“Con chỉ ước có đôi nạng để đến trường”
Đó là mong mỏi của cô bé Lê Thị Thúy, học sinh lớp 5D, Trường tiểu học số 2 Hòa Xuân Tây (Đông Hòa, Phú Yên). Đôi chân teo nhỏ ngay từ khi mới sinh ra, Thuý không thể đi lại như bạn bè đồng trang lứa.
Nhưng điều đó không thể ngăn được niềm khát khao học tập của cô bé. Hơn thế, trong 4 năm liền em luôn đạt thành tích học tập xuất sắc.
“Con bé sinh ra có 7 lạng thôi, nhỏ như cái chai ấy, yếu lắm, nó nằm trong lồng kính 25 ngày luôn cô à. Bác sĩ nói, con bé sống được là điều kỳ diệu đó” – bà Hồ Thị Thành (80 tuổi), bà ngoại của Thúy bắt đầu câu chuyện về cô cháu gái của mình như thế.
Dù đôi chân bị tật nguyền, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng em Lê Thị Thúy luôn cố gắng vượt khó học giỏi.
Thúy sinh năm 2000, vào đúng 25 Tết âm lịch. Vừa sinh ra, đôi chân em đã yếu ớt, càng lớn chân càng teo nhỏ, co rút dần. Khi đến tuổi mà mọi đứa trẻ đều biết đi thì em chỉ có thể trườn bằng cách dùng hai tay kéo người tiến lên phía trước. Thương con đứt ruột, cha mẹ em Thúy là anh Lê Ngọc Tài và chị Nguyễn Thị Nga đã cố gắng chạy chữa cho con nhưng đành bất lực.
Chị Nga kể: “Lúc Thúy 3 tuổi gia đình đã đưa ra Quy Nhơn chữa trị nhưng vẫn không có biến chuyển gì. Gia đình cũng khó khăn quá nên đành chịu, thương con lắm mà không biết làm sao”.
Lên 6 tuổi, nhìn bạn bè cắp sách đến trường, Thúy cũng náo nức đòi cha mẹ cho đi học. Nhưng chị Nga thương con sức khỏe yếu, lại bị khuyết tật đến lớp sợ chúng bạn chê cười nên khuyên con ở nhà. Nhưng khát khao được đến lớp, được học chữ của Thúy quá lớn, anh Tài, chị Nga cầm lòng không được đành mua sắm sách vở, áo quần đưa con đến trường.
“Lúc đó con bé năn nỉ bố mẹ cho đi học dữ lắm, thấy bạn bè ríu rít đến lớp là nó ra bậc thềm ngồi nhìn theo mà nước mắt cháy ướt cả má. Thương con quá nên cho Thúy đi học chứ tôi vẫn nghĩ chắc là nó không học nổi đâu”.
Thế nhưng, Thúy đã làm gia đình rất ngạc nhiên bởi ngay từ khi vào lớp 1 em đã rất sáng dạ. Dù không được học mẫu giáo, không được cha mẹ kèm chữ ở nhà nhưng khi vào lớp 1, Thúy đã nhanh chóng học kịp chúng bạn rồi vượt lên đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Thúy (áo kẻ) luôn được bạn bè nể phục, yêu mến vì tinh thần lạc quan.
Bây giờ đã là cô học sinh cuối cấp tiểu học, học giỏi chăm ngoan, được thầy yêu bạn mến nhưng Thúy vẫn rất không sao quên được những ngày đầu đến lớp. Vì nhà ở xa trường nên Thúy sang ở với bà ngoại gần trường hơn để có thể đến lớp dễ dàng. Bà ngoại đã già nhưng thương cháu hiếu học, dù nắng hay mưa bà Thành cũng cố gắng cõng cháu đến lớp đúng giờ.
“Nhiều hôm mưa to lắm, đường thì lầy lội, hai bà cháu lùm xùm áo mưa, cháu ôm cặp sách, bà cõng cháu trên lưng cứ thế đến trường” – bà Thành kể.
Video đang HOT
Lớn hơn một chút, thương ngoại già yếu, Thúy xin phép tự đến lớp một mình. Bố Thúy đã nhờ một người thợ mộc trong thôn đóng cho Thúy một đôi nạng gỗ nhỏ để em có thể tự đi học. Từ nhà ngoại đến lớp chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ nhưng sao đối với Thúy lại dài đến thế. Con đường làng mấp mô những viên sỏi khiến em không ít lần bị ngã trầy đầu gối, bẩn cả chiếc áo sơ mi trắng tinh mới thay.
