Còn đó những thầy cô bỏ phố đến buôn làng
Còn nhớ, ngày đầu năm học, bộ ảnh cô giáo trẻ xinh xắn với buổi lễ khai giảng đơn sơ nhưng ấm cúng, giản dị trên một điểm trường vùng cao huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam trở thành bức ảnh đẹp và xúc động nhất trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường…
Dù cuộc sống đã đổi thay, nhưng vẫn còn nhiều lắm thầy cô sẵn lòng bỏ phố, sống tận hiến với thanh xuân của mình…
Cô Trà My và học sinh trong ngày khai giảng năm học mới
Hai cô giáo trẻ trên đỉnh Ngọc Linh
Nóc Tắk Pổ nằm trên đỉnh Ngọc Linh với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Toàn nóc có khoảng 35 hộ dân, chủ yếu là người Ca Dong, đời sống vô cùng khó khăn. Dù chỉ cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng 10km đường chim bay, nhưng để vào nóc chỉ có một con đường duy nhất, thẳng đứng hiểm trở.
Trời mưa mọi hoạt động đi lại dường như tê liệt do đường trơn trượt, dễ rơi xuống núi. Chưa kể, để lên đến nóc phải vượt qua 3 khe suối nước lớn chảy xiết. Vì thế, thức ăn phải nhờ các cô dưới xã mua giúp và gửi nhà dân đầu lối đi lên, có khi tự xuống lấy.
Là người Cơ Tu sinh ra và lớn lên tại xã Chơ Chun, huyện Nam Giang, Quảng Nam, cô giáo trẻ Riáh Uối đã tình nguyện vượt hơn 200km để đến điểm trường trên nóc Tắk Pổ. Do điều kiện đường sá đi lại khó khăn, thì khoảng một tháng Riáh Uối mới về nhà một lần, cũng có khi 2 tháng mới về.
Vì mới lên vùng cao dạy hợp đồng năm thứ 2 nên thu nhập của cô Riáh Uối chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng điều đó không làm cô giáo trẻ nghĩ ngợi nhiều. Với cô Riáh Uối, được đứng lớp, được dạy dỗ cho các em là thỏa niềm mơ ước tuổi trẻ.
Còn cô giáo Trà Thị Thu (SN 1994, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập đã 5 năm, nhận nhiệm vụ dạy cho hàng trăm học sinh ở nhiều điểm trường của xã. Năm nay, cô mới nhận nhiệm vụ dạy học tại Tắk Pổ. Điểm trường chỉ nhận các em mầm non, lớp 1 và lớp 2.
Năm 2014, lần đầu tiên lên núi thấy phòng lớp xập xệ, mưa dột, ván mục, học sinh nheo nhóc… cô giáo trẻ nản lắm. Không ít lần, 2 cô phải đến từng nhà để dỗ học sinh và thuyết phục phụ huynh cho con đến trường. Thế rồi, đỉnh núi mù sương cùng 34 học trò nhỏ, chưa sõi tiếng Việt đã níu chân các cô ở lại. Vả lại, bà con ở đây dù đời sống khó khăn nhưng luôn sẵn lòng giúp các cô ổn định cuộc sống…
Bởi thế, dù thiếu thốn, vất vả nhiều lắm nhưng các cô đã đến và ở lại với đàn em nhỏ trên đỉnh núi mù sương này… Cũng như cô Uối, mỗi tháng cô Thu lại tranh thủ về quê một lần khi thời tiết thuận lợi mà thôi.
Dạy chữ Chăm để nhớ về nguồn cội
Cô giáo Đào Thị Sa Rôn, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Cần Thơ tâm sự: “Cha tôi từng là một nhà sư dạy tiếng Khmer trong chùa, từ nhỏ, tôi đã được Cha đưa vào chùa để học chữ Khmer. Lúc bấy giờ, cha đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê được đứng trên bục giảng và khơi gợi trong tâm hồn tôi một tình yêu mãnh liệt với tiếng Khmer, tiếng nói của đồng bào mình.
