Con đi thi, cha mẹ bán cả tấn thóc
(Công lý) – Bán thóc, bán lợn bán tất cả những gì có thể để đưa con đi thi THPT quốc gia là những câu chuyện dưới cái nắng như rang của các bậc phụ huynh ngồi chờ con làm thủ tục dự thi sáng ngày 30/6.
Vạ vật chờ con làm thủ tục dự thi
Ngồi vạ vật trong khuôn viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, cô Hoàng Thị Nhận quê Nam Định cho biết, do lo cô con gái đi đường xa mệt nên cô đưa con lên Hà Nội từ hai hôm trước. Dù không mất tiền thuê nhà như những gia đình ở nông thôn khác đưa con lên Hà Nội thi, nhưng cô Nhậm cũng phải bán 5 tạ thóc cùng với số tiền gia đình đã chuẩn bị từ vài tháng trước.
Video đang HOT
Cô Nhâm tâm sự: “Chúng tôi ở quê, chỉ trông mong vào mấy sào ruộng, giờ cho con đi thi thì chỉ biết bán thóc, gà, lợn chứ biết lấy đâu ra tiền. May là nhà tôi có người quen ở Hà Nội cho hai mẹ con ở nhờ mấy hôm thi, chứ không thì riêng việc tìm nhà trọ cũng đã đủ mệt rồi chứ chưa nói gì đến tiền nong. Mong là các cháu đỗ đạt”.
Không riêng gì nhà cô Nhậm mà chú Vũ Chuyên cũng phải bán cả tấn thóc để đưa con đi thi. Chú bảo, đây là kỳ thi quan trọng nên cả nhà cũng mất ăn mất ngủ cả tháng nay. Trước khi đưa con đi thi, chú Chuyên đã phải bán cả tấn thóc cầm theo 6 triệu trong người mà còn đang lo thiếu. Chú Chuyên kể, riêng tiền nhà thuê một ngày đã mất 400 nghìn đồng, tiền ăn, uống dù hai bố con chi tiêu tiết kiệm cũng phải mất gần 200 nghìn, còn chưa kể tiền đi lại, xe cộ.
Theo như nhẩm tính của chú Chuyên thì may ra số tiền chú cầm theo sẽ đủ cho hai bố con sinh hoạt trong mấy ngày diễn ra kỳ thi.
“Với người nông dân, một vụ làm quần quật ngoài đồng chắc gì đã được nổi một tấn thóc, giờ bán đi là trắng tay luôn, nhưng vì mong con thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nên chúng tôi chấp nhận hết” chú Chuyên chia sẻ.
Thấy cô Nhậm, chú Chuyên tâm sự chuyện kinh phí đưa con đi thi, chú Trịnh Văn Hòa cũng góp vui bằng câu chuyện hai vợ chồng góp lương công nhân cả tháng mới đủ tiền cho con đi thi 1 tuần.
Trong lúc chờ con vào làm thủ tục dự thi, chú Hòa gọi điện cho người thân thông báo tình hình
Để tiết kiệm tiền, chú Hòa đã chở con bằng xe máy từ Nam Định lên Hà Nội, dọc đường hai bố con mệt đâu nghỉ đó. Vì thế, 2 bố con đi từ nhà ở Nam Định lúc 7 giờ sáng mà đến tận 3 giờ chiều mới có mặt ở Hà Nội. Để con giải tỏa áp lực thi cử, bớt căng thẳng trước ngày thi, chú Hòa đã cho con đi thăm quan một số nơi ở Hà Nội. “Dù không có tiền nhưng tôi muốn con thật thoải mái trước kỳ thi, việc gì tiết kiệm được thì tiết kiệm còn việc gì phải chi tiền thì vẫn phải chi chỉ mong sao con thi tốt. Hai vợ chồng tôi ở quê làm công nhân, mỗi người cũng chỉ được 3-4 triệu, góp lại cũng chỉ đủ để đưa con đi thi”, chú Hòa nói.
Bác Vinh năm nay hơn 60 tuổi cũng đưa con đi thi chia sẻ, cho con đi thi, ngồi ngoài mà còn căng thẳng hơn cả con ngồi trong phòng thi làm bài. “Trước khi đưa con đi thi thì lo làm sao có đủ tiền, rồi lo chỗ ăn, chỗ ngủ trong khi thời tiết thì nắng nóng như thiêu. Con thi xong chưa biết kết quả tốt hay xấu, nhưng cái lo trước mắt là làm sao làm đủ tiền để trả nợ số tiền đã vay để mang đi. Chúng tôi, ở quê đưa con đi thi theo kiểu “giật gấu vá vai” nó khổ thế đấy” bác Vinh bùi ngùi.
Dưới cái nắng như rang, không khí ở trong và ngoài phòng thi đều ngột ngạt, bí bách
Trời nắng, các bậc phụ huynh người ngồi, người đứng, vạ vật ở gốc cây, hè phố, dù nhà có điều kiện hay eo hẹo về kinh tế dù ở thành thị hay nông thôn thì trên gương mặt họ đều hiện nét lo âu. Khi thấy các thí sinh ra khỏi phòng làm thủ tục, ai nấy đều quấn lấy con hỏi han, quạt mát, hỏi con trưa nay muốn ăn gì? Khi ấy, những tính toán của thiếu trước hụt sau, mệt mỏi lúc vạ vật ngồi chờ bỗng tan biến hết, chỉ còn lại sự quan tâm, lo lắng của tình mẫu tử.
Theo Công lý