Nhưng tất cả những khó khăn đó không hề làm Thúy nản lòng, cô bé lại chống nạng đứng dậy, gạt nước mắt tiếp tục bước tiếp, những bước đi dù không vững chải nhưng chứa đựng quyết tâm vượt khó mãnh liệt.
Cứ thế, gần 5 năm nay, người dân ở thôn Phước Lương (Hòa Xuân Tây, Đông Hòa) đã quen thuộc với hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn chống nạng đến trường, dù nắng hay mưa vẫn chưa nghỉ một buổi học nào.
Cô giáo Lưu Thị Nhiễm, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D, Trường tiểu học số 2 Hòa Xuân Tây nói về cô học trò đặc biệt của mình: “Dù khuyết tật, nhưng Thúy rất thông minh, đặc biệt em luôn biết vượt khó trong học tập, Thúy là tấm gương vượt khó học giỏi để nhiều học sinh khác noi theo”.
Mới đây em Lê Thị Thúy được Sở GD-ĐT Phú Yên tặng giấy khen thưởng Học sinh khuyết tật học giỏi.
Trong 4 năm liên tiếp Thúy liên tiếp là học sinh giỏi, được nhận nhiều giấy khen của Hội khuyến học xã, Sở GD-ĐT Phú Yên.
Được biết, gia đình Thúy thuộc diện khó khăn. Bố Thúy là công nhân chẻ đá. Công việc cực nhọc nhưng tiền kiếm được không là bao. Những ngay mưa lớn, không làm đá được thì anh đi làm thuê làm mướn, không có người thuê thì đành ở nhà. Mẹ Thúy làm nghề bóc hạt điều, ngồi còng lưng làm cả ngày cũng chỉ kiếm được 30 đến 40 ngàn đồng.
Biết gia đình khó khăn nên những khi học bài xong Thúy cũng phụ mẹ bóc hạt điều. Chị Nga rơm rớm nước mắt nói: “Con bé ngoan lắm, cứ đòi phụ mẹ việc nhà thôi. Nhưng nó có đi lại được đâu, toàn phải lết thôi nên tôi không cho nó làm. Thế là nó đòi bóc hạt điều, tay nó yếu nên bóc khó khăn lắm, thế mà cứ cương quyết làm cho bằng được. Có ngày cũng bóc được cả cân luôn đấy”.
Những lúc rảnh rỗi Thúy lại giúp mẹ bóc hạt điều để kiếm thêm thu nhập.
Khi được hỏi về ước mơ, đôi mắt Thúy sáng lên, em hồ hởi nói: “Con muốn được đi học đại học, được làm bác sĩ để chữa bệnh cho những trẻ em bị tật nguyền như con”.
Đôi nạng cùng Thúy đến trường bao lâu nay đã cũ mục, bị gãy nhưng không tìm được người đóng nạng mới nên bố Thúy phải quấn lại bằng dây cao su. Biết hoàn cảnh của Thúy, một nhà hảo tâm đã tặng một chiếc xe lăn nhưng đôi tay Thúy quá yếu, đường làng lại gập ghềnh nên không thể sử dụng được.
Chặng đường đến lớp của Thúy sẽ gian nan bội phần khi lên các bậc cao hơn em phải đi học xa hơn. Đôi nạng cũ kỹ liệu còn đủ sức nâng bước chân em…
Khánh Hằng – Thành Chung
Theo Dân Trí
Cô sinh viên trên xe lăn
Co quắp trên chiếc xe lăn, Chi lần mò bấm từng phím máy tính một cách khó nhọc. Cả hai tay, hai chân của cô bị cứng đơ không như người bình thường. Tôi đã gặp Chi trong hoàn cảnh như vậy trong KTX Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Chi kể cho tôi nghe về quãng đời 20 năm trên xe lăn đi tìm con chữ, đạo nghĩa và khát vọng của mình.
Tuổi thơ nghiệt ngã
Đúng 20 năm trước, tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, một bé gái ra đời và được bố mẹ đặt cho cái tên: Nguyễn Thùy Chi.
Ông bà, bố mẹ và các bác đều thương yêu cô bé Chi hết mực, nhưng sự việc đau buồn đã xảy ra: Gần 10 tháng mà Chi vẫn chưa biết lẫy, biết ngồi trong khi những đứa trẻ khác tầm đó đã chập chững biết đi.
