‘Con dao vô hình’ của cha mẹ Việt
Cậu bé Ryota người Nhật bị tước đoạt mạng sống bởi chính nhát dao từ người cha của mình. Mâu thuẫn có lẽ đã ươm mầm từ rất lâu khi hai cha con thường xuyên tranh cãi về việc học.
Đỉnh điểm của bi kịch là một nhát dao vào ngực con khi cậu bé lười ôn luyện cho kỳ thi vào trường trung học “top” ở Nhật.
Nhát dao oan nghiệt ấy đã giết chết sinh mạng một con người và treo lơ lửng một án tù lên đầu người cha “cả giận mất khôn”. Bi kịch từ một đất nước xa xôi tưởng như chuyện lạ, sốc, hiếm.
Nhưng có bao giờ bạn nghĩ đến một số cha mẹ Việt vẫn đang lăm lăm “ngọn dao” vô hình trong tay? Căn bệnh cuồng thành tích, sĩ diện hão kia luôn ẩn hiện trong khá nhiều phụ huynh.
Yêu thương con và muốn chu toàn cho con một tương lai vững chắc là nguyện vọng đáng trân quý của bậc cha mẹ. Cuộc sống ổn định mai sau phải được xây dựng từ những “viên gạch” nền móng của sự học hôm nay.
Nhưng đâu phải vì thế mà gò ép con học ngày đêm, nhồi nhét kiến thức từ buổi học chính khóa đến lớp học thêm, học kèm? “Học, học và học”, đó là tất cả cuộc sống của biết bao nhiêu đứa trẻ ngoài kia vẫn đang miệt mài trong guồng quay của áp lực do chính bố mẹ tạo ra.
Cha mẹ vô hình chính là người đã gây sức ép lên những đứa con. Ảnh minh họa.
Tuổi thơ là mảng ký ức lung linh dung dưỡng tâm hồn mỗi người. Vậy mà trang viết ký ức của con trẻ lại là cảm giác mệt nhoài ngồi sau lưng bố mẹ vòng vèo trên các con phố đến lớp học thêm.
Là những công thức, bài văn dài dằng dặc chưa bao giờ có điểm dừng. Là những điểm số đỏ chói và tờ giấy khen lung linh vô tri vô giác… Tuổi thơ bị “bóp nghẹt” chẳng còn vẹn nguyên, tinh khôi mất rồi.
Video đang HOT
Cuộc chạy đua vào trường điểm, trường “top” ở nước ta cũng rất khốc liệt. Đỗ vào trường có chất lượng là bước đệm đầu tiên và là “tấm vé” bảo đảm cho những thành công tiếp theo.
Mang tâm lý ấy, mỗi mùa tuyển sinh là một mùa nháo nhào lo của phụ huynh và học sinh thì ngày đêm cho kỳ thi tuyển sinh là khoảng thời gian đầy ám ảnh của các sĩ tử. Áp lực từ kiến thức, áp lực từ bố mẹ như một cái gông cùm xiết chặt con trẻ.
Áp lực học hành, thi cử, điểm số, thành tích là một nỗi ám ảnh thật sự mà bố mẹ vô tình dồn ép lên vai con trẻ. Đó là sự nơm nớp lo sợ và tìm mọi cách giấu ghẹm những điểm số không “đẹp”.
Đó là cảm giác run run và hồi hộp, lo lắng mỗi mùa họp phụ huynh diễn ra. Và đó còn là sự bất lực đến tuyệt vọng khi mọi nỗ lực của mình đã không thể làm vừa lòng bố mẹ.
Hẳn là mọi người vẫn chưa quên cái chết đầy ám ảnh của nữ sinh Đ.T.T.T. vào ngày 27/12/2005. Sau cú nhảy sông tìm lối thoát của em, người ta tìm thấy những lá thư tuyệt mệnh và nỗi đau nhức nhối mãi.
Rồi vụ việc em V.N.T.T (học sinh giỏi lớp 11 chuyên Anh, trường THPT chuyên Lê Quí Đôn, Bình Định) tự vẫn như một hồi chuông báo động mãnh liệt nhất về áp lực học hành, thi cử, thành tích…
Hình ảnh người cha Nhật dùng cây dao làm bếp đâm vào ngực con quả là kinh hoàng, đớn đau. Nhưng mong rằng nó sẽ thức tỉnh những cha mẹ Việt đang làm đau con con cái mình một cách vô tình.
Theo Mai Lê/Người Lao Động
Khi phụ huynh... né giáo viên chủ nhiệm
Buổi họp sơ kết học kỳ 1 của lớp tôi cuối cùng cũng hoàn thành. Lớp tôi có 40 em, nhưng chỉ có 30 phụ huynh có mặt.
Về số lượng tạm đạt yêu cầu, nhưng tôi vẫn băn khoăn vì những phụ huynh vắng lại là những người tôi cần trao đổi về việc học và rèn luyện hạnh kiểm của con em họ.
Tôi nhớ lại chính các phụ huynh này trong buổi họp đầu năm đã mạnh dạn đứng lên nhìn nhận: gia đình chưa quan tâm, theo sát con cái nên các em mắc khuyết điểm như hay bỏ học, mê game, đánh nhau...
Tôi rất mừng vì những phụ huynh này đã cung cấp nhiều thông tin mà đồng nghiệp tôi - vì lý do nào đó - đã không ghi chú vào hồ sơ khi bàn giao chủ nhiệm. Tất cả họ đều hứa hợp tác với nhà trường để giáo dục con em tiến bộ hơn năm trước.
Tranh minh họa: Tuổi Trẻ.
