Con nghiện… hành khất
Một gã đàn ông xin tiền, ăn, ngủ và chích ma túy đều đặn hằng ngày trên chiếc xe lăn quanh quẩn trong khuôn viên Bến xe Miền Đông – TPHCM nhưng không cơ quan nào xử lý
Hằng ngày, nhiều người ra vào khu vực Bến xe Miền Đông (đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh-TPHCM) thường thấy một gã đàn ông gầy gò, mang bộ mặt râu ria khá lãng tử, ngồi trên chiếc xe lăn chìa chân phải lở loét ra và ngửa tay xin tiền. Khu vực hoạt động của người đàn ông này là cổng chính của siêu thị Bình An, nằm trong Bến xe Miền Đông.
“Trùm” cái bang xa cảng
Qua gần một tháng theo dõi “gã chân loét” này, chúng tôi biết được mỗi ngày gã thu được vài triệu đồng từ lòng tốt của khách vãng lai. Nhìn thấy hoàn cảnh “bệnh tật”, rất nhiều người sẵn sàng bỏ vào tay gã các tờ tiền mệnh giá 5.000, 10.000, 20.000 đồng. Chỉ trong vòng 1 giờ buổi sáng 10-7, chúng tôi nhẩm đếm có không dưới 50 người rút tiền cho gã. Sau mỗi vòng lượn lờ ăn xin, gã thản nhiên bày tiền ra đếm ngay trước mặt một số người mới bố thí cho mình. Số tiền nhiều đến nỗi phải mất 15 phút, gã mới đếm và sắp xếp ngăn nắp theo mệnh giá.
Khác với vẻ đau đớn, tiều tụy trước đó, “gã chân loét” thoải mái cho hai chân gác lên bờ rào, rồi dùng tay nắm chặt cái chân đỏ lòm của mình đưa qua đưa lại, ung dung móc điện thoại ra gọi. Nhìn thấy gã đếm tiền, một thanh niên gầy guộc đứng sát hàng rào nói vọng vào: “Chà, được nhiều dữ, chia anh em ít coi”. Người đàn ông nheo mắt đáp lại: “Cái gì cũng có cái giá của nó, mày nhớ mày đã làm gì với tao không?”. Nhiều người vừa mới móc tiền cho gã tỏ ra rất bực bội khi nhìn thấy cảnh đó. Một phụ nữ bức xúc: “Thấy vẻ đau đớn, nhìn cái chân ghê quá, tôi bèn cho ông ấy 20.000 đồng, giờ mới biết mình bị lừa”.
Video đang HOT
Từ trên xuống dưới: Người đàn ông đưa “gã chân loét” vào trong Bến xe Miền Đông để ăn xin. Kiếm được khấm khá, gã ra ngồi vắt chân lên bờ tường nghe điện thoại, sau đó cùng “phê” ma túy. Ảnh: Nguyễn Mạnh
Theo quan sát của chúng tôi, đằng sau “gã chân loét” có một nhóm người chăn dắt, ăn theo. Trong đó nổi bật là một người đàn ông cao khoảng 1,7m, da ngăm đen, đội mũ lưỡi trai, khuôn mặt bặm trợn và luôn vác theo một ba lô sau lưng. Hằng ngày, sau khi đưa “chiến hữu” vào nơi “tác nghiệp”, ông ta đi ra ngoài hàng rào của bến xe ngồi đợi. Thỉnh thoảng, gã ngồi trên xe lăn lại vòng ra ngoài hàng rào để uống nước và đưa số tiền vừa xin được cho người đàn ông kia giữ. Với sự bảo kê của nhóm ma cô, dễ hiểu vì sao cả khu vực bến xe rộng lớn chỉ có một mình “gã chân loét” độc chiếm tung hoành, tuyệt nhiên không thấy có ai khác ăn xin tại đây.
Xin tiền để… chơi ma túy
Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện người đàn ông “đáng thương” kia không chỉ là một tay hành khất chuyên nghiệp mà còn là một con nghiện ma túy hạng nặng. Gã xin tiền, ăn, ngủ và chích ma túy đều đặn mỗi ngày trên chiếc xe lăn quanh quẩn trong khuôn viên Bến xe Miền Đông.
Nhìn kỹ qua bộ trang phục của “gã chân loét”, chúng tôi dễ dàng nhận ra cơ thể gã chằng chịt hình xăm, không khác gì một tay anh chị trong giới giang hồ. Không chỉ công khai xin tiền, đếm tiền, cách chích ma túy của người này cũng rất lộ liễu. Khi đói thuốc, gã lăn xe ra chỗ hàng rào trước bến xe, tới một gốc cây kiểng gần đó, lấy ra một ống kim tiêm đã được những người chăn dắt chuẩn bị sẵn, thoải mái chích ma túy như là một kiểu tưởng thưởng cho bản thân vì “thành tích” gom được nhiều tiền từ hành khách thập phương. Phê thuốc, gã móc điện thoại trong túi ngồi nhắn tin rồi tranh thủ chợp mắt lấy sức.
Không biết xử lý thế nào! Ngày 14-7, phóng viên Báo Người Lao Động đã làm việc với Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM và Công an phường 26, quận Bình Thạnh về trường hợp con nghiện lang thang xin ăn công khai trong khu vực Bến xe Miền Đông. Đáng ngạc nhiên là cả 2 đơn vị đều biết rõ người này nhưng không biết phải xử lý thế nào. Phó trưởng Công an phường 26, trung tá Phan Hoài Châu, cho biết cách đây hơn một năm, công an đã bắt quả tang “gã chân loét” mua heroin của một tài xế xe ôm, người bán đã bị công an quận khởi tố hình sự nhưng kẻ mua thì phải thả ra vì không có nơi nào chịu trách nhiệm quản lý. Còn đại diện Trung tâm Hỗ trợ xã hội từ chối tiếp nhận vì đối tượng lang thang xin ăn này có kết quả kiểm tra ma túy dương tính. Trong khi đó, cũng chưa có trung tâm cai nghiện ma túy nào chịu tiếp nhận “trùm” cái bang xa cảng này. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết “gã chân loét” tên là Nguyễn Văn Tủn, SN 1984, có hộ khẩu thường trú tại xã An Lộc, huyện Bình Long – Bình Phước.
Theo NLD
Thâm nhập làng giả sư
Khoảng mươi năm trở lại đây, làng An Viên - Bắc Ninh có thêm một " nghề phụ" mới hái ra tiền. Đó là nghề đóng giả các nhà tu hành để nhân danh chùa này đền nọ đi khắp các làng quê, đô thị miền Bắc quyên công đức, bán hương, nến, lộc phật với giá cao ngất ngưởng thu lời bất chính.
Hai kẻ hành nghề giả sư bị bắt
Để biết thêm tình hình, vào vai một người nhàn tản, tôi phóng xe máy đi chơi đây đó. Chỉ mươi phút ngồi ở quán nước đầu làng An Viên, tôi đã tận mắt thấy hơn chục chiếc xe máy do các "tăng ni" điều khiển từ trong chùa đi ra.
"Làng mình chắc có chùa to lắm, bà nhỉ? Bao nhiêu là sư qua lại...". Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi chủ quán. Bà bán hàng nước tóc đã điểm bạc, dáng vẻ chân chất thở dài ngán ngẩm: "Sư sãi gì đâu ông. Họ chỉ là nông dân đóng giả thành sư nam sư nữ đi các nơi để xin công đức và bán hương nến đó...". "Đông đến vậy cơ à?". "Đông chứ. Nghề kiếm được mà. Cả làng này đóng giả sư nam sư nữ có cả trăm người. Chẳng vậy mà dân trong vùng gọi làng tôi là " làng giả sư" đấy ông ạ..." Bà phân trần, nét mặt đượm buồn.
Tôi lần dò vào làng chơi. Theo trí nhớ của ông Q, nguyên trưởng thôn thì cuối những năm 90 của thế kỷ trước có mấy chị mấy cô người làng vào Nam sinh sống lấy chồng rồi lập nghiệp trong đó đã phát hiện ra nghề giả sư để đi bán hương, nến, làm từ thiện kiếm được khối tiền nên khi về quê đã truyền lại mánh lới làm ăn này cho dân làng mình.
Nghe bùi tai, mới đầu có vài người đi thử sau thấy cách làm này kiếm tiền được người nọ bèn rủ người kia rồi cả làng kéo nhau đi làm sư giả. Có gia đình đi 2 - 3 người cả mấy anh chị em ruột, cả bố mẹ cũng tham gia. Họ may quần nhuộm nâu, áo cà sa mặc vào, cổ cũng mang chuỗi tràng hạt dài để đóng giả sư đi hành nghề.
"Sư" ở đây được chia thành hai loại: loại đi quanh năm và loại sư mùa vụ. Sư đi quanh năm là bỏ hẳn cầy cuốc còn sư mùa vụ chỉ đi lúc nông nhàn tháng ba ngày tám là thu xếp đồ nghề, hương nến lên đường. Mà hầu hết các " sư" đều đi xe máy để vươn tới được các huyện, các tỉnh xa chứ đi bộ khất thực loanh quanh mấy xã gần kiểu " gà quê ăn quẩn cối xay" dân đã quen mặt dễ bị lật tẩy, bị chửi rủa đuổi đánh là cái chắc.
Đồ nghề của kẻ giả sư
Mỗi vị khi đi hành nghề đều có thẻ nhà Phật đeo trước áo cà sa ghi rõ họ tên, trụ trì ở những ngôi chùa to, có tiếng nào đó cấp. Còn ai cấp thẻ này cho họ thì ngay những người trong làng cũng không được biết. Chỉ biết mười mươi đó là thẻ dởm.
Trong vai nhà chùa, họ làm đủ mọi mánh khóe để moi tiền như khất thực, xin quyên góp công đức để hỗ trợ kinh phí trùng tu chùa này, dựng tượng nọ... Họ bán hương nến với giá cao gấp từ 10 đến 15 lần giá thị trường. Người Việt Nam vốn quí trong đạo Phật từ bi bác ái, vốn kính nể các tăng ni nên rất nhiều người đã bị lừa.
Có sư giả còn kiếm luôn nghề bói toán xóc thẻ, xem phong thủy, địa lý đất đai mồ mả rồi phán xằng nói bậy thế mà vẫn không ít người tin sái cổ, thù lao cho họ rất hậu hĩnh. Một ngày hành nghề như vậy mỗi sư giả chịu khó lang thang vào các làng quê, ngõ ngách thị xã, thị trấn, thành phố cũng kiếm được từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng. Nhiều ni cô giả như Hà Thị Đ., Phan Thị H. mới đi vài năm đã có tiền xây được nhà mái bằng, nhà cao tầng kiên cố khang trang, có của ăn của để.
Tuy nhiên nghề giả sư này cũng mang lại không ít tai tiếng xấu và hệ lụy buồn. Nguyễn Thị Thoa 27 tuổi đã bị công an Hải Phòng bắt quả tang khi vừa đút túi được hai triệu đồng tiền quyên góp trái phép ở quận Lê Chân. Ở chợ Ninh Hiệp - Đông Anh, Hà Nội, 2 sư giả khác của làng An Viên, là Phan Thành Chung và Nguyễn Thị Hòa cũng bị bà con bắt tại chỗ giao cho chính quyền xử lý vì tội lừa đảo...
Rõ ràng đây không thể gọi là "nghề phụ" như một số người trong làng ngộ nhận. Vì nghề phụ phải là nghề chân chính, dùng sức lao động của con người làm ra sản phẩm của cải vật chất cho xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế. Chứ còn " nghề giả sư" này chỉ là hành vi, mánh khóe kiếm tiền một cách gian manh chụp giật, phạm pháp cần phải xử lý bằng pháp luật để trả lại sự yên bình lành mạnh hiền hòa trong sạch vốn có của làng quê Việt Nam.
Theo PLVN
Cảnh khốn cùng ở 'xóm cái bang' Hơn 30 con người trong xóm, mỗi người một hoàn cảnh, một quán nhưng giống nhau một điều: đều là những thân phận cùng khổ. Xóm gồm 13 túp lều với hơn 30 người sinh sống nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bạt ngàn lau sậy bên ven đê con sông Cấm thuộc xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Hễ thấy...