Hoảng hốt trước hiện tượng bất thường của con, bố mẹ đã đưa Chi đi khám xét khắp nơi. Cho đến khi xuống Viện Nhi Thụy Điển (Hà Nội) thì được các bác sĩ kết luận rằng em bị cứng cơ dây thần kinh số 7 (tức dây thần kinh vận động). 4-5 tháng được đích thân GS Nguyễn Tài Thu châm cứu nhưng bệnh tình của Chi cũng không thuyên giảm. Thậm chí Chi còn bị sụt cân nghiêm trọng, cả nhà vô cùng lo lắng nên đã đưa bé về.
Gia đình đưa em đi chữa ở nhiều nơi khác nữa, nhưng bệnh tình của Chi không chuyển biến. Cả nhà ai cũng chán nản, tuyệt vọng. Đỉnh điểm của điều đó là việc mẹ đã bỏ hai bố con để đi tìm bến đỗ khác.
Một tuổi, Chi đã co quắp chân tay phải ngồi xe lăn nhìn các bạn khác tung tăng nô đùa. Đến năm 3 tuổi, mẹ bỏ em, bỏ nhà đi tìm hạnh phúc mới. Năm 4 tuổi, mẹ quay lại làm thủ tục chính thức ly hôn với bố Chi. Nhắc đến mẹ, ánh mắt tươi vui và nụ cười trên môi lúc đầu gặp tôi đã không còn nữa. Dường như trên khoé mắt của Chi lúc này đang có nước mắt, giọng chùng xuống: "Từ ngày mẹ bỏ bố con em đi, đến nay đã mười mấy năm, mẹ chỉ về đôi lần gửi cho em cái kẹo, cái bánh rồi vội vã đi ngay và đến giờ em cũng không biết mẹ ở nơi nào".
Chi khó nhọc đánh từng phím chữ máy tính trong căn phòng của mình.
Câu chuyện đã xảy ra bao năm nhưng Chi chỉ biết khóc một mình, không oán thán mẹ. Em luôn giấu nỗi đau ấy, niềm tủi thân ấy trong lòng.
Người mẹ bỏ đi cũng là lúc gia đình Chi bộn bề khó khăn. Bố em đi làm công nhân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Chi kể lại: "Bố em khi mới ngoài 30 tuổi đã yếu hơn mọi người. Bố mắc bệnh thận, gan, nói chung lục phủ ngũ tạng đều bị tổn thương do chất độc, nhiều đợt chân bị phù không thể đi lại được. Đến năm nay bố mới 45 tuổi, nhưng chỉ có thể ở nhà nấu cơm, quét sân chứ không thể làm được việc nặng". Hai bố con cùng với hai ông bà già yếu đã ngoài 80 tuổi, không có lương cũng như bất cứ nguồn thu nhập kinh tế nào. Cả gia đình Chi phải nhờ vào sự giúp đỡ của mấy người bác gái ở gần đó. Nguyễn Thùy Chi tâm sự rằng có lúc tưởng như đã không vượt qua nổi, phải đầu hàng số phận. Nhưng rồi ánh sáng niềm tin ở Chi mỗi ngày trỗi dậy và em đã bước tiếp...
Tìm con chữ trên xe lăn
12 năm trước, ở Cốc Lếu, Lào Cai, cứ mỗi sáng sáng, người ta lại bắt gặp hình ảnh hai ông bà lão đẩy xe và có chỗ phải cõng một cô bé từ nhà đến trường. 5 năm tiểu học, trường cách nhà có vài trăm mét nhưng Chi đã không thể tự đi đến trường. Bằng đôi tay và tấm lưng của ông bà nội mà Chi mới được đến trường học. Những ngày ông bà ốm yếu, người cha lại nghỉ làm để đưa Chi tới trường. Nhiều lúc Chi khóc, buồn cho số phận của mình và thương ông bà, thương bố. Sau giọt nước mắt đó Chi bảo cô có thêm sức mạnh, có thêm động lực.
Hai bàn tay đã bị cứng cơ, nên những ngày đầu tập viết thật cực hình. Để viết được con chữ ngay ngắn, thẳng hàng trên trang giấy, nhiều phen Chi đã phải toát mồ hôi, chảy nước mắt vì đau đớn.
