Con gái nhà người ta: Du học và trở thành bác sĩ theo tâm nguyện của mẹ, nổi danh báo Úc vì quá xinh đẹp
Cô gái Việt từng được báo chí Úc ca ngợi như một tấm gương truyền cảm hứng bởi sở hữu vẻ xinh đẹp cả ở ngoại hình lẫn tâm hồn.
‘ Con nhà người ta’ là một cụm từ mà chúng ta luôn nói là do bố mẹ bịa ra để kích thích sự cố gắng của con cái, một nhân vật hư cấu chỉ xuất hiện qua lời nói chứ chưa bao giờ thấy tận mắt, sờ tận tay. Nhưng ngày nay thì chẳng ai dám phủ nhận ‘con nhà người ta’ là nhân vật không có thật nữa bởi họ thực sự đang tồn tại và làm được những điều khiến ai cũng phải ngưỡng mộ.
Mới đây, báo chí Úc đang dành sự quan tâm đặc biệt cho một cô gái Việt Nam đã định cư ở nước này 12 năm – Vũ Nguyễn Lan Chi, hay còn gọi là Lily Vũ. Đang công tác tại một bệnh viện ở thành phố Melbourne, Australia, Lily Vũ được biết đến như một vị bác sĩ giỏi giang, xinh đẹp và có câu chuyện cuộc sống truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ.
Nữ bác sĩ xinh đẹp gốc Việt – Lily Vũ
Lily Vũ sinh năm 1992, bắt đầu qua Úc từ năm 15 tuổi. Cô chia sẻ việc học tập của mình ở xứ sở chuột túi là tâm nguyện của người mẹ đã qua đời. Lily kể, vào năm cô 10 tuổi, mẹ cô vì mắc bệnh nặng nên đã qua đời dù được chữa trị ở nhiều nơi. Mong ước lớn nhất trong đời của bà là để hai đứa con được sang Úc du học nên từ sau khi sinh con xong đến trước lúc đổ bệnh, bà dành hết tâm sức làm việc để kiếm tiền cho các con. Mất mẹ vì lý do đó, Lily quyết tâm sau này sẽ trở thành một bác sĩ giỏi.
Bắt đầu cuộc sống ở Úc khi vừa học xong cấp 2, Lily gặp nhiều khó khăn khi phải sống xa bố, mọi chi phí đều đắt đỏ nên tình hình tài chính không mấy khả quan. Có những lúc cô nàng tiết kiệm đến mức 6 tháng dùng không hết chiếc thẻ điện thoại 30 AUD (khoảng 480 ngàn đồng).
‘Mới sang, tôi chưa tìm được việc. Mọi chi phí từ ăn uống, tiền học, đi lại, quần áo, sách vở… đều phụ thuộc vào số tiền ba gửi qua. Dù có số tiền tiết kiệm trước khi mất của mẹ, nhưng tôi biết, ở Việt Nam ba đang làm việc rất vất vả’, Lily chia sẻ.
Học xong cấp 3 ở địa phương, Lily quyết tâm theo đuổi ngôi trường Đại học Melbourne danh tiếng ngành Y khoa – nơi đào tạo về khoa học và y khoa số một tại Australia. Thời điểm đó, cô cũng nhận được học bổngtừ Đại học Monash nhưng đã từ chối để thực hiện quyết tâm trở thành bác sĩ của mình.
Theo quy định của trường, sinh viên muốn học bác sĩ y khoa thì trước hết phải hoàn thành chương trình Cử nhân y sinh hoặc Cử nhân khoa học trong 3 năm đầu. Nhưng sau khi thi đỗ vào ngành bác sĩ y khoa và phải đóng khoản học phí lên tới 7,2 tỷ đồng vẫn chưa chắc sẽ kiếm được việc làm.
Để giảm bớt gánh nặng cho bố ở nhà, Lily quyết tâm phải có được thường trú ở Australia để nhận trợ cấp tiền học và tiền sinh hoạt từ chính phủ Úc. Cô chưa vội theo học ngành y khoa ở Đại học Melbourne mà chuyển sang học văn bằng Tốt nghiệp giáo dục vì sau này trở thành giáo viên sẽ có thể định cư theo dạng tay nghề.
Dù lúc này đã có một công việc ổn định, thu nhập khá nhưng Lily vẫn nung nấu quyết tâm một lần nữa theo học ngành y khoa để làm bác sĩ. Cô gái Việt Nam một lần nữa lao vào học ngày đêm và cuối cùng may mắn cũng mỉm cười khi Lily được nhận vào Đại học Melbourne như mong muốn. Cô cũng không phải tự lo chi phí vì đã có chính phủ tài trợ.
Video đang HOT
Trong quá trình theo học y khoa, Lily gây ấn tượng khi hoàn thành 6 dự án và có 3 dự án được đăng tải trên báo khoa học uy tín. Cô chính thức trở thành bác sĩ vào tháng 2/2019. Hiện tại Lily là bác sĩ nội trú đa khoa và năm sau sẽ được chuyển qua làm bác sĩ đa khoa.
