Con đường gia nhập NATO của Ukraine còn nhiều chông gai dù lộ trình đã rút ngắn
Theo hai cựu quan chức Nhà Trắng giấu tên, bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ Kiev, các cường quốc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) ít có khả năng ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh.
Lá cờ NATO và quốc kỳ Ukraine. Ảnh: Sputnik
Theo đài Sputnik (Nga), tại Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Litva, hôm 11/7, NATO đã quyết định xóa bỏ yêu cầu về Kế hoạch hành động Thành viên (MPA) cho Ukraine. Trong đó, liên minh đã đưa ra một danh sách cải cách và hướng dẫn tùy chỉnh để có thể xem xét đơn xin gia nhập của Kiev. Mặc dù những động thái này có thể giúp Ukraine gia nhập liên minh dễ dàng hơn, nhưng các cường quốc NATO đã bác bỏ khả năng mời Ukraine gia nhập liên minh trước khi xung đột với Nga kết thúc.
Trước đó, hồi năm 2008, NATO đã từng hứa hẹn đưa Ukraine trở thành thành viên của khối, song liên minh này chưa từng vạch ra khung thời gian chính xác để kết nạp Kiev.
Ông Michael Maloof, nguyên là chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định rằng NATO vô cùng cảnh giác với việc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Vì vậy, liên minh này đã hạn chế đưa ra tuyên bố cụ thể về mối quan hệ với Ukraine.
“Trường hợp này gợi nhớ những gì đã xảy ra với Georgia hồi năm 2008. Georgia là một lãnh thổ và quốc gia xung đột. Ukraine cũng đang trong xung đột và điều đó đi ngược lại tất cả các quy tắc của NATO. Tất nhiên, Georgia không bao giờ được kết nạp vào NATO. Tôi hoài nghi rằng Ukraine chắc chắn có kết quả tương tự, bởi dường như chưa có bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột, hay giải pháp hòa bình nào đưa Ukraine ra khỏi cuộc xung đột”, ông Maloof lập luận.
Đặc biệt, theo nhà phân tích Maloof, chính Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố rằng chừng nào Ukraine còn trong tình trạng xung đột, thì sẽ không có tư cách thành viên NATO. Nếu kết nạp một quốc gia đang trong xung đột, và nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO, theo giải thuyết, Điều 5 của Hiệp ước NATO sẽ có thể tự động kích hoạt.
Điều 5 của Hiệp ước NATO nêu rõ các nước thành viên sẽ coi một cuộc tấn công quân sự chống lại một hoặc nhiều nước NATO là một cuộc tấn công chống tất cả các nước thành viên. Và ông Maloof cho rằng NATO đang cố gắng tránh kịch bản đó bằng mọi giá.
Video đang HOT
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại họp báo ở Vilnius, Litva ngày 10/7, trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: AFP
Ông David T. Pyne – học giả của Lực lượng Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và Nội địa Mỹ (EMP), cựu sĩ quan Bộ Quốc phòng – cho biết việc NATO cắt giảm thủ tục nhập khối cho Ukraine chỉ là một động thái mang tính biểu tượng.
“Các nhà lãnh đạo NATO thừa hiểu rằng không có con đường nào để Ukraine gia nhập NATO vì Ukraine không đáp ứng nhiều yêu cầu – như có thể chế dân chủ, không có bất kỳ quân đội nước ngoài nào trên lãnh thổ, không có bất kỳ lãnh thổ nào đang tranh chấp và không ở chiến tranh với một quốc gia khác”, ông giải thích. “NATO sẽ không bao giờ vạch ra cho Ukraine một khung thời gian cụ thể để trở thành thành viên vì lý do này.”
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây đã cam kết rằng Kiev sẽ nhận được “đảm bảo về an ninh” sau khi cuộc xung đột kết thúc. Một tổ chức tư vấn của Đức cho biết đảm bảo an ninh đó có thể bao gồm một “hiệp ước về an ninh, tái thiết và hòa bình”.
Ông Pyne lưu ý rằng Kiev đã yêu cầu những đảm bảo tương tự hồi tháng 3/2022, ngay sau khi xung đột với Nga nổ ra. Thời điểm đó, Nga tuyên bố Ukraine cần được đảm bảo trạng thái trung lập bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm các đồng minh NATO là Mỹ, Anh và Pháp. Tuy nhiên, ông Biden đã từ chối cung cấp cho Ukraine bất kỳ đảm bảo an ninh nào vào thời điểm đó, vì lo ngại điều đó sẽ kích động leo thang xung đột với Nga.
“Yêu cầu chính của Nga là bất kỳ đảm bảo an ninh nào cũng phải nằm ngoài NATO. Tôi nghĩ đó chính xác là những gì NATO đang cân nhắc, nhưng họ chỉ xem xét các đảm bảo an ninh sau khi Ukraine đồng ý đàm phán”, ông Pyne nói, đồng thời lưu ý rằng nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra sau khi cuộc phản công của Ukraine chấm dứt.
Trong khi đó, viêc đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh tiềm năng cho Kiev sẽ phức tạp hơn, bởi thực tế là các quốc gia thành viên NATO có những mục tiêu khác nhau ở Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.
Trước hết, theo các chuyên gia, cuộc xung đột sẽ không có hồi kết. Ngay cả khi hai bên đạt được lệnh ngừng bắn, thì cũng không có thỏa thuận nào về những điều khoản cụ thể. Ông Maloof cho rằng Ukraine vẫn đang phản công giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
“Không rõ các điều khoản giữa các quốc gia NATO sẽ như thế nào và những đảm bảo mà họ đưa ra cho Ukraine trong những năm tới là gì. Và với vị thế kinh tế của từng nước và tình hình chính trị đang diễn ra, không có điều gì có thể rõ ràng trong một thời gian dài sắp tới,” ông nói.
