Còn nhiều bất cập về cơ chế chính sách khiến trường nghề khó hoạt động
Ngày 21/9, đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tới thăm và làm việc với trường Cao đẳng Lê Quý Đôn để khảo sát thực hiện hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp.
Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục tại buổi làm việc, Ths Lê Minh Thanh, quyền Hiệu trưởng Trường CĐ Lê Quý Đôn cho biết, trường đang đào tạo 51 ngành nghề từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng.Tuy nhiên quá trình hoạt động vẫn còn gặp một số khó khăn. ThS Lê Minh Thanh cũng đề cập một số nội dung góp ý để trong thời gian tới Luật Giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn thi hành ngày càng hoàn thiện, phù hợp với điều kiện thực tế của giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tới thăm và làm việc với trường Cao đẳng Lê Quý Đôn để khảo sát thực hiện hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp
Cụ thể, theo Ths Lê Minh Thanh, cần có những quy định cụ thể hơn về chức năng, hoạt động của cơ sở đào tạo nghề thuộc doanh nghiệp cũng như nới quy định về diện tích đất tối thiểu của trường nghề, điều chỉnh kịp thời các quy định về liên kết đào tạo để phù hợp với yêu cầu thực tế của trường nghề.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện tự chủ cả về tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, về chuyên môn và chất lượng đào tạo, đặc biệt là sự đổi mới trong quản trị của trường. Đồng thời cũng lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật tự chủ cũng như kiểm định chất lượng của trường.
Ông Đỗ Chí Nghĩa cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2022, đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đã khảo sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật GDNN tại nhiều cơ sở GDNN trên cả nước. Thực tế cho thấy còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ sở. Đoàn công tác cũng đánh giá cao những nội dung Nhà trường trao đổi, thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Nhà trường. Đoàn công tác sẽ tổng hợp ý kiến của Nhà trường để có đề xuất kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện thể chế, hướng dẫn trường thực hiện tự chủ hiệu quả./.
Bộ GD&ĐT đề xuất chính sách tiền lương để tránh "chảy máu chất xám" và thu hút giáo viên
Trước tình trạng nhiều giáo viên nghỉ việc, Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng trong năm học mới.
Nhiều địa phương trăn trở nỗi lo thiếu giáo viên
Theo số liệu trên Vnexpress, đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cả nước cũng thừa cục bộ hơn 10.300 giáo viên ở các cấp học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định nguyên nhân của tình trạng trên là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.
Đầu tháng 8, Bộ Chính trị có quyết định về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.
Video đang HOT
Theo đó, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn này, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng, ưu tiên tuyển giáo viên các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và ưu tiên tuyển giáo viên mầm non cho các vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Hà Nội thiếu hơn 10.200 giáo viên, trong đó nhiều nhất ở bậc tiểu học và THCS với hơn 3.000 ở mỗi cấp.
Trước đó, báo cáo với UBND Tp.HCM và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình sau ngày khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết: Hiện các bậc học từ mầm non đến THPT đã tuyển mới được 3.244 giáo viên, toàn thành phố còn thiếu 5.939 giáo viên theo biên chế.
Cũng theo sở thì đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng, như môn công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, sở hướng dẫn tất cả các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn.
Thực tế, tình trạng thiếu giáo viên không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương, chia sẻ tình trạng giáo viên xin nghỉ việc là một khó khăn lớn của địa phương. Chỉ tính từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, Bình Dương có tới 527 giáo viên nghỉ việc.
"Lý do chủ yếu là áp lực công việc lớn, lương quá thấp", bà Hằng nói.
Trong bối cảnh thiếu giáo viên, năm học mới Bình Dương lại tăng thêm 29.000 học sinh các cấp. Theo đó, Bình Dương thiếu trên 3.000 giáo viên.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, năm 2021 - 2022, tỉnh được bổ sung 2.800 giáo viên, nhưng hiện vẫn còn thiếu khoảng 6.000 giáo viên.
"Thiếu giáo viên các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là việc đáng lo khi chương trình mới đang được thực hiện", ông Thành nói.
Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỉ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Do đó, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là với ngành giáo dục.
Nhiều trường học, địa phương còn thiếu trầm trọng giáo viên, khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa.
Để giải quyết tình trạng này trong báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý là thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học (ở cấp tiểu học) và thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (bậc THPT).
Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn. Một số nơi còn phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên làm việc kiêm nhiệm công tác phòng dịch dẫn tới lao động giáo viên chịu nhiều áp lực.
Dù còn nhiều khó khăn, bộn bề, thời điểm này, các trường đang gấp rút chuẩn bị, đảm bảo tiến độ cho năm học mới.
Các thầy cô tại Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội đang tham gia tập huấn, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn để nắm được nội dung, kiến thức sẽ truyền đạt cho học sinh.
"Năm học tới áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới khiến nhà trường có nhiều biến động về đội ngũ giáo viên, biến động trong việc sắp xếp thời khóa biểu để đảm bảo quy định về môn học mới.
Sẽ còn rất nhiều khó khăn, phải mất rất nhiều thời gian, công sức thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới có hiệu quả tích cực", cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, nói.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho năm học mới, thầy Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) - cho hay, các giáo viên vẫn đang đi tập huấn theo lịch của Sở GDĐT Hà Nội. Thời gian tập huấn kéo dài hết tháng 8.
"Năm học mới, lại áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đương nhiên sẽ có nhiều khó khăn, đây là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khó đến đâu sẽ cần cố gắng khắc phục, tháo gỡ đến đấy để đảm bảo chất lượng giảng dạy" - thầy Dương bày tỏ.
Bộ GD&ĐT đang triển khai và đề xuất chế độ tiền lương mới để hút nguồn nhân lực
Để khắc phục trình trạng lương thấp, nhà giáo bỏ nghề, thiếu giáo viên trầm trọng, Bộ GD&ĐT đang xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới để tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Trao đổi với Dân Trí về vấn đề này TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho hay. Đúng là hiện nay có tình trạng giáo viên chuyển sang các ngành nghề khác. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành Giáo dục, số giáo viên nghỉ việc các cấp học mầm non, phổ thông công lập trên toàn quốc không phải là quá lớn hoặc đột biến, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển.
Giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn (trong đó có nhiều giáo viên chuyển sang làm việc ở khối trường tư thục). Thực ra đây cũng là sự chuyển dịch lao động bình thường trong nền kinh tế thị trường.
Để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng"; Tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương (hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về nhà công vụ, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ...);
Xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.
Có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Đặc biệt về lâu dài, để tránh tình trạng "ăn đong" vì thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT có giải pháp dài hơi hơn. Quán triệt tinh thần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, đồng bộ giữa các Bộ, ngành liên quan; làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
"Việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên vừa bảo đảm việc thực hiện tinh giản biên chế vừa bảo đảm phương châm ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên; ở đâu có học sinh, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của tất cả trẻ em và học sinh. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo như: xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên", ông Đức nói.
Ngoài ra, ông Đức khẳng định, cần phải có cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Nhiều chính sách thu hút nhưng địa phương không tuyển được GV: Có phải do lương? Nhiều chính sách thu hút đội ngũ giáo viên đã được ban hành, tuy nhiên quá trình thực hiện các chính sách này tại địa phương còn chưa thực sự hiệu quả. Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, nhiều chính sách thu hút đội ngũ giáo viên đã được ban hành, tuy nhiên thực tế thực hiện...