“Con lớn phải có trách nhiệm chăm cho các em!” – Đằng sau là sự vô trách nhiệm của người làm cha mẹ?
Chỉ cần mẹ dành đủ tình yêu cùng sự quan tâm để các con cảm nhận được ánh nắng và hơi ấm trong trái tim thì chúng sẽ là những đứa trẻ ngoan.
Gần đây, một video trên mạng xã hội Trung Quốc đã tạo ra một cuộc thảo luận sôi nổi. Trong clip, cậu bé có vẻ như chỉ 3 hoặc 4 tuổi đang tự chăm sóc em trai đang ngồi trong xe đẩy trên bậc thang.
Cậu bé quay lưng để giặt khăn lau cho em thì không ngờ em trai nhổm dậy nên không may rơi khỏi xe đẩy. Đầu của đứa bé đập xuống đất còn xe thì đè lên, khiến đứa bé khóc lớn.
Cậu anh trai hoảng sợ vội vàng chạy đến xem. Ngay cả người mẹ cũng nhanh chóng có mặt, bế con lên để dỗ dành nhưng lại không ngừng trách mắng đứa con lớn vì không chăm em tốt, để em té ngã.
Chú bé không dám cãi mẹ một lời, lặng lẽ đứng khóc, vừa khóc vừa theo mẹ về nhà. Người anh trai đã tự trách mình trong lòng, lặng lẽ đứng trong góc, vừa khóc vừa ôm chiếc ghế dài rồi theo mẹ về nhà.
Hình ảnh cắt ra từ clip
Có thể thấy, mỗi khi gia đình có thêm con, đứa con lớn được mặc định và được kỳ vọng sẽ chăm sóc cho em của mình. Điều này không sai, nhưng thực ra, đứa con lớn này vẫn còn là một đứa trẻ thôi mà, vẫn cần tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ, huống hồ gì trọng trách chăm em là quá tầm của con.
“Nếu mẹ không chăm được con thì đừng sinh thêm đứa thứ hai , đã vậy còn trách con lớn làm sai trong khi nó không có lỗi. Đứa bé đâu phải do cậu bé sinh ra đâu mà đòi hỏi con chăm em như người lớn”, một người xem video đã để lại bình luận khá phẫn nộ.
Một câu chuyện khác về người mẹ đưa hai con đi chơi ở công viên. Người mẹ mải mê lướt điện thoại, để hai anh em tự trông nhau. Không may, đứa em gái đã vô tình té ngã từ trên cầu trượt.
Người mẹ lập tức chạy đến dỗ dành con gái nhưng lại nhìn con trai với ánh mắt trách móc. Cậu bé ngơ ngác nhìn mẹ đầy sợ hãi. “Con xin lỗi. Con sai rồi. Con không quan tâm đến em mình”, cậu bé nức nở nói với mẹ. Tôi cảm nhận được cảm giác bất lực, tổn thương và thiếu an toàn của chú bé.
Tôi không biết mọi người có suy nghĩ giống tôi không, nhưng những đứa con lớn luôn có cảm giác mình phải chịu trách nhiệm chăm sóc cho em khi chúng chưa sẵn sàng. Và tôi thấy ở sau đó còn có cả một người bố, người mẹ vô trách nhiệm.
Khi một gia đình có thêm con, cha mẹ gần như bỏ qua những nhu cầu và mong muốn của đứa con lớn. Mọi việc làm của con đều bị xếp vào quan điểm “lớn phải nhường cho em”, phớt lờ mọi cảm xúc của con cũng như sự công bằng cần thiết. Họ mặc định con lớn phải chăm sóc em, quên mất mình mới là người có nghĩa vụ này.
