Còn nhiều câu hỏi về tuyển sinh
Kỳ thi “hai trong một” THPT quốc gia vừa kết thúc đã cho thấy rõ khát khao đổi mới không chỉ riêng của ngành giáo dục mà là nguyện vọng chung toàn xã hội. Thế nhưng, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thì lại mới bắt đầu trong hồi hộp và lo âu.
Những mong đợi…
Trong khi các sĩ tử khăn gói hồi hương sau những ngày thi nóng nực và căng thẳng, thì tại các Hội đồng thi, các cán bộ chấm thi đã ngay lập tức xắn tay làm nhiệm vụ. Có hội đồng tổ chức chấm từng môn ngay sau khi kết thúc thi; có hội đồng phải chấm ba ca mỗi ngày để kịp thời hạn công bố kết quả trước 20-7. Không khí chấm thi hối hả ấy đang nóng lên từng giờ, các trang mạng cập nhật liên tục phổ điểm của từng đợt chấm, đủ thấy xã hội quan tâm đến kỳ thi này ra sao.
Sở dĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) yêu cầu phải chấm thi khẩn trương là bởi, chỉ khi nào các thí sinh (TS) nhận được kết quả thì đấy mới là lúc “cuộc chạy ma-ra-tông” vào ĐH, CĐ mới bắt đầu. Với 1.005.654 TS đăng ký, chỉ có 28% TS đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, còn 72% TS sử dụng kết quả thi vừa xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH, CĐ. Qua đó cho thấy, với đại đa số TS, đại học vẫn là “độc đạo” để vào đời.
Xét trên tổng thể kỳ thi kéo dài suốt bốn ngày đầu tháng 7 đã phần nào đạt được một số yêu cầu đặt ra. So với các năm trước, tỷ lệ TS dự thi năm nay khá cao (hơn 98%). Điều đó đã khẳng định hiệu quả đổi mới của kỳ thi năm nay đã giúp phân luồng học sinh, giảm áp lực cho TS, tiết kiệm chi phí do hồ sơ ảo và công tác tổ chức.
Để có được kết quả đổi mới thi cử khả quan ấy, phải khẳng định Bộ GD và ĐT suốt gần một năm qua đã nỗ lực chuẩn bị, cầu thị tiếp thu ý kiến của nhân dân và bám sát đòi hỏi của thực tiễn để hành động.
Video đang HOT
Song còn nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi vẫn chưa thôi căng thẳng. Căng thẳng không chỉ với riêng ngành giáo dục mà để bảo đảm trật tự, an toàn cho bốn ngày thi đã phải huy động từ thanh niên, công an, dân phòng vào cuộc. Một kỳ thi phải khiến cả xã hội “tiếp sức” như vậy không hẳn phản ánh mức độ quan trọng của nó, mà phần nào bộc lộ sự thiếu tự tin của số đông TS.
Có chuyên gia đã đặt câu hỏi, các TS đều đã 17-18 tuổi cả rồi mà khi đi thi vẫn phải bảo bọc như trẻ con mẫu giáo, kỹ năng sống của các em đâu? Đáng lẽ, ở lứa tuổi này đã phải tự lập, phải tự biết đi thi, tự biết đăng ký, tự biết hướng nghiệp? Đó không chỉ là những câu hỏi, mà chính là sự mong mỏi nơi thí sinh: hãy tự biết giảm áp lực cho chính mình.
Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm
Theo báo cáo tổng kết kỳ thi THPT quốc gia 2015 của Bộ GD và ĐT cho thấy, dường như mọi việc đều suôn sẻ, không có những sự cố lớn. Nhưng, thực tế lại cho thấy hàng loạt chuyện “hy hữu” đã xảy ra: giám thị ký nhầm khiến TS phải làm lại bài thi; cán bộ coi thi mở đề trước giờ quy định; nhiều TS vi phạm quy chế; nhiều phòng thi chỉ có một vài TS,… Mới đây nhất, sau khi kỳ thi kết thúc, dư luận có ý kiến thì Bộ GD và ĐT mới công nhận sai sót ở một câu trong đề thi Vật lý. Tuy Bộ đã nhận trách nhiệm và đưa ra giải pháp cộng 0,2 điểm cho câu đó ở tất cả các bài thi, nhưng sự cố này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào chất lượng kỳ thi, chất lượng ra đề.
Trả lời câu hỏi, vì sao số TS vi phạm quy chế ở các cụm thi do các ĐH chủ trì lại nhiều hơn các cụm thi do Sở GD và ĐT địa phương chủ trì? – ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, khẳng định: “Công tác thanh tra được làm nghiêm túc ở tất cả các cụm thi. Nếu có sự chênh lệch về tỷ lệ TS vi phạm, thì đó là do thực tế”.
