Con đã trưởng thành!
Những dải ruybăng xanh, hồng trên những tà áo trắng. Những nụ cười, những giọt nước mắt, các nữ sinh, nam sinh bịn rịn chia tay nhau trong ngày tri ân và trưởng thành.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM trao dây ruybăng tím – màu biểu tượng của Trường Gia Long xưa – cho giáo viên với niềm kính trọng và biết ơn – Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trong đám đông đó, thấp thoáng những giọt nước mắt của những mái đầu bạc của mùa giảng cuối cùng…
Sợi ruybăng yêu thương
“Các bạn 16-19 ơi, các bạn đã cầm trên tay tín hiệu yêu thương của mình chưa?”. Lanh lảnh tiếng hiệu triệu vang lên trong khung cảnh lễ tri ân và trưởng thành của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM, diễn ra vào chiều tối 24-5.
“Dây ruybăng màu tím – màu biểu trưng của Trường Gia Long, Minh Khai chúng ta – là lời tri ân với thầy cô, các cô chú công nhân viên. Dây màu hồng bạn hãy dành cho những cô gái, chàng trai “đặc biệt” trong thời áo trắng.
Dây xanh dương hãy gửi đến những đứa bạn “chí cốt”, cùng nhau vượt qua vui buồn 3 năm qua. Cuối cùng, dây xanh lá bạn hãy đeo cho những đồng đội mình có hiềm khích lâu nay như một lời làm hòa nhân ngày đặc biệt của tất cả chúng ta”…
Rất nhanh chóng, những cô cậu học trò cuối cấp tìm đến những người đặc biệt để gửi tặng tình cảm trong ngày lễ cuối cùng của thời áo trắng. Những cái bắt tay, những nụ cười vang.
Ở một góc nhỏ bên ngoài, nơi ghế đá, một nữ sinh có vẻ như đang giận dỗi ai đó, lặng lẽ. Rồi như chợt nhận ra điều gì, chạy vụt tới đám bạn, tay đeo ruybăng, miệng mếu máo…
Những người “đắt hàng” nhất là các giáo viên khi không ít thầy giáo, cô giáo bị các học trò vây quanh để đeo ruybăng. Có cô hai tay buộc đầy dây đến nỗi màu tím đã thay cho màu áo.
Khoảnh khắc lắng đọng nhất là khi những lá thư tri ân liên tục được MC đọc lên với chất giọng truyền cảm.
“Mỗi tiết học của cô con đều thấy được tâm huyết và sự tận tụy của một nhà giáo. Không chỉ là những bài học trên trang sách, mà có cả những triết lý sống để vun đắp cho tâm hồi tụi con.
Sự từng trải, sự dễ thương, sự gần gũi và những nụ cười… có lẽ là những điều con sẽ không bao giờ quên khi nhớ về cô, một giáo viên ngữ văn rất “đẹp” nhưng cũng rất “đời” ở Trường Minh Khai” – Huy Thái, lớp 12A1, gửi tâm sự đến cô giáo Mỹ Trang.
Những giây phút khó quên trong ngày lễ tri ân ở Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Video đang HOT
Mùa tri ân cuối cùng
Ở thời điểm này, hàng loạt trường THPT trên cả nước tổ chức các buổi lễ tương tự cho các học sinh lớp 12, như một dịp để học sinh tri ân thầy cô trước khi ra trường, đồng thời là dịp bày tỏ sự biết ơn cha mẹ khi đã bước sang tuổi 18, tuổi trưởng thành.
Đấy cũng là lúc những người bạn nói với nhau những lời cuối trước những ngã rẽ khác nhau trong tương lai…
Dưới cái nắng oi bức của buổi sáng 25-5, khi bước vào Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) để chúc mừng người em, chị Nguyễn Hoàng Ngọc Diệp (1991, Phú Nhuận) tình cờ trông thấy người giáo viên cũ. Vậy là, rất nhanh chóng, Diệp “bắt cóc” cô giáo cũ ra một góc để cùng ôn lại chuyện xưa.
Chị Diệp kể trước đây mình là học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) nhưng có đi học thêm một năm với cô Đinh Thị Kim Thúy – giáo viên vật lý ở Trường THPT Phú Nhuận.
