Con biến dạng tâm lý vì bị chửi mắng nhiều
Con trai lớp 5 chỉ giải được toán lớp 2, cặp vợ chồng Hà Nội bất ngờ khi biết chỉ số thông minh IQ của con là 110, không thấp.
Vừa cầm đề bài Toán cô giáo đưa, chưa đọc, Minh đã đẩy lại, bảo không làm được. Vẻ mặt thờ ơ, cậu nói: “con không biết gì đâu” rồi quay đi chỗ khác. Thi thử vào lớp 6, cả Toán và Tiếng Việt của Minh chỉ đạt 0,5 điểm, bị đánh giá ngang học sinh lớp 2.
Bố mẹ Minh hoảng hốt, đưa con đi kiểm tra trí thông minh, vì 4 năm đầu cấp bé học tốt. Bất ngờ là IQ của Minh 110, thuộc mức khá, trí nhớ cũng ổn.
Chia sẻ với chuyên gia tâm lý, Minh luôn tự nhận mình dốt, vì “bố mẹ con bảo thế”. Bố mẹ cậu làm kinh doanh luôn luôn đòi hỏi các con, nhất là Minh, cậu con trai duy nhất, phải thật hoàn hảo. Thấy cậu làm gì không đúng ý, như xếp bát đũa lộn xộn, họ lập tức quát “ sao con dốt thế”. Ông bà cậu bé cũng thường xuyên “đổ dầu vào lửa”: “Sao chị với em con thông minh mà con lại dốt”.
Những trường hợp như Minh không hề hiếm.
Tuấn, một học sinh cấp hai cũng ở Hà Nội, được bố tặng một chiếc xe đạp màu đỏ. Ngày đầu tiên dùng xe, cậu dắt về trong tình trạng xì lốp. Bố hỏi tại sao, Tuấn bảo do bạn bè chọc đinh.
Ngày hôm sau, tình huống trên lặp lại. Không chịu nổi, bố Tuấn đưa con đến nhà tâm lý để mong con đỡ nhát, đỡ bị bắt nạt.
Nghe chuyện, chuyên gia kết luận Tuấn chịu để bạn bè bắt nạt vì ở nhà luôn sống trong sự ức hiếp của bố. Cậu bị bố chê bai “yếu đuối”, “ẻo lả”, “không đáng mặt đàn ông”, chẳng bao giờ được quyền quyết định thứ gì nên dần dần buông xuôi, không buồn phản kháng. Ngay cả chiếc xe đạp màu đỏ cũng là do bố Tuấn tự mua, ép con thích.
Cả hai cậu bé đều có điểm chung là phải chịu những lời nói gây tổn thương dẫn đến đánh mất chính mình, ngả theo nhận xét cay độc của người lớn.
Ảnh: Asian Scientist Magazine.
Video đang HOT
Sử dụng những từ ngữ gây tổn thương để quát mắng là một dạng ngược đãi về mặt cảm xúc, thể hiện sự kiểm soát. Tiến sĩ Ngô Thanh Huệ, Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt – Pháp nhận định ở Việt Nam, bố mẹ hay mang tâm lý con mình đẻ ra thì thuộc quyền sở hữu của mình, phải nghe mình tuyệt đối. Nếu đứa trẻ làm trái ý, họ có thể lập tức kết tội đứa trẻ là “ngu dốt”, “hư hỏng”, “ăn hại”.
Những lời mạt sát có khả năng thay đổi hành vi của trẻ theo hướng tiêu cực.
Chúng ta có xu hướng hành động theo mong đợi của người khác. Ví dụ, bạn vụng hơn khi ai cũng nghĩ bạn vụng, bạn nói nhiều hơn khi đồng nghiệp đánh giá bạn thú vị. Tương tự, đứa trẻ có nguy cơ trở nên xấu tính nếu bị gia đình nhận xét là xấu tính. Lời kết tội nặng nề xuất phát từ bố mẹ, những người lớn thân thiết nhất, khiến trẻ tin rằng mình thực sự là như vậy.
Ngọc, 26 tuổi, từng là niềm tự hào trong một gia đình giáo viên ở thành phố Nam Định. Cô là học sinh giỏi 12 năm liền và đặt mục tiêu vào Đại học Sư phạm Hà Nội theo nguyện vọng của bố mẹ.
