường cho tôi mát cổ. Vì ông biết tính tôi, ngủ mà không có quạt thốc thẳng vào mặt là không ngủ được.
Ngày còn học đại học, mỗi lần tôi về cũng đều phải ngủ vì say xe. Ông vẫn bật quạt và xoay về phía đầu cho tôi ngủ. Tôi nghiêng người vào phía bức tường gạch để dòng nước mắt lăn nghiêng.
Chiều nắng, ông ra vườn hái nhãn cho chị em tôi, thấy em mang điện thoại ra chụp, ông bảo: "À thế đợi ông vào nhà thay cái áo rồi hãy chụp". Ông mặc áo bộ đội mới được người ta tặng rồi bắc ghế với chùm nhãn trên cao tạo dáng. Hai đứa tôi lăn ra cười, ông cũng cười theo, tiếng cười ba ông cháu vang một góc vườn chiều ngọt nắng.
Ông già rồi nhưng giọng nói vẫn còn trẻ và vang lắm. Ông bảo hồi còn quân ngũ ông làm chỉ huy. Năm 1983 ông được phong cấp úy. Được 3, 4 tháng, thương vợ con nheo nhóc ở nhà, ông xin nghỉ mất sức. Ngày bà nội mất, mặt ông méo xệch bên bậu cửa không nỡ cho người ta khiêng bà đi. Ngày ấy ông cũng mới chỉ 54. Bà con cô bác thương ông một mình, làm mai cho ông một bà giáo về hưu, nhưng ông từ chối. Ông bảo mình già yếu rồi, lấy người ta về lại làm khổ người ta. Lắm lúc vui ông cũng đùa: "Tao mà lấy bà nữa thì chúng mày làm gì có tí đồng lương của tao".
Ông ở vậy đến giờ. Năm ông 76, ông tiễn cụ ông về chín suối. Hai năm sau, cụ bà cũng đi theo cụ ông. Năm nay ông cũng gần 80 rồi, phải chăng cái tuổi gần đất xa trời làm cho người ta hay cả nghĩ. Lắm lúc hai ông cháu đang ngồi với nhau, ông buột miệng một câu: "Lần sau cháu về chắc ông chết rồi. Ông lắm bệnh lắm, giờ mà đi khám thì không có tiền. Ở nhà đợi chết thôi". Tôi nén tiếng thở dài rồi ra vội bể lau nước mắt. Tôi không dám nghĩ đến ngày sẽ mất ông.
Tôi lại phải tạm biệt ông lên Hà Nội xa xôi để mưu sinh. Ông dậy từ 3 giờ sáng vì sợ sáng hôm sau tôi ngủ quên mà lỡ mất chuyến xe sớm đầu huyện. Ông xới cho tôi bát xôi lạc nóng, giục tôi ăn kẻo muộn. Ông tiễn tôi ra đến tận cổng làng rồi lại cười chào tôi. Tôi cứ sợ, lần ấy là lần cuối...
Theo VNE
Dâu tây Khi thấy con trai gọi điện báo kỳ nghỉ cuối tuần sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng người mẹ đầy hồi hộp, tò mò. Hôm ấy, người mẹ dậy từ tinh mơ, đi bộ lên chợ đầu làng mua 2 con vịt về làm cơm đón "khách quý". Khoảng gần 10 giờ thì hai cô cậu về đến nhà. Cô người...