Cơn “địa chấn” mang tên gian lận điểm thi năm 2018
Năm 2018, ngành Giáo dục trải qua cơn “địa chấn” mang tên “ gian lận điểm thi”. Chưa bao giờ kì thi vào ĐH, CĐ vướng phải bê bối gian lận kỉ lục như kì thi THPT quốc gia năm nay. Những giọt nước mắt của học sinh đã rơi vì suy sụp, vì bất công. Nhiều thầy cô phải vướng vòng lao lý. Đó cũng là bài học để năm mới, Bộ GD&ĐT nỗ lực đổi mới thi cử.
Bài 1: Hành trình tìm ra cơn “địa chấn” gian lận điểm thi
Vụ nâng, sửa điểm bị phát hiện ở Hà Giang và Sơn La, Hòa Bình, như cơn “địa chấn” của ngành giáo dục năm 2018. Cùng nhìn lại hành trình tìm ra cơn “địa chấn”, một trong những giáo viên đưa sự việc ra ánh sáng đầu tiên cho hay, nhìn những bất công mà hàng triệu thí sinh đang gánh chịu, họ không thể im lặng.
Từ những tin nhắn trên mạng xã hội…
Trong số những địa phương có gian lận điểm thi được tìm ra, Hà Giang là địa phương đầu tiên.
Chúng tôi nhớ lại, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, chiều tối 11/7/2018, trên mạng xã hội, một số phóng viên tiếp cận được thông tin băn khoăn về phổ điểm thi bất thường tại địa phương này.
Những thông tin đó được trích dẫn từ phân tích của một thầy giáo khác: Thầy Đỗ Ngọc Hà – đồng nghiệp của thầy Ngọc tại Hà Nội.
Vũ Khắc Ngọc là thầy giáo trẻ, ôn luyện môn Hóa học trên mạng xã hội và có số lượng học sinh tương tác trên Facebook cá nhân, fanpage… với hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Những thông tin của thầy Ngọc đưa ra có độ tin cậy cao với nhiều phóng viên giáo dục.
Họp báo công bố sai phạm khủng khiếp trong thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang.
Thầy Vũ Khắc Ngọc kể lại: “Khi thấy báo chí đăng tải danh sách 11 em được điểm cao nhất cả nước, tôi vui mừng chia sẻ thông tin này lên trang Facebook cá nhân. Tuy nhiên, lập tức chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực từ phía các em học sinh, là bạn học của các thí sinh nằm trong danh sách thủ khoa (bao gồm cả học sinh tại Hà Giang, Sơn La).
Với giáo viên dạy online thường có mấy chục nghìn học sinh, như tôi có đến 40.000 em. Khi tôi viết trên Facebook hỏi về những học sinh đạt điểm cao nhất của kỳ thi năm nay, nhiều học sinh bày tỏ thái độ mỉa mai đối với các bạn ở một số tỉnh miền núi nên thấy lạ.”
Đặc biệt, khi xem Facebook của học sinh điểm cao ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, chúng tôi thấy bất thường bởi những bạn đạt điểm cao nhất ở đây đều im lặng hết. Thậm chí phóng viên liên lạc với các thủ khoa của Sơn La, thí sinh này tuyệt nhiên không nghe máy hoặc máy không liên lạc được. Khi hỏi giáo viên liên quan đến thí sinh này, thông tin nhận xét về em cũng không đồng nhất khiến nhiều người đặt nghi vấn.
Chia sẻ với PV Dân trí, mẹ một thí sinh từng học trường chuyên của Hà Giang cho hay, khi cầm kết quả trong tay, con chị đã khóc nức nở. Cháu đóng cửa phòng, không thiết ăn uống vì suy sụp. Cháu không biết tìm công lý ở đâu nên mạnh dạn nhắn tin cho thầy Ngọc để chia sẻ nỗi niềm. “Không ngờ, dòng tin nhắn offline trên mạng Facebook lúc nửa đêm ấy, đã được các thầy cô để ý. Họ bắt đầu phân tích bất thường về phổ điểm”, chị kể.
Video đang HOT
Hàng loạt tỉnh “dính án” gian lận điểm
Sau Hà Giang, dư luận tiếp tục đặt nghi vấn gian lận điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình.
Ở Sơn La, theo ghi nhận của PV thời điểm đó, có 2 thí sinh có điểm thi cao nhất nước nhưng khi lục lại điểm thi thử trên trang thông tin của nhà trường, các thí sinh này có điểm thi thử nhiều môn dưới mức trung bình hoặc rất thấp.