Lên học cấp 2, cấp 3, trường đã cách nhà vài cây số, lúc đó ông bà nội của Chi cũng yếu nhiều. Số phận nghiệt ngã lại bám lấy Chi và em đứng trước một sự thực rằng mình sẽ phải nghỉ học nếu không có ai đưa đi. "Nhưng cuộc đời này em vẫn còn một chút may mắn, nhiều năm liền bạn Nguyễn Thu Thảo và Kim Ngân ở gần nhà sáng sáng đến đưa em đi học.." - Chi nhớ lại. Hai người bạn ấy và một số học sinh khác đã được Chi nhắc lại với sự cảm phục và biết ơn sâu sắc. Họ như những người bạn tri kỷ nhất của Chi hồi học phổ thông. Thậm chí đến năm lớp 12 do phải học cả ngày, không về nhà được, nên một số bạn nữ cùng lớp đã mang cơm đi và ở lại qua trưa cùng Chi.
Chi kể: "Bạn Hoa, bạn Thư nhà ở xa, trưa thấy em không về được lại không biết ăn uống như thế nào nên đã mang cơm, thức ăn và nước đến lớp để cho em ăn cùng. Đến khi ăn, em cũng không thể nào cầm đũa, cầm thìa được nên các bạn lại gắp, bón cho em ăn từng miếng một".
Những người bạn tốt đã luôn ở bên Chi suốt nhiều năm học. Không những đưa đi học, cho ăn mà còn chép bài trên lớp hộ vì bản thân em không thể nào viết kịp lời thầy cô giảng. Cảm động và nể phục trước tấm gương học tập và vươn lên trong cuộc sống của Nguyễn Thùy Chi, thầy cô trong nhà trường đều lấy em làm tấm gương để các bạn noi theo. Để giúp Chi phần nào bớt đi những khó khăn của thể xác, thầy cô thường kiểm tra em bằng phương pháp trắc nghiệm, vấn đáp hoặc cho đề bài về nhà để em tự làm.
12 năm học của cô học trò thành phố núi Nguyễn Thùy Chi cũng kết thúc với bao gian khó. Thành quả của 12 năm ấy để đền đáp ông bà, bố và bao người bạn tốt là những tấm giấy khen tiên tiến. Nhưng điều đặc biệt hơn, Chi đã đạt tiêu chuẩn để được đặc cách thi tốt nghiệp. Đây là chính sách chung của Bộ GD-ĐT dành cho những học sinh phổ thông bị khuyết tật nhưng có năng lực thật sự và có điểm học loại khá trở lên.
Khát vọng vào đại học
Chi tâm sự: "Em rất khát khao được đến trường, được học như bao bạn khác". Những năm học ở trường PTTH Số 1 Lào Cai đã hun đúc niềm khát khao một ngày sẽ được vào đại học của Chi. Em yêu thích văn chương và các môn xã hội nên quyết định sẽ theo đuổi khối C và cái đích là Khoa Văn trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.
Khát khao là vậy, nhưng thấu hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Chi nhiều lúc cũng định từ bỏ ý định thi đại học. Nhiều người còn nói nếu có đỗ đại học cũng chưa chắc đã đi học được. Cứ mỗi lần nghe vậy, Chi lại buồn và chỉ biết khóc một mình. Đang trong hoàn cảnh bĩ cực đó, cô Mai Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng trường PTTH Số 1 Lào Cai và cũng là giáo viên môn Lịch sử của Chi - đã đến động viên, an ủi. Cô giáo Hiền đã không quản khó khăn, xa xôi để xuống tận Hà Nội để hỏi Vụ Đại Học - Bộ GDĐT xem một thí sinh bị khuyết tật nặng thế thì có được thi hay không và thi với hình thức nào. Chi và mọi người trong gia đình đều rất lo lắng, hồi hộp chờ đợi kết quả chuyến đi của cô Hiền. Tháng 3 các học sinh làm hồ sơ thi đại học thì đến tháng 5/2010 cô Hiền thông báo: Được thi (Dự thi vào khoa Văn trường Đại học KHXH&NV) như đúng nguyện vọng.
Niềm vui bất ngờ như vỡ òa ở Nguyễn Thùy Chi, còn gia đình thì ai cũng vẫn rất lo lắng. Một cuộc họp nội bộ trong gia đình đã diễn ra và Chi biết mình được đi thi chính thức vào ngày 5/6/2010.