Nói về động lực để vượt qua tất cả những khó khăn của tuổi trẻ, Lily chia sẻ cô luôn cảm thấy có mẹ ở bên và dường như bà chưa bao giờ mất đi: ‘Suốt mười mấy năm qua, mỗi khi làm việc tôi đều nói chuyện với mẹ và thấy mẹ đang ngồi lắng nghe, ủng hộ và bảo vệ mình. Nay, thực hiện được tâm nguyện của mẹ, tôi rất vui. Có lẽ, mẹ cũng đang vui và hãnh diện về tôi’.
Lily chua bao giờ thực sự nghĩ là mẹ đã mất và luôn nghĩ đến hình ảnh của bà để làm động lực
Nữ bác sĩ gốc Việt cũng cho biết, hiện cô đang thực hiện thủ tục để đưa bố sang đoàn tụ cùng hai chị em ở Úc. Em trai của Lily cũng đã được bảo hộ là công dân Úc theo diện tay nghề kế toán.
Theo baodatviet
Cô gái Việt quyết tâm thành bác sĩ ở Úc vì lời hứa với người mẹ đã mất
Khi còn sống, mẹ thích cho tôi và em trai qua Australia du học, nên mẹ gắng làm việc, tiết kiệm tiền. Năm tôi 10 tuổi mẹ qua đời vì bệnh.
Lily Vũ (tên khai sinh là Vũ Nguyễn Lan Chi) là cô gái gốc Việt, hiện làm bác sĩ tại một bệnh viện ở thành phố Melbourne, Australia.
Tháng 4 vừa qua, Lily được báo chí Australia giới thiệu như một tấm gương truyền cảm hứng cho nỗ lực suốt 12 năm ở xứ sở chuột túi để đạt được ước mơ của mình.
Tối 21/5, sau giờ làm ở bệnh viện, cô gái sinh năm 1992 đã có những chia sẻ về cuộc sống của mình với VietNamNet.
Chào Lily. Tại sao bạn chọn Australia để du học mà không phải là các nước khác?
Mẹ tôi có ước mơ được cho cả tôi và em trai qua Australia du học nên mẹ gắng làm việc, tiết kiệm tiền. Năm tôi 10 tuổi, mẹ bị bệnh. Tôi không biết mẹ bị bệnh gì. Mẹ nằm viện khoảng 6 tháng, ba và ông bà đưa mẹ sang Singapore chữa trị nhưng... mẹ không qua khỏi.
Mẹ mất, tôi rất hụt hẫng và buồn. Lúc đó, tôi ước sau này mình sẽ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho nhiều người.
15 tuổi, tôi học hết cấp 2 ở TP.HCM. Thực hiện tâm nguyện của mẹ, ba cho tôi qua Australia du học.
Nữ bác sĩ xinh đẹp gốc Việt cho biết, tới đây, nếu có điều kiện cô sẽ về nước giúp đỡ cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Ra nước ngoài sống khi 15 tuổi bạn gặp những khó khăn gì?
Có nhà ngoại định cư ở Australia, tôi cũng đỡ nhớ nhà và không quá vất vả tìm chỗ ở như nhiều bạn khác. Lúc đó, tôi học cấp ba trường quốc tế, mọi chi phí rất đắt. Một mình ba không thể lo hết cho hai chị em nên khó khăn của tôi là tài chính.
Mới sang, tôi chưa tìm được việc. Mọi chi phí từ ăn uống, tiền học, đi lại, quần áo, sách vở... đều phụ thuộc vào số tiền ba gửi qua. Dù có số tiền tiết kiệm trước khi mất của mẹ, nhưng tôi biết, ở Việt Nam ba đang làm việc rất vất vả. Tôi luôn dặn mình phải chi tiêu dè sẻn. Tôi còn nhớ, 6 tháng tôi dùng không hết chiếc thẻ điện thoại 30 AUD (khoảng 480 ngàn đồng).
Tiếp đến là rào cản về ngôn ngữ. Toàn bộ tài liệu học, nói, nghe, viết đều phải sử dụng tiếng Anh, vì thế, tôi khá bỡ ngỡ. May mắn, tôi được các bạn trong lớp và thầy cô giúp đỡ tận tình nên cũng qua hết.
Cô gái 27 tuổi cho biết, dù đã trở thành bác sĩ, nhưng cô sẽ tiếp tục học để bổ sung kiến thức cho công việc.
Hiện nay, Lily đã trở thành bác sĩ ở bệnh viện của thành phố Melbourne, Australia. Bạn đã thực hiện ước mơ năm 10 tuổi của mình thế nào?
Lúc học cấp ba, tôi đặt mục tiêu phải đậu đại học và phải có học bổng để đỡ phải đóng các khoản phí. May mắn, thi đại học, tôi đạt điểm cao. Được nhận học bổng ở Đại học Monash, nhưng tôi chọn học Cử nhân y khoa ở Đại học Melbourne để thực hiện ước mơ làm bác sĩ. Tôi rất tự hào khi được học ở ngôi trường dạy về khoa học và y khoa số một tại Australia và đứng thứ 14 trên thế giới. Khoa tôi theo học lấy điểm đầu vào cao nhất.
