Con gào lên ăn vạ muốn được xem tivi, chẳng cần quát mắng, bà mẹ chỉ cần bình tĩnh làm điều này
Ăn vạ là một phần không thể thiếu trong hành trình lớn lên của trẻ. Tuy nhiên, khi đứng trước tình huống ăn vạ của trẻ thì không phải cha mẹ nào cũng biết cách giải quyết.
Erin Heger là một nhà văn tự do ở Thành phố Kansas thuộc tiểu bang Missouri của Hoa Kỳ. Cô cũng là cộng tác viên của Popsugar. Erin thường hay viết các chủ đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của người mẹ, cách nuôi dạy con cái, chính sách chăm sóc sức khỏe và tài chính cá nhân. Trong một bài viết gần đây nhất trên Popsugar, Erin đã chia sẻ bí quyết đối phó với cơn ăn vạ của con trai 3 tuổi của mình với độc giả.
“Tôi nhìn cậu con trai 3 tuổi của mình vừa đập mạnh tay xuống sàn vừa la hét inh ỏi tới mức tôi lo rằng hàng xóm cũng nghe thấy tiếng thét đấy. Chưa hết, thằng bé giơ nắm đấm lên, quay lại nhìn tôi với khuôn mặt giàn giụa nước mắt.
“ Con muốn Chuggington!!“. Cậu bé hét lên và chỉ vào chiếc ti vi mà tôi vừa tắt. Chugginton là chương trình tivi yêu thích của con tôi.
Cảnh tượng này có lẽ rất quen thuộc với nhiều gia đình. Trẻ thường bắt đầu cơn ăn vạ sau khi hết giờ xem tivi, điện thoại, đến giờ đi tắm hoặc đi ngủ. Đó là chuyện xảy ra hàng ngày. Đối với trẻ đang ở thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3, không có ai quan trọng bằng cảm xúc của chính trẻ, và thường cha mẹ phải đặt ra giới hạn với chúng. Nhưng riêng con trai tôi, dường như cậu bé có một sở trường đặc biệt, đó là nhận ra điểm yếu của mẹ mình. Thằng bé biết chính xác cần phải làm gì để tôi từ bỏ ý định ngăn cản nhu cầu của nó.
Tôi biết nếu tôi chọn cách trò chuyện để giải quyết cơn ăn vạvới con thì sẽ tạo tiền đề cho sự việc kết thúc trong nước mắt, sự giận dữ, la hét hoặc là sự bình tĩnh gượng gạo. Trước đây, tôi thường bùng nổ cảm xúc theo con, nhưng sau nhiều năm thử thách và sai lầm, tôi đã tìm ra một cách giúp tôi bình tĩnh. Đó là “ôm” lấy cảm xúc và cho phép con được ăn vạ.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện được nó là điều không dễ dàng. Tôi phải luôn giữ mình tỉnh táo để chấn chỉnh tinh thần, nếu tôi lơ là, điều này sẽ rời bỏ tôi ngay. Cơn ăn vạ đầu tiên của con trai tôi diễn ra đâu đó gần ngày sinh nhật tròn 2 tuổi của cậu bé. Tôi đã lên kế hoạch, làm mọi cách để tránh chúng đi như: rót nước trái cây vào trong cái cốc bẩn bởi tôi biết đó là sở thích của thằng bé, hoặc làm một món ăn yêu thích mà chắc chắn thằng bé sẽ ăn. Khi tôi làm sai, cơn ăn vạ đã ập đến. Tôi phải dỗ dành, thậm chí năn nỉ con trai mình dừng lại. Nhưng khi tất cả mọi cách làm đều thất bại, tôi cảm thấy sự tức giận và thất vọng trào lên trong tôi, chúng bùng phát thành những từ khó nghe qua một giọng nói cao vút.
Không dừng lại ở đó, con trai tôi ngay lập tức chuyển đổi yêu cầu của mình từ cần cái bình sữa sang chạy như bay trên đường phố đầy nguy hiểm. Con tôi không còn quan tâm đến việc yêu cầu của mình có được đáp ứng hay không bởi thằng bé đang điên cuồng trong cảm xúc mà không cần sự giúp đỡ. Tôi lúng túng vác cậu bé đang đá và la hét ra công viên, vì con bỏ chạy. Còn tôi đã khóc.
Cuối cùng, tôi cũng nhận ra rằng cơn giận dữ của con sẽ không dừng lại cho dù tôi có cố làm gì đi nữa. Tôi không thể ngăn cản hoặc cầu xin con đừng ăn vạ. Bởi ăn vạ là một phần của sự phát triển thời thơ ấu, và nó cho cha mẹ thấy sự thất vọng, tức giận và buồn bã ở trẻ là bình thường. Khi tôi bình tĩnh dừng lại để suy nghĩ về nó, tôi nhận ra rằng để làm giảm bớt sự bộc phát ở trẻ, tôi cần giảm những ý nghĩa tiêu cực liên quan đến việc con mình bày tỏ cảm xúc và tôi cần làm dịu sự khó chịu của chính mình.