Ngày 9-10/7/2010 trời nắng như đổ lửa và cũng là hai ngày thi đặc biệt nhất với Thùy Chi. Cả hội đồng coi thi tại trường Đại học KHXH&NV Hà Nội ngạc nhiên cùng ánh mắt tò mò của những thí sinh khác soi về phía cô học trò trên xe lăn. Chi nhớ lại, kể: "Em được thi một mình trong một phòng thi nhỏ với 3 giám thị coi thi. Một giám thị quan sát chung, một giám thị đọc để và ghi lại bài làm, một giám thị ghi âm và quay camera buổi thi". Bên ngoài phòng thi của Chi luôn luôn đặc kín những người hiếu kỳ nhòm ngó.
Vì tâm lí và sức khoẻ có vấn đề Chi đã làm lạc đề một câu môn Lịch sử nên em chỉ được 17 điểm/3 môn (thiếu đúng 1 điểm để vào khoa Văn).
Nỗi buồn, niềm tiếc nuối ập tới sau khi biết điểm thi. Mọi người động viên, an ủi em vượt qua để tìm cách khác. Không nản chí, Chi đã dùng máy tính nối mạng ở nhà để gửi thư tới lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Vụ trưởng vụ Đại học. 1 tuần bức thư đi, em không nhận được hồi đáp. Sốt ruột và lo lắng, Chi tiếp tục gửi thư qua mail cho ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Chi kể sáng gửi thư, chiều Bộ trưởng đã trả lời rằng rất cảm phục trước nghị lực của em và hứa sẽ giải quyết cho em. Sau khi có thông tin của Bộ trưởng, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã gọi điện cho Chi và báo rằng có một khoa rất phù hợp với em và điểm nguyện vọng 2 của thấp hơn điểm thi của em. Đó chính là khoa Quản lý Xã hội - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi Chi đang theo học bây giờ.
Khi nghe câu chuyện trên, chúng tôi vô cùng khâm phục trước nghị lực và lòng can đảm của cô sinh viên trẻ liệt tứ chi Nguyễn Thùy Chi. Bánh xe lăn của em đã lăn tới giảng đường đại học. Chi mong ước sau này, khi ra trường có một công việc ổn định, làm ra tiền để giúp đỡ người cha bệnh tật nơi quê nhà. Tôi từ biệt Chi khi bữa cơm trưa của người giúp việc đã mang đến cho em. Qua khung cửa sổ, ánh mắt Chi với nụ cười tươi vẫn nhìn theo tôi dù em đang phải giấu những nỗi buồn và sự âu lo của chặng đường phía trước.
Xin đừng để Chi phải bỏ học! Cô Đào Thị Thông, Chủ nhiệm lớp Quản lí Xã hội K30( lớp em Chi) cho tôi biết: "Tôi rất trăn trở khi biết hoàn cảnh em Chi. Lớp, Khoa đã có ý kiến để nhà trường giúp đỡ em được ở một mình cùng người giúp việc trong căn phòng nhỏ KTX, đồng thời các bạn trong lớp giúp đỡ thêm em trong học tập. Nhưng hiện nay tôi được biết gia đình em không có khả năng kinh tế để nuôi con cháu mình ăn học. Các bác gái cũng rất cố gắng lo tiền ăn, sinh hoạt hàng tháng cho Chi khoảng 1,5 triệu. Còn tiền trả người giúp việc 1,5 triệu nữa thì Chi phải tự lo". Cô giáo Thông nói thêm: "Em Chi rất lạc quan. Em cũng như nhiều người khuyết tật khác với nghị lực can đảm, khát vọng lớn đã làm cho cuộc sống này thêm ý nghĩa. Em luôn hy vọng. Vậy tôi mong nhà trường, mọi người và các tổ chức xã hội hãy giúp đỡ để niềm tin của em Chi không bị vụt tắt".
Theo Lao Động
Khâm phục cậu bé "một ngón" viết chữ, vẽ tranh tuyệt đẹp Từ khi chào đời, mỗi bàn tay của Nguyễn Duy Đạt đã chỉ có duy nhất một ngón. Bằng nỗ lực vươn lên của chính mình, cậu bé Đạt đã tập viết chữ và vẽ tranh rất đẹp. Ước mơ sau này của em là trở thành họa sĩ. Đến xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có lẽ không mấy...