Ở trường này có quy định, các sinh viên phải học Cử nhân y sinh hoặc Cử nhân khoa học trong 3 năm đầu. Sau đó, nếu thi đậu mới được học tiếp 4 năm bác sĩ y khoa và phải đóng tổng cộng 7,2 tỷ đồng tiền học phí, vì tôi là sinh viên quốc tế. Đi theo diện này, ra trường, chưa chắc tôi đã có việc làm.
Một phần, ba lúc đó đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, tôi không muốn ba vất vả thêm vì mình. Tôi quyết định chọn con đường vòng. Đó là, tôi quyết tâm phải có được thường trú nhân ở Australia trước. Trở thành sinh viên bản địa tôi mới được chính phủ hỗ trợ tiền học và tiền sinh hoạt. Con đường này cũng giúp tôi dễ có việc làm sau khi tốt nghiệp hơn.
Suốt ba năm học Cử nhân y sinh, tôi đi dạy Toán, Lý, Hóa, Sinh cho các em học sinh luyện thi vào đại học để phụ ba lo các khoản phí. Năm 2013, tôi tốt nghiệp.
Sau đó, tôi quay sang học văn bằng Tốt nghiệp giáo dục để trở thành giáo viên, vì ở Australia là giáo viên có thể định cư theo dạng tay nghề. Hai năm sau, tôi lấy được văn bằng này. Cũng năm đó, tôi nhận được quyết định thường trú nhân, vì thi IELTS đạt 8 và 8,5 điểm ở tất cả các kỹ năng.
Sợ tôi là con gái, học bác sĩ y khoa sẽ vất vả, mất thời gian, ba và ông bà khuyên nên đi làm giáo viên. Công việc này đã cho tôi thu nhập để trang trải cuộc sống, chi trả tiền học phí suốt 5 năm. Thế nhưng, tôi quyết tâm thực hiện ước mơ của mình bằng được.
Bác sĩ Lily cho biết, khi mới sang Úc, cô thường bị cảm vì sống ở Sài Gòn có khí hậu ấm, nhưng Úc khí hậu lại lạnh. Trong ảnh là Lily và ông nội.
Là người Việt, làm ở bệnh viện nước ngoài bạn có gặp trở ngại nào không?
Tôi dốc sức học ngày đêm và may mắn đã mỉm cười. Năm 2015, tôi được Đại học Melbourne nhận vào học bác sĩ y khoa. Được chính phủ hỗ trợ tiền học phí và tiền sinh hoạt, tôi không phải vất vả đi làm thêm nữa. Tôi tập trung vào việc học, làm các nghiên cứu. Hiện tôi đã hoàn thành 6 dự án và có 3 dự án được đăng tải trên báo khoa học uy tín.
Tháng 12/2018, tôi tốt nghiệp. Hiện, tôi mới đi làm được hơn 3 tháng. Năm đầu tiên, tôi đang làm bác sĩ nội trú đa khoa. Sau một năm, tôi mới được chuyển qua làm bác sĩ đa khoa.
Ở bệnh viện tôi đang làm có rất nhiều người Việt. Họ sinh ra ở Australia. Chúng tôi rất thân thiện, hay giúp đỡ nhau.
Sống xa gia đình suốt 12 năm và tự phấn đấu để đạt ước mơ, mỗi khi khó khăn bạn sẽ tâm sự với ai?
Lily cho biết, suốt những năm qua, mẹ luôn là động lực để cô cố gắng làm tốt mọi việc.
Mẹ mất đến nay đã hơn 16 năm, nhưng tôi không thực sự nghĩ mẹ đã mất. Suốt mười mấy năm qua, mỗi khi làm việc tôi đều nói chuyện với mẹ và thấy mẹ đang ngồi lắng nghe, ủng hộ và bảo vệ mình. Nay, thực hiện được tâm nguyện của mẹ, tôi rất vui. Có lẽ, mẹ cũng đang vui và hãnh diện về tôi.
Hiện, tôi đã đi làm, cuộc sống cũng ổn hơn. Em trai tôi cũng đã trở thành công dân Australia theo diện tay nghề kế toán. Tới đây, công việc ổn định tôi sẽ bảo lãnh ba qua để mấy cha con được đoàn tụ.
Theo vietnamnet
Cuba cấp 15 học bổng toàn phần diện Hiệp định cho sinh viên Việt năm 2019 Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam vừa phát thông báo sẽ cấp 15 suất học bổng toàn phần đào tạo trình độ đại học của Chính phủ Cuba cấp cho Việt Nam năm học 2019-2020. Theo đó, các ngành đào tạo cụ thể gồm: 02 chỉ tiêu đào tạo ngành y khoa (trừ nha khoa) và 13 chỉ tiêu học bổng cho...