Xét về phổ điểm chung của toàn tỉnh, điểm trung bình môn Toán, Địa lý, Giáo dục công dân của Sơn La xếp cuối cùng trong 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, tỉ lệ thí sinh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn Toán và Vật lý vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt các môn tự nhiên. “Điều này khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ”, một giáo viên cho hay.
Cơ quan công an ra quyết định khởi tố với 5 cán bộ sở GD&ĐT Sơn La.
Sau năm ngày làm việc liên tục, chiều 23/7/2018, tổ công tác đã công bố hàng loạt sai phạm tại Sơn La. Hàng trăm bài thi cũng bị can thiệp trực tiếp.
Nếu ở Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng chỉ cần 6 giây để sửa một bài vì ông sửa ở file danh sách đầu ra, thì ở Sơn La dưới sự chỉ đạo của ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT lại sửa ngay ở bài thi gốc, đây là một lỗ hổng chết người không thể sửa chữa bởi việc sửa chữa này khó tìm lại điểm nguyên bản ban đầu.
Ngày 3/8, việc gian lận điểm thi tiếp tục được “điểm tên” ở Hòa Bình. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 2 cán bộ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hai cán bộ này đã can thiệp để tăng điểm cho một số bài thi của Hòa Bình lên cao ngất ngưởng.
Đánh giá về gian lận điểm thi ở Hòa Bình, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, gian lận ở đây còn tinh vi và xảo quyệt hơn cả Hà Giang và Sơn La.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Cơ quan công an đã đưa vấn đề gian lận tại các tỉnh này ra ánh sáng.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) thanh tra công tác chấm thi môn Ngữ Văn tại Hòa Bình.
Chia sẻ với PV Dân trí về việc góp phần đưa gian lận điểm thi ra ánh sáng, thầy Vũ Khắc Ngọc cho hay: “Khi chia sẻ thông tin về những bất thường trong kết quả thi THPTQG, suy nghĩ của chúng tôi đơn giản lắm. Thấy sai, thấy bất công, thấy bất bình thì phải lên tiếng, chỉ đơn giản thế thôi.
Cảm xúc ấy càng được đẩy lên cao khi chỉ mới trước đó mấy ngày, tôi nhận được hàng trăm tin nhắn bày tỏ sự chán nản, bế tắc, tuyệt vọng của nhiều học sinh vốn rất giỏi nhưng lại không đạt kết quả như ý trong kỳ thi năm nay vì đề quá khó. Thậm chí đã có cả những bạn nghĩ quẩn, nếu mình không can thiệp quyết liệt, rất có thể các em có hành động dại dột”.
Giáo viên này cũng chia sẻ thêm, anh đã nhận được tâm sự, chia sẻ của rất nhiều bạn trẻ phải hy sinh 3-4 năm thanh xuân vì giấc mơ Công an, Quân đội, … Các bạn có lẽ cũng không biết và không ngờ rằng, ước mơ của mình bị đánh cắp một cách tàn nhẫn bởi những gian lận xảy ra ở đâu đó.
“Nghĩ đến những học sinh ấy, với những bất công mà các bạn và hàng triệu học sinh khác trên cả nước phải gánh chịu, chúng tôi thấy uất ức lắm và không thể không lên tiếng”. Có lẽ, đó là một trong những lý do khiến thầy Ngọc và cả Bộ GD&ĐT quyết tâm đưa gian lận điểm thi ra ánh sáng.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Nhìn lại vấn đề gian lận thi cử 2018: Bài học 'đắt giá' trong công tác tổ chức thi
Năm 2018 là một năm nhiều biến động của ngành giáo dục và đào tạo. Bên cạnh những thành tích nổi bật của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế hay lần đầu tiên Việt Nam có những trường đại học lọt top 1.000 thế giới..., năm qua cũng ghi dấu những "câu chuyện buồn" của ngành Giáo dục.
Đặc biệt, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đã gây chấn động với một loạt vụ gian lận điểm thi xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Những băn khoăn về Kỳ thi đã được đặt ra như còn gian lận nào chưa được đưa ra ánh sáng; làm sao bảo đảm công bằng trong giáo dục, thi cử...; làm thế nào để loại bỏ tiêu cực mà vẫn tạo thuận lợi, giảm áp lực cho học sinh... Đây là những thách thức đặt ra với ngành giáo dục trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện, trong đó có "đổi mới thi cử".