Sau này khi trưởng thành hơn, tôi bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ được dạy ngôn ngữ và chữ viết cho con em dân tộc mình, mong muốn tất cả con em người Khmer đều biết đọc, biết viết tiếng dân tộc…”. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô mong muốn trở thành cô giáo để mang kiến thức đến cho các em học sinh dân tộc mình. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sóc Trăng, cô chính thức được nhận vào công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Cần Thơ.
Video đang HOT
Thời gian đầu, với chiếc xe đạp thô sơ, cô giáo Sa Rôn vượt 10km tới trường, đi đi về về… Những hôm trời mưa to, gió lớn, cô phải dẫn bộ khoảng 5 cây số. Bởi thế, có không ít lần cô đã nghĩ đến việc xin nghỉ vì quá vất vả. Thế nhưng tất cả khó khăn ấy cũng trôi qua, nhường chỗ cho những tiết học “ê, a” tiếng Khmer, những nụ cười dễ thương của các em học sinh thơ dại.
Cô giáo Đào Thị Sa Rôn
Lúc mới nhận lớp, cô cảm thấy lo lắng vì trình độ tiếng Khmer của các em trong một lớp rất khác nhau, cùng với thời đó Bộ vẫn chưa ban hành sách nên “tôi không biết phải dạy theo chương trình nào và phương pháp gì cho phù hợp”.
Thêm phần, học tiếng Khmer là để các em không quên gốc, quên nguồn, nhưng cũng vì không kiểm tra, không lấy điểm, nên các em không thèm học. “Sau nhiều hôm suy nghĩ, nếu dùng biện pháp cưỡng chế, liệu việc học có bị phản tác dụng? Vì vậy tôi quyết định thay đổi phương pháp dạy tiếng Khmer của mình”.
Cô chọn phương pháp “Vui để học”. Hằng ngày, cô đều thiết kế bài giảng thật sinh động, học tiếng Khmer qua các trò chơi, đố vui, cho các em thi đua giữa các nhóm, các tổ với nhau. Tiết học của cô luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười, các em được tự do, hăng say trao đổi cùng các bạn, từ đó kiến thức mới dễ dàng dung nạp vào trí nhớ của các em.
“Mẹ hiền” của lũ nhỏ
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Cần Thơ Khoa Sư phạm Toán, cô Lý Hòa Ly quyết định quay trở lại quê hương, trở thành “người đưa đò” thầm lặng cho các em học sinh tại huyện mình.
“Tôi là một giáo viên trẻ, lại là người dân tộc Khmer nên rất có nguyện vọng được về trường công tác nhằm đem kiến thức mà mình tiếp thu được về truyền dạy lại cho con em đồng bào dân tộc của mình”. Thế là thể theo nguyện vọng, cô được phân công về nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Toán tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Danh Thị Tươi từ năm 2010. Đến tháng 01 năm 2015 Trường đi vào hoạt động nội trú, cô được lãnh đạo phân công làm Tổ trưởng Tổ quản lý học sinh nội trú.
“Khi trực tiếp ở, tiếp xúc và quản lý các em trong nội trú thì tôi thấy hoàn cảnh các em còn khó khăn hơn mình ngày trước rất nhiều. Mới 11, 12 tuổi phải sống xa cha mẹ để được học tập, thiếu tình thương của cha mẹ, các em luôn e dè, rất ngại khi nói chuyện trước đám đông, thiếu tự tin trong giao tiếp, thiếu kỹ năng sống,… Nhìn những em đó tôi cảm thấy xót xa vô cùng…”.
Cô Lý Hòa Ly
Gần 10 năm công tác tại Trường, cô đã có được rất nhiều đóng góp to lớn cho công tác giảng dạy, sinh hoạt tại đây. Ví như về công tác quản lý, cô giáo dục cho các em được tính tự lập (tự giặt quần, áo, mùng, mền, tự sắp xếp được thời gian biểu vui – học, học – vui cho mình), giáo dục cho các em xác định được mục đích của việc học và có ý thức tự học để đạt được mục đích của mình, hướng dẫn cho các em các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, biết được quyền và nghĩa vụ của mình, kết hợp với đoàn trường thành lập Câu lạc bộ văn nghệ, Câu lạc bộ thể dục thể thao và Câu lạc bộ tiếng Khmer.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở mũi Cà Mau, mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam trên đất liền Tổ quốc, đông anh chị em, như phần lớn những gia đình người dân tộc Khmer lúc đó.