GS Đặng Ứng Vận – Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình băn khoăn: “Nếu mức độ nghiêm túc ở các cụm thi là như nhau, vậy sao còn phân biệt kết quả hai loại cụm thi? Ở điểm này, tôi mong Bộ hãy cân nhắc, rút kinh nghiệm ở kỳ thi sang năm. Nên chăng, hãy công nhận kết quả ở các cụm thi là như nhau, vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ”.
Báo Nhân Dân cuối tuần cũng đã từng nêu vấn đề “đổi mới thi cử phải gắn liền với đổi mới dạy và học”; hay muốn đổi mới có hiệu quả thì phải có lộ trình, sự vội vàng ắt sẽ vấp phải những sự cố. Đành rằng, lần đầu đổi mới một kỳ thi sẽ khó tránh khỏi những sai sót. Song, hơn hết, Bộ GD và ĐT cần phải có một tinh thần cầu thị, sẵn sàng rút kinh nghiệm để hạn chế các sự cố đáng tiếc ở những mùa thi sau.
Trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi Vật lý tại cụm thi số 3, Trường ĐH Giao thông vận tải.
Chưa hết âu lo
Có thể nói, cả trước, trong và sau kỳ thi – xã hội vẫn chưa hết băn khoăn, lo lắng.
Thí sinh Phạm Thị Hồng Nhung, học sinh Trường THPT Thường Tín (Hà Nội), dự thi tại điểm thi của ĐH Kinh tế quốc dân lo ngại: “Em làm bài thi không tốt lắm. Có lẽ do chưa quen với dạng đề mới và cách tổ chức chung thế này. Hơn nữa, phải sang giữa kỳ 2 của lớp 12, Bộ GD và ĐT mới chính thức thông báo quy chế thi mới nên chúng em chưa chuẩn bị được nhiều. Thi xong rồi nhưng em vẫn hoang mang lắm”.
Nỗi lo này không chỉ của riêng TS. Đấy là nỗi lo chung của các học sinh ở giữa lằn ranh của những thử nghiệm đổi mới. Đó cũng là nỗi phấp phỏng của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo. PGS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Như các năm trước thì việc xác định điểm chuẩn sẽ dễ dàng hơn. Nhưng năm nay chưa biết liệu có nhiều TS muốn đăng ký vào trường không cũng như chưa biết điểm thế nào? Nhà trường đành phải chờ vậy”.
PGS, TS Đinh Văn Hải (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm: “Khác với cách tuyển sinh trước đây, lần này các TS sẽ biết điểm trước. Nói một cách hình ảnh, giống như ta đã có vốn trong tay rồi ta mới đi chợ thì sẽ chủ động hơn. Đây là một cách làm có lợi cho TS, giúp TS có nhiều hơn cơ hội vào ĐH, CĐ. Khắc phục tình trạng có TS điểm rất cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 như các năm trước”.
Với cách tuyển sinh như năm nay, ở thời điểm này sẽ rất khó dự báo xu hướng TS lựa chọn ngành nghề. Bởi các trường ĐH, CĐ tốp trên sẽ thu hút được lượng lớn hồ sơ dự tuyển. Song, bộ phận các trường ngoài công lập vẫn chịu chung cảnh “đi sau”. GS Đặng Ứng Vận cho biết: “Trước mắt, nhà trường chỉ biết căn cứ kết quả kỳ thi chung lần này để tuyển sinh. Nhưng cũng lo lắm, vì là mới nên chưa biết thế nào”.
Bên cạnh những ưu điểm của việc xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ khi các TS đã có trong tay điểm thi, thì nhiều chuyên gia lại lo ngại cho công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp. Tâm lý phải vào ĐH ở nước ta còn khá nặng nề, trong khi số lượng và cả chất lượng các cơ sở giáo dục đại học thì đủ “thượng vàng hạ cám”. Rồi đây sẽ có xu hướng, các TS sau khi có điểm thi trong tay là cứ thế đem nộp dự tuyển, với tâm lý không vào được trường này thì vào trường khác. Phụ thuộc vào số điểm đã có nên sẽ nảy sinh hiện tượng TS chọn trường, chọn ngành không theo sở trường của mình, mà lại chọn theo cơ hội có thể trúng tuyển.
Cùng chung nỗi ưu tư, TS Vũ Thị Phương Anh, Trưởng khoa Ngoại ngữ (ĐH Kinh tế – Tài chính TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận: “Vấn đề quan trọng không chỉ ở đầu vào, mà phải sàng lọc sinh viên trong quá trình đào tạo theo phương pháp tín chỉ, siết chặt quản lý chất lượng đầu ra. Mong sao các bạn trẻ hãy chủ động chọn trường, chọn ngành thích hợp với khả năng để đăng ký xét tuyển”.
Chung kỳ thi cũng là chung nỗi lo của không chỉ ngành giáo dục, mà của toàn xã hội. Không chỉ là nỗi mong chờ mà cao hơn, ấy là yêu cầu cấp bách, những đổi mới liên quan đến giáo dục đào tạo sẽ phải căn bản, khoa học và thực chất.
Theo ND