Con đường gian lận đến “giấc mơ Mỹ”
ANTĐ – Các dịch vụ gian lận như thi hộ, viết bài hộ đang trở thành ngành công nghiệp béo bở giúp nhiều sinh viên Trung Quốc thực hiện “giấc mơ Mỹ” nhưng lại đe dọa phá hỏng hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ.
Sinh viên Trung Quốc tại trường Đại học Columbia – Mỹ
Theo Reuters, các công ty gắn mác “hỗ trợ sinh viên” sẽ viết bài luận cho khách hàng, xử lý bài tập về nhà cho họ, thậm chí cả bài thi. Chẳng hạn, một đường dây gian lận ở Đại học Iowa, một trong những trường đại học công lớn nhất vùng Trung Tây Mỹ không chỉ giúp sinh viên Trung Quốc tìm cách vào trường bằng con đường không chính thống mà còn hỗ trợ khách hàng gian dối trong suốt quá trình học.
Không chỉ riêng Iowa, dịch vụ hỗ trợ sinh viên châu Á còn phổ biến ở nhiều vùng khác. Nhiều sinh viên tại Đại học Washington, Alabama và Pennsylvania nhận được quảng cáo bằng tiếng Trung qua email từ các hãng vô danh. Trong đó, quảng cáo ghi rõ sinh viên có thể nâng điểm trung bình và tốt nghiệp sớm nếu họ thuê người đi học hộ hoặc làm bài luận, đồng thời đảm bảo sẽ trả lại tiền nếu sinh viên không đạt điểm A.
Một sinh viên Trung Quốc cho biết, Dịch vụ sinh viên Quốc tế IU đã nhận làm bài thi giữa kỳ cho cô với giá 1.200USD. Một sinh viên khác bị bắt vì gian lận thừa nhận đã thuê công ty Fanyi Translation hay Fanyi Creation Translation với giá 1.400 USD cho kỳ thi giữa kỳ. Công ty này chuyên viết bài luận cho sinh viên và đảm bảo chất lượng bài viết vì có nhân viên là người nói tiếng Anh bản xứ. Fanyi tính giá khác nhau cho dịch vụ “đánh bóng” một bài viết hoặc viết theo kiểu hàng đặt trước.
Ở Trung Quốc hiện nay, để giành tấm vé vào các trường đại học, học sinh phải vượt qua kỳ thi tuyển khắc nghiệt. Nhiều bậc phụ huynh không muốn con cái họ bước vào cuộc chiến đó và cánh cổng đại học Mỹ được coi là con đường dễ dàng hơn, với chất lượng giáo dục tốt hơn và triển vọng công việc rộng mở hơn.
Theo Viện Giáo dục Quốc tế, hơn 760.000 sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ, một phần ba trong số này đến từ Trung Quốc. Một số liệu thống kê khác cho biết, trong năm 2014, các sinh viên Trung Quốc chi khoảng 10 tỷ USD tiền học phí và các khoản khác khi sống tại Mỹ. Bằng cách khai thác nhu cầu ngày càng lớn của học sinh Trung Quốc và mong muốn thu lợi nhuận từ sinh viên nước ngoài của các trường đại học Mỹ, các công ty có dịch vụ “hỗ trợ gian dối” ngày càng phát triển.
Trên thực tế, không phải tất cả sinh viên Trung Quốc đều không trung thực nhưng các trò gian lận có sức quyến rũ đặc biệt. Để giúp học sinh đi du học Mỹ, nhiều công ty ở Trung Quốc đã làm đẹp toàn bộ hồ sơ khi sửa hoặc viết hộ bài luận, làm giả thư giới thiệu của giáo viên trường trung học, thậm chí tư vấn cho họ cách lấy bảng điểm giả.
“Thuê người thi hộ đã trở thành một thực tế phổ biến ở Trung Quốc trong một thời gian dài” – Terry Crawford, người điều hành một dịch vụ phỏng vấn qua video có tên là Initialview nhận định. “Khi quá nhiều sinh viên Trung Quốc muốn học tập ở Mỹ, thì việc những hành vi gian lận ngày một lan rộng ở đây là điều hết sức tự nhiên”.
Hệ quả của sự gian dối này đã tác động không nhỏ đến hệ thống giáo dục đại học của Mỹ. Các quan chức thực thi pháp luật ở Mỹ đánh giá rằng, những tổ chức gian lận của Trung Quốc đang ập đến sát biên giới của nước này. Khi “Giấc mơ Mỹ” ở Trung Quốc càng sôi động, thì ngành công nghiệp gian dối này càng phát triển.
Theo ANTĐ