Điều duy nhất trong tầm kiểm soát của tôi là cách tôi phản ứng lại khi con tôi khó chịu, giận dữ. Vì vậy, trong những lúc tôi cảm thấy kiệt sức vì sự bùng nổ cảm xúc của con khi tôi tắt tivi hoặc đề nghị chúng tôi rời khỏi công viên, tôi luôn lặp lại một câu thần chú trong đầu: “Thằng bé đang học”. Tôi luôn tự nhủ với chính mình nhiều lần rằng: “Con đang học và mình cũng vậy”. Hãy đón nhận cảm xúc của trẻ và cho phép chúng thể hiện điều đó. Và rồi trải qua một thời gian, tôi đã có thể vượt qua được những cơn “sóng thần” của con tôi một cách nhẹ nhàng.
Đó là khi cậu bé lăn ra ăn vạ vì không được xem ti vi, tôi lẳng lặng quan sát con. Đó là lúc con chuyển từ đập tay trong giận dữ sang khóc la trong tuyệt vọng, tôi chờ đợi con đến tìm tôi.
“Con có muốn mẹ ôm con không?”, tôi hỏi vọng ra từ phòng khác. Cậu bé gật đầu một cách trang trọng và tôi xòe tay đón con vào lòng. Tôi đưa cho con một ly nước uống để con từ từ bình ổn lại hơi thở của mình. Tôi biết đó chỉ là khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi trước khi một “cơn bão” khác ập đến với chúng tôi. Bởi trong thế giới nhỏ bé của trẻ, luôn tồn tại những bất công khiến chúng phải phản kháng.
Bằng cách chấp nhận sống thực với cảm xúc thay vì chống lại nó, tôi đã có thể giữ bình tĩnh và sự tập trung. Đồng thời, tôi cũng hy vọng dạy cho con trai mình một điều rằng dù cho có chuyện gì đi nữa thì mẹ vẫn sẽ luôn ở đây. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm đường ra cho mọi vấn đề”.
Video đang HOT
Nguồn: Popsugar
Theo afamily
8 hành vi của trẻ tưởng là hư nhưng thật ra rất bình thường, cha mẹ chớ vội mắng oan
Các nhà tâm lý đã lý giải nguyên nhân và đưa ra lời khuyên dành cho cha mẹ trong 8 tình huống "rối trí" sau đây.
Đối với cha mẹ, mỗi đứa trẻ là một thiên thần. Nhưng đến một ngày, thiên thần nhỏ ngoan ngoãn đáng yêu bỗng dưng nổi loạn và bạn thật sự không hiểu được chuyện gì đang xảy ra với con. Trẻ thường xuyên bị kích động, hỏi liên tục một câu hỏi, thức dậy giữa đêm hay luôn trả lời "Không"....
Cha mẹ đừng lo lắng, đó chỉ là những biểu hiện của việc trẻ bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2. Cơn ác mộng này sẽ diễn ra thường xuyên với những hành vi của trẻ gây khó chịu đến mức bạn nghĩ là con mình có vấn đề về tâm lý. Nhưng thật ra, chỉ cần cha mẹ bình tĩnh, kiên nhẫn là đã có thể cùng con đi hết đoạn đường này. Các nhà tâm lý đã lý giải nguyên nhân và đưa ra lời khuyên dành cho cha mẹ trong 8 tình huống "rối trí" sau đây.
1. Trẻ liên tục ăn vạ
Ăn vạ là cơn ác mộng kinh hoàng mà tất cả các bậc làm cha mẹ ai cũng phải trải qua. Nhất là khi trẻ ăn vạ một cách đột ngột, bất thình lình. Ban đầu, trẻ khóc chỉ để đòi thứ chúng muốn, nhưng rồi tình hình ngày càng tệ hơn khi trẻ không kiểm soát được cảm xúc của mình. Sẽ thật bối rối và xấu hổ nếu trẻ lăn ra ăn vạ ở nơi công cộng, mà đôi khi không có cách nào có thể làm trẻ bình tĩnh lại được.
Ăn vạ hay còn gọi là chứng cuồng loạn thường xảy ra bởi nhiều nguyên nhân. Có thể là do trẻ mệt, buồn ngủ, hoặc đói. Và việc cha mẹ từ chối không cho trẻ thứ chúng muốn sẽ dẫn đến bi kịch: một trận ăn vạ bắt đầu. Một người trưởng thành có thể điều khiển được cảm xúc của mình, nhưng hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển đầy đủ để có thể làm được điều đó.