“Cha mẹ thường không chú trọng việc học cho con cái, anh chị tôi ai cũng vì nỗi mặc cảm vô hình mà bỏ học giữa chừng để đi làm thuê, làm mướn nuôi gia đình, riêng tôi và cũng là thành viên duy nhất trong nhà vẫn nhất nhất tiếp tục bám trụ với việc học, dù đôi lúc cha mẹ la mắng, ngăn cản không cho tôi được cắp sách đến trường chỉ bởi vì chúng tôi quá… nghèo khổ”.
Với địa hình đặc thù như bao nhiêu tỉnh lị ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ lúc còn là học sinh tiểu học, mỗi ngày cứ gà vừa gáy, trời tờ mờ sáng, cô phải ôm tập vở ra bến đón đò dọc, đò ngang để đến trường.
Nhà cô lúc bấy giờ cách trường khoảng 3-4 cây số. Mỗi ngày cứ thế trôi qua, hôm nào trời mưa, chuyện té ngã, trễ đò phải đến lớp muộn là chuyện như cân đường hộp sữa. Mùa mưa cực một, mùa lũ cực đến… mười khi triều cường nước dâng lên, đò đi chông chênh, nắm chặt thành đò mà cô học trò bé nhỏ Lý Hòa Ly không khỏi sợ hãi…
Năm 2008, cô nhận được giấy báo trúng tuyển hệ đào tạo cử tuyển của Đại học Sư phạm Cần Thơ, niềm vui chưa trọn vẹn thì cũng là lúc cô bị gia đình ngăn cản đi học xa nhà. Cô còn nhớ lúc đó nhà nghèo tới nỗi, cha mẹ chỉ còn biết buông lời: “Thôi đừng theo nữa!”… Và rồi cha mẹ cũng không thể “chối từ” khao khát của con gái, đã vay mượn cho cô học đại học…
Tương tự, thầy Nguyễn Phúc Sinh lớn lên trong một gia đình nghèo sống bằng nghề làm thuê. Hằng ngày, ngoài việc học, thầy Sinh phải phụ giúp gia đình gánh nước thốt nốt để nấu đường kiếm tiền. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi Phúc Sinh đã thi đỗ vào Trường Đại học An Giang hệ Cao đẳng giáo dục tiểu học khóa 33.
Thầy Nguyễn Phúc Sinh
Ngoài giờ học, các em phải đi chăn bò, phụ giúp gia đình, đến mùa các em cũng phụ ba mẹ nhổ đậu phộng, lấy rơm cho bò ăn. Có những em, đến những ngày kiểm tra giữa học kì hoặc kiểm tra cuối năm, thầy Phúc Sinh và các thầy, cô giáo trong trường đã phải đi ra đồng tìm các em, kêu về đi học để làm bài kiểm tra. Có những em học sinh nhà khó khăn phải nghỉ học thường xuyên, có những em nhà xa trường phải đi bộ đi học.
Có những em học sinh ba mẹ đều đi làm ăn xa, các em phải sống cùng ông bà rất ít được quan tâm, động viên về tinh thần và việc học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, thầy Sinh và các thầy cô đã quan tâm, thăm hỏi, động viên các em cố gắng học tập tốt.
“Năm học 2016 – 2017, lớp thầy Sinh có em Chau Ly Hua ba mẹ đi làm công ty ở Bình Dương, em ở nhà một mình không ai nhắc nhở, quan tâm tới việc học tập, em thường chơi game, những ngày nghỉ học, thầy Sinh đã phải kiếm em ở các tiệm game, kèm thêm cho em ở nhà để theo kịp chương trình học…”, thầy Sinh chia sẻ.