“Lúc gặp cô là tôi mất căn bản vật lý, cũng là năm đầu tiên môn học này chuyển sang thi trắc nghiệm, nhưng cô giảng dạy tận tình và hiệu quả lắm. Dạy xong, cuối năm tôi dù ban D nhưng thi tốt nghiệp lý được đến 9,5 điểm” – chị Diệp kể và tay bắt mặt mừng với người đã có công hỗ trợ mình 10 năm trước đây.
Trong sân trường, có một cô giáo chủ nhiệm lặng lẽ đứng nhìn từng lớp lên sân khấu chụp hình. Đó là cô Đinh Thị Kim Thúy, người dự lễ tri ân và trưởng thành cuối cùng của mình trong cuộc đời giáo viên vì chỉ vài tháng nữa cô nghỉ hưu.
Bức thư 5 học sinh đội tuyển học sinh giỏi vật lý THPT Phú Nhuận gửi tặng cô giáo bồi dưỡng Đinh Thị Kim Thúy nhân ngày tri ân – Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đưa cho chúng tôi xem một bức thư với những lời lẽ yêu thương viết vội trên tờ giấy A4 của nhóm “5 anh em siêu nhân”, mà chỉ một tháng cô đứng lớp bồi dưỡng học sinh giỏi chứ không phải chủ nhiệm.
“Xúc động lắm! Cảm giác như mình vẫn còn nhiều nhiệt huyết bỗng đứt ngang không còn làm được gì nữa” – cô Thúy, một trong số ít nhà giáo giành giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018 của ngành giáo dục TP.HCM, nói.
Trong không khí hân hoan đó, người ta thấy bóng dáng của một cô học trò nhỏ len lén mang một chiếc áo trắng đến từng cô giáo của mình để xin chữ ký. Đấy chính là Nguyễn Xuân Mai, mới chỉ là học sinh lớp 10 của Trường THPT Phú Nhuận.
Cô bé cho biết dẫu mới là năm học đầu ở trường nhưng cũng là năm cuối, vì Mai đang chuẩn bị xa trường lên đường du học. Vậy là cô bé đi tìm từng thầy cô dạy mình để nói lời chia tay trong dịp lễ trưởng thành của các anh chị.
“Người em nhớ nhất lại là thầy giám thị, phòng em kế phòng thầy nên thầy hay sang như người trong nhà. Lớp em hay phá nên thầy cũng thường bắt chúng em lao động, giờ nghĩ lại thấy vui mà thương thầy lắm” – Mai nói.
Hoc sinh Trường THPT Phú Nhuận trước giờ rời xa mái trường – Ảnh: DUYÊN PHAN
Hãy tích lũy “của để dành”
“Hôm nay, cô muốn nói đến một cụm từ: “của để dành”. Con người ta đều có thứ muốn để dành: người thích hoặc mong muốn điều gì sẽ có ý để dành cái đó, có thể là vật chất như tiền bạc, một thành quả nào đó, có thể là tinh thần, sức khỏe, tình yêu thương, tình bạn…
Có thể, các con đang ngồi đây cũng là một thứ “của để dành” của cha mẹ mình bởi mỗi người trong các con lớn lên đều là kết quả từ bao tâm sức của ông bà, cha mẹ, sau này có thêm công lao của thầy cô, và sẽ chững chạc trong cuộc đời với các mối quan hệ xã hội.
Khi trưởng thành, mỗi em sẽ xác định rõ điều mình mong muốn nhất để dần tích lũy cho mình. Trên hành trình đó, mỗi em sẽ đối diện với niềm vui, nỗi buồn, nụ cười, nước mắt, sự thành công và cả điều chưa đạt được.
Nhà trường gửi gắm đến các em học sinh của mình: “Với hành trang đã có, vẫn phải luôn cố gắng trang bị, trau dồi, tu dưỡng, vững vàng và tự tin bước tiếp, tích lũy cho mình “của để dành”.
Hãy sống, làm việc như một công dân tử tế, có trách nhiệm với chính cuộc đời mình, có trách nhiệm với những người thân, sống và làm việc có ích cho đời, cho xã hội”.