Có phụ huynh còn thông tin cụ thể về con gái của mình: đã từng bỏ nhà cả tuần theo bạn bè, bán cả xe đạp, điện thoại để lấy tiền tiêu xài. Gia đình, nhà trường phải bỏ nhiều công sức mới tìm và thuyết phục được em về nhà...
Các phụ huynh còn lại cũng minh bạch những vi phạm của con em trong năm học trước, và hứa hẹn nhiều điều với thầy chủ nhiệm là tôi.
Tôi mừng vì phụ huynh có sự hợp tác tốt với nhà trường. Tôi đã tin như vậy.
"Điều mong muốn lớn nhất của thầy cô nói chung, giáo viên chủ nhiệm nói riêng, là phụ huynh hãy cùng nhà trường chung sức dạy dỗ con em thành người, bằng hành động thiết thực hơn là những lời hứa ngày đầu năm học".
Thế nhưng học kỳ 1 kết thúc trong sự lo lắng của tôi. Không ít phụ huynh có con mắc khuyết điểm và hứa hẹn nhiều điều với tôi trong buổi họp đầu năm đã không thật sự làm những điều như họ từng nói.
Khi con em họ tiếp tục vi phạm nội quy nhà trường, thiếu chăm chỉ trong học tập, đã được nhắc nhở ở lớp nhiều lần mà chưa tiến bộ, tôi buộc phải gửi thông báo về nhà. Thế nhưng không phụ huynh nào đến theo thư mời. Câu trả lời của các em là ba mẹ bận lắm, không đến được.
Tôi lại dùng cách gọi điện thoại cho phụ huynh. Có phụ huynh cảm ơn vì sự thông báo của thầy chủ nhiệm, rồi hứa sẽ nhắc nhở con. Có phụ huynh bày tỏ sự bất lực và trao hết... trách nhiệm cho thầy vì: gia đình đã chịu thua con rồi. Đó là với những phụ huynh chịu trả lời, hứa hẹn để xuôi chuyện, như thế là còn may mắn cho giáo viên chủ nhiệm.
Không nghe máy, thậm chí chặn số của thầy cô là cách làm khá phổ biến ở các phụ huynh có con em được gọi là chưa ngoan. Các phụ huynh này biết chắc những thông tin từ nhà trường không bao giờ là niềm vui cho gia đình nên không nghe điện thoại.
Phản ứng có hiệu quả nhất của phụ huynh khi trả lời thầy cô chủ nhiệm đó là lời đe dọa: con tôi nhiều khuyết điểm vậy, thôi tui cho nó nghỉ học luôn nhe! Thế là thầy cô phải xuống nước để phụ huynh tiếp tục cho con đến trường. Tất nhiên việc phê bình, nhắc nhở dần dần biến mất để giữ vững sĩ số lớp!
Hóa ra những gì phụ huynh đã làm thật ra chỉ để đối phó với nhà trường. Thầy cô chủ nhiệm không thể nhắc nhở gia đình một khi phụ huynh đã lên tiếng trước rằng: gia đình biết được con em có những sai phạm gì và hứa rất nhiều. Việc hứa hẹn đó như lời cảnh báo: thầy cô chủ nhiệm đừng làm phiền phụ huynh, mà hãy làm ngơ trước khuyết điểm của các em! Phụ huynh đã biết rõ mọi thông tin, vậy thầy cô còn thông báo gì nữa.
Giáo viên chủ nhiệm tuy vậy cũng không nản lòng. Dù biết phụ huynh chưa hợp tác nhưng với trách nhiệm và tấm lòng người thầy, các nhà giáo vẫn kiên nhẫn giáo dục các em. Đó là trách nhiệm của chúng tôi, nhưng cứ nghĩ về những phụ huynh như vậy, lòng lại thấy buồn quá!
Tìm gặp phụ huynh, coi chừng bị dọa kỷ luật!
Thầy cô chủ nhiệm nào quyết tâm chuyển đổi học sinh thì cố gắng tìm đến tận nhà trao đổi với phụ huynh. Có trường hợp học sinh tiến bộ vì gia đình và nhà trường tìm được tiếng nói chung.
Nhưng có khi thầy cô thất bại vì cha mẹ các em bận lao động kiếm sống cả ngày không dễ gặp. Phụ huynh có cơ sở kinh doanh thì thầy cô đâu dám tự đến vì sợ ảnh hưởng đến gia đình.
Đồng nghiệp tôi có được kinh nghiệm đau thương là do đã đến gặp phụ huynh, ngay tại cơ sở buôn bán gần chợ huyện, để bàn bạc chuyện khắc phục khuyết điểm của học sinh. Đó là do nhà trường đã gửi thư mời nhiều lần mà phụ huynh không đến gặp giáo viên chủ nhiệm.
Không ngờ sau đó phụ huynh đến trường khiếu nại rằng: giáo viên đã làm mất uy tín phụ huynh ngay chỗ làm ăn của gia đình. Phụ huynh đòi nhà trường phải kỷ luật đồng nghiệp tôi. Thế là đồng nghiệp tôi hết dám gặp phụ huynh.
Tất nhiên việc phối hợp cùng gia đình gần như không còn nữa.
Theo Nguyễn Hữu Nhân/Tuổi Trẻ
Họp phụ huynh, bố mẹ so kè từng điểm số Có lẽ những buổi họp phụ huynh luôn trở thành tiêu điểm để bố mẹ so kè điểm số của các con. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Khi con học lớp 1, lần đầu tiên đi họp phụ huynh cho con, tôi khá hồi hộp chờ xem điểm thi cuối kỳ, lo không biết con có đạt 9, 10 không? Tất nhiên...