“Người thầy chúng tôi, khi bước lên bục giảng chỉ mong các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, mong các em có đủ nhận thức học tập thật tốt sau này trưởng thành có kiến thúc phục vụ xã hội. Không có gì quý hơn khi chúng tôi được cống hiến cho xã hội bằng tâm huyết và lòng nhiệt thành của mình”, thầy Sinh tâm sự…
Và như thế, ở khắp mọi miền Tổ quốc, đã và đang có những người thầy tận tụy, không chọn “việc nhẹ nhàng” chỉ bởi những ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ. Bất giác tôi nhớ tới những tập truyện ngắn của Nga về những người thầy đặc biệt, giữa mênh mông thảo nguyên với “Cây phong non trùm khăn đỏ”, “Núi đồi và thảo nguyên”…
Phương Uyên
Theo baophapluat
Giáo viên vùng cao chia sẻ thực trạng công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Ngày 16/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức Tọa đàm "Thực trạn và giải pháp công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số".
Nhiều ý kiến kiến nghị giảm tải áp lực cho giáo viên trong các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, giáo viên dạy giỏi; có cơ chế luân chuyển cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn; có chính sách đảm bảo chế độ cho giáo viên và học sinh vùng cao.
Chủ trì Tọa đàm "Thực trạn và giải pháp công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số" có Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy; Phó Vụ trưởng Chính sách Dân tộc Ban Dân tộc Bế Thị Hồng Vân; Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Bộ GD&ĐT Lê Như Xuyên.
Tham dự chương trình có 63 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số tại các lớp học thuộc các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn
Tọa đàm đã có 15 ý kiến chia sẻ về những khó khăn, hạn chế trong công tác giáo dục tại vùng dân tộc thiểu số; đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc một số kiến nghị nhằm giảm tải áp lực cho giáo viên trong các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, giáo viên dạy giỏi; có cơ chế luân chuyển cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn; có chính sách đảm bảo chế độ cho giáo viên và học sinh vùng cao...
Cô giáo Mùa Thị A (Trường mầm non Hoa Đào xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Học sinh mỗi vùng dân tộc thiểu số bên cạnh những khó khăn chung thì có những hạn chế riêng. Việc áp dụng chương trình dạy kiến thức chung gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những kiến thức phù hợp với từng vùng miền. Ngoài ra, học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều em không có đủ tiền để mua sách vở đi học. Mong các cấp các ngành chó chính sách hỗ trợ, phát sách cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Cô giáo Hà Thị Hiền (Trường Tiểu học và THCS Phú Cường, Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) cho biết: Hiện nay theo quy định mỗi lớp bậc THCS không 45 học sinh, ở trường Phú Cường trung bình 40 học sinh/lớp. Tuy nhiên học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tiếp nhận kiến thức hơn so với những học sinh ở vùng thuận lợi. "Có những em học sinh lớp 7 do tôi phụ trách, khả năng đọc còn chậm hơn so với con tôi đang học cấp 1 ở thị trấn. Tôi đề nghị giảm sĩ số học sinh trong một lớp để giáo viên có điều kiện quan tâm, kèm cặp các em học sinh được tốt hơn", cô Hiền nói.
Thầy giáo Nguyễn Quang Trung (THCS Quảng Hòa, Đắk Nông) thẳng thắn bày tỏ thực trạng: Thực hiện việc tinh giản biên chế, số lượng giáo viên phụ trách lớp đã theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều cuộc thi dành cho giáo viên đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo thời gian giảng dạy cho học sinh trên lớp. Tuy có sắp xếp lịch dạy bù, nhưng vẫn không đảm bảo chất lượng bằng việc dạy như đúng quy định. Thầy Trung đề nghị, ngành giáo dục cần giảm số lượng cuộc thi dành cho giáo viên. Thầy Trung cũng đề nghị cần giảm số lượng hồ sơ sổ sách mang tính hình thức để giảm gánh nặng cho giáo viên chủ nhiệm. Bởi vì giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy, quản lý học sinh mà còn phải đảm nhiệm việc điều tra các chế độ dành cho học sinh.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Chính sách Dân tộc Ban Dân tộc Bế Thị Hồng Vân; Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Bộ GD&ĐT Lê Như Xuyên ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các giáo viên. Đồng thời, chia sẻ các chủ trương, chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Theo Tiền phong
Nơi non cao có những thầy cô như thế! Chịu khó, chịu khổ để học sinh chịu đến lớp và dần yêu con chữ - những thầy cô cắm bản cũng chính là những người đang ươm mầm xanh trong điều kiện khắc nghiệt nhất với tất cả sự kiên trì, nhẫn nại và niềm hy vọng vào tương lai. Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với...