Cô TRƯƠNG THỊ BÍCH THỦY
(hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) phát biểu trong lễ tri ân và trưởng thành ngày 25-5 tại trường
Cảm ơn thầy vì những năm vừa qua đã giúp tụi con thay đổi rất nhiều. Mấy đứa tụi con đã rất khác với lần đầu tiên gặp thầy nhiều lắm. Khác từ ngoại hình, tính cách cho đến cả một mớ kiến thức trong đầu. Tất cả đều có một phần góp sức của thầy đó.
Thầy giảng bài hay lắm. Năm sau tụi con ra trường rồi, thầy sẽ không còn nhìn thấy những khuôn mặt thân quen của tụi con nữa, thầy đừng buồn nha. Tụi con sẽ về thăm thầy, tụi con sẽ không quên thầy đâu.
Minh Châu, đại diện lớp 12P1 và 12P2, gửi đến thầy Phạm Quang Tâm – giáo viên môn Toán Pháp
Theo tuoitre
Từ chuyện cậu bé 13 tuổi đạp xe 103km: Thay vì xiềng xích con bằng nỗi sợ hãi, bố mẹ hãy dạy con kỹ năng
Câu chuyện về cậu bé Vì Quyết Chiến 13 tuổi đạp xe hơn 100km với ước muốn được thăm em đang nằm viện dưới Hà Nội đã chia đôi mạng xã hội. Bên thì thương và cảm mến cậu bé. Bên thì giận vì lo lắng. Nhưng cả hai "phe" dường như đều bỏ qua một điều...
Nhiều bạn phóng viên hỏi tôi: Anh thuộc phe nào? Tôi chẳng biết trả lời sao nữa.
Thực ra, cách đây 6 năm, khi cậu nhóc Hoàng Gia Bách của tôi mới 7 tuổi, cậu ấy cũng đã từng khiến tôi thót tim như thế. Khi cậu dắt theo cô em gái Trà My mới 6 tuổi vượt một quãng đường chỉ chừng 3 con phố thôi nhưng cũng nườm nượp xe cộ. Chỉ là bởi cậu nhóc ấy muốn ra chỗ ông nội cậu hay đánh cầu lông.
Tôi khi đó cũng thót cả tim khi nghe điện thoại ông nội báo về việc đó. Là may mắn giờ đó ông nội chưa rời khỏi sân cầu lông. Là may mắn trên con đường cậu nhóc đó qua không xảy ra vụ tai nạn nào. Là may mắn cho tôi, một người cha hay lo lắng, khi con mình đã có một hành trình ngây thơ như thế.
Lần ngược lại hơn 30 năm về trước, khi tôi cũng mới chỉ là cậu nhóc 5 tuổi, đang học mẫu giáo lớn trên phố Nguyễn Hữu Huân. Một buổi tan học nọ, thay vì đứng chờ bố đến đón, cậu nhóc tôi hồi đó cũng lén trốn cô giáo băng qua 3 dãy phố: Hàng Mắm- Hàng Bạc để về đến Hàng Bồ, nhà tôi hồi đó.
Khi đó, cậu nhóc Hoàng Anh Tú chỉ nghĩ rằng con đường từ nhà đến trường ngồi sau xe đạp của bố cũng đâu có quá xa. Khi người ta đã vô cùng "người nhớn" rồi, sắp làm anh trai trưởng rồi (mẹ tôi lúc đó đang mang bầu em gái tôi) thì đoạn đường ngắn xíu ấy làm sao ngăn nổi ước mơ hành trình của mình?
Tôi sau lần đó đã bị bố tôi đánh cho một trận quắn đít. Đến lớp cô giáo vẫn chưa nguôi giận nhốt vào nhà vệ sinh tối om phạt một chập. Thằng tôi khi đó chỉ biết rấm rứt khóc vì không hiểu nổi vì sao mình đã làm được điều kỳ vỹ như thế mà phải chịu ăn đòn, phải chịu bị phạt.
