Con giỏi để mẹ bớt khổ
Đó là trăn trở của em Dương Thị Thanh Hiếu, học sinh lớp 5/2 trường tiểu học Phước Long 1, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khi nhận học bổng “Khăn đỏ Đến Trường” do Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) phối hợp cùng báo Thanh Niên và Thành đoàn Nha Trang tổ chức.
Em Hiếu làm việc nhà thay mẹ
Nhà nghèo học giỏi
Theo cô Ngô Thị Hồng, từng là giáo viên chủ nhiệm và ở cạnh nhà em, Hiếu có gia cảnh rất khó khăn. Bố em mất sớm, mẹ em phải một mình tần tảo nuôi hai chị em Hiếu ăn học.
Ngoài công việc may gia công, mẹ em, chị Nguyễn Thị Vân còn nhận may thêm quần áo vào buổi tối nhưng cũng không thấm vào đâu. Vì vậy 2 chị em Hiếu thường xuyên thiếu thốn sách vở và tiền học phí. Gia đình nội ngoại của em cũng thuộc diện nghèo, nên việc em Hiếu học đến lớp 5 là nhờ xóm giềng và thầy cô trong trường thương em ham học mà giúp em sách vở, đỡ đần gia đình những lúc khó khăn nhất.
Hoàn cảnh gia đình cũng không ngăn được em trở thành học sinh giỏi và được nhà trường chọn là tấm gương điển hình để nhận học bổng “Khăn Đỏ Đến Trường” năm nay. Gặp Hiếu tại lễ trao học bổng, dáng em nhỏ bé, gầy guộc gần như bị che khuất bởi các bạn trong đội trống cổ động cùng lứa tuổi.
Hiếu chia sẻ: “Hôm nay con vui lắm. Có phần học bổng này chắc mẹ con sẽ mừng lắm vì không phải lo tiền học cho con nữa. Con cũng được đến trường nhiều hơn, được mẹ mua cho bút với vở. Mấy lúc không có tiền đóng tiền học, con phải nghỉ”.
Ngoài thành tích học tập tốt, Hiếu còn phụ trách đội sao đỏ của lớp. Về nhà em chăm chỉ học bài và còn phụ giúp mẹ việc nhà, kể chuyện ở lớp để làm vui lòng mẹ. Trước khi chia tay với chúng tôi, em nói: “Con sẽ cố gắng học thật giỏi để phụ giúp mẹ, để cho mẹ con bớt khổ hơn”.
Còn không ít gương nghèo vượt khó
Bên cạnh Hiếu, tại buổi Lễ trao học bổng ở Tp. Nha Trang, còn có 60 em học sinh nghèo, giàu nghị lực, quyết tâm vượt khó học giỏi. Điển hình như em Trịnh Minh Phượng, học cùng trường với em Hiếu.
Video đang HOT
Bố Minh Phượng mất vì bệnh ung thư gan, mẹ em phải đi gánh nước mướn, làm thuê để nuôi em ăn học. Hay em Nguyễn Vinh, gia cảnh vốn đã nghèo, mẹ em lại đột ngột bị tai biến dẫn đến mất khả năng nhận thức. Cả gia đình gồm ông bà và ba anh em Vinh đều phải sống dựa vào đồng lương không ổn định từ việc lái xe tải thuê của ba và khoảnh vườn rau nhỏ của bà nội.
Còn có em Lý Lê Tiểu Quỳnh, bố mất do tai nạn khi em mới được 3 – 4 tháng mẹ em đi làm ở xa và có gia đình riêng, ít về thăm. Ông bà ngoại đi làm rẫy khổ cực để nuôi em từ khi còn ẵm ngửa…Dù là con ngoan trò giỏi, các em vẫn đứng trước nguy cơ không được học hành đến nơi đến chốn để thoát khỏi cái nghèo.
Những suất học bổng Khăn Đỏ Đến Trường đã góp phần tiếp sức cùng các em và gia đình, giúp các em có đủ điều kiện học hành và góp thêm lửa cho ý chí vượt qua hoàn cảnh của các em.
Nha Trang là điểm đến đầu tiên trong hành trình trao học bổng “Khăn Đỏ Đến Trường” cho trẻ em nghèo hiếu học tại 6 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Hồ Chí Minh và Cần Thơ. 500 suất học bổng trị giá 1,5 tỷ đồng sẽ là 500 cơ hội mà ngân hàng Techcombank cùng khách hàng của mình muốn trao tặng đến các em học sinh nghèo hiếu học. Càng có thêm nhiều sự đóng góp cho chương trình, sẽ càng có thêm cơ hội cho giấc mơ đến trường của trẻ em nghèo.
Theo Vietnamnet
Những nẻo đường mưu sinh của học sinh nghèo
Một bàn chân 5 tuổi lang thang giữa phố thị phồn hoa; cái lưng gầy bé bỏng gùi khoai sắn trên mình; những đứa bé mót mủ cao su hối hả chạy khi có người lạ đến... Những hình ảnh này chính là cách mưu sinh hàng ngày để đỡ đần cha mẹ, tìm đến cái chữ của trẻ em trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng đầy gió.
Vừa mới đi học về, hai anh em R'châm H'la (dân tộc Bahnar) đã vội ăn cho xong bữa cơm với canh lá mì. Như thường lệ, H'la lại khoác tấm lưới trên vai, còn em trai thì tay xách giỏ cũng đi vội vàng ra suối. Lúc bấy giờ kim đồng hồ đã chỉ sang con số 12 giờ trưa.
