Con rể giấu bằng đại học làm công nhân khiến bố vợ thay đổi nhận thức
Con rể học Đại học ra trường không có việc làm, giấu bằng cấp xin làm công nhân khiến ông Thanh thấy rằng, học nghề là con đường ngắn nhất có việc làm.
Ông Vũ Văn Thanh, ở Quế Võ, Bắc Ninh đưa con đi nhập học trường nghề cho biết, con rể ông học Đại học Bách khoa 5 năm, ra trường không tìm được việc làm, phải giấu bằng cấp xin làm công nhân trong khu công nghiệp là thực tế khiến ông Thanh nhận thức rằng, học nghề là con đường ngắn nhất để có việc làm ổn định.
Quan niệm học nghề hay học đại học không còn nặng nề trong tư tưởng nhiều người, điều quan trọng là khi ra trường, cá nhân đó sẽ làm được gì cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ông Vũ Văn Thanh chia sẻ: “Bản thân các cháu cảm thấy không đủ khả năng vào các trường đại học nên các cháu vào trường cao đẳng, trung cấp để học nghề, sau này có kiến thức làm ngành nghề phát triển. Gia đình rất mong muốn các cháu học xong có thể đi làm, có thu nhập tốt. Khi các cháu đi làm, vẫn có cơ hội phát triển tiếp”.
Suy nghĩ phải có bằng cử nhân để ra trường có công việc nhẹ nhàng, lương cao đã không còn phổ biến. Bằng cam kết cả đầu vào lẫn đầu ra, nhiều trường nghề không còn lo lắng việc cạnh tranh mỗi mùa tuyển sinh. Bởi sự phân luồng từ người học đang dần trở thành xu thế.
Những ngày đầu tháng 8, hàng trăm phụ huynh và học sinh từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc và miền Trung đã tới trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội xin nhập học.
Trong số này, nhiều em có điểm tốt nghiệp từ 17 đến hơn 20 điểm, đủ đỗ vào một số trường đại học nhưng các em đã không chọn học đại học mà lựa chọn học nghề.
Hàng trăm học sinh từ nhiều tỉnh, thành tới Trường cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội làm thủ tục nhập học.
Sau khi làm thủ tục nhập học, Nguyễn Hữu Vượng, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ, em thi khối A được 18 điểm, đỗ vào khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Quản trị kinh doanh.
Video đang HOT
Qua tìm hiểu, Vượng được biết, nếu học ngành này, em cần phải nỗ lực rất nhiều và phải có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi mới hy vọng xin được việc làm. Sau khi cân nhắc, em chọn học trường nghề.
Em Nguyễn Hữu Vượng cho hay: “Gần nhà em có Khu công nghiệp Đồng Văn, họ tuyển nhiều những người biết nghề điện và công nghệ ô tô nên em quyết định đi học nghề điện để sau này ra trường có thể làm được việc”.
Nguyễn Hữu Vượng chỉ là một trong số hàng trăm học sinh từ chối bước chân vào giảng đường đại học để học nghề. Có thể thấy, việc lựa chọn nghề nghiệp đã có sự thay đổi phù hợp với thực tế, sở thích, sở trường, hoàn cảnh và quan điểm của từng người.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết, nhiều năm nay, nhà trường không còn ngồi chờ học sinh đến với mình, mà đã tiếp cận các trường phổ thông THCS, THPT để quảng bá, phát tờ rơi, tư vấn miễn phí.
Ông Đồng Văn Ngọc phân tích: “Năm nay khác hẳn mọi năm, số lượng thí sinh đăng ký ngay sau khi tốt nghiệp THPT, thậm chí trước khi các em thi tốt nghiệp rất nhiều.
Các em lựa chọn rất kỹ các trường bởi hiện nay các trường tổ chức tuyển sinh cũng rất linh hoạt, đều gửi giấy báo và thông tin đến thí sinh.
Có thể nói, năm nay định hướng nghề nghiệp của xã hội nói chung, cụ thể là phụ huynh và học sinh tương đối tốt so với mọi năm. Hiệu ứng tôi thấy số thí sinh, sinh viên đăng ký vào trường tôi học trong ngày đến vài trăm em. Rõ ràng đây là hiệu ứng lạ và khác so với mọi năm”.
Thí sinh đăng ký nhập học tại Trường cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội.
Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề, đặc biệt là nghề chất lượng cao được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đầu tư nhằm tạo ra lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân khẳng định, hướng đi đúng đắn của các trường nghề hiện nay là chuyển đổi từ khái niệm tuyển sinh truyền thống sang khái niệm chọn nghề, chọn trường.
Có nghĩa, các trường phải cho người học thấy, nên học những ngành, nghề gì và những ngành nghề, có phù hợp với các em hay không? Tốt nghiệp xong sẽ làm ở đâu, thu nhập bao nhiêu, cơ hội phát triển nghề nghiệp như thế nào? Đặc biệt, học xong trung cấp, cao đẳng, cơ hội học đại học sẽ ra sao?
Thứ trưởng Lê Quân nói: “Chúng ta phải thay đổi, tức là đi từ nhu cầu để trường xây dựng lại chương trình đào tạo, từ đó giải quyết vấn đề chọn nghề, chọn nghiệp, sau đó mới đến chọn trường.
Thay đổi khái niệm từ tuyển sinh sang kết hợp với doanh nghiệp thành tuyển dụng. Có nghĩa việc tuyển sinh gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng lao động, khi đó bài toán tuyển sinh sẽ đảm bảo được chất lượng.
Khi chất lượng tốt, đương nhiên sẽ thu hút được nhiều người có trình độ, có đam mê nghề nghiệp, phù hợp, khi đó chúng ta sẽ có sự phát triển bền vững”.
Rõ ràng, xu hướng chọn học nghề thay vì học đại học đang dần tăng lên theo từng năm học. Nếu việc phân luồng người học từ cấp THCS được thực hiện nghiêm túc trên phạm vi cả nước, đồng thời kiên quyết giải thể, sáp nhập những trường nghề yếu kém thì tương lai, Việt Nam sẽ có một lực lượng lao động có tay nghề tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động thời kỳ 4.0./.
Theo vov.vn
Trường nghề tung nhiều chiêu tuyển sinh
Xét tuyển quanh năm hoặc chia thành nhiều đợt dựa vào kết quả thi THPT quốc gia hoặc học bạ được nhiều trường nghề sử dụng.
2017 là năm đầu tiên các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng được thực hiện riêng theo quy định của Bộ.
Hiện, hàng trăm trường cao đẳng, trung cấp nghề trên cả nước đã thông báo phương thức tuyển sinh cho năm học mới 2018-2019.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: Quỳnh Trần.
Đa số trường tuyển sinh nhiều lần trong năm. Với trình độ trung cấp, trường có thể tuyển học sinh tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên, trong khi trình độ cao đẳng tuyển học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên.
Trường cao đẳng, trung cấp cũng có thể hạ tiêu chuẩn tuyển chọn hoặc tuyển bổ sung bằng các lần tuyển sinh tiếp theo cho đến khi đủ chỉ tiêu. Việc hạ tiêu chuẩn tuyển chọn và tuyển sinh các đợt tiếp được thông báo trên trang thông tin điện tử của trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Tiêu chuẩn tuyển chọn ở tất cả đợt tuyển sinh của trường không nhất thiết phải bằng nhau và do Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quyết định trên cơ sở ý kiến của các thành viên.
Về hình thức tuyển sinh, các trường được lựa chọn giữa xét tuyển, thi tuyển, hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Với môn thi năng khiếu và các môn thi đặc thù, trường sẽ thực hiện theo quy chế tuyển sinh do hiệu trưởng ban hành.
Để giúp thí sinh quan tâm, tìm hiểu thêm về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chọn ngành nghề và trường học phù hợp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Nhà xuất bản Lao động - Xã hội biên soạn cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh trung cấp, cao đẳng năm 2018.
Sách gồm danh mục văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, một số văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp; mô tả các ngành, nghề đào tạo phổ biến trong xã hội và có nhu cầu cao; thông tin chung về các trường trung cấp, cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; các ngành nghề mà trường đang tuyển sinh.
Mạnh Tùng
Theo vnexpress.net
Cẩn trọng du học nghề Khác với xuất khẩu lao động, du học nghề đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm vì vừa được đào tạo nghề, vừa đi làm chính nghề đó ở nước ngoài để có thu nhập. Tuy nhiên đến nay chưa có các văn bản quy định về hình thức du học này. Du học nghề thu hút vì người học vừa có...