Hơn nữa, ông Pyne giải thích rằng nội bộ NATO cũng đang chia rẽ về việc kết nạp Ukraine. Trong đó, chỉ có 9 thành viên NATO ủng hộ Ukraine gia nhập liên mình ngay lập tức, 22 quốc gia còn lại phản đối vì họ lo ngại điều đó sẽ khiến xung đột leo thang nghiêm trọng và thậm chí có thể kéo NATO vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga mà tổ chức này không muốn.
Theo vị chuyên gia, Đức, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Trong khi đó, bất kỳ kế hoạch nào của NATO về việc kết nạp thêm thành viên mới đều phải được sự đồng ý của tất cả 31 thành viên. Điều đó có nghĩa là Ukraine sẽ không bao giờ được kết nạp vào NATO.
Ông Pyne lưu ý thêm rằng Washington đã đề xuất một biện pháp đảm bảo an ninh “kiểu Israel” đối với Ukraine. Điều này sẽ cho phép Washington tiếp tục bán vũ khí tiên tiến cho Kiev mà phải tham chiến.
Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ bàn kế hoạch ba điểm cho Ukraine
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo ngày 7/7 rằng NATO sẽ phải đàm phán về một kế hoạch ba điểm trong hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius (Litva), nhằm đưa Ukraine tiến gần hơn tới việc gia nhập liên minh này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP
Theo hãng thông tấn Nga TASS, ông Stoltenberg nói: "Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo trong liên minh sẽ đồng ý một gói gồm ba yếu tố nhằm đưa Ukraine xích lại gần NATO hơn. Gói này sẽ bao gồm một chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm để đảm bảo khả năng cộng tác; thắt chặt quan hệ chính trị qua việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp mở màn của Hội đồng NATO -Ukraine mới thành lập; tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO".
Trả lời câu hỏi về sự khác biệt giữa thời điểm hiện nay và thời điểm năm 2008 - khi NATO tuyên bố rằng Ukraine có quyền tham gia NATO nhưng chỉ dừng lại ở đó, ông Stoltenberg nói: "Tất nhiên, một điểm khác biệt quan trọng là Ukraine đã tiến gần hơn đến NATO, bởi vì các thành viên NATO đã hợp tác chặt chẽ với Ukraine trong nhiều năm, đặc biệt là kể từ năm 2014. Điều này đã đảm bảo mức độ hợp tác và khả năng cộng tác cao hơn nhiều giữa Ukraine và NATO".
Vào tháng 4/2008, các nhà lãnh đạo NATO từ chối cung cấp cho Ukraine và Gruzia các kế hoạch hành động về tư cách thành viên, nhưng đã đưa ra một tuyên bố chính trị rằng dần dần Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên NATO, khi họ tuân thủ tất cả các tiêu chí của liên minh này.
Ông Stoltenberg gọi Hội đồng Ukraine - NATO là một cương lĩnh chính trị, giúp tổ chức các cuộc tham vấn giải quyết khủng hoảng và đưa ra quyết định về việc tăng cường hợp tác chính trị.
Ông nói: "Hội đồng NATO - Ukraine sẽ là một hội đồng do Ukraine và 31 thành viên NATO thành lập và hy vọng sẽ sớm có 32 thành viên trong trường hợp Thụy Điển gia nhập. Chúng tôi sẽ cùng nhau tham gia hội đồng này một cách bình đẳng. Chúng tôi sẽ nhất trí về các thể thức liên quan tần suất họp của hội đồng này, nhưng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ nhất trí cả về các thể thức để đảm bảo rằng từng thành viên hội đồng, gồm cả Ukraine, có thể triệu tập một cuộc họp để tham vấn khi có khủng hoảng".
Theo ông Stoltenberg, Hội đồng NATO - Ukraine cũng sẽ đưa ra quyết định sau các cuộc họp của mình.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên về những đảm bảo an ninh mà liên minh này có thể đưa ra cho Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, ông Stoltenberg cho biết đảm bảo an ninh tốt nhất là viện trợ quân sự từ NATO và viện trợ này phải tiếp tục ngay cả sau khi xung đột kết thúc.
Trong khi đó, ngày 7/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng sẽ thấy tinh thần đoàn kết giữa các nước thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Litva, đồng thời mong muốn nhìn thấy các bước đi cụ thể liên quan tới nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Tổng thống Zelensky cho hay ông cũng hy vọng các nhà lãnh đạo NATO sẽ thảo luận về các gói hỗ trợ quân sự bổ sung cũng như đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga yêu cầu các bên tôn trọng các mối quan ngại của nước này về an ninh liên quan đến NATO.
Theo đài RT (Nga), trong bài phát biểu ngày 2/7, ông Medvedev nhấn mạnh Nga sẽ ngăn chặn mối đe dọa về việc Ukraine gia nhập NATO bằng mọi cách. Ông cũng cảnh báo rằng vì các thành viên NATO nói rằng họ không thể kết nạp một quốc gia đang tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang, nên cuộc xung đột hiện tại Ukraine sẽ còn kéo dài, bởi sự tồn vong của nước Nga đang bị đe dọa.
Ngoại trưởng Đức nói NATO không thể kết nạp Ukraine vào thời điểm hiện tại Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Ukraine không thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi nước này vẫn đang vướng vào cuộc xung đột với Nga. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Tòa thị chính Oslo ở Oslo, Na Uy ngày 1/6. Ảnh:...