Con học tạm ở quê, cha mẹ thấp thỏm
Đưa con gái từ Hà Nội về Hà Nam tránh dịch, chị Thuý Liễu đứng ngồi không yên khi tỉnh này phát hiện một số ca nhiễm Covid-19.
Khi Covid-19 bùng phát từ đầu tháng 5, chị Lê Thị Thúy Liễu, 32 tuổi (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) gửi hai con gái 3 và 8 tuổi về quê ngoại ở Hà Nam. Mỗi cuối tuần, chị đều tranh thủ về thăm con. Trong thời gian ở quê, con gái lớn học lớp 2 của chị Liễu vẫn tham gia đầy đủ các buổi kiểm tra trực tuyến dưới sự hỗ trợ của ông bà và chú dì.
Dù vậy, người mẹ vẫn cho rằng “về lâu dài thì không ổn” do không phải lúc nào cũng nhờ được người thân thạo máy tính kèm cặp. Trong thời gian Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, không thể về thăm con, chị Liễu càng lo lắng. “Vì nghĩ không biết bao giờ học sinh Hà Nội được đến trường, trong khi lúc đó Hà Nam tương đối ổn định nên tôi quyết định xin cho con học ở quê đến giữa hoặc hết kỳ I”, chị Liễu chia sẻ.
Đầu tháng 9, thấy con gái lên lớp 3, được mặc đồng phục đến trường và kể “đi học thích lắm”, chị Liễu “vui không để đâu hết”. Bộ sách giáo khoa mà con gái học ở Hà Nội trùng với trường ở Hà Nam nên chị may mắn không phải mua thêm. Với tính cách bạo dạn của cô bé, người mẹ tin con sẽ hòa nhập tốt.
Và quả thực, cô bé “bạo dạn” và “hòa nhập” tốt hơn cả mong đợi. Sau vài ngày bé đi học, chị Liễu được cô giáo phản ánh bé thường nói chuyện riêng trong giờ. Khi bị bạn cùng lớp trêu “cậu đi học làm gì cho khổ, sao không ở nhà chơi”, bé còn cãi nhau với bạn. “Được đi học trực tiếp tôi rất mừng, nhưng kéo theo là một vài rắc rối nhỏ do con nói nhiều quá”, chị Liễu kể.
Mới học trực tiếp được ba tuần, Hà Nam liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca nhiễm cộng đồng. Tỉnh này cho học sinh nghỉ học từ 21/9, cũng là ngày Hà Nội nới lỏng các phương án phòng, chống dịch. “Chạy trời không khỏi nắng”, chị Liễu rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi không biết cho con học online theo trường tại Hà Nội hay Hà Nam. Người mẹ ngán ngẩm, vì xoay xở mọi cách nhưng rốt cuộc con gái vẫn phải học trực tuyến.
Hiện, chị muốn đón hai con gái về Hà Nội để hỗ trợ việc học nhưng các bé cần phải có giấy xét nghiệm PCR. Vì Hà Nam đang là vùng dịch với nhiều ca nhiễm cộng đồng, chị cũng không yên tâm khi để ông bà đưa hai bé đến bệnh viện, cách nhà 10 km, làm xét nghiệm. Sau nhiều đắn đo, chị quyết định vẫn để con gái lớn học trực tuyến theo lớp ở quê. Do ông bà đã cao tuổi, mỗi buổi học, chị Liễu phải dặn con sang nhà họ hàng gần đó, nhờ chú dì hỗ trợ.
Những ngày này, chị như ngồi trên đống lửa vì sốt ruột. Mỗi khi con gái gọi điện, nói mạng trục trặc hoặc hỏi “bao giờ mẹ về đón con”, người mẹ lại khóc. “Tôi cảm thấy thương con và rất bất lực”, chị Liễu bày tỏ. Chị dự định khoảng 1-2 tuần nữa, khi dịch bệnh tại Hà Nam và Hà Nội đã ổn định hơn sẽ đón hai con trở lại thủ đô để tiếp tục việc học.
Con gái chị Lê Thị Thuý Liễu học online tại nhà người thân ở Hà Nam. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Tại TP HCM, hơn 100.000 học sinh đang mắc kẹt ở quê, trong đó bậc tiểu học là khoảng 35.000 em. Cho con nhập học ở quê cũng là lựa chọn của nhiều phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Kim Phụng (ngụ quận 3, TP HCM) có con gái lớp 5 đang gửi học một trường ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, Bến Tre. Hồi cuối tháng 5, khi con vừa kết thúc học kỳ II, chị liền cho bé về quê chơi với ông bà ngoại. Ban đầu, chị dự tính 1-2 tuần sẽ đón con trở lại thành phố nhưng dịch bùng phát, bé ở quê cho đến nay.
Khi năm học mới bắt đầu, cả TP HCM và Bến Tre đều xác định học trực tuyến, trong đó TP HCM có kế hoạch dài hơi, dự kiến đến hết học kỳ I. Chị liền làm thủ tục trực tuyến để con nhập học ở quê. Mọi việc được giải quyết nhanh gọn khi địa phương ở Bến Tre hỗ trợ tận tình. “Nếu con trở lại Sài Gòn thì bé vẫn phải học online, hình thức này không mấy hiệu quả. Trong khi ở quê, tình hình ổn hơn, khả năng trường sẽ mở cửa sớm và con sẽ được học trực tiếp”, chị Phụng giải thích cho lựa chọn của mình.