Trong tình huống này, dù cha mẹ có cố gắng thu hút sự chú ý của trẻ thì cũng đều vô ích. Việc bạn cần làm là ngăn chặn nó ngay từ đầu bằng cách hướng trẻ vào một việc khác, hoặc bạn có thể để trẻ khóc và tự bình tĩnh lại. Và nếu chọn phương án sau thì cha mẹ không nên nhượng bộ trẻ.
2. Trẻ không chịu ăn
Mặc dù rất háu ăn nhưng đến giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 thì trẻ không chịu ăn nữa, kể cả món mình yêu thích. Hoặc trẻ không ăn hết phần ăn của mình.
Các bác sĩ nhi khoa đưa ra một số nguyên nhân để giải thích việc mất cảm giác ngon miệng ở trẻ như mệt mỏi, mọc răng, hoặc mải chơi quá. Theo nghiên cứu của Viện Y Khoa Quốc Gia Hoa Kỳ, tình trạng biếng ăn ở trẻ cũng một phần do thói quen cha mẹ thường xuyên ép trẻ ăn. Việc này làm trẻ sợ và cha mẹ sẽ càng làm mọi thứ tồi tệ hơn nếu vẫn cứ cố ép trẻ.
Lời khuyên được đưa ra là đừng ép con ăn nếu trẻ không muốn. Khi được 2 tuổi, trẻ đã biết thế nào là no. Và cha mẹ nên để trẻ được quyết định trong việc ăn của mình.
3. Trẻ liên tục ném đồ đạc
Con bạn có khi nào ném đồ chơi, bút chì, thú bông... không? Có khi nào trẻ ném núm ti giả đi rồi khóc cho đến khi cha mẹ nhặt lên đưa lại cho chúng không? Tại sao trẻ lại hành xử như vậy?
Thứ nhất, trẻ em có hành vi bốc đồng vì não của chúng chưa hoàn thiện. Thứ hai, ném đồ là một kỹ năng tốt mà trẻ cần rèn luyện, vì hành động này giúp các em phát triển vận động tinh, biết phối hợp giữa tay và mắt. Thứ ba, khi ném đồ, trẻ sẽ học được luật nhân - quả, nghĩa là ném nó đi thì nó sẽ rơi xuống.
Việc cha mẹ cần làm là giải thích cho trẻ biết cái nào ném được, cái nào không. Em bé từ 2 tuổi trở lên đã có thể hiểu được diều này.
4. Trẻ khóc không có nguyên do
Hôm nay, cha mẹ không cho trẻ xem phim hoạt hình, chúng bắt đầu khóc toáng lên và la hét đến nỗi bạn phải phạt con. Nhưng bạn lại quên mất một việc, rằng ngày hôm qua bạn đã cho trẻ xem tivi 3 tiếng đồng hồ để chúng không làm phiền khi bạn làm việc.
Trẻ em rất nhớ các quy luật, nhất là với những điều mà chúng thích. Trẻ thật sự không hiểu tại sao lại có sự thay đổi như vậy. Do đó, việc cha mẹ không thỏa mãn mong muốn khiến trẻ cảm thấy thất vọng.
Cha mẹ nên đặt ra các quy định trong gia đình và yêu cầu mọi người cùng tuân thủ. Đừng thay đổi các quy định này liên tục chỉ vì mình là người lớn. Điều này sẽ giúp giảm bớt việc trẻ khóc mà cha mẹ không hiểu nguyên do.
5. Trẻ không nghe lời cha mẹ
Trong khi bạn rất bận vì phải lo cho trẻ đến trường rồi vội vã đi làm thì bọn trẻ lại xem như "không phải chuyện của mình". Con không chịu dậy, từ chối đánh răng, chạy, la hét và ném bữa sáng đi. Chuyện gì đang xảy ra với trẻ?
Theo nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu nổi tiếng John Gottman thì trẻ em cần được chơi đùa, nghịch ngợm. Đối với trẻ, chơi chính là học, là cách để chúng khám phá thế giới. Và buổi sáng là thời gian trẻ tràn trề năng lượng nhất. Thế nên, cha mẹ không nên trách mắng nếu con bạn lỡ kéo chân khiến bạn chậm trễ.
Cha mẹ có thể sắp xếp lại lịch sinh hoạt của mình. Chẳng hạn như bạn hãy chịu khó dậy sớm hơn một chút. Còn nếu không thể dậy sớm thì hãy cố gắng hiểu con và cho trẻ chơi ít nhất từ 15 đến 20 phút.