Thế nên, khi tôi đến đón cậu nhóc Hoàng Gia Bách của tôi, tôi đã không phạt cậu nhóc ấy. Thay vì thế, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện như hai người đàn ông đã trưởng thành. Tôi dạy cậu những kỹ năng và phân tích cho cậu ấy về việc chúng ta không thể vượt biển chỉ bằng một con thuyền nan.
Trở lại cậu bé Vì Quyết Chiến, bao nhiêu người đang như bố tôi, cô giáo tôi trước kia? Bao nhiêu người cha, người mẹ khi chứng kiến con mình làm điều gì đó nguy hiểm là ngay lập tức trách mắng, bắt phạt? Liệu có bao nhiêu người cha, người mẹ nhìn thấu niềm tin ngây thơ của con?
Tình yêu, đôi khi trở thành thứ cùm gông bởi những bủa vây sợ hãi. Vì yêu con, nhiều bậc cha mẹ đã nhốt con trong những nỗi sợ hãi của chính mình. Nỗi sợ hãi đó làm cho họ chỉ thấy những hiểm nguy rình rập mà không nhìn thấy sâu thẳm trong đầu óc thơ ngây kia những khát khao, mơ mộng.
Không! Tôi cũng không ca ngợi hành trình hơn 100km với hàng chục con dốc đổ đèo khiến cả người lớn nhiều phen cũng hãi, chiếc xe đạp không phanh, bàn chân rướm máu của cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến. Cũng như cậu nhóc Hoàng Gia Bách của tôi, chúng ta hãy cùng nhau học thêm những kỹ năng để biến những niềm tin thơ ngây có thêm cơ sở. Đừng dạy con bằng sự sợ hãi của mình. Hãy tạm giấu đi nỗi sợ hãi vào trong để cùng con học từ chính những trải nghiệm đó.
Tôi của hơn 35 năm trước, cậu con trai của tôi 6 năm về trước và cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến hôm nay đều giống nhau như thế. Chúng tôi đều chẳng có nhiều kỹ năng ngoài trái tim tha thiết, niềm tin ngây thơ. Chúng tôi có thể phải trả giá bằng cả mạng sống của mình, khiến những người ở lại đau xót. Chúng tôi xứng đáng bị phạt vì điều đó - làm cho người khác phải lo lắng, sợ hãi.
Nhưng chúng tôi cũng xứng đáng để được cha mẹ ghi nhận về những điều mình đã làm chứ? Dù cho cách làm đó là sai phương pháp nhưng hãy cứ phải ghi nhận điều chúng tôi đã làm được chứ? Đừng nhốt chúng tôi trong sự sợ hãi của mọi người, đừng vùi dập chúng tôi bằng sự khôn ngoan từng trải của người lớn. Bởi, nếu người lớn nhớ lại đi, hồi bằng tuổi chúng tôi, chúng ta có ai không từng đôi lần "dại dột" như thế?
Nhìn rộng ra, bao nhiêu đứa trẻ đang sống trong vòng tròn mà bố mẹ chúng đã vẽ ra? Bao nhiêu đứa trẻ đã không dám bước ra khỏi vòng tròn đó vì chính những nỗi sợ hãi mà bố mẹ chúng đã truyền sang chúng? Bao nhiêu đứa trẻ đã không dám sai để lần sau làm đúng?
Vậy thì hôm nay, nếu bạn không muốn con mình phạm sai lầm như Vì Quyết Chiến, xin hãy dành nhiều thời gian cho con mình thêm những bài tập kỹ năng, tình huống. Điều đó hẳn tốt hơn nhiều so với việc lên mạng mắng mỏ cậu bé hay sa đà trong những cuộc tranh cãi có nên tung hô cậu bé này không? Tôi nghĩ điều đó hẳn sẽ tốt hơn nhiều.
Theo Helino
Người mẹ 90 tuổi dạy 6 con thành đạt trên đất Mỹ như thế nào? Bà Hesung Chun Koh ở tuổi 90 có niềm tự hào khi có 6 người con đều trưởng thành, tốt nghiệp những trường đại học danh giá nhất thế giới. Những năm qua, Hàn Quốc có tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc. Cùng với đó, thế giới dành sự ngưỡng mộ trước các chaebol, tập đoàn kinh tế hàng đầu...