Dưới cái nắng gay gắt của núi rừng Tây nguyên, H'la và em trai lang thang dọc con suối, đầm mình trong dòng nước đục ngầu để bắt những con cá chỉ bằng ngón tay về làm bữa ăn cho gia đình. H'la cho biết, em đang học lớp 5, còn em trai học lớp 3 tại trường tiểu học Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro, Gia Lai).
Hai anh em bắt đầu nghề này từ khi H'la còn học lớp 3, vất vả là vậy nhưng mỗi ngày các em cũng chỉ kiếm được vài lạng cá mang về. "Cái chài này ba mình phải đổi mì tương đương 300.000 đồng rồi giao cho hai anh em kiếm cá về ăn. Hôm nào may mắn bắt được nửa giỏ cá, ăn không hết, mẹ em mang ra chợ bán để mua bút vở cho hai anh em" - H'la hồn nhiên kể lại.
Trên đường từ TP. Pleiku đi huyện Ia Grai (Gia Lai), chúng tôi gặp rất nhiều trẻ em tay xách can nhựa lang thang khắp nơi. Tò mò hỏi người đi đường thì được biết chúng đi mót mủ cao su. Khi thấy chúng tôi dừng xe tiếp cận, các em sợ hãi chạy tán loạn về nhiều hướng. Phải mất một hồi lâu, chúng tôi mới bắt chuyện được với cô bé tên là H'ríu.
Những đứa trẻ đi mót mủ cao su chạy toán loạn khi gặp người lạ
H'ríu cho biết, nhóm của bọn em hơn 20 bạn, đều đang học lớp 4. Ngày nào cũng vậy, cả nhóm dành một nửa thời gian để đến trường và còn lại là đi mót mủ.
Đôi chân nhỏ của các em phải lang thang hết vườn cao su này đến vườn cao su khác, mót những giọt mủ cao su bị rớt xuống đất đã vón cục hoặc vớt những giọt còn sót lại trên bát chứa mủ. Cứ đều đặn ngày nào cũng như vậy, chừng 5 ngày dồn lại, số mủ mót của mỗi em bán được chừng 15.000 đồng. Số tiền trên, các em đều đưa cho bố mẹ để mua sách vở, quần áo hoặc đong gạo.
Khi được hỏi tại sao các em lại sợ hãi bỏ trốn khi gặp chúng tôi, H'ríu líu ríu trả lời, chúng em rất sợ bảo vệ nông trường, họ không cho chúng em mót mủ đâu.
Cậu bé Ksor An với đàn bò gần 50 con
Đồng cảnh ngộ là cậu bé Ksor An (13 tuổi, học lớp 7 trường THCS xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, Gia Lai), một ngày với em cũng được chia làm 2. Một buổi đến trường và một buổi đi chăn hơn 50 con bò. Với An, công việc này đến với em như là một phản xạ không điều kiện. Lên lớp 2, em được bố giao cho 5 con bò để đi chăn sau mỗi buổi đi học về. Đến giờ này là đàn bò lớn. An tâm sự, em đi học để biết viết cái tên, để biết những con số và để viết gì mình nghĩ ra, nó hay lắm.
Tuy nhiên, sau khi rong ruổi gần chục cây số với đàn bò, kết thúc một ngày của em là bữa cơm chiều và giấc ngủ sau đó. Học bài cũ với An vào buổi tối là điều rất hiếm, dù rất muốn nhưng 2 mắt cứ ríu lại vì mệt nhọc. Em cần một giấc ngủ ngon để lấy lại sức sáng mai đến trường và tan học lại đi làm việc. Cứ thế ngày này qua ngày nọ...
Những bé gái với thân hình còm nhom oằn mình với cái gùi trên lưng
Khắp nơi trên mảnh đất Tây nguyên này, những học sinh với thân hình gầy gò, lem luốc... là hình ảnh rất dễ bắt gặp, quen thuộc nhất là những cô bé với dáng người gầy nhom, lưng còng xuống vì cái gùi khoai, sắn, lúa quá nặng cứ lầm lũi bước đi...
Dù chúng chỉ đang chập chững làm quen với những con chữ đầu tiên nhưng đôi vai còm đã phải gánh đủ chuyện vất vả cho cuộc mưu sinh thiên hình vạn trạng.
Về lại thành phố Pleiku, những hình ảnh này tưởng đã mờ nhạt, nhưng bất chợt những bước chân bé nhỏ của một bé trai đang lang thang khắp trung tâm thương mại Pleiku để bán những tấm phong bì, sổ tay... để kiếm vài đồng bạc lẻ đỡ đần cha mẹ nghèo, để nuôi ước mơ đến trường, may ra có cơ hội thoát nghèo, thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn lại hiện ra trước mắt chúng tôi. Vất vả là vậy nhưng gương mặt nào cũng tròn xoe, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, cứ như đấy chính là định mệnh khiến ai trông thấy cũng không khỏi chạnh lòng.
Theo VTC
Ôn thi đại học thời biến động giá Các sĩ tử phải gồng mình trước tiền nhà trọ, tiền điện, nước, ăn uống.. tăng vùn vụt và tiền ôn thi ở các "lò luyện". Sau Tết, nhiều học sinh từ các địa phương đến Hà Nội ôn thi đại học. Mang theo là sách vở, quần áo, đồ dùng... cùng bao quyết tâm, kỳ vọng của gia đình để hiện thực...