6. Trẻ thức dậy giữa đêm
Mặc dù, con bạn đã quen với nếp sinh hoạt ngủ xuyên đêm, nhưng bỗng có một thời gian, trẻ thường xuyên thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, thậm chí còn khóc. Và nếu tình trạng này càng kéo dài thì càng khó khăn hơn để từ bỏ thói quen này.
Rối loạn giấc ngủ thường xảy ra do những cảm xúc hoặc những kỹ năng mới học được trong ngày. Nếu một đứa trẻ không muốn ngủ, có lẽ vì chúng đã trải qua những cảm xúc mãnh liệt vào buổi tối. Và đôi khi việc học được một kỹ năng mới cũng khiến trẻ phải thức dậy trong đêm. Các nhà tâm lý học cho rằng trẻ nôn nóng muốn thử các kỹ năng mới đến mức chúng hy sinh giấc ngủ của mình.
Muốn trẻ không bị rối loạn giấc ngủ, cha mẹ nên lập kế hoạch hoạt động trong ngày cho trẻ. Nếu con bạn vẫn không muốn ngủ vào ban đêm thì đừng quát mắng trẻ. Hãy dành thời gian cho con, rồi con sẽ bình tĩnh và ngủ lại.
7. Trẻ lặp đi lặp lại một câu hỏi
Bạn có phát điên không khi trẻ cứ lặp đi lặp lại một câu hỏi? Thật ra, trẻ không cần nghe câu trả lời. Cái mà chúng quan tâm chính là thái độ và sự chú ý của cha mẹ. Đôi khi, người lớn không hiểu ý của trẻ, vì vậy, trẻ sẽ rất thất vọng nếu như không nhận được sự chú ý.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm về trị liệu ngôn ngữ và ngôn ngữ nhi khoa, Sunita Shah - cố vấn của trường Đại học Trị Liệu Ngôn Ngữ và Ngôn Ngữ Học Hoàng Gia - chia sẻ rằng việc lặp đi lặp lại câu hỏi để cha mẹ trả lời chính là cách tốt nhất để trẻ học từ mới, và theo thời gian, trẻ sẽ biết cách sử dụng từ đó như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra, cũng có thể là trẻ đang tập thể dục cho ngữ điệu và âm thanh của mình.
Cha mẹ hãy luôn nhớ rằng sự lặp lại là cách để trẻ học nói thành thạo. Vì thế, hãy khuyến khích con bạn nói và nói chuyện với con. Bởi sẽ đến lúc thời kỳ lặp lại này kết thúc, nhưng nếu cha mẹ phản ứng tiêu cực thì sẽ gây ra vấn đề trong tương lai.
8. Trẻ luôn luôn trả lời "Không"
Dù là một em bé rất đáng yêu, ngoan ngoãn, nhưng trong hành trình lớn lên của trẻ, sẽ có lúc bé liên tục trả lời "Không" với cha mẹ. Thậm chí, trẻ sẵn sàng tranh luận ngay cả khi nói những điều chúng thích.
Cha mẹ nên biết rằng thời kỳ "Không" của trẻ chỉ ra rằng trẻ bắt đầu muốn tự khẳng định mình. Nó thường xảy ra khi trẻ ở trong độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi. Lúc này trẻ hiểu rằng mình là một cá thể độc lập chứ không phải là một phần của cha mẹ, thế nên trẻ phải khẳng định vị thế của mình trong gia đình.
Vào lúc này, cha mẹ hãy kiên nhẫn và cố gắng khống chế sự nổi loạn của trẻ. Hãy để con bạn tự quyết định và để chúng được tự lập hơn. Thật tốt, khi trẻ tự chọn quần áo và thay đồ khi đi đến trường. Bằng cách này, trẻ sẽ tin tưởng cha mẹ hơn và trở nên tự tin hơn.
Làm thế nào để đối phó với một đứa trẻ?
Theo kết quả nghiên cứu của Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ, việc đọc to có tác động đến trạng thái cảm xúc của trẻ em.
Nghiên cứu này đã chứng minh rằng những trẻ em được cha mẹ đọc sách cho nghe với giọng nói to trở nên ít hung dữ hơn. Các nhà khoa học giải thích rằng mối quan hệ giữa khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi của trẻ sẽ trở nên chặt chẽ hơn khi chúng được nghe truyện.
Theo Brightside/Helino
5 thói quen tạo ra khoảng cách giữa những đứa trẻ Nghiên cứu 20 năm của Đại học Harvard phát hiện những đứa trẻ làm việc nhà và không làm việc nhà thì tỷ lệ có việc làm là 15:1. Một nhà giáo dục nói: "Bản chất của giáo dục là trau dồi thói quen". Điều mở ra khoảng cách giữa những đứa trẻ không phải IQ mà là thói quen đã hình thành...