Năm lớp 12, Ngọc có người yêu hơn 10 tuổi. Bố Ngọc rủa con là “Đồ lăng loàn!”, “Làm gái!”. Cô gái trẻ chia tay bạn trai. Lên đại học, cô lén cặp kè với những người đàn ông lớn tuổi, đi bar và tìm đến rượu bia, thậm chí lên các web nhạy cảm tìm “tình một đêm”. Lý giải cho hành động này, Ngọc bình thản nói “bố muốn tôi hư hỏng thì tôi hư hỏng”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Phong, Trung Tâm Hỗ Trợ Và Trị Liệu Tâm Lý Vincent, cho biết hai năm điều trị tâm lý vẫn không xóa mờ được tổn thương trong tâm hồn Ngọc. Cô không trở lại làm “con ngoan” được nữa.
Xúc phạm bằng lời nói là một dạng ngược đãi về mặt cảm xúc, đôi khi nguy hiểm hơn ngược đãi thể chất. Tiến sĩ Huệ cho biết những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh này thường rụt rè, tự ti, ít cơ hội thành đạt, không có chính kiến nên dễ bị lôi kéo.
Sự kiểm soát độc hại của bố mẹ như hàm cá mập, khiến trẻ không thoát ra được, mất khả năng bảo vệ bản thân, bất lực trước mọi tình huống. Nghiên cứu năm 2012 của Tiến sĩ Martin H. Teicher từ Đại học Harvard chứng minh trẻ hay bị ngược đãi về mặt cảm xúc khi lớn lên có nguy cơ trầm cảm cao. Một số trường hợp xuất hiện hành vi chống đối xã hội, khó khăn học tập, thậm chí tự tử.
Đặc biệt, đứa trẻ bị mắng mỏ thậm tệ sau này có thể trở thành bố, mẹ ngược đãi con. Có người 20-30 năm sau quay lại dằn vặt bố mẹ bằng chính những lời cay độc họ từng nghe hồi nhỏ.
Tú, 40 tuổi, lớn lên trong gia đình kinh doanh ở Khánh Hòa. Hồi bé, anh hay bị bố mẹ kêu “thằng ăn hại”. Đến lúc lập gia đình, anh hay so sánh con trai mình với các con vật, tát con khi cậu bé trái ý. Ngay cả bố Tú, mỗi khi lên tiếng, cũng bị anh mắng: “Ăn hại, biết cái gì”.
Trong tất cả ví dụ trên, các bố mẹ có điểm chung là không bao giờ lắng nghe, nói chuyện với trẻ. Thấy đứa con không như mong đợi, họ lập tức tấn công, buộc tội trẻ.
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, kể, bà nhận được phàn nàn của nhiều phụ huynh: “Tôi đã làm hết mọi thứ cho con mà sao nó vẫn hư?”. Đến khi được hỏi “Anh chị mỗi ngày dành ra bao nhiêu thời gian nói chuyện với con?” thì họ im lặng.
Trẻ con là những người lớn thu nhỏ, cũng có vô vàn nỗi niềm cần được sẻ chia. Thứ đứa trẻ khao khát, nhiều lúc chẳng phải vật chất, mà chỉ là một người sẵn sàng ở bên, chân thành lắng nghe và chỉ dạy.
Minh Trang
Theo VNE
Thần đồng IQ cao nhất thế giới từ bỏ công việc ở NASA để về với mẹ: Tôi không muốn sống như cái máy vô hồn, tôi hạnh phúc theo cách của mình
Mặc dù tiếc nuối nhưng hàng động rời bỏ NASA để sống theo cách mình muốn của thần đồng Kim Ung Yong đã trở thành niềm cảm hứng của giới trẻ tại Hàn Quốc, nơi đất nước có tình trạng tự tử xảy ra thường xuyên vì áp lực học tập.
Nhắc đến cái tên Kim Ung Yong, mọi người liền nhớ đến đây là thần đồng người Hàn Quốc có thành tích đỉnh cao nhưng cuộc sống đầy biến động. Theo tờ Business Insider, với chỉ số IQ 210, Kim Ung Yong đã ghi tên vào sách kỷ lục Guinness là người thông minh nhất thế giới.