Sau vài tuần, con gái chị dần thích nghi với môi trường mới, làm quen được nhiều bạn cùng lớp đồng thời là hàng xóm. “Hàng ngày hai mẹ con đều gọi FaceTime với nhau, bé nói nhớ nhà, nhớ ba mẹ, muốn lên thành phố. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích tình hình ở quê an toàn hơn, bé lại đồng ý và vui vẻ trở lại”, chị kể.
Vừa qua, khi Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho phụ huynh đăng ký đón con từ quê, người mẹ cũng đăng ký. Tuy nhiên, việc cho con trở lại thành phố còn tuỳ theo tình hình dịch bệnh và lịch mở cửa lại trường học. “Nếu TP HCM vẫn chưa cho học trực tiếp thì con học ở quê vẫn là lựa chọn tốt hơn, nhất là khi Bến Tre vừa được nới lỏng giãn cách. Rất nhớ con nhưng lúc này an toàn là ưu tiên trên hết”, chị Phụng nói.
Tương tự, vợ chồng anh Hoàng, phụ huynh có con học lớp 2 ở TP Thủ Đức thấp thỏm không yên dù con gái đã nhập học ở huyện Phù Mỹ, Bình Định hơn ba tuần. Ban đầu gia đình dự kiến cho con học trực tuyến theo trường ở TP HCM nhưng không có người hướng dẫn thao tác thiết bị. Khi nhập học ở quê, ông bà nội đã già yếu, rất vất vả khi đưa đón cháu đi học hàng ngày.
Chưa kể, sau giờ học trên lớp, trẻ cần có người lớn kèm cặp, đốc thúc nhưng ông bà ở quê không thể làm giúp. “Đến nay, con tôi cũng dần quen với môi trường mới nhưng nếu để tình trạng này lâu, tôi sợ con ỷ lại, học kém. Tôi rất nóng lòng muốn đón con trở lại Sài Gòn để học trực tuyến với trường cũ”, người cha chia sẻ. Dự kiến trong tháng 10, anh sẽ đăng ký đón con trở lại thành phố.
Cuối tháng 9, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 25 tỉnh, thành vẫn dạy trực tuyến, 13 địa phương khác kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình do ảnh hưởng của Covid-19. Hầu hết địa phương học trực tuyến thuộc miền Trung và Nam Bộ.
Clip: Trên đường về quê cùng bố mẹ, cháu bé ngất xỉu vì đói và mưa lạnh khiến nhiều người xót xa
Nhịn đói đi xe máy cả nghìn km từ miền Nam về quê tránh dịch, cháu bé kiệt sức ngất xỉu ở đèo Hải Vân khiến nhiều người xót xa.
Sau khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, hàng nghìn người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chạy xe máy về lại các tỉnh miền Trung đi ra phía Bắc.
Hàng nghìn người chạy xe máy chở theo phụ nữ, trẻ em và cả vật dụng sinh hoạt dọc theo Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh hướng ngang qua các tỉnh miền Trung. Đa số bà con là lao động nghèo vào Nam mưu sinh kiếm sống.
Vì hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp nên họ quyết định về quê ngay khi các tỉnh miền Nam nới lỏng giãn cách xã hội.
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ lại hoàn cảnh của một em bé theo bố mẹ về quê nhà Nghệ An. Gia đình di chuyển về quê bằng xe máy, khi đang trên đèo Hải Vân thì cháu bé ngất xỉu vì đói và lạnh.
Clip: Cháu bé ngất xỉu khi trên đường theo bố mẹ về quê
Giữa đêm mưa xối xả, tiếng khóc của người mẹ khiến ai chứng kiến cũng thắt lòng. Trong lúc đó, các lực lượng trực chốt, cán bộ y tế đã có mặt kịp thời bế em bé đến chỗ thoáng đãng hơn.
Lực lượng chức năng trong đêm khuya đã bình tĩnh xử lý, an ủi động viên người mẹ: 'Cấp cứu cấp cứu vô. Bình tĩnh, bình tĩnh. Không sao cả, không việc gì hết đừng có khóc'.
Cháu bé hiện tại sức khỏe đã ổn định.
Hiện cháu bé đã tỉnh lại sau khi được sơ cứu và cho uống sữa. Được biết, gia đình cháu bé quê ở Diễn Châu, Nghệ An đang trên đường trở về sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách.
Hoàn cảnh xót xa của cháu bé và gia đình khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Vì dịch bệnh, vì cuộc sống vất vả mưu sinh không thể trụ lại ở thành phố mà nhiều người quyết định đem con cái để về quê. Những đứa trẻ phải vật vờ trên xe nhiều ngày, chịu cái mưa lạnh, chịu đói khát.
Bên cạnh sự đồng cảm, xót xa với những hoàn cảnh của người dân nghèo mùa dịch, dân mạng còn bày tỏ sự cảm phục với các cán bộ y tế, lực lượng trực chốt đã xử lý tình huống kịp thời, giúp các gia đình an tâm về quê.
'Thất nghiệp, không còn gì ăn khiến họ phải tìm đường về quê. Mà về trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ thế này tội nghiệp các em nhỏ phải đi theo quá'.
'Chắc gia đình đều không có gì ăn, bé cũng không được ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ. Sức trẻ con làm sao mà chịu được chứ'.
'May bé không bị làm sao. Cảm ơn các lực lượng trực chốt đã có mặt kịp thời để giúp đỡ các gia đình về quê'.
Xôn xao clip công ty ở Bình Dương thưa thớt người dù đã hoạt động lại Từng là địa phương đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhưng đến nay Bình Dương đã dần kiểm soát được dịch, nhiều huyện, thị trấn, thành phố đủ điều kiện công bố "vùng xanh", trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công ty, cơ sở sản xuất tại Bình Dương đang rơi vào tình trạng thiếu...