Cách con bị đối xử khi nhỏ sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của con sau này
Tiểu Nam là bạn cùng phòng thời đại học của tôi, gia đình có điều kiện, ngoại hình xinh xắn, có một em trai nhỏ hơn 8 tuổi. Từ khi nhà có em, Tiểu Nam phải vào trường nội trú và phần lớn tâm trí của người mẹ đều đổ dồn vào đứa em trai. Mỗi khi Tiểu Nam trở về nhà vào kỳ nghỉ, cô phải luôn chăm em, đưa em đi chơi và người mẹ sẽ liên tục hỏi thăm xem em trai có ổn không, có vui không.
Sinh nhật của em trai, mẹ Tiểu Nam lo lắng đặt nhà hàng, tổ chức tiệc thật to nhưng sinh nhật của Tiểu Nam, cô lại không nhận được lời chúc nào từ mẹ. Cô bé luôn có cảm giác dường như mình không tồn tại trong mắt bố mẹ.
Bởi thế, làm sao để chứng minh được sự tồn tại của mình luôn là một câu hỏi, vô tình tạo thành một sự căng thẳng trong Tiểu Nam. Cô luôn học cách nhìn vào thái độ của cha mẹ để biết điều tiết cảm xúc của bản thân, xem việc làm cha mẹ vui như một chiếc la bàn cho việc làm của mình chứ không để ý đến những cảm xúc của chính mình.
Giờ đây, Tiểu Nam đã đi làm nhưng chỉ cần đồng nghiệp chất vấn, cô sẽ rơi vào căng thẳng, tìm mọi cách để chứng minh bản thân. Có bạn trai và bị anh ta ức hiếp, cô mệt mỏi nhưng trong lòng bất an, không dám chia tay. Cô luôn đặt ý của người khác lên trên hết và không có chính kiến của riêng mình.
Nhà tâm lý học người Áo Adler từng nói về lý thuyết thứ tự sinh. Ông tin rằng anh cả trong gia đình nói chung là đứa trẻ hoàn hảo nhất trong mắt cha mẹ anh, là đứa trẻ “có trách nhiệm, siêng năng và tận tâm”. Nhưng mặt hạn chế là những đứa trẻ này là cũng dễ bị căng thẳng, lo lắng, sợ mắc lỗi và khó kết bạn.
Thế nên, nhà giáo dục lỗi lạc người Mỹ Jane Nielsen từng nói: “Hai đứa trẻ phải được đối xử bình đẳng, để một đứa trẻ không hình thành tâm lý nạn nhân, và đứa trẻ kia sẽ không hình thành tâm lý bắt nạt”.
Nỗi đau do tính cách khác thường sẽ không chỉ hủy hoại tuổi thơ mà còn có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc cả đời của đứa trẻ.
"Đẻ tiếp đi rồi nuôi 1 thể" và thực tế phũ phàng
Có lẽ chỉ những ai đã trải qua hoàn cảnh này mới thấy thương và đồng cảm với người mẹ trong đoạn clip.
Nhiều mẹ bỉm sữa than thở rằng họ thường xuyên phải nghe câu nói này mọi nơi, mọi lúc. Khi con mới 1 tuổi, có người đã nhắc "đẻ tiếp luôn đi rồi nuôi 1 thể", khi con lớn hơn một chút, người ta lại hỏi "đẻ tiếp đi, còn đợi đến bao giờ".
Dạo gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh người mẹ đang dỗ dành 2 con của mình. Không hiểu vì lý do gì mà bé anh (khoảng hơn 1 tuổi) khóc lớn, đưa hai tay lên đòi mẹ bế. Thế nhưng lúc này người mẹ lại đang ru bé em (khoảng 2 tháng tuổi) trên tay.
Đáng nhẽ khi con khóc, buồn bã như vậy sẽ được mẹ dỗ dành, ôm ấp, thế nhưng giờ mẹ lại phải bế em. Người mẹ lúc này chỉ còn biết từ từ ngồi xuống, lau nước mắt cho con trai cả, vừa nhẹ nhàng ôm con vào lòng vừa nói lời an ủi động viên. Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều mẹ bỉm chung hoàn cảnh đã bật khóc vì thương các con và chính bản thân mình.