Tài không đợi tuổi
Kim Ung Yong biết nói khi chưa đầy một tuổi, tới ba tuổi đã biết nói tiếng Nhật, Đức Anh và vào học ngành Vật Lý tại trường Đại học Hanyang (Hàn Quốc). Một năm sau đó, ông đã giải thành công một phương trình vi phân trên show truyền hình của đài Fuji ở Nhật Bản.
Vào năm tám tuổi đã qua Mỹ để tham gia nghiên cứu công trình của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ). Sau đó hoàn thành chương trình ĐH và lấy bằng tiến sĩ Vật lý tại Colorado State University trước năm 15 tuổi.
Từ nhỏ ông đã nổi tiếng toàn Hàn Quốc ông nổi tiếng vì có thể giải phương trình phức tạp. Ảnh: Korea Herald.
Mẹ là nguyên nhân khiến ông từ bỏ mọi thứ để làm lại từ đầu
Với mong muốn có cuộc sống bình thường như mọi người, đặc biệt là được sống cùng mẹ, Kim Ung Yong đã từ bỏ hào quang mà trở về quê nhà sinh sống.
Tuy nhiên điều này đã làm ông trở thành tâm điểm của dư luận khi quyết định nghĩ việc ở NASA (Mỹ) mà quay về làm công việc bình thường. Mặc dù phải chịu sự soi mói của công chúng, thậm chí bị truyền thông Hàn Quốc chê bai là "thần đồng thất bại", nhưng Kim Ung Yong đã bình thản cho rằng: "Mọi người hy vọng tôi trở thành chính trị gia xuất sắc hay nhà kinh tế đại tài. Nhưng tôi không nghĩ quyết định của mình là sự thất bại. Tôi thành công và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại".
Kim Ung Yong từng chia sẻ quãng thời gian làm việc tại NASA khiến ông cảm thấy cô đơn. "Khi ấy, tôi sống như một cái máy không hồn. Sáng thức dậy tôi lao vào giải quyết các công việc được giao đến tối, sau đó vòng tuần hoàn tiếp tục lập lại như thế. Tôi thực sự không biết mình đang làm gì nữa, tôi cô đơn và không có bạn bè", ông tâm sự.
Kim Ung Yong trong một lần xuất hiện trên The Korea Herald
Để có thể làm việc tại quê nhà, Kim Ung Yong đã phải bắt đầu lại từ con số 0, ông phải bắt đầu học từ cấp 1, lên cấp 2, cấp 3 rồi vào đại học. Nhưng với trí thông minh bậc nhất thế giới, ông lấy bằng tiểu học và trung học cơ sở chỉ trong 1 năm. Năm sau ông đã lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Vào năm 1981, Kim Ung Yong khi đó 19 tuổi đã đăng ký vào ngành kỹ thuật dân dụng ở Đại học Quốc gia Chungbuk. Sau khi tốt nghiệp, ông ra làm với vị trí là một nhân viên bình thường như bao người khác.
Hiện tại Kim Ung Yong luôn hài lòng với quyết định của mình khi ông gắn bó công tác giảng dạy tại Đại học Quốc gia Chungbuk từ đó đến bây giờ. "Mọi người đều kỳ vọng rằng tôi sẽ trở thành một quan chức cấp cao hay lãnh đạo công ty lớn. Thế nhưng, tôi không nghĩ rằng việc không làm được như những gì người khác kỳ vọng thì họ được quyền gọi tôi là thất bại", ông trả lời trên The Korea Herald.
Dù hay bị giới truyền thông mang ra so sánh với các thần đồng khác trên thế giới, nhưng Kim Ung Yong đã từng nói rằng: "Tôi đang cố gắng nói cho mọi người rằng tôi hạnh phúc theo cách của mình".
Là đất nước có cường độ học tập và trọng bằng cấp, Kim Ung Yong đã cố gắng thay đổi quan điểm giáo dục tại quê nhà.
Theo Helino
Hành vi của trẻ mẫu giáo bật mí thu nhập khi trưởng thành Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa hành vi của trẻ 6 tuổi và thu nhập hằng năm của họ 3 thập niên sau đó. Cách trẻ cư xử ở trường mẫu giáo có thể hé lộ khả năng kiếm tiền của chúng khi trưởng thành - Shutterstock Nghiên cứu mới được công bố trên JAMA Psychiatry xem xét...