Các thi sinh dự thi ky thi THPT quôc gia 2018 tại điểm thi THPT Nho Quan C, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, ngày 27/6/2018. Ảnh: Hải Yến/TTXVN
Nhiều "lỗ hổng" trong công tác tổ chức thi
Một loạt vụ gian lận xảy ra ở các hội đồng thi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin về một kỳ thi công bằng, nghiêm túc và minh bạch.
Đặc biệt, nếu như ở Hà Giang 330 bài thi của 114 thí sinh được sửa từ 1-8 điểm, khi rà soát đã khôi phục được dữ liệu điểm thi gốc thì tại Hòa Bình, Sơn La, gian lận tinh vi khiến việc khôi phục điểm thi gốc gặp khó khăn.
Số cán bộ giáo dục, nhà giáo đã bị xử lý kỷ luật, bắt giam trong các vụ gian lận này là 11 người, trong đó Hà Giang 2 người; Sơn La 6 người; Hòa Bình 3 người. Số học sinh đã bị xử lý là 151, trong đó Hà Giang 114; Sơn La 29; Lạng Sơn 8.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, những sai phạm trên là do phần mềm chấm thi trắc nghiệm mặc dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi, nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.
Bên cạnh đó, công tác giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở một số khâu tổ chức thi tại địa phương chưa thật sự sâu sát, hiệu quả chưa cao. Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của các địa phương để xảy ra sai phạm chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình.
Công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi, nhất là ở các khâu trọng yếu, như coi thi, chấm thi còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực; việc quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu tổ chức thi.
Một số cán bộ tham gia tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi chưa thực hiện đúng chức trách của mình. Cá biệt, một số cán bộ thoái hóa biến chất, có ý định gian lận từ trước đã cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định rất cụ thể, chi tiết để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.
Từ việc phát hiện một số dấu hiệu bất thường về điểm thi tại một số địa phương trên cơ sở phân tích dữ liệu kết quả thi và tiếp nhận các thông tin phản ánh trong dư luận xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh ở các địa phương có nghi vấn; đồng thời tổ chức chấm thẩm định bài thi tại một số địa phương khác theo quy định của quy chế. Kết quả của quá trình tổ chức thực hiện tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre đã được thông tin rộng rãi cho toàn xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2018 nhằm phát huy ưu điểm của Kỳ thi trong những năm qua và tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật đảm bảo giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi trong những năm tới. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan đến sai phạm trong khâu chấm thi ở một số địa phương. Đây là bài học "đắt giá" để ngành giáo dục cùng các địa phương nhìn nhận lại công tác tổ chức thi cử trong thời gian qua, có hướng xử lý triệt để.
5 thay đổi lớn của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019
Đầu tháng 12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra phương án thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, trong đó có 5 nội dung thay đổi lớn, chủ yếu liên quan đến vấn đề kỹ thuật nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực.
Trước hết, nội dung đề thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 chủ yếu nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Thứ hai, đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi, Hội đồng thi. Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đồng thời điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến các Hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Bộ sẽ sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép. Cụ thể là mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi. Cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm. Đây là một hình thức "đánh phách" điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học, cao đẳng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp Trung học phổ thông gồm 70% điểm trung bình các bài thi Trung học phổ thông quốc gia dùng để xét tốt nghiệp 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Năm 2018, tỷ lệ này là 50%-50%. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố công khai, rộng rãi thông tin tổng hợp phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi.
Bộ cũng tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh đảm bảo nguyên tắc tự chủ. Theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.
Thứ năm, Bộ phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi; yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn, phân công cán bộ tham gia tổ chức thi theo đúng quy định của quy chế, đảm bảo có đội ngũ cán bộ đủ năng lực và có ý thức trách nhiệm cao tham gia Kỳ thi.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), mọi giải pháp, thiết bị công nghệ cũng không thể vượt qua trách nhiệm, ý thức của con người. Do đó, cùng với giải pháp công nghệ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định rõ trách nhiệm của từng thành phần, từng đối tượng tham gia các khâu của quá trình tổ chức thi, được cụ thể hóa trong quy chế thi và văn bản hướng dẫn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương phải chủ động, đề cao trách nhiệm và phải sát cánh cùng với Bộ, cộng đồng trách nhiệm thì mới có thể tổ chức tốt, thành công Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Theo baotintuc
Tại sao lại cần duy trì kì thi THPT quốc gia? "Nhìn lại kì thi THPT quốc gia năm 2018 với những điều được và mất, chúng ta khó có thể khẳng định đây là một kì thi thành công. Tuy nhiên xét trên bình diện chung, kết quả của kì thi vẫn là một thông số cần và quan trọng để đánh giá chất lượng giáo dục. Điều quan trọng bây giờ là...