Mẹ đừng ôm em nữa, mẹ ôm con một tí được không?
Khi các mẹ đẻ quá dày, bé đầu chắc hẳn sẽ không tránh được cảm giác tủi thân. Có người mẹ nào cầm lòng được trước câu nói "mẹ đừng ôm em nữa mẹ ôm con một tí được không?", "mẹ cho em ngủ rồi mẹ ôm con một chút với?", "mẹ không thương con nữa hả mẹ?" . Thế nhưng mẹ chỉ ậm ừ vì còn mải trông em, đến khi em ngủ thì con lớn đã tự vật vã lăn qua lăn lại rồi ngủ mất từ lúc nào, chắc hẳn con đã rất cô đơn, tủi thân khi không có vòng tay của mẹ.
Rồi là khi bé lớn còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện, thấy em tranh mẹ thì ghen tỵ nên ghét em ra mặt, khi thì bằng ánh mắt, đáng sợ hơn là đánh, quát, mắng em... và còn nhiều hơn thế nữa. Không chỉ con cái, người mẹ cũng dễ rơi vào tình cảnh stress vì chăm con mọn, nhất là khi 2 con cùng ốm. Bao năm chỉ loanh quanh trong nhà tã, sữa, cơm nước, tiếng khóc của con, sự bất hoà với chồng...
Một người mẹ khi không thể vui vẻ thì đứa con cũng khó mà hạnh phúc được. Vẫn biết con cái là lộc trời cho, đông con nhiều của, thế nhưng việc lựa chọn thời điểm nào để sinh bé tiếp theo là điều mà cả hai vợ chồng cần phải suy nghĩ thấu đáo. Con cái vốn là chuyện rất riêng của mỗi người, do bản thân quyết định chứ không phải vì một vài lời giục giã tưởng tốt bụng mà đầy khiếm nhã ngoài kia.
Chỉ những ai đã từng trải qua mới hiểu được cảm giác này.
Hãy chia sẻ trách nhiệm, đừng tự làm khó chính mình nhé
Mẹ nào cũng muốn con cái được hưởng tình yêu thương trọn vẹn, dẫu có thêm em thì đó là khi cả hai bố mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng về cả kinh tế lẫn tinh thần, để con đầu không bị lạc lõng, tủi thân, để cả gia đình cùng vui vẻ, hạnh phúc, để người phụ nữ bớt stress, mệt mỏi.
Thế nhưng những chị em đã có 2 con "trứng gà trứng vịt" thì hãy cố gắng lên nhé! Hãy cố gắng dành thời gian cho các con chứ đừng bỏ mặc bé nào cả. Khi đang bầu em bé, hãy để con lớn được tâm sự, kể chuyện để con hình dung về sự có mặt của em, khi em ra đời thì mẹ cũng đừng chỉ chăm chú tập trung vào em mà quên đi con cả vì các con đều cần có tình yêu thương của mẹ.
Hãy luôn nhớ đến sự trợ giúp của người thân. Đừng quá mong muốn vẹn toàn, tự tay làm hết hãy bày tỏ với chồng và gia đình rằng mình cần sự chia sẻ trách nhiệm chăm lo cho các con vì ngoài tình mẫu tử thì tình cảm gia đình luôn là điều quan trọng với sự phát triển của trẻ nhỏ.
Bé trai "cắp nách" em nhỏ đi vào khu điều trị, cha mẹ F0 đều đã đi cách ly: Đừng khóc, có anh ở đây rồi! Người anh một tay bế em, một tay xách đồ để chuẩn bị vào khu điều trị. Đoạn clip khiến nhiều người vừa thương, vùa cảm phục em. Không riêng người lớn, Covid-19 đã đẩy nhiều đứa trẻ thơ dại vào cảnh "khát sữa", phải đi cách ly tập trung. Nhiều em nhỏ thậm chí còn chưa biết "Covid